Friday, September 25, 2015

Nợ….

Nợ vốn đã đau đầu, nhưng nợ nhà nước lại càng phức tạp hơn do các con số và bị những nhà kinh tế làm cho rối ren...

 

Nhưng có thể lấy thí dụ cho dễ hiểu: một nước đang phát triễn như sinh viên mới ra trường, trong khi quốc gia công nghiệp giống như người lớn tuổi đã có sự nghiệp. Tất nhiên thanh niên trẻ cần mượn tiền gia đình hay ngân hàng để mua xe tậu nhà lập gia đình tạo nên sự nghiệp, tương tợ như nước mới phát triển phải mượn nợ đầu tư vào đường xá, điện nước, phi trường, hải cảng, giáo dục, y tế v.v… Hạ tầng tốt tạo điều kiện cho kinh tế phát triển chẳng khác các cặp vợ chồng trẻ đặt nền móng chuẩn bị cho tương lai.

 

Nhưng rồi có người khi đồng tiền ra vào lại tiêu xài bậy bạ thay vì lo cho mai sau, cũng giống như các món nợ đầu tư lảng phí theo kiểu xây dựng tượng đài, phi trường, công trình hoành tráng nhưng kém hiệu quả kinh tế. Lại có kẻ mới đi làm có đồng lương nhưng không biết quản lý tiền bạc nên bị bạn xấu bòn rút, chẳng khác gì một nước mới phát triển nhưng tài nguyên công quỹ bị tham nhũng đục khoét. Theo một số nghiên cứu thì khi đầu tư hạ tầng chiếm trên 40% GDP là lúc một quốc gia đang mở mang đánh mất dần khả năng kiểm soát khiến đầu tư trở nên lảng phí.

 

Sinh viên mới ra đời tuy ít của cải nhưng lương bổng tăng nhanh so với người trưởng thành lương tăng chậm nhưng nhà cửa tài sản tích tụ đã nhiều. GDP của Trung Quốc trong vòng 20 năm tăng trưởng 10% thường niên trong khi của Hoa Kỳ chỉ tăng 2-4%, nhưng tài sản của nước Mỹ nhiều hơn Tàu đến 9 lần. Cho nên có người lý luận cho rằng ngay cả khi GDP của Tàu qua mặt Mỹ - tức là lương Trung Quốc vượt hơn lương của Hoa Kỳ nếu tính trên quốc gia chớ không bằng lợi tức đầu người – thì Mỹ vẫn giàu hơn Tàu.

 

Nợ có thể vay mượn từ gia đình hay bên ngoài, giống như nhà nước có thể vay mượn từ trong nước hay ngoại quốc. Trong nội địa chính quyền có hai khoảng thu nhập là thuế và nợ công. Nhà nước vay mượn trong nước bằng cách trực tiếp bán công trái cho dân chúng hoặc ngân hàng, các quỹ đầu tư và bảo hiểm tức là những nơi giữ tiền do dân chúng thác gởi. Sau đó chính quyền dùng tiền để xây cầu đường hay tài trợ cho các công trình địa phương và công ty nhà nước. Con cái bòn rút cha mẹ rồi đến khi túng thiếu năng nỉ để gia hạn hay tha nợ, huống hồ gì nhà nước là cha mẹ thì quịt nợ dân chúng còn dễ hơn. Một cách để trả nợ là tăng thuế; hay ấn hành nợ mới; hoặc bắt các ngân hàng xoá nợ; hay in bạc để trả nợ, bởi vì nhà nước có quyền in đồng tiền nội địa. Nhưng trên đời có vay có trả, dù chọn lựa cách nào thì cũng phải có bên thua lổ hoặc do thuế má lên cao, hay lạm phát tăng vì tiền mất giá, hoặc ngân hàng lổ lã nên không cho doanh nghiệp và tư nhân vay mượn. Nói cách khác phù phép cách gì đi chăng nửa dân chúng và khu vực tư nhân cũng lãnh hậu quả.

 

Nhân đây cũng nên nói về lạm phát: chủ nợ và người tiết kiệm lo tiền mất giá trong khi nhà nước cùng các con nợ lại trông vào lạm phát để cho nợ bốc hơi. Nói cách khác thì lạm phát chính là một thứ thuế vô hình để móc túi người dân.

 

Nợ nước ngoài mượn bằng đô-la trả bằng đô-la cho nên nhà nước không thể in thêm tiền nội địa để trả nợ. Đến kỳ hạn thì phải rút ngoại tệ dự trữ ra trả. Trong nhà còn đóng cửa dạy nhau, nhưng mượn tiền người ngoài nếu chậm trể thì bị kêu réo um sùm khó dấu. Khi dự trữ ngoại tệ xuống thấp khiến các doanh nghiệp cần buôn bán với nước ngoài khó đổi tiền đô-la thì họ phải mua ngoại tệ với giá chợ đen khiến tiền nội địa càng thêm mất giá. Tiền cũng có thể bị phá giá để cạnh tranh với các nước khác như trường hợp Việt Nam và Trung Quốc mới xảy ra gần đây. Các nhà đầu tư thấy tiền mất giá thì vội đổi sang đô-la để không bị thiệt thòi, rồi rút tiền về Mỹ hay các nơi an toàn khác như Âu-Nhật dẫn đến tình trạng tư bản tháo chạy gọi là capital flight.

 

Hai nền kinh tế lớn hàng nhì và ba trên thế giới là Trung Quốc và Nhật Bản đều mang nợ khoảng 200% GDP nhưng đa số là nợ trong nước, cộng thêm các khoảng dự trữ ngoại tệ khổng lồ nên nạn tư bản chảy ra nước ngoài không đe dọa thị trường tài chánh đến mức mất kiểm soát giá trị đồng bạc. Nga trước đây tích tụ ngoại tệ nhờ giá dầu tăng vọt nên có thể chống chọi 1-2 năm cho dù đồng rúp đến nay đã rơi giá thê thảm vì dầu hạ giá. Còn lại các nước đang mở mang như Brazil, Argentina, các nước vùng Trung và Đông Nam Á không có khoảng dự trữ lớn trong khi mua bán với Trung Quốc chậm lại nên đang phập phòng không biết tình trạng tư bản tháo chạy có sẽ xảy ra hay không.

 

Đối với cá nhân thì người trưởng thành thường không mượn nợ vì tài sản nhà cửa đã có, nhưng đối với các quốc gia công nghiệp hiện lại mang nhiều nợ hơn các nước đang mở mang. Một phần như tại Nhật dân số già nên nhà nưóc chi ra cho hưu bổng nhiều hơn thu vào từ thuế lợi tức và tiêu thụ; phần khác vì chính sách xã hội quá hậu hỉ như Châu Âu; hay vung tay tiêu xài vì … mượn nợ quá dễ như Hoa Kỳ. Các nước đang phát triển như Trung Quốc hay những quốc gia dầu hỏa vùng Trung Đông gởi tiền cho khối công nghiệp vay mượn, một phần vì họ cần giúp cho thị trường các quốc gia công nghiệp mua hàng hóa xuất cảng do đây là những khách hàng xộp, phần khác bởi tiền giữ trong nước sợ bốc hơi, giống như vợ chồng trẻ sợ tiền để trong nhà mang ra đánh bài nên đem gởi ông hàng xóm nhà giàu cho chắc ăn.

 

Nước mang nợ nhiều nhất thế giới là Hoa Kỳ thì phải xem là… ngoại hạng (exorbitant privilege). Mỹ mượn nợ bằng đô-la nên kẹt lắm in tiền đô-la để trả nên cho Hoa Kỳ vay mượn không thể mất vốn. Ngân Hàng Trung Ương đã in 4000 tỷ USD từ năm 2008 đến nay nhằm vực dậy nền kinh tế, theo lẽ thường lạm phát phải tăng và đô-la mất giá; nhưng ngược lại lạm phát tại Mỹ vẫn dưới 1% còn giá đô-la lại tăng nhanh tức trái hẳn với các quy luật kinh tế nhập môn. Đã có vô số bài viết tranh luận về sự kiện này kể cả trong các cuộc bầu cử Tổng Thống, nhưng thực tế vẫn là thế giới tiếp tục cho Hoa Kỳ mượn với tiền lời rẻ mạt 1%. Cho nên có nhiều kinh tế gia đòi Hoa  Kỳ không nên giảm mà phải tăng nợ, vay mượn nhiều hơn nửa trong khi lãi suất còn thấp nhằm đầu tư vào hạ tầng và thúc đẩy nền kinh tế khi phát triển còn chậm chạp.

 

Để hiểu lập luận này nên mường tượng ra hai cách trả nợ: hoặc bớt tiêu xài thắt lưng buộc bụng trả nợ theo kiểu Hy Lạp, nhưng rồi nghèo lại nghèo thêm; hay cứ mượn thêm nợ để đầu tư, đầu tư tăng giúp thu nhập tăng thì gánh nợ teo lại. Khuấy nước thành hồ hay mượn đầu heo nấu cháo cách nào cũng được cho nên nợ công là một vấn đề vô cùng phức tạp mà các kinh tế gia không bao giờ đồng ý với nhau.

No comments:

Post a Comment