Tuesday, June 4, 2019

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và Bầu Cử Tổng Thống 2020


Nước Mỹ dưới thời Trump không thiếu chuyện để viết, chỉ có một điều là không một ai viết theo kịp theo những biến đổi quá nhanh chóng và bất ngờ: chẳng hạn như vừa định viết một bài dài một hai trang gì đó về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì Trump chỉ cần tung một dòng 280 chử trên Twitter đòi áp thuế lên Mexico, rồi ngay sau đó là Ấn Độ thế là báo chí ồn ào quên mất chuyện Trung Quốc!


Trở lại với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có lẽ so sánh với kiếm hiệp Kim Dung là dễ mường tượng nhất: Trump thuộc phái dương cương đang gấp rút tấn công tới tấp từ tăng áp thuế lên 25% đến cấm vận Huawei; Tập Cận Bình theo phái âm nhu cố giữ thế thủ nhưng ăn miếng trả miếng chờ đến lúc đối phương…hụt hơi. Những dấu hiệu của nước Mỹ sắp hụt hơi sẽ là thị trường chứng khoáng suy sụp, kinh tế tăng trưởng chậm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của dân Mỹ trong mùa bầu cử sắp đến.

Nhưng nếu Bắc Kinh mong rằng Tổng Thống sắp tới của Mỹ sẽ dịu giọng với Trung Quốc thì sẽ lầm to! Trong số ba đối thủ đầu bảng của đảng Dân Chủ thì ông Bernie Sanders và bà Elizabeth Warren đều có lập trường cứng rắn không kém gì Trump nhằm bảo vệ quyền lợi của giới công nhân Mỹ bị mất công ăn việc làm do chính sách thương mại trục lợi của Hoa Lục. Ông Bernie Sanders đi xa hơn cả dứt khoát tố cáo Trung Quốc là thao túng tiền tệ (currency manipulator) đòi áp dụng những biện pháp cứng rắng nhất - điều mà Trump cũng đe dọa nhưng chưa thực hiện.


Trong số ba ứng cử viên đầu bảng của đảng Dân Chủ chỉ có ông Cựu Phó Tổng Thống Joe Biden ngây thơ tuyên bố rằng Trung Quốc không phải là kình địch thương mại của Mỹ (Biden downplays Chinese economic competition, CNN May 02-2019). Giả sử chiến tranh thương mại còn kéo dài đến năm 2020 thì Trump sẽ dùng phát biểu này để tấn công Joe Biden là mềm yếu đối với Trung Quốc, cho nên rồi đây Joe Biden cũng phải đổi giọng điệu đòi cứng rắn…hơn cả Trump đối với Trung Quốc. Cho nên chiến tranh thương mại là vũ khí để Trump tăng uy tín trong mùa bầu cữ thay vì mất phiếu. Và cũng vì vậy mà Tập Cận Bình có thể tính toán nghịch lý nhất rằng trong số các ứng viên Tổng Thống năm 2020 Trump lại chính là nhân vật dễ dàng thỏa hiệp nhất với Trung Quốc! Nói cách khác là trên bàn xì phé lúc này đã lật ngữa ba lá, còn một lá úp và một lá chưa rút nên bên nào cũng đang dùng chiến tranh cân não để thăm dò đối phương.

Cốt lõi để Trump bắt mạch tâm lý cử tri chính là giới nông dân (nhất là tại tiểu bang Ohio) vì đây là những người bỏ phiếu cho Trump năm 2016 và nay lại thua lổ nặng nề hơn hết khi Bắc Kinh nhắm áp thuế lên nông phẩm mua từ Hoa Kỳ. Nhưng các thăm dò cho thấy giới nông dân hiện không đổi lập trường ủng hộ Trump vì họ tự cho là những chiến sĩ hàng đầu trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung – trong khi giới tài chánh ở Wall Street và các công ty đa quốc gia lại run sợ vì e mất quyền lợi. Hai thành phần này lại tập trung tại những tiểu bang miền Đông Bắc và Tây Hoa Kỳ là những khu vực chống Trump nên ông ta đã biết trước không thể nào mua phiếu.

Chiến tranh mậu dịch Mỹ Trung đang có chiều hướng leo thang: Bắc Kinh dọa cấm vận đất hiếm; lập danh sách đen gồm những công ty Hoa Kỳ để trả đủa vụ Hoa Vi; cảnh giác sinh viên không chọn du học sang Mỹ; cho bộ máy tuyên truyền rầm rộ khích động tâm lý quần chúng về một cuộc vạn lý trường chinh (long march) trong chiến tranh mậu dịch; dọa dẫm bán công khố phiếu của Mỹ và phá giá đồng Nhân Dân Tệ.

Ngược lại Hoa Kỳ cũng đe dọa phong tỏa thêm vài công ty Trung Quốc sản xuất máy bay không người lái (drone); áp lực các nước Âu Châu tẩy chay Hoa Vi; tài trợ 16 tỷ USD cho giới nông dân vốn bị thiệt hại nặng nề khi Trung Quốc áp thuế hàng nông phẩm; cục Dự Trữ Liên Bang cho biết sẵn sàng hạ thấp lãi xuất để nâng đỡ nền kinh tế. Hoa Kỳ còn thêm những ngón đòn độc gồm đánh thuế toàn bộ 500 tỷ USD hàng nhập cảng từ Trung Quốc; và biến chiến tranh mậu dịch thành chiến tranh năng lượng khi Mỹ hiện là nước sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới đồng thời hải quân Hoa Kỳ bảo vệ toàn bộ các con đường vận chuyến dầu hỏa.

Nhưng tuy ồn ào gây cấn như vậy nhưng không ai dự đoán được kết cục sẽ ra sau. Nếu Trump gặp ông Tập vào cuối tháng 6 này trong hội nghị G20 rồi tung ra dòng Tweet “good deal” thì mọi chuyện sẽ êm như cũ; còn nếu không thì chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục ít nhất cho đến hết mùa hè năm nay.

No comments:

Post a Comment