Saturday, January 11, 2014

Edward Snowden tạo ra một cuộc đối thoại giữa nhà nước và công dân

Vụ án Edward Snowden làm chấn động nước Mỹ nhưng đồng thời cho thấy sức sinh động trong xả hội dân chủ luôn đi tìm một sự thăng bằng giữa quyền lực nhà nước và tự do của công dân.

Để tóm tắt câu chuyện: Edward Snowden là cựu nhân viên ngành tin học của NSA (Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ). Anh đã lén lúc thu thập hàng trăm ngàn tài liệu mật rồi tẩu thoát ra nước ngoài để phanh phui trên báo chí quốc tế rằng NSA đã theo dõi hàng tỷ cuộc trao đổi riêng tư trên điện thoại và Internet của công dân Mỹ cùng nhiều chính quyền nước bạn. Edward Snowden hiện đang cư trú tạm thời tại Nga trong vòng một năm để tìm một quốc gia khác cung cấp cho anh quyền tỵ nạn chính trị.

Đối với đại đa số người xử dụng các phương tiện truyền thông Internet thì việc bị ghi chép thường được chấp nhận như sự cố “đương nhiên”, vì nếu các cơ quan nhà nước không theo dõi thì cũng bị thu thập bởi các đại tập đoàn tư bản khác như Yahoo, Google, AT&T v.v.... Một số đông còn xem đây là công việc bắt buộc để chống khủng bố vì các nhóm Hồi Giáo cực đoan xử dụng những dịch vụ công cộng trong thông tin và liên lạc. Sau rốt nhiều người còn cho rằng mình không làm gì phạm pháp thì cho dù nhà nước có thu thập tin tức cũng chẳng sao.

Nhưng khi chấp nhận một sự việc “đương nhiên” tức mặt nhiên trao cho nhà nước một quyền hạn tuyệt đối mà không thông qua thảo luận và đồng tình trong dân chúng. Người dân có trách nhiệm phải cảnh giác vì sớm muộn gì quyền hạn tuyệt đối cũng sẽ dẫn đến sự lạm dụng chà đạp lên quyền tự do công dân.

Những phanh phui của Snowden vô cùng tai hại cho hoạt động tình báo của Mỹ nên không ít người tố cáo anh là phản quốc. Nhưng càng ngày các tranh luận trên báo chí khiến cả dân chúng lẩn nhà nước đều đồng ý rằng cần thiết phải có những quy định rỏ rệt để công tác thu thập tin tức của các cơ quan an ninh được tiến hành trong khuông khổ pháp luật.

Một chính quyền không thể lợi dụng lý lẽ bảo vệ an ninh quốc gia để vi phạm Hiến Pháp và xâm phạm quyền tự do công dân.

Thiệt hại cho nước Mỹ vô cùng lớn: dư luận tại Tây Âu và Nam Mỹ cực lực phản đối các hành động theo dõi những nước đồng minh; Trung Quốc và Nga không khỏi khoan khoái khi thấy Hoa Kỳ bị dồn vào ngõ bí; các phong trào khủng bố tìm phương cách mới để tránh bị theo dõi. Nhưng mặt khác thế giới đang quan sát sức sinh động của xã hội Hoa Kỳ: kỷ thuật Internet còn quá mới khiến chưa có những quy định rỏ rệt nên ít nhiều mọi người dân trên các nước đều tin rằng mình bị theo dõi, nhưng chưa nơi nào đặt vấn đề với nhà nước như tại Mỹ!

Vụ án Snowden tạo ra những liên minh chính trị bất ngờ khi cánh bảo thủ lên án nhà nước vượt quá quyền hạn được quy định trong Hiến Pháp, còn khuynh hướng cấp tiến tố cáo chính quyền vi phạm quyền tự do công dân.

Vụ án Snowden còn cho thấy một khía cạnh khác là quyền tự do báo chí rất cần thiết để giữa dân chúng và chính quyền có những tranh luận lành mạnh, bởi báo chí có khả năng làm thay đổi dư luận. Riêng người viết trước đây cũng đồng tình với đa số dân Mỹ rằng Snowden phản quốc nhưng dần dần thay đổi ý kiến, cho đến nay trở thành trung lập chưa kết luận được việc làm của anh đúng hay sai. Nhưng cho dù tán thành hay chống đối thì ý thức của xả hội vẫn được nâng cao vì không thể trao quyền hạn tuyệt đối cho một nhà nước.

Tìm được sự cân bằng trong xả hội rất khó khăn như nhận xét của nhà lập quốc Benjamin Franklin: “Những ai đánh đổi các quyền tự do căn bản để đi tìm một chút an toàn ngắn hạn đều không xứng đáng để được hưởng cả Tự Do lẫn An Ninh” [1]. Cho dù chính quyền Obama và Quốc Hội rồi sẽ đưa ra những quy định như thế nào cũng không thể làm hài lòng tất cả, vì một số sẽ cho rằng quá khắt khe thành buộc trói các cơ quan tình báo còn số khác vẫn phản đối còn quá lỏng lẻo. Nhưng cho dù nước Mỹ còn đầy khuyết điểm – và tự vạch trần các khuyết điểm của mình nên vẫn được thế giới xem như một xả hội vô cùng sinh động, đi trước mọi người để tìm câu trả lời cho các vấn đề rất khó khăn.

***


[1] Those who would give up essential Liberty, to purchase a little temporary Safety, deserve neither Liberty nor Safety

No comments:

Post a Comment