Saturday, August 28, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Thuế (Chương 14)

Thuế và ngân sách tuy được hiểu nhằm phục vụ lợi ích công cọng nhưng nhà nước dùng đó để tái phân phối tài sản quốc gia trong mục tiêu chính trị, ưu đãi một thành phần mà thiệt hại cho phe nhóm khác. Chẳng hạn thuế tài sản là một hình thức trưng thu một phần của cải nhà giàu phân phối cho nhà nghèo. Thuế rượu hay thuốc lá trừng phạt giới ghiền. Chi phí kinh doanh được miễn trừ thuế nhằm khuyến khích dân chúng đầu tư phát triển kinh tế.

Mỗi loại thuế đều va chạm đến quyền lợi phe nhóm nên chính sách thuế má gây ra nhiều tranh cãi gắt gao và thường xuyên bị thay đổi mỗi khi ngọn gió chính trị xoay chiều.  Người Việt nói sưu cao thuế nặng khiến dân tình than oán thì bên Mỹ có biểu đồ Laffer Curve[1] tuy đơn giản nhưng cho thấy khi thuế tăng cao đến một mức nào đó thì tiền thuế thu vào lại giảm vì dân chúng chán nản không còn muốn làm việc. Tranh luận giữa hai cánh tả và hữu là mức thuế đỉnh điểm nằm ở 40%, 50%, 60% hay 70% không bao giờ tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho cả hai bên.

Người Mỹ nói “Nothing is certain but tax and death” (Không ai tránh khỏi thuế và chết). Thuế mang ý nghĩa đặc biệt vì lịch sử nước Mỹ được thành hình từ ngày dân chúng thuộc địa nổi loạn chống nhà nước bảo hộ Anh Hoàng với khẩu hiệu bất hủ “Taxation without representation is tyranny” (Bị đánh thuế mà không được có đại biểu là bạo quyền.) Cho nên mỗi kỳ bầu cử đều tranh luận gay gắt về thuế má – nhưng không chỉ là cải cọ vô bổ vì khi thành luật sẽ theo đó móc từ túi tiền của mỗi người dân nhiều hay ít.

Ở Mỹ có hai quan điểm kinh tế gọi là supply-side (trọng cung, đảng Cộng Hòa và gắn liền với tên tuổi Ronald Reagan) và demand-side (trọng cầu, đảng Dân Chủ.) Giới trọng cung chủ trương cắt giảm thuế để khuyến khích nhà giàu đầu tư qua đó tạo công ăn việc làm; đầu tư và mức cung tăng thì giá thành hạ nên đời sống dân chúng được cải thiện. Giới trọng cầu công kích gọi đây là chính sách kinh tế nhỏ giọt (trickle down economics, nhà giàu hưởng trước rồi dư thừa mới nhỏ giọt xuống cho dân nghèo), thay vào đó đánh thuế nhà giàu để tái phân phối của cải nâng đỡ dân nghèo; dân chúng có tiền tiêu thụ thì cầu tăng, qua đó thúc đẩy tư bản đầu tư.

Có đủ kiểu thuế nhưng tiêu bỉểu vài loại như sau:

  1. Thuế lợi tức (income tax) đánh vào mức thu nhập, có thể theo phần trăm nhất định (flat income tax) hay lũy tiến (progressive income tax - tức làm càng nhiều tiền phần trăm thuế càng cao.) Thuế lũy tiến trưng thu tiền nhà giàu phân phối cho nhà nghèo không chịu làm việc, nghe ra công bằng nhưng giả sử làm 1 đồng chỉ đem về 30 xu (70% thuế[2]) chẳng ai dại gì kham khổ làm việc cho cực thân. Xã hội bình đẳng khi nào mọi người đều nghèo đói như nhau (equity = equally poor.)[3] 
  1. Thuế tiêu thụ (consumption tax): có nhiều người đòi bỏ thuế thu nhập thay vào bằng thuế tiêu thụ cho công bằng – xài nhiều thuế nhiều, xài ít thuế ít. Kẹt một chổ là nhà nghèo xài gần 100% tiền lương trong khi giàu do không chịu xài, đâm ra người nghèo chịu nhiều thuế hơn nhà giàu. VAT (thuế giá trị gia tăng) là một loại thuế tiêu thụ. 
  1. Thuế tài sản (asset tax): thuế nhà, thuế xe, v.v… 
  1. Thuế gia tài (estate tax) – hay là chết vẫn còn bị thuế (death tax): người ta đi làm là để gia tài cho con cái thừa hưởng sau này. Nếu thuế gia tài nặng quá mọi người lúc còn sống sẽ ăn xài cho sướng dại gì chết để cho nhà nước chia phần. Còn nếu thuế gia tài thấp quá lại sinh thành đẳng cấp “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” tức kẻ thù của Dân Chủ và Tư Bản[4]
  1. Thuế xa xỉ (luxury tax): trong khi dân tinh khốn đốn vì dịch bệnh mà bỏ tiền mua Lamborghini lái cho chúng ghét rất đáng bị đánh thuế xa xỉ. 
  1. Miễn thuế (tax deduction) hay khấu trừ thuế (tax credit) là những hình thức nhà nước khuyến khích dân chúng làm việc có lợi ích như mua nhà, nuôi con, để dành tiền hưu trí…miễn bị đóng thuế  

TÓM TẮT

  1. Thuế là cách thức nhà nước dùng để tái phân phối của cải trong xã hội có lợi cho nhóm này mà thiệt hại cho phe khác
  2. Sưu cao thuế nặng thì dân chúng không còn hứng thú làm việc

[1] Laffer Curve do kinh tế gia Arthur Laffer vẽ ra

[2] Ở Mỹ mức thuế liên bang thu nhập lũy tiến cao nhất hiện thời là 37% - nhưng chắc chắn sẽ tăng vọt để trả nợ cho Biden tiêu xài thẳng tay. Cọng vào đó thuế tiểu bang, thuế tiêu thụ, thuế nhà, thuế xe, đủ thứ thuế và thêm những phí phụ trội…tổng cọng lên trên 60%, tức là người đi làm $100 phải nộp cho nhà nước $60.

[3] Xã hội chủ nghĩa = mọi người đều nghèo như nhau (socialism hiểu theo nghĩa rộng)

[4] Tư bản lành mạnh phải có cạnh tranh. Giai cấp sẽ giết chết tính cạnh tranh.

No comments:

Post a Comment