Sunday, February 23, 2014

Chechnya, Georgia và Ukraine

Nước Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Putin tổng cọng cho đến nay đã 11 năm và trải qua ba lần khủng hoảng ở các vùng đất thuộc khu vực Cận Nga: cuộc chiến đòi ly khai của Chechnya, nhưng bị dập tắt vào năm 1999-2000; quân đội Nga tấn công vào Georgia để hổ trợ cho cánh thân Mạc Tư Khoa năm 2008; gần đây nhất là khi ông Putin dùng áp lực kinh tế và năng lượng để ngăn chận tiến trình của Ukraine sát nhập vào khối Âu Châu, dẫn đến cuộc cách mạng lật đổ Tổng Thống Viktor F. Yanukovych vốn có lập trường thân Nga trong tuần vừa qua.

Mỗi cuộc khủng hoảng đều mang nét đặc thù về xã hội, tôn giáo, chủng tộc cũng như nhắm vào những mục tiêu khác nhau, nhưng dù vậy chúng ta vẫn ghi nhận được một điểm chung: trong khi Tổng Thống Putin muốn phục hồi ảnh hưởng của nước Nga nơi các khu vực lân cận, thì ngay trong những vùng đất này nảy sinh ra các phong trào đối kháng đòi ly khai, hay ít nhất là một thành phần dân chúng không nhỏ cương quyết chống lại việc tái xây dựng một khối các quốc gia giống như Liên Bang Xô Viết của thế kỷ 20. Ba khuynh hướng chính trị xuất hiện tạo nên các tranh chấp: cánh thân Tây Phương (như trường hợp của Georgia và Ukraine), khuynh hướng Hồi Giáo (tại Chechnya và nhiều nước Trung Á), và cánh thân Nga do những quan hệ chủng tộc và số người gốc Nga sinh sống trong các khu vực nói trên.

Nói một cách khác, các vùng đất phiên bang và những quốc gia láng giềng đều không muốn thấy Mạc Tư Khoa phục hồi thế lực Đại Nga. Điều này chẳng khác gì với Trung Quốc, nơi mà các lãnh thổ Tây Tạng – Tứ Xuyên – Tân Cương và những nước lận cận như Nhật Bản, Việt Nam, Phi Luật Tân đều phản ứng khi Bắc Kinh bành trướng giấc mộng Đại Hán.

Có nhiều lý do nhưng được tóm gọn vào hai nguyên nhân chính: trải qua các lần bị lệ thuộc những nước nhỏ đều bị các đại cường láng giềng khổng lồ ức hiếp, đàn áp và bóc lột nên trong tâm lý dân tộc đã hun đúc sức đề kháng bền bỉ; hơn nửa, quan điểm gọi là khu vực ảnh hưởng truyền thống không còn đủ hấp dẫn khi các dân tộc ngày nay có thể hấp thụ từ mọi nền văn minh trên khắp thế giới thay vì lệ thuộc tinh thần vào những anh khổng lồ lân cận.

Chẳng hạn, các nước xung quanh trước kia xem Nga như trung tâm của nền văn minh Chính Thống Giáo; Trung Quốc là cái nôi của nền văn minh Khổng Giáo. Nhưng nay cả hai quốc gia này ngày nay đều không còn là mô hình văn hoá thu hút được xứ nào khác noi theo: chủ nghĩa Mác Xít bị phá sản; xã hội độc tài, bất công; tình trạng tham nhũng lan tràn và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; tài nguyên môi trường trong nước bị phung phí huỹ hoại. Trong khi đó nền ngoại giao của Nga và Trung Quốc nhắm vào hai mục tiêu rất rõ ràng, là ngăn chận ảnh hưởng của phương Tây để bành trướng thế lực của chính mình mà lại không đếm xỉa gì để đóng góp cho giá trị tinh thần của nhân loại.

Nga dùng sức mạnh năng lượng, Trung Quốc dùng mậu dịch để hàng phục các nước láng giềng. Cả hai lại xây dựng bộ máy quân sự ngày càng hùng mạnh nhằm đe doạ lân bang. Tuy vậy bài học bất ngờ nhất là khi Tổng Thống Putin hứa hẹn viện trợ 15 tỷ USD và giảm giá khí đốt 1/3 nhưng vẫn không mua chuộc được người dân Ukraine để dập tắt tâm lý bài Nga. Tiền không mua được thiện cảm thì sức mạnh quân sự cũng sẽ không khuất phục được lòng người.

Nga và Trung Quốc là hai nước lớn và họ có thể trở thành những đầu tàu cho sự phát triển và ổn định của thế giới. Tây Phương và các quốc gia láng giềng nhất thiết phải chấp nhận đây là những cường quốc với quyền lợi lớn trong khu vực. Nhưng đáng tiếc là các nhà lãnh đạo ở Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã không học bài học của quá khứ, vào thế kỷ 20 họ khai thác chủ nghĩa Mác-Xít nhưng nay đã lổi thời, nên đến thế kỷ thứ 21 họ lại khơi động tâm lý Đại Quốc cũng như vực dậy chiêu bài về nền an ninh cốt lõi trong khu vực ảnh hưởng truyền thống nhằm khuất phục các lân bang.

Nơi nào có áp bức, nơi đó sẽ có đối kháng.


No comments:

Post a Comment