Thursday, November 21, 2019

Bầu cử 2020: Pete Buttigieg (Bài 7)


Nước Mỹ đi đầu phá bỏ nhiều khuông mẫu xã hội thường dẫn đến những tranh luận gay gắt: riêng trong cuộc bầu cữ năm 2020 Hoa Kỳ phải tự tra vấn liệu đã sẳn sàng cho một vị Tổng Thống đồng tính hay chưa? Tuy nước Mỹ ngày nay cởi mở và nhiều tiểu bang đã chấp nhận hôn nhân đồng tính nhưng, để tượng trưng bằng hình ảnh, liệu dân chúng Hoa Kỳ có thoải mái với một vị Tân Tổng Thống đặt tay lên Thánh Kinh tuyên thệ nhậm chức khi ông “chồng” đứng bên cạnh hay không?

Vấn đề đặt ra khi số người trong đảng Dân Chủ ủng hộ ông Pete Buttigieg đang tăng nhanh. Ông Buttigieg hiện bỏ xa ba ứng cử viên hàng đầu là bà Warren cùng hai ông Biden và Sander ở Iowa. Vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên trong đảng Dân Chủ sẽ diễn ra vào tháng 01/2020 tại tiểu bang này, và nếu thắng lớn ở Iowa thì ông Buttigieg có thể khuynh đảo bảng xếp hạng để tiến lên dẫn đầu trong đảng (Tuy ông Buttigieg không được biết đến trong cọng đồng người da đen và da màu nhưng thường chỉ có người da trắng tham gia bầu cử sơ bộ.)

Lý do vì bà Warren tuy hiện đứng nhất nhưng không ít dân chúng Mỹ lại cho là cánh tả quá khích (radical left) theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều người cho dù chán ghét Trump nhưng không thể nào bỏ phiếu cho các chính sách bao gồm quốc hữu hóa ngành y tế (Medicare For All), trừng phạt doanh nhân bằng các tận trưng thu thuế người giàu và mở cánh cửa biên giới cho di dân bất hợp pháp của bà Warren. Đảng Dân Chủ e sợ thua Trump vào 11/2020 nên nổ lực tìm một nhân vật trung tả thay thế ông Biden vốn ngày thêm mờ nhạt, người này phải đủ đa số đảng viên ủng hộ để thay thế bà Warren trước ngày tổng tuyển cử.  Gương mặt nổi bật hiện thời là ông Pete Buttigieg rất trẻ (37 tuổi), từng tham dự chiến trường ở Afghanistan, rất hoạt bát nên thu hút quần chúng, theo lập trường trung tả (left of center) và là người đồng tính.

Ông Pete Buttigieg thường xuất hiện trong các buổi vận động tranh cử cùng chồng là ông Chasten Buttigieg. Ấn tượng đầu tiên này của nhiều người Mỹ khi xem truyền hình mạnh hơn rất nhiều so với lập trường chính trị của ông. Cử tri nói chung sẽ bị dằn vặt giữa chính kiến và đời sống tư riêng của một ứng cử viên. Nếu là một cuộc bầu cử bình thường thì khác, nhưng năm 2020 cực kỳ quan trọng vì nước Mỹ phải chọn lựa giữa độc tài (Trump) và xã hội chủ nghĩa (Warren) thì với một giải pháp trung tả tương đối chấp nhận được nhưng ứng cử viên là người đồng tính liệu có được dân Mỹ ủng hộ đông đảo hay không?

Tổng Thống Hoa Kỳ ngoài trách nhiệm lãnh đạo đất nước còn là biểu tượng cho nước Mỹ trên toàn thế giới. Obama là hình ảnh không phân biệt mầu da. Pete Buttigieg nếu đắc cử - cho dù còn quá sớm để kết luận - sẽ là một biểu tượng của lối sống khác biệt (alternative lifestyle) ngày nay. Liệu ông này cũng sẽ giống như Obama tuy được cánh cấp tiến ở Hoa Kỳ và dư luận Âu Châu tung hô, nhưng rồi bị phe bảo thủ trong nước phản đối và vô hiệu hóa hay không? Liệu nước Mỹ có sẽ thêm rạn nứt hay không?

Báo chí dòng chính (mainstream media) đề cập đến lối sống của ông Pete Buttigieg một cách dè dặt và thận trọng. Nhưng truyền thông dòng xuôi không còn độc quyền hướng dẫn dư luận như trước đây. Bên cạnh đó còn có thêm thông tin dòng ngược (alternative media) và tin vịt (fake news), trước đây từng tấn công mạnh mẽ và dai dẳng về tính chính đáng do nơi sinh trưởng của ông Obama nay sẽ lại khuấy động việc ông Pete Buttigieg có chồng.

Nói rộng ra, chúng ta thường nói đến các giá trị phổ quát (universal rights) áp dụng cho mọi người, mọi xã hội và mọi dân tộc. Theo sự hiểu biết bình thường thì những giá trị này gồm (1) chống độc tài (2) chống kỳ thị màu da (3) chống kỳ thị năm nữ (4) chống kỳ thị tôn giáo (5) chống bất công và phân biệt giai cấp. Nay thành phần cấp tiến Tây Phương lại cọng thêm vào đó các quyền đồng tính, quyền di dân, quyền được hưỡng trợ cấp xã hội, quyền được hưỡng môi trường xanh, quyền có nhà ở, v.v… tuy không sai nhưng nhiều quá có làm loãng đi trọng tâm chống độc tài và bất công hay không? Hơn thế, những giá trị phổ quát nào không đi ngược lại nền đạo đức và tôn giáo của từng quốc gia? 
Không phải các giá trị truyền thống đều đúng như khi Nhất Linh viết quyễn Đoạn Tuyệt đã lên án khung cảnh xã hội trong đó mẹ chồng khắc nghiệt với nàng dâu. Rất nhiều tập tục cổ hữu, phong kiến và lạc hậu cần bị loại bỏ. Luân lý và đạo đức biến chuyển theo thời gian nhưng lịch sử cho thấy những thay đổi này thường là chậm chạp và rất hung bạo, đôi khi phải trải qua chiến tranh tôn giáo hay tranh chấp giữa những nền văn hóa.

Trở lại vấn đề đồng tính nước Mỹ không cử đại sứ LGBTQ sang các nước Trung Đông vì trái ngược với tín ngưỡng Hồi Giáo. Nhưng Obama lại cho hai đại sứ đồng tính sang Đông Nam Á là Phi Luật Tân và Việt Nam. Tổng Thống Duterte của Phi thẳng thừng sĩ nhục vị đại sứ Mỹ trong khi xã hội Việt Nam thay đổi vô cùng nhanh chóng nên không phản đối.

Trở lại với cuộc bầu cử ở Mỹ 2020 người viết chỉ chia xẻ một góc cạnh để suy nghĩ nhưng không đưa ra kết luận. Hoa Kỳ và chủ nghĩa tự do (liberalism) được thế giới ngưỡng mộ hay thù ghét vì tiên phong phá bỏ những khuông khổ xã hội, tạo ra nhiều vấn nạn thách thức lề lối suy nghĩ cổ điển (conventional thinking). Nhiều câu hỏi thật khó để trả lời.

No comments:

Post a Comment