Tuesday, November 28, 2017

Thế mạnh kinh tế Trung Quốc

Đồ Nhật trong thập niên 50-60 giống như xe hơi và điện thoại của Nam Hàn vào thập niên 80-90 bị xem là hàng nhái và rẻ tiền. Nhưng đến nay “made in Japan” đồng nghĩa với bền, đẹp và chất lượng trong khi các công ty Samsung, Hundai đã tiến lên ngang hàng với Apple, Toyota và vượt xa Nokia, Peugeot…

Trung Quốc tự tin rằng họ đủ khả năng đi theo bước chân các con rồng Đông Á. Chẳng những thế, khi nền kinh tế Nhật-Hàn trưởng thành nhưng vì dân số giới hạn nên chỉ nhắm vào giá trị gia tăng, trái lại Hoa Lục có 1.5 tỷ người để vét sạch từ thượng vàng đến hạ cám. Nói cách khác, nền kinh tế Trung Quốc đủ nhân lực sản xuất hàng hóa từ chất lượng cao bán sang Âu-Mỹ cho đến đồ dởm, hàng giả và độc hại đổ sang Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Phi Châu, Nam Á…

Trong lúc Hoa Kỳ bận rộn tốn kém 1500 tỷ USD cho “trật tự thế giới” ở Trung Đông thì tivi, xe gắn máy, điện thoại từ Trung Quốc lặng lẽ tràn ngập Iraq, Syria, Afghanistan cả trong chiến tranh lẫn giai đoạn tái thiết. Gần đây nhất nhà độc tài Mugabe vốn thân thiết với Bắc Kinh bị lật đổ nhưng người viết tin rằng nền kinh tế Zimbabwe sẽ không vì thế chuyển hướng sang Tây Phương: thứ nhất do giai đoạn khủng hoảng chính trị sắp tới tạo thêm cơ hội để Trung Quốc mua bán quyền lực, thứ hai vì dân chúng chuộng hàng rẻ, thứ ba nhận tiền từ Bắc Kinh không phải kèm theo các điều kiện rắc rối về dân chủ nhân quyền.

Đôi khi Hoa Lục gặp chống đối từ phía quần chúng như ở Miến Điện – Phi Châu, hay bị mất vốn đầu tư dầu hỏa sau cách mạng Lybia. Nhưng những trở ngại này chỉ tạm thời rồi sau đó thương mại một chiều tiếp tục phát triển mạnh. Điều Tây Phương không nhận ra là dân chúng các nước kém mở mang ưa chuộng tiêu thụ hơn là dân chủ, nên những nhà độc tài và hậu độc tài tại Phi, Miến, Thái, Lào, Cam Bốt chuyển trục sang Bắc Kinh ngày càng nhiều mà không bị sự chống đối rầm rộ của quần chúng. Chẳng ai ưa Trung Quốc nhưng dại gì chê tiền và hàng hóa rẻ!

Báo chí Tây Phương phê bình Trung Quốc đi đến đâu mang theo công nhân sang đó nên không tạo công ăn việc làm cho người bản xứ. Nhưng hai khía cạnh ít được nhắc đến: (1) trước đây các nước thực dân Âu Châu cũng đem dân sang sinh sống tại những quốc gia thuộc địa nhưng chỉ để làm chủ vì ít người; nay Trung Quốc xuất cảng cả thầy lẫn thợ nhờ dân đông: nhiều thanh niên người Hoa sang Phi Châu làm việc vài năm để dành tiền trở về quê cưới vợ, có người lại mang cả gia đình trở ra nước ngoài làm ăn vì có nhiều cơ hội buôn bán hơn tại Trung Quốc; (2) người Hoa ăn ít làm nhiều (sau buổi cơm chiều họ trở lại làm việc đến khuya) trong khi dân bản xứ ăn nhiều làm ít (5 giờ chiều là ngong ngóng về nhà) nên thuần túy trên phương diện thương mại xí nghiệp nào cũng muốn đem theo công nhân Trung Quốc.

Một lợi thế lớn khác khi người gốc Hoa có mặt ở Hoa Kỳ, Âu Châu, Nam Mỹ và Đông Nam Á từ hàng trăm năm nay nhưng vẫn giữ được ngôn ngữ của họ. Người gốc Hoa tốt nghiệp từ những đại học giỏi nhất, thành công suất sắc về nghiên cứu, kỹ thuật và trên thương trường. Đa số không thích nền chính trị Trung Quốc nhưng làm việc lương cao, cơ hội thăng tiến nhiều và đồ ăn hợp khẩu vị nên vẫn có một số người hợp tác. Một số đông khác tuy sống tại Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada, Úc, Nam Mỹ nhưng móc nối làm ăn với người Hoa ở Trung Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Thái Lan, Việt Nam để xây chợ, hướng dẫn đầu tư địa ốc, du học, du lịch, di dân và rửa tiền. Nhờ người đi trước dẫn đường nên tiền bạc từ Trung Quốc thâm nhập sâu và rộng hơn ảnh hưởng của Tây Phương ra khắp thế giới.

Gần đây các công ty Trung Quốc đầu tư vào Hollywood: nhiều phim do tài tử danh tiếng như Tom Cruise hay Matt Demon do Alibaba, Hua-Hua bỏ vốn (xin để ý xem phần đầu phim thì sẽ thấy). Victoria Secret cũng vừa mở một cuộc trình diễn áo sexy lộng lẫy tại Thượng Hải. Những nhà vẽ kiểu thời trang, điện ảnh, kinh doanh, tài chánh quốc tế ngày càng chú trọng đến thị trường Hoa Lục nên không lạ nếu trong vòng 10, 20 năm nữa Thượng Hải sẽ trở thành một trung tâm tài chánh và văn hóa ngang hàng với New York, Paris, London trên mọi phương diện.

Người Việt xem hàng Trung Quốc là đồ dỡm, hàng nhái. Ngược lại các kỹ nghệ gia hàng đầu khắp thế giới đều không dám xem thường mà lại đánh giá Hoa Lục sẽ bắt kịp, ngang hàng hay qua mặt Âu-Mỹ trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như Thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence), Năng lượng tái tạo (Renewable Energy) và Siêu máy tính (Supercomputer). Những công ty Alibaba, Baidu, Tencent chạy theo sát nút Amazon, Facebook, Google về cả tính năng động lẫn doanh thu và giá trị cổ phiếu như những con gà đẻ trứng vàng cho nền kinh tế Trung Quốc. Hảng điện thoại Huawei đã tiến lên hàng thứ 3 và ngấp nghé chờ Apple hay Samsung vấp phạm lỗi lầm để chiếm hàng thứ 1 như các công ty Motorola, Nokia, Blackberry từng bị giết chết trước đây.

Made in China gồm đồ giả, hàng ăn cắp, nhưng muốn ăn cắp cũng phải có … trình độ! Kỹ sư Trung Quốc sao chép kiểu mẫu xe hơi, hỏa tiễn, máy bay, tàu chiến, máy tính, xe lửa điện, lò nguyên tử… vì họ đủ căn bản thực dụng về kỹ thuật (tuy không hạng nhất nhưng đủ xài), siêng năng và đói ăn (dịch cụm từ hungry của Silicon Valley tức tham lam, năng động và sáng tạo chớ không phải thiếu ăn). Đây là chưa kể đến những lãnh vực không sáng tạo kỹ thuật nhưng cần nhiều khả năng chuyên môn về quản trị (management), tiếp thị (marketing), hạ tầng (logistic)… vô cùng phức tạp ở những đại công ty tầm vóc như Alibaba, Huawei, ZTE. Trong khi đó người Mỹ bản xứ ít chịu lên đại học, hay đi học thì theo các ngành luật, nghệ thuật, báo chí mong dùng mồm miệng đỡ tay chân thay vì chịu khó học toán.

Mỹ-Trung phải đối diện với hai vấn nạn giống nhau (1) một số đông dân chúng sẽ về hưu (2) khoảng cách giàu nghèo giữa các đô thị ven biển và vùng sâu nội địa tăng vọt tạo ra bất mãn. Nhưng tại Hoa Kỳ đa số người sắp hưu trí trước đây để dành tiền quá trễ nên nay chỉ còn cách bỏ phiếu đòi nhà nước tăng trợ cấp, còn những người mất việc trong nội địa thà lãnh tiền thất nghiệp còn hơn đi làm với đồng lương tối thiểu. Cho nên Mỹ núi nợ ngập đầu mà không đại diện dân nào dám đề nghị cắt giảm chi tiêu. Trái lại tại Trung Quốc về hưu trợ cấp ít nên dân chúng từ lâu quen để dành tiền; ở nông thôn không có việc làm thì di cư ra thành phố làm việc chấp nhận đồng lương rẻ mạt. Chỉ cần Bắc Kinh ngăn được bạo loạn không bùng nổ thì Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển kinh tế theo kiểu thượng vàng (với lớp chuyên gia thành thị) hạ cám (bằng đám công nhân rẻ mạt từ nông thôn) – cho đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy Đảng Cộng sản TH mất khả năng kiểm soát.

Hai nước Nhật-Hàn lệ thuộc lâu dài vào xuất cảng vì ít dân nên thị trường tiêu thụ nội địa không đủ lớn. Trung Quốc tiêu thụ nội địa hiện chỉ 40% GDP (so với Âu-Mỹ từ 60-70%) nên đang muốn chuyển hướng tránh lệ thuộc vào nước ngoài. Quá trình này gian nan như con cua đang lột vỏ, nhất là khi núi nợ lên đến 300% GDP, nền kinh tế Hoa Lục có thể bị mất trớn (slow growth) hay sụp ổ gà (khủng hoảng) nhưng khó lọt hố (abyss). Tiềm năng sản xuất và tiêu thụ của Trung Quốc còn rất lớn cho nên doanh nghiệp nước ngoài vẫn thèm thuồng nhảy vào cho dù đã nhiều lần ôm đầu máu rút lui hay bị chèn ép phải trao kiến thức kỹ thuật, đúng như Lenin đã nhận xét: tư bản sẳn sàng bán sợi dây thừng treo cổ họ nếu có lợi. Tập Cận Bình chỉ cần làm vài việc: (1) giữ cho dân Tàu đừng nổi loạn; (2) tạo cơ hội cho các tập đoàn thuộc diện con gà đẻ trứng vàng tăng trưởng nhưng không cho đè bẹp và giết chết tính cạnh tranh của những công ty nhỏ đang lên; (3) siết dần tín dụng nhưng không quá nhanh khiến các tập đoàn nhà nước con cưng, quan chức địa phương và thị trường địa ốc sụp đổ; (4) tiếp tục khuyến khích dân Tàu lo làm giàu mà quên đi dân chủ, nhân quyền. Đòi hỏi chứa đầy nghịch lý nhưng nếu ông Tập thành công đưa GDP Trung Quốc lên hàng số 1 có lẽ các chuyên gia Tây Phương phải moi óc xét lại tại sao lý thuyết kinh tế không dự đoán được thực tế. Người viết đồng ý với quan điểm của cựu Cố Vấn Chiến Lược Steve Bannon (người bị Tổng Thống Donald Trump đuổi ra khỏi Tòa Bạch Ốc cách đây không lâu) cho rằng 5 năm tới sẽ quyết định cho cuộc tranh hùng Mỹ-Trung trong thế kỷ 21 vì sau đó sẽ quá trể để Hoa Kỳ ngăn chận đà tiến của Bắc Kinh thành siêu cường hạng nhất 10-15 năm sau đó.


Điều đáng quan tâm là Bắc Kinh tuy khuyến khích cạnh tranh giữa các tập đoàn trong nước nhưng sẽ ngăn trở năng lực cạnh tranh tại các nước ở Đông Nam Á, Nam Á và Phi Châu để biến những quốc gia này thành nền kinh tế chư hầu cho Trung Quốc – với sự đồng lõa của các nhà cầm quyền trong mỗi nước

No comments:

Post a Comment