Wednesday, September 18, 2013

Nền ngoại giao Mỹ bấp bênh với ngoại trưởng John Kerry

Hai nhận xét có thể tóm tắt kết quả của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ trong vòng 7 tháng kể từ ngày ông John Kerry nắm chức vụ ngoại trưởng: trong khi vùng Đông Á Thái Bình Dương quan ngại rằng Mỹ không chú trọng vào khu vực giống như thời bà Hillary Clinton thì Trung Đông lại thắc mắc liệu Hoa Kỳ có đủ cương quyết để thực hiện các quyết định khó khăn hay không.

Tại cuộc Hội Nghị cấp Ngoại Trưởng ở Brunei vào tháng 7-2013 nhiều nhân vật Á Châu đã bài tỏ mối quan tâm rằng Hoa Kỳ đang bị lôi kéo vào các tranh chấp tại Trung Đông nên sao nhãng đến khu vực Đông Á như đã từng xảy ra trước đây dưới thời Tổng Thống Bush - một mối lo âu bắt nguồn từ cả kinh nghiệm chính trị lẫn số lần ông Kerry viếng Âu Châu và Trung Đông so với sang Á Đông. Ngoại trưởng Mỹ đã trấn an rằng khu vực Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng ngay sau đó Hoa Kỳ bị cuốn hút vào cuộc đảo chánh tại Ai-Cập rồi đến tình hình sôi động ở Syria.

Riêng tại Syria thì chưa bao giờ Hành Pháp Mỹ bị rơi vào thế cô lập như vừa qua: chỉ có một đồng minh duy nhất là Pháp cam kết tham dự nếu xảy ra chiến dịch quân sự, trong lúc 60% dân chúng Mỹ và đa số trong Quốc Hội đều chống can thiệp. Sáng kiến của Nga để quốc tế giám sát kho vũ khí hoá học của Syria giúp cho Tổng Thống Obama thoát khỏi mất mặt trong trường hợp Quốc Hội bác bỏ việc tấn công quân sự, nhưng đồng thời đem đến ba hậu quả: Mỹ ngày càng khó xử dụng biện pháp quân sự ngay cả khi Syria dùng thủ đoạn câu giờ; Tổng Thống Assad trở lại vị trí nằm trong các cuộc thương lượng quốc tế thay vì bị cô lập như trong hai năm qua; hơn hết, đây là một chiến thắng ngoại giao ngoạn mục của Tổng Thống Nga Putin.

Nhiều người cho rằng chiến lược quốc gia do Tổng Thống an bày còn các Bộ Trưởng chỉ thừa hành - nhưng nói như vậy là chưa có kinh nghiệm quản lý. Tạm thí dụ thời giờ của ông Obama dành 60% cho kinh tế và chính trị nội bộ trong xứ Mỹ, 40% còn lại phải chia ra nhiều ít khác nhau cho khủng bố Hồi Giáo, Âu Châu, Trung Quốc, Nga, Trung Đông, Nhật, Bắc Hàn, Ấn Độ, Đông Nam Á v.v... Tổng Thống cần một ban tham mưu giỏi để bày trận đồ cho dù ông là người nắm trách nhiệm về các quyết định tối hậu trong những tình huốn khó khăn nhất.

Việc Tổng Thống Obama bất ngờ hỏi ý kiến của Quốc Hội trước khi tấn công Syria - theo tin tức báo chí không hề có thảo luận trước đó với ngoại trưởng Kerry - cho thấy Hành Pháp bị cô lập vào một tình thế nan giải, vì đánh thì dễ nhưng rồi sau đó giải quyết như thế nào các hệ lụy của chiến tranh thì ngành ngoại giao không có phương án nào cả. Theo nhận xét chủ quan của người viết thì nếu bà Clinton còn là ngoại trưởng thật khó lòng ông Obama đi một nước cờ như vậy mà không tham khảo trước với bà Clinton do cả tính quyết đoán và uy tín của bà trên quốc tế và đối với Obama.

Sự kiện thứ nhì khi ông John Kerry buộc miệng nói một câu mà không hề chuẩn bị trước rằng Hoa Kỳ sẽ không tấn công nếu Syria trao quyền kiểm soát kho vũ khí hoá học. Chỉ ít phút sau đó Nga và Syria nắm lấy cơ hội để biến thành một giải pháp ngoại giao - cho dù sau này tiến triển có thuận lợi thì đây vẫn được xem là chiến thắng lớn của Nga bắt nguồn từ sự hớ hênh của Ngoại Trưởng Kerry.

Một sự kiện bên lề liên quan đến ông Kerry và Việt Nam khi chuyến công du Hoa Kỳ của Chủ Tịch Trương Tấn Sang được tổ chức một cách rất vội vả và bất ngờ, nhưng chắc chắn là phải thông qua sự đồng ý của Bộ Ngoại Giao Mỹ. Kết quả sau đó lại mù mờ gần như không có tiến triển nào đáng kể về cả mặt nhân quyền (thả Nguyễn Phương Uyên nhưng lại tiếp tục các cuộc đàn áp và bóp nghẹt tự do thông tin) lẫn quân sự (Mỹ vẫn không bán vũ khí cho VN), ngoại trừ lời cam kết về TPP trước cuối năm nay. Chúng ta không hiểu rằng ông John Kerry đã tính toán gì khi đồng ý với chuyến viếng thăm này và kết cục đạt thành bại ra sao!

Trở lại Đông Á hiện nhờ vào chính sách cứng rắn của Nhật và Phi khiến Bắc Kinh bực tức nên giữ được mối quan tâm của Mỹ. Đây cũng là bài học cho các quốc gia nào cần sự hợp tác với Mỹ, rằng ngành ngoại giao của Hoa Kỳ lúc nào cũng bị chi phối bởi nhiều khuynh hướng đối nghịch: nếu những nước này tỏ ra quyết tâm tự cứu mình (điển hình nhất là Do Thái) thì mới tạo ra những xáo trộn và giữ được sự chú ý của Mỹ. Còn nếu nhủng nhặn để giữ hoà khí trong khu vực thì chẳng có lý do gì cho Hoa Kỳ can thiệp.

Khuynh hướng chống tái cân bằng lực lượng sang Thái Bình Dương để tập trung vào Trung Đông vẫn tồn tại, cho dù không ồn ào nên chúng ta không đánh giá được thế lực trong hậu trường của nhóm này như thế nào. Nhưng thỉnh thoảng có vài bài viết "ngớ ngẫn" lại được đăng trên các tạp chí lớn, tác giả là những nhà nghiên cứu hàng đầu nên quan điểm xem ra dù hàm hồ ắt hẳn phải có hậu ý, nội dung xem Trung Quốc là một nước thân thiện nếu Hoa Kỳ không bảo vệ Đài Loan [1] hoặc không chuyển trục về Đông Á [2].

Riêng cộng đồng người Việt không có tiếng nói trên báo chí Mỹ lẫn thế lực chính trị hậu trường, nhưng ít nhất cần phải có quan niệm đúng đắn khi làm cử tri bỏ phiếu. Suy nghĩ cho rằng Hoa Kỳ lúc nào cũng phải có chính sách ngoại giao cứng rắn tại mọi nơi trên thế giới không còn phù hợp nhất là sau khi Mỹ đã bỏ hàng ngàn tỷ USD tại Trung Đông nhưng nay tình hình khu vực ngày càng tồi tệ và bị nhiều tín đồ Hồi Giáo thêm chán ghét. Hoa Kỳ phải lợi dụng ưu thế mới của một quốc gia sản xuất năng lượng để giảm lệ thuộc vào Trung Đông, tạo khoảng cách và thời gian cho khối Hồi Giáo quyết định về tương lai của họ. Trung Quốc hiện cần dầu hỏa Trung Đông nhiều hơn Hoa Kỳ thì Bắc Kinh phải có trách nhiệm trong khu vực, chớ không thể kéo dài tình trạng Mỹ tốn kém về quân sự và ngoại giao để rồi Hoa Lục hưởng lợi bán tivi tủ lạnh và trúng thầu mua dầu hoả.

Khu vực mà nước Mỹ cần thể hiện quyết tâm chính ở Đông Á vốn là vùng năng động nhất trong thế kỷ thứ 21, và cũng là nơi mà Hoa Kỳ được tiếp đón để cân bằng với áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc - chính sách nói trên phù hợp với nguyện vọng của cử tri gốc Việt thay vì theo đuổi vai trò sen đầm tại Trung Đông.

Sau rốt để nhắc lại bài học lịch sử năm 1975: các thế lực hậu trường đã khiến Hoa Kỳ rút bỏ khỏi Đông Nam Á để tập trung về Trung Đông, cho dù khi đó những ván bài Domino còn lại (Thái Lan, Mã Lai, ....) không biết có sẽ liên tiếp rơi rụng hay không. Tương tự như vậy hiện có ý kiến là Hồi Giáo cực đoan hay Iran sẽ lan tràn ra Trung Đông nếu Mỹ giảm nhẹ can thiệp; nhưng chúng ta chỉ biết rằng Hoa Kỳ đã tốn rất nhiều nhân vật lực mà tình hình ngày thêm tồi tệ, trong khi mỗi bước sa lầy là một lần sao nhãng về Đông Á.

***

[1] Xem Foreign Affairs số tháng 3/4 năm 2011. Bài viết trang đầu mang mang tựa đề “China‘s Rise lead to War?” (Liệu sự trổi dậy của Trung Quốc có sẽ dẫn đến Chiến Tranh) của Giáo Sư ngành Chính Trị Học Charles Glaser thuộc trường Đại Học George Washington University


[2] Xem The Diplomat số ngày 03 tháng 09, 2013: Air-Sea Battle - A Dangerous Way to Deal with China của Giáo Sư Amitai Etzioni thuộc Đại Học George Washington University

No comments:

Post a Comment