Saturday, December 23, 2017

Chỉ là kinh tế, đồ khờ! (It’s the economy, stupid)

Người Việt sống tại Hoa Kỳ thường nói nghèo ở Mỹ cũng được nhà nước lo đầy đủ hơn cả chục triệu người Việt Nam. Tuy đúng nhưng chỉ có điều dân Mỹ chẳng ai so đo với Việt Nam (chỉ trừ Mỹ gốc Việt) trong khi người Việt thì so sánh với cả trong nước lẫn hải ngoại!

Câu hỏi đặt ra tại sao Hoa Kỳ năm 2016 kinh tế đã hồi phục từ sau khủng hoảng 2007-08, thị trường chứng khoán và địa ốc tăng trưởng mạnh, chỉ số thất nghiệp rơi xuống con số rất thấp – dưới 5%, nhưng dân chúng phẫn nộ, xã hội bị phân hóa trầm trọng với kết cục bầu lên Tổng thống Trump? Trong khi đó tại Việt Nam lợi tức đầu người chỉ khoảng 1/20 bên Mỹ, các vụ lớn như Formosa, Tiên Lãng, BOT Cai Lậy… khiến nhiều người vô cùng bức xúc, nhưng không dẫn đến một phong trào phản kháng nóng bỏng như ở Mỹ?

Lý do chính vì không có bầu cử tự do và vì sự theo dõi kềm kẹp của công an Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó còn thêm một yếu tố quan trọng không kém, chính là nguyên nhân kinh tế, đồ khờ! (Câu này dịch từ châm ngôn bất hủ It’s the economy, stupid vốn đã giúp ứng cử viên Bill Clinton đắc cử năm 1992 vào chức vụ Tổng thống).

Cụ thể, thống kê của Pew Research Center cho thấy Việt Nam đứng đầu bảng với 88% dân chúng hài lòng về cuộc sống của họ hiện giờ khá hơn 50 năm trước, trong lúc tại Hoa Kỳ chỉ có 37% mang tâm trạng lạc quan về nước Mỹ [1]. Hơn thế nhiều nước dưới ngưỡng 40% gồm Brazil, Pháp, Hy Lạp, Ý, Argentina đều trải qua biến động chính trị trong vài năm vừa qua.

Việt Nam ngày nay không còn bị dội bom, pháo kích, đắp mô, giựt mìn sập cầu… Nhiều người khắc khe phê phán tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ mang lại tầng lớp tư bản đỏ và tăng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa dân chúng thành thị với công nhân và nông dân. Tuy nhiên không thể phủ nhận là điện nước, đường tráng nhựa đã vào đến nông thôn, còn công nhân nào cũng có điện thoại cầm tay (nhiều khi còn là iPhone đời mới).

Quan trọng hơn cả là tầng lớp trung lưu thành thị: giá nhà tăng vọt như tiền trên trời rớt xuống giờ đây ngang bằng với Cali, Paris, Hồng Kông, Sydney, v.v. Con cái đi du học nước ngoài ngày thêm đông. Người có tiền đi du lịch sang Âu-Mỹ, còn ít tiền thì được thân nhân bảo lãnh đi du lịch ra nước ngoài.

Xã hội Việt Nam (và các nước Đông Nam Á nói chung) vô cùng năng động: dân chúng nhanh chóng du nhập AirBnB, Uber và kiếm thêm tiền từ giao đồ ăn đến tận nhà cho đến hãng hàng không tư nhân, Bitcoin. Cho nên dù tham nhũng và hành chánh rườm rà nhưng vẫn là thị trường thu hút đầu tư nước ngoài.

Người Việt sống tại Âu-Mỹ trong 40 năm qua không hề trải nghiệm kinh tế tăng trưởng 6-7% nên khó hình dung mức sôi động trong xã hội, nhưng có thể tưởng tượng nếu bạn đang sống ở Thung lũng Điện tử Silicon Valley: mỗi lần nhảy việc là lương tăng vọt; hên thì gặp trúng cơ hội start-up thành triệu phú cả chục lần (multi-millionaire) chỉ vài năm; nhà cửa mỗi năm tăng 20-30% nên tài sản lớn là chuyện thường tình. Tuy khổ cực vất vả nhưng người tài vẫn dồn về Silicon Valley, chỉ còn lại những ai không bắt kịp thời cuộc đâm ra bất mãn chua chát.

Tại Mỹ, hàng chục triệu nhân viên các ngành luyện thép, hầm than, dệt may, sản xuất xe hơi, v.v. có thể bị thất nghiệp 10, 20 năm nhưng không hy vọng tìm ra việc làm mới tương đương. Ngay cả những ngành hái ra tiền như kỹ sư cũng lo sợ sau 50 tuổi sẽ bị đào thải. Cho nên lần đầu tiên từ ngày lập quốc Hoa Kỳ nhiều người dân Mỹ không tin rằng thế hệ con cháu họ sẽ khấm khá hơn ngày hôm nay.

Dân chúng thường không quên quá khứ nhưng quan tâm đến hiện tại nhiều hơn. Hoa Kỳ thoát khỏi trận Đại Suy Thoái 2007-08 dưới thời Obama, nhưng cử tri nổi giận thì bỏ phiếu cho Trump (thay vì bà Clinton). Dân Việt còn nhớ nguồn gốc của chiến tranh, nền kinh tế tập trung và chế độ bao cấp nhưng hiện đời sống đang khá lên thì không ai muốn đòi thay đổi ồ ạt vì cứ xem gương của Ai Cập hay Tunisia thì biết .

Trở về Á Châu, nhiều chính quyền độc tài ở Nam Hàn, Indonesia, Argentina bị sụp đổ từ sau trận khủng hoảng kinh tế 1998. Liệu tham nhũng và nợ xấu tại Việt Nam có sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái khi thế giới đi vào chu kỳ khủng hoảng kế tiếp hay không – It’s the economy, stupid.

Đ.H.Q.

[1] http://www.pewglobal.org/2017/12/05/worldwide-people-divided-on-whether-life-today-is-better-than-in-the-past/

No comments:

Post a Comment