Tuesday, September 3, 2013

Khi các cuộc khủng hoảng kinh tế xoay vòng

Kể từ đầu thập niên 90 đến nay có hiện tượng khủng hoảng kinh tế chạy vòng quanh từ Nhật Bản (1991); lan rộng khắp vùng Đông Á (1997); tràn vào Nga (1998); sang Nam Mỹ (1999); tiến đến Hoa Kỳ hai lần vào năm 2001 với bong bóng tin học (Hi Tech buble), tiếp theo năm 2007 khủng hoảng địa ốc và tài chánh; lây lan sang Âu Châu (2009); hiện đang ảnh hưởng khối các nước tân hưng (BRIC - 2013); và bắt đầu có dự đoán sẽ trở lại Hoa Kỳ năm 2015!

Người Mỹ có câu "Follow the money", nếu theo dõi các nguồn tư bản khổng lồ từ 20 năm nay mới thấy được căn nguyên các cuộc khủng hoảng.

1. Nguồn tiền thứ nhất khi tư bản Âu-Mỹ-Nhật tuông vào đầu tư ồ ạt sang Trung Quốc cùng các quốc gia đang mở mang sau khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt.
2. Lượng tài chánh thứ hai do các nước Đông Á tích tụ một trữ lượng tiền tệ khổng lồ nhờ vào xuất cảng nên chảy ngược gởi về Hoa Kỳ.
3. Nguồn tiền thứ ba khi giá dầu thô tăng vọt từ 2002 khiến Nga và các nước Trung Đông thu vào lợi tức lớn,  một phần không ít chạy ngược sang sang Âu-Mỹ.
4. Nguồn tiền thứ tư tuy không lớn bằng các khoảng tư bản nói trên nhưng lại làm nổi bật tình trạng mất cân đối và tạo ra khủng hoảng Euro, xảy ra sau khi khối này thống nhất và tiền đổ vào Nam Âu đầu tư.

Trên đây là những đề tài cho nhiều cuộc nghiên cứu vô cùng sâu rộng khác, nội dung bài này chỉ nhằm phác hoạ vài nét chính trong mối liên hệ tài chánh giữa các cuộc khủng hoảng kinh tế để độc giả có ấn tượng về một thế giới đã trở nên nhỏ bé như thế nào chỉ trong vòng 20 năm qua.

1. 1997: khủng hoảng tài chánh tại Đông Á

    Trong khi Nhật Bản rơi vào suy thoái từ 1986 thì các nước Thái Lan - Mã Lai - Indonesia - Singapore - Nam Hàn phát triển liên tục 8-12% trong thập niên 90. Giới tư bản thấy hấp dẫn nên đổ tiền ào ạt vào các con rồng Á Châu, một phần qua FDI (đầu tư trực tiếp để xây nhà máy v.v...), phần khác với các khoảng cho vay ngắn hạn và mua bán cổ phiếu cùng địa ốc vào lúc các thị trường tài chánh mở cửa (financial liberization).

Tín dụng dễ dãi giúp nhà nước và doanh nghiệp Thái Lan vay mượn bằng USD để đầu tư thành cẩu thả bơm ra bong bóng địa ốc. Đến khi nguy cơ bị phát hiện thì các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy bằng cách rút lại các khoảng cho vay ngắn hạn. Doanh nghiệp Thái trước đây vay theo đô-la, đến lúc tiền Thái mất giá thì gánh nợ trở nên vô cùng nặng dẫn đến tình trạng phá sản hàng loạt. Cơn chấn động từ Thái Lan khiến nhiều nước vùng Đông Á như Indonesia và Nam Hàn bị vạ lây. IMF can thiệp nhưng đưa ra điều kiện khắc khe là những quốc gia này phải áp dụng chính sách thắc lưng buộc bụng ngặt nghèo khiến kinh tế khu vực bị co thắt.

2. 1998: khủng hoảng kinh tế tại Nga và các quốc gia lân cận

    Tăng trưởng toàn cầu chậm lại do khủng hoảng Đông Á nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng sụt giảm. Nga vốn là nước sản xuất dầu hoả và kim loại nên bị vạ lây. Cộng thêm tình trạng chính trị bấp bênh và tham nhũng cuối thời Yeltsin nên các nhà đầu tư ngoại quốc rút vốn khỏi Nga, ảnh hưởng dây chuyền sang các quốc gia lân cận (Estonia, Latvia, Belarus, Kazakhstan, Moldova, ....)

3. 1999: khủng hoảng kinh tế Nam Mỹ

    Chính quyền dân sự tại Argentina đang cố gắng hồi phục nền kinh tế từ sau chiến tranh với Anh tại quần đảo Faklands năm 1982. Họ cố giữ giá trị đồng tiền để chống lạm phát, nhưng do vậy lại ảnh hưởng đến xuất cảng. IMF cho vay với điều kiện thắc lưng buộc bụng nhằm giải quyết tình trạng nợ công quá cao (do chiến tranh, các khoảng chi tiêu vực dậy kinh tế và tình trạng tham nhũng khiến thuế má thất thu). Kết quả là kinh tế suy sụp, dân chúng biểu tình ồ ạt vì không có công ăn việc làm. Các nhà đầu tư quốc tế đang âu lo vì khủng hoảng Đông Á và Nga nên lại rút vốn chẳng những khỏi Argentina mà còn ảnh hưởng đến Brazil và Urugay.

4. 2001: bong bóng tin học tại Hoa Kỳ

    Bong bóng tin học (Hi-tech buble) ở Mỹ nổ bùng do tâm lý hồ hởi đầu tư vào công nghệ điện toán. Nhưng trái với các trường hợp khác, lần khủng hoảng này tuy lớn nhưng chỉ giới hạn vào các khoảng đầu tư trực tiếp trong ngành điện toán nên không lây lan sang lãnh vực tài chánh và những khu vực khác.

5. 2001-07

    Giai đoạn này tuy ổn định nhưng lại chính là sự an tỉnh trong tâm bảo trước khi hai cuộc đại khủng hoảng xảy đến tại Hoa Kỳ và châu Âu. Mấu chốt nơi hai nguồn tiền, một chảy vào Mỹ và một vào Nam Âu:
    - Đông Á và Trung Quốc phục hồi rất nhanh từ sau 1997. Các nước này tăng trưởng bằng cách thúc đẩy xuất khẩu, từ đó tích trử một khoảng ngoại tệ khổng lồ nhằm ngăn chận trường hợp bị tư bản nước ngoài thao túng như trước đây. Song cả hai mục tiêu này đều cần đến một thị trường tiêu thụ và tài chánh rất lớn nên chỉ có Hoa Kỳ hội đủ cả hai điều kiện. Do đó Đông Á theo chính sách chung, giữ giá tiền thấp nhằm bán hàng sang Mỹ; sau đó dùng thặng dư mậu dịch để mua lại nợ công của Hoa Kỳ và kềm giữ hối đối!
    - Chiến tranh vùng vịnh cùng kinh tế Đông Á tăng trưởng khiến giá dầu nhảy vọt hơn gấp ba lần. Nga và các nước Trung Đông thu vào nguồn lợi khổng lồ nên cũng lại đầu tư hoặc gởi tiền sang Tây Phương.
    - Riêng tại Âu Châu nước Đức sau 10 năm thắt lưng buộc bụng để thống nhất hai miền Đông-Tây đã trở thành nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực. Sau khi khối Euro sát nhập, mậu dịch trở nên thuận tiện các ngân hàng Đức đã dễ dãi cho vay tín dụng sang Nam Âu nhằm bán hàng hoá sản xuất từ Đức.

6. Hoa Kỳ - khủng hoảng địa ốc và tài chánh 2007

    Tiền đổ vào Mỹ không dùng trong tăng trưởng sản xuất (vì sản xuất chạy sang Đông Á) nên thổi phòng thị trường địa ốc. Tín dụng quá dễ dãi và giá nhà tăng nhanh khiến các tay phù thủy ngành tài chánh và ngân hàng lại vẽ ra nhiều kiểu đầu tư mới để bơm tiền vào bong bóng cho nhanh hơn. Đến khi bóng nổ thì không những giá nhà rơi xuống rất nhanh mà còn ảnh hưởng đến cả ngân hàng và bảo hiểm vì không ai biết công ty nào ôm bao nhiêu nợ xấu.

Kinh tế suy thoái và chiến tranh khiến ngân sách Hoa Kỳ bị thâm thủng nặng nề. Nợ công lên đến 17 ngàn tỷ USD nhưng Quốc Hội và Hành Pháp vẫn không đồng ý về chính sách thuế khoá và tài chánh nên sẽ là một gánh vô cùng nặng trong tương lai.

Ngân Hàng Trung Ương đã tung vào 4 ngàn tỷ USD để cứu vớt ngân hàng và doanh nghiệp, đồng thời giữ mức lời ở mức cực thấp để vực dậy ngành địa ốc. Nhờ vậy nên kinh tế Hoa Kỳ hiện đang hồi phục chậm chạp.

7. 2009: khủng hoảng khối Euro

    Cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ khiến giới tài chánh Tây Phương rúng động và xem xét kỹ lưỡng sổ sách nên mới phát hiện ra nước Hy Lạp che dấu thống kê để mượn tiền.

Kinh tế Hy Lạp rất nhỏ chỉ bằng 2% GDP của khối Euro - tức khoảng một thành phố lớn như Miami tại Mỹ - lẻ ra không thể đe doạ toàn khối. Nhưng các ngân hàng Đức, Pháp, Tây Ban Nha cho vay nên bị vạ lây. Từ nổi lo âu nói trên mới dấy lên sự kiện là nhiều nước Nam Âu như Ý và Bồ Đào Nha bị bội thu ngân sách. Hình ảnh toàn khối giống như đám người bị cột chặt vào nhau (bởi đồng tiền chung Euro) nhưng khi cùng rơi xuống nước lại không chịu hợp tác (bởi mỗi nước vẫn có nhà nước và ngân sách độc lập) nên kéo nhau chết chùm.

Để kết luận, tiền cũng giống như nước: khi các rào cản được mở ra (nhờ vào công nghệ thông tin và Chiến Tranh Lạnh chấm dứt) thì tự động tìm nơi trũng hay chổ có nhiều lợi nhuận để tuông vào. Nhưng khi dồn vào quá nhanh thì sẽ sinh ra lụt lội.

Các khối Âu-Mỹ-Nhật tung ra khoảng 6 ngàn tỷ USD để đối phó với khủng hoảng. Một lượng tiền lớn chạy về các nước tân hưng (BRIC) vốn phát triển nhanh chóng trong khi Tây Phương trì trệ. Nay các nước công nghiệp có dấu hiệu phục hồi thì tiền rút ngược lại khiến các quốc gia gồm Ấn Độ, Nga, Brazil gặp rất nhiều khó khăn.

Trung Quốc hiện đang phải đối đầu với những thử thách lớn: Bắc Kinh trước đây đầu tư rất mạnh để giữ phát triển 10% trong lúc kinh tế thế giới suy thoái, nay phải tìm cách cắt giảm đầu tư do thị trường xuất khẩu thu hẹp lại. Muốn tăng trưởng phải đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, nhưng cải tổ sang mô hình kinh tế mới đòi hỏi nhiều thay đổi rộng lớn về chính trị để đối phó với các nhóm lợi ích.


Xem ra nền kinh tế toàn cầu sẽ còn nhiều bấp bênh trong nhiều năm tới đây.

1 comment:

  1. Kính TS Nguyễn Hưng Quốc:

    Tôi rất appreciate các bài viết của ông, tuy có ít điểm chưa đồng ý, nhưng xin đề nghị một điểm nhỏ để bài và trang blog tăng thêm giá trị sẵn có.
    Đó là TS vui lòng săn sóc hơn về chính tả tiếng Việt, hiện có nhiều lỗi rất căn bản, có thể khiến giới học thuật và chuyên viên ở Việt Nam đánh giá tác phẩm nhẹ đi.
    Góp ý để mong những quan niệm của TS được phổ biến và thấm nhập sâu rộng hơn.

    DC-Viet (Độc giả người Việt từ Washington D.C.)

    ReplyDelete