Monday, June 10, 2019

Con rồng kinh tế Việt Nam đang cất cánh?


Báo chí Tây Phương hiện có chung một nhận xét rằng Việt Nam là bên thắng cuộc trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung [1] [2] [3]. Trong 3 tháng đầu năm 2019 Hoa Kỳ là nước mua hàng từ Việt Nam nhiều nhất với số lượng lên đến 13 tỷ USD (tăng 26%) trong khi Trung Quốc dẫn đầu xuất cảng sang Việt Nam với con số 15 tỷ USD (tăng 9.7%) [4]. Việt Nam hiện đứng hàng thứ 6 trong số các quốc gia Hoa Kỳ chịu thâm thủng mậu dịch nhiều nhất với cán cân chênh lệch lên đến 39.5 tỷ USD trong năm 2018 [5].

Nhận xét nói trên từ Âu-Mỹ tưởng chừng khác rất xa với cái nhìn của nhiều người Việt rằng tương lai kinh tế không thể khá lên khi cuộc sống ngày càng thêm khó khăn với giá xăng dầu gia tăng; môi trường, thực phẩm độc hại, văn hóa suy đồi, tai nạn giao thông, những chính sách thiệt hại đến lợi ích của người dân nhưng vun vén cho lợi ích nhóm.

Tuy vậy hai quan điểm không đối nghịch nhau mà chỉ phản ảnh hai bộ mặt của một vấn đề: Việt Nam hội nhập rất tốt vào toàn cầu hóa [7] nhưng tiến trình này lại làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo và những bất cập trong xã hội. Câu hỏi đặt ra là giữa những ưu điểm rất nổi bật cùng các khuyết điểm mang tính chất nền tảng liệu Việt Nam có sẽ cất cánh trở thành một con rồng kinh tế của Á Châu hay không?

Câu trả lời còn tùy thuộc vào cách nhìn thế nào là con rồng kinh tế: nếu mục đích là một quốc gia giàu mạnh, dân chủ, pháp trọng giống như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore thì không; nhưng để trở nên một nền kinh tế có trọng lượng lớn trong khu vực cho dù đầy dẫy những bất cập về chính trị và xã hội như Trung Quốc thì Việt Nam có thể làm được.


Nhận xét nói trên không gây ngạc nhiên vì Việt Nam noi theo mô hình phát triễn kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Nhưng từ đó để kết luận rằng Việt Nam có thể trở thành một con rồng Á-Châu là rút tỉa từ bài học của Hoa Lục vốn trái ngược với dự đoán của nhiều kinh tế gia Tây Phương rằng một xã hội toàn trị, bất công sẽ bóp chẹt sáng kiến và sự phát triễn của thị trường tự do. Cụ thể là nhiều chuyên gia đã tiên đoán rằng kinh tế Trung Quốc không thể lớn mạnh nếu không đổi sang thể chế dân chủ. Nhưng thực tế cho thấy trái ngược lại đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày càng củng cố vị thế trong khi kinh tế Hoa Lục không ngừng năng động tăng trưởng để có thể vượt lên trên Mỹ đứng hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm sắp tới.

Bề trái của bài học Trung Quốc là số người Hoa đông gấp 4 lần Mỹ, cho nên lợi tức mỗi đầu người Hoa chỉ cần hơn ¼ của dân Mỹ một chút là GDP của Trung Quốc sẽ vượt trội Hoa Kỳ. Nói cách khác lý thuyết về kinh tế vẫn đúng vì Hoa Lục khó vượt thoát bẫy sập của lợi tức trung bình (middle income trap) do những vướng mắc của một xã hội toàn trị. Nhưng nếu bao gồm cả chính trị vào kinh tế (political economy) thì những giới hạn này vẫn không đủ để ngăn cản Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu đủ để khuynh đảo trật tự thế giới.

Trở lại so sánh thì Việt Nam đông dân gấp 17 lần Singapore và 4 lần Đài Loan nên lợi tức đầu người dân Việt chỉ cần tăng trưởng liên tục vài năm thì GDP Việt Nam (2018: 234 tỷ USD) sẽ hơn Singapore (2018: 334 tỷ USD) hay Đài Loan (2018: 573 tỷ USD). Việt Nam lại có độ tăng trưởng (6.9%) nhanh hơn các nước đông dân khác ở Đông Nam Á gồm Thái Lan (3.9%) Indonesia (5%) Mã Lai (5%) và Phi (6.3%), nếu cộng vào các bước đột phá nhờ vào chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ trở thành một con rồng kinh tế Á châu.

Người Việt lại cùng chung truyền thống văn hóa Đông-Á với Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bổn, Đài Loan nên rất trọng học vấn. Lối học gạo và từ chương của vùng Đông Bắc Á tuy bị phê bình gắt gao nhưng kết quả vẫn đào tạo được một tầng lớp chuyên viên đủ tay nghề cho nhu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn chưa cần sáng tạo. Đây là lợi điểm quan trọng của Việt Nam so với Mã Lai, Indonesia, Phi và Thái Lan cho dù những nước này hiện có GDP lớn hơn Việt Nam, vì nền chính trị tại Việt Nam ổn định hơn nhờ không bị mối đe dọa của Hồi Giáo cực đoan.

Chính vì lợi tức phân phối không đồng đều nên tăng trưởng tại Việt Nam phần lớn tích lũy vào các tập đoàn lợi ích. Cho nên Việt Nam - giống như Trung Quốc - khó vượt thoát khỏi bẩy sập lợi tức trung bình nhưng ngược lại các tập đoàn kinh doanh tại Việt Nam sẽ thu vào nhiều vốn để xuất hiện thêm ra thế giới vào các ngành hàng không, dầu hỏa, viễn thông, v.v… và trong công nghệ sản xuất với giá trị gia tăng cao như điện thoại cầm tay, máy điện toán, linh kiện điện tử, v.v.... Tất nhiên mỗi bước tiến đều có bộ mặt trái của chúng: đầu tư ra nước ngoài là cơ hội để rửa tiền; đầu tư nước ngoài thua lổ vì thiếu kinh nghiệm; đầu tư sản xuất điện thoại phải cạnh tranh với Apple, Samsung. Tuy nhiên đây là tiến trình quặng thắt không thể tránh trong tăng trưởng.

Những thành quả của toàn cầu hóa thường tập trung tại các thành phố lớn. Cho nên số lượng người Việt tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẳng v.v. du lịch ra nước ngoài, gởi con đi du học hay đầu tư vào chợ búa, địa ốc ở ngoại quốc sẽ ngày càng tăng.

Thách thức trước mắt của Việt Nam vì thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lên đến 39.5 tỷ USD và đứng hàng thứ 6 trên thế giới (chỉ thua Trung Quốc, Mexico, Đức, Nhật và Ireland) nên hiện rơi vào tầm ngắm của Hoa Kỳ như một quốc gia thao túng hối đoái (currency manipulator) [5]. Kinh nghiệm cho thấy Việt Nam có chính sách ngoại giao rất khéo léo đối với Hoa Kỳ nói chung và với chính quyền Trump nói riêng: chẳng hạn Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong các nhà lãnh đạo đầu tiên gặp Trump năm 2017, nhưng trái với Merkel, Macron bất hòa với Trump về trật tự quốc tế  thì ông Phúc đã đưa “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” với nhiều hợp đồng trị giá 8 tỷ USD để làm hài lòng nhà tỷ phú địa ốc. Cho nên Chủ Tịch Nguyễn Phú Trọng khi gặp Trump năm 2019 có thể sẽ mang theo nhiều hợp đồng và những hứa hẹn khác để tránh không bị xếp vào hàng thao túng hối đoái.

Một cách thức để thao túng hối đoái là Việt Nam mua vào đồng USD nhằm kềm giá đồng bạc VND. Kết quả là những hàng hóa nhập cảng như xăng dầu trở nên đắc đỏ vì phải hổ trợ hàng xuất cảng giá rẻ so với tiền đô-la. Việt Nam hiện tích lũy khoảng 50 tỷ USD, số tiền này đã giúp để tăng vốn ngân hàng nên hiện thời tình trạng nợ xấu không còn nghe nhắc đến.   

Việt Nam cũng ý thức nguy cơ bị Hoa Kỳ trừng phạt vì hàng từ Trung Quốc “chuồn” sang Việt Nam đổi nhãn rồi bán sang Âu-Mỹ để tránh bị áp thuế [8]. Tuy nhiên câu hỏi vẫn là giám sát hữu hiệu đến mức nào.  

***


[1] Vietnam Tops List of Biggest Winners From U.S.-China Trade War – Bloomberg  06/03/2019

[2] Vietnam Looks To Be Winning Trump's Trade War – Foreign Affairs 05/27/2019

[3] Vietnam’s trade surplus with the US jumps 45% - Financial Times 05/23/2019

[4] Vietnam trade surplus reaches US$536 million in Jan-March – ssi.com.vn 01/04/2019

[5] Here’s Why Vietnam Risks Being Labeled a Currency Manipulator – Bloomberg 05/10/2019
[7] Vietnam is the most globalized populous country in modern history – Quartz.com, 10/03/2018

[8] Thương chiến Mỹ-Trung : Hà Nội sẽ chống hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam – RFI 06/10/2019





No comments:

Post a Comment