Friday, November 1, 2013

Việt Nam học gì từ Trung Quốc?

Việc thành lập Viện Khổng Tử tại Hà Nội làm dấy lên một làn sóng tranh luận về quyền lực mềm của Trung Quốc. Nhiều khía cạnh tiêu cực đã được phân tích nên sẽ không nhắc nữa trong bài này, trái lại người viết muốn đưa ra vài khía cạnh mà thiết nghĩ cả nhà cầm quyền lẩn dân chúng Việt Nam cần suy nghĩ để học hỏi từ Hoa Lục - tuy không phải nơi nền văn hoá truyền thống nhưng lại liên hệ đến nhiều vấn đề trong vòng 30 trở lại đây.

***

Sau biến cố Thiên An Môn đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ký kết một khế ước không thành văn với dân chúng: đảng duy trì độc quyền lãnh đạo nhưng bù lại có trách nhiệm canh tân hoá đất nước và cải thiện đời sống của dân chúng thì mới tạo tính chính đáng cho chế độ. Qua quá trình phát triển nhiều tệ đoan nảy sinh như nạn tham nhũng bè phái và ô nhiễm môi trường, nhưng đồng thời không nên phủ nhận các thành quả đáng kinh ngạc với mức độ tăng trưởng 10% trong vòng 20 năm; hơn 300 triệu người dân vùng duyên hải vượt khỏi mức nghèo khó để đạt đến mức sống trung lưu; nền kinh tế triển vọng tiến lên hàng đầu thế giới trong vài thập niên tới nếu không có những xáo trộn nội bộ.

Trái lại Việt Nam sau chỉ vài bước phấn khởi ban đầu trong giai đoạn đổi mới hiện đang khựng lại và có nguy cơ rơi vào bẩy sập của mức thu nhập trung bình khi nền kinh tế nằm lì ở mức 5%. Việt Nam và Trung Quốc cùng mở cánh cửa thị trường vào cuối thập niên 1980, tạm cho là cùng phạm các sai lầm như nhau, nhưng nếu khéo lèo lái thì lẻ ra Việt Nam phải đứng hàng thứ nhì ở Đông Nam Á chỉ sau Singapore giống như Hoa Lục tiến  hàng nhì thế giới chỉ kém Hoa Kỳ. Nhưng Việt Nam lại thụt hậu phía sau thuộc các quốc gia chậm tiến như hiện tại. Như vậy dù cả hai đảng Cộng Sản đều thiếu tính chính đảng nhưng lãnh đạo Hà Nội còn kém hơn Bắc Kinh rất nhiều.

Nhà cầm quyền Trung Quốc rất sợ giá cả tăng cao sẽ là giọt nước tràn ly khiến dân chúng nổi loạn nên bằng mọi giá kềm giữ lạm phát dưới 3%. Trong khi đó Việt Nam lạm phát gần 20% đến nay rơi xuống dưới 6%, như vậy cũng thêm yếu tố so sánh khả năng và mối ưu tư giữa hai tầng lớp lãnh đạo.

Cả hai nước đều có chiến dịch bài trừ tham nhũng nhưng tại Trung Quốc còn thấy nhân vật hạng nhì hạng ba vào tù - dân chúng tuy biết rỏ đây chỉ là bề ngoài của một cuộc tranh giành quyền lực nhưng ít ra cũng xem được một tấn tuồng thống khoái. Còn ở Việt Nam có một bộ phận không nhỏ suy thoái, đấm đá chửi rủa kịch liệt lẩn nhau nhưng chờ mãi chẳng thấy kết cuộc hạ màn nào đẹp mắt!

Sau hết bài học quan trọng nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam cần xét lại chính từ nơi Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình: khi giữa Nga-Trung tranh chấp vào thập niên 70 thì họ không ngần ngại vất bỏ chiêu bài đoàn kết vô sản để công khai bắt tay với trùm tư bản Hoa Kỳ nhằm bảo vệ quyền lợi đất nước. Lãnh đạo Trung Quốc ý thức rất rỏ thế lực nào là thù địch nên không hề do dự lấn cấn theo kiểu bị vòng kim cô 16 chử vàng 4 tốt siết đầu.

***

Phần trên về mặt nhà nước, còn dưới đây là những điều xả hội Việt Nam nên học hỏi người Hán.

Nhật thua nên cố gắng bắt kịp Mỹ; Hàn bắt chước theo Nhật; Hoa Lục lại chạy rượt đuổi cả Nhật lẫn Hàn. Ba nước này đều học hỏi lẩn nhau để tiến bộ.  Riêng Việt Nam tuy chưa giàu có nhưng xã hội đã xô bồ quá độ: khắp đường phố già trẻ giàu nghèo ăn nhậu không kể giờ giấc. Tuy không bằng nhưng lại chê Mỹ chẳng biết hưởng thụ, Nhật đời sống máy móc, Tàu kém văn hoá - tuy là lời trà dư tửu hậu nhưng thường xuyên được thể hiện đến mức có thể ăn sâu vào tâm thức để phá hoại ý chí cầu tiến của dân tộc.

Tôi đi đến Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến: kẹt xe khói bụi nhưng không nơi nào tình trạng giao thông hổn mang như ở Sài Gòn, Hà Nội. Đa số các thành phố trên thế giới chia ra thành khu công nghiệp, khu nhà ở, khu hội hè. Chỉ riêng tại Việt Nam tiện lợi hơn nhiều vì ngỏ ngách nào cũng có đủ mọi thứ. Người ngoại quốc đến du lịch rất thích bởi lạ mắt, nhưng thử hỏi khi về nước trước căn nhà họ đang ở bất ngờ đối diện mở quán karaoke, bên phải cho gởi xe đạp, bên trái là tiệm tắm hơi... thì còn gì là nề nếp xã hội!

Tôi làm việc với các hãng Huawei, ZTE, Lenovo nên thấy cách thức tổ chức sạch sẻ và trật tự không thua gì những công ty Tây Phương. Kỹ sư của họ đào tạo trong nước 10 năm trước đây còn kém, nay tuy vẫn thua Âu-Mỹ nhưng tiến bộ rỏ rệt về cả tiếng Anh lẩn chuyên môn (trong khi mức lương còn rẻ hơn rất nhiều). Tôi không có dịp làm việc tại Việt Nam nhưng theo tin tức báo chí thì môi trường giáo dục vẫn còn rất lộn xộn.

Các chuyên viên Hoa giống như Hàn-Nhật làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày nên đất nước tăng trưởng rất nhanh. Tôi không biết năng lực làm việc tại Việt Nam hiện như thế nào trong lúc còn thua kém nước ngoài rất xa.

Riêng ở Hoa Kỳ các sinh viên học sinh Việt Nam tuy học giỏi nhưng cần cố gắng hơn nửa để bắt kịp các em gốc Hoa hay Ấn: không ít các trường học có 10 em thủ khoa thì khoảng 6 gốc Hoa, 3 Ấn rồi còn lại 1 hay 2 thuộc giống dân khác.

Khoảng 50% các nhà quan sát tiên liệu là Trung Quốc sẽ khựng lại vì các khó khăn nội tại, trong lúc phân nửa còn lại dự đoán Hoa Lục sẽ tiến lên hạng nhất. Nhiều người nhận xét bề ngoài hào nhoáng của Bắc Kinh Thượng Hải chỉ che dấu mối rạn nứt trong xả hội, nhưng tôi vẫn cho là sức mạnh của Hoa Lục đến chính từ sức học và nổ lực làm việc trong dân chúng - tuy bị chỉ trích là bắt chước, ăn cắp, tham lam nhưng vẫn còn điều đáng noi theo... tuỳ do người Việt chọn lựa để học hỏi vì chúng ta còn thua họ rất nhiều.

***

Nhiều gia đình ưu tú của người Mỹ nhìn xa cho con cái học tiếng Hoa vì trong thế kỷ 21 khoảng 40-60% mậu dịch toàn cầu sẽ đến từ Á Đông. Hoàn cảnh Việt Nam khó xử hơn nhiều do bên cạnh vấn đề thương mại còn thêm các ưu tư về độc lập, chủ quyền và văn hoá. Chúng ta chưa có câu trả lời nhưng cũng không thể hoàn toàn cưỡng lại sức thu hút vô cùng mạnh của một cường quốc láng giềng đầy tiềm năng và tham vọng.


No comments:

Post a Comment