Wednesday, November 10, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: lịch sử kinh tế nước Mỹ (chương 21)

 Nền kinh tế nước Mỹ chia thành 4 giai đoạn dưới ảnh hưởng của 3 kinh tế gia lổi lạc: 

  1. Lập quốc cho đến thập niên 1929: bàn tay vô hình điều hướng thị trường tự do theo Adam Smith
  2. Thập niên 1930 cho đến 1980: bàn tay của nhà nước can thiệp vào thị trường theo John M. Keynes
  3. 1980-2007: thị trường tự do theo Adam Smith nhưng với Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) quản lý chính sách tiền tệ theo Milton Friedman.
  4. 2007 cho đến: nhà nước can thiệp vào thị trường theo John M. Keynes cùng với NHTƯ quản lý chính sách tiền tệ theo Milton Friedman.

Cho dù Karl Marx không hiện diện mạnh ở Mỹ nhưng tư tưởng Marx ảnh hưởng đến xã hội và kinh tế của Hoa Kỳ từ cuối thế kỷ thứ 18 (giai đọan cực thịnh của nền tư bản Mỹ) cho đến 1929 (Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu).

MỸ (1779-1929) VÀ ADAM SMITH (Luận Bàn về Của Cải Quốc Gia, 1779)

Nước Mỹ ra đời vào năm 1779 tức là cùng năm với quyển sách Luận Bàn về Của Cải của Các Quốc Gia (The Wealth Of Nations) của Adam Smith - người vốn được xem là ông tổ bộ môn kinh tế học. Smith cho rằng thị trường phải được vận hành tự do thì mọi người mới vì tư lợi mà hăng hái làm việc, tạo ra của cải và trao đổi hàng hóa khiến quốc gia trở nên thịnh vượng. Nhà nước chỉ có vai trò hạn hẹp để giữ trật tự (chống gian lận, đầu cơ, ăn cướp…) nhưng không can thiệp vào sự vận hành của thị trường tự do.  

Quan điểm về thị trường tự do và quyền tự do cá nhân của Adam Smith phù hợp với người di dân lập quốc ở Tân Thế Giới. Hoa Kỳ là mảnh đất của những kẻ trốn chạy nạn đàn áp ở châu Âu. Nước Mỹ lại vừa dành độc lập từ Vương Quốc Anh cho nên dân chúng Hoa Kỳ mang tinh thần tự lập đi khai phá những chân trời mới. Nhà nước dựng lên chỉ để bảo vệ an ninh lãnh thổ và thi hành luật pháp mà không được quấy nhiễu dân chúng tự do làm ăn. Bài nhạc nổi tiếng The Star-Spangled Banner với lời ca bất hủ “the land of the free and the home of the brave” (mảnh đất của tự do, mái nhà của những người can đảm) thể hiện tính tự hào và độc lập đó.

MỸ (1860-1929) VÀ KARL MARX (Tư Bản Luận, 1867)

Nền tư bản Âu-Mỹ tiến lên giai đoạn cực thịnh vào cuối thế kỷ 19 song song với hai trào lưu công nghiệp hóa và đô thị hóa.  Thời Đại Vàng Mã (Gilded Age[1]) từ 1860-1896 ở Mỹ là giai đoạn giàu sang hào nhoáng bên cạnh các bất công sâu sắc cùng với khoảng cách giàu nghèo tăng vọt trong xã hội. Nước Mỹ có 24 ông Trùm (robber barons) trong các ngành dầu hỏa Rockefeller, đường sắt Standford, luyện kim Carnegie và tài chánh ngân hàng J.P. Morgan vừa chi phối nền kinh tế lại khuynh đảo quyền lực chính trị.

Đây cũng chính là lúc Karl Marx cho ra đời quyễn Tư Bản Luận (1867) ở Âu Châu tố cáo giới chủ bóc lột thợ thuyền và kêu gọi cách mạng vô sản lật đổ chế độ tư bản.

Tiếp nối Thời Đại Vàng Mã là Kỷ Nguyên Cấp Tiến (Progressive Era, 1896-1920) trong đó nền báo chí tự do Hoa Kỳ (tên gọi Muckraker) phơi trần các cấu kết giữa giới tài phiệt và quan chức nhà nước nhằm thúc giục quần chúng tranh đấu đòi tổ chức công đoàn và cải tổ luật lao động. Năm 1922 Lenin thành lập Liên Bang Xô-Viết, nước Nga[2] trở thành hình mẩu cho thiên đàng vô sản. Phong trào cộng sản quốc tế trổi lên thu hút giới cấp tiến và công nhân ở Mỹ. Cho dù Marx không hiện diện trực tiếp nhưng bóng dáng của Marx lảng vảng chi phối đến các cải cách kinh tế và lao động ở Mỹ trong giai đoạn này.

MỸ (1930-1980) VÀ JOHN M. KEYNES (Lý Thuyết Tổng Quát, 1936)

Sự ra đời của Liên Bang Xô-Viết (1922) và cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu (1929) khiến chủ nghĩa cộng sản càng trở nên hấp dẫn thu hút giới công nhân thợ thuyền ở Mỹ. Ngược lại bên Âu Châu dân Đức uất ức với những điều kiện nghiệt ngã do phe thắng trận Anh-Pháp áp đặt trong Hoà Ước Versailles (1919); nạn lạm phát phi mã (1923) khiến nước Đức ngã theo Phát Xít rồi sau này đem đến Thế Chiến Thứ Hai.

Chủ nghĩa tư bản có vẽ đang sụp đổ theo đúng như lời tiên tri của Marx-Lenin. Năm 1936 John M. Keynes cho ra đời quyển Lý Thuyết Tổng Quát về Công Ăn Việc Làm, Lãi Xuất và Tiền Tệ) lập luận rằng một khi nền tư bản không tự điều chỉnh được thì bàn tay hữu hình của nhà nước phải can thiệp để tạo công ăn việc làm nhằm ổn định nền kinh tế và tránh bạo loạn xã hội vốn sẽ dẫn đến cách mạng, độc tài, phát xít, cộng sản hay chiến tranh. Keynes chủ trương nhà nước dùng các biện pháp tài chánh (fiscal policy, gồm tăng chi ngân sách và giảm thuế) để kích cầu theo kiểu mồi xăng cho máy nổ thoát ra khủng hoảng.

Năm 1932 Tổng Thống Franklin D. Roosevelt đắc cử ở Mỹ với chương trình New Deal (1933-1939) gồm:

  • nhà nước chi tiêu đầu tư xây cất hạ tầng nhằm tạo công ăn việc làm;
  • nhà nước xây dựng mạng lưới an sinh xã hội (safety net) để hổ trợ thất nghiệp và lương hưu trí;
  • nhà nước giám sát hệ thống ngân hàng (Glass-Steagall Act);
  • nhà nước cải tổ luật lao động và công đoàn;
  • nhà nước tăng thuế nhà giàu hổ trợ cho nhà nghèo.

Chi tiêu và vai trò của nhà nước tăng vọt. Mô hình kinh tế nước Mỹ biến đổi với bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp vào thị trường theo John M. Keynes. Phe chống đối cho rằng bàn tay nhà nước một khi đã thò dọc (government intervention) sẽ lạm quyền (government overreach) bóp méo thị trường tự do (market distortion) và xâm phạm đến quyền tự do cá nhân[3], tức là con đường trá hình đi đến xã hội chủ nghĩa.

***

Sau Thế Chiến Thứ Hai nền kinh tế Mỹ đứng hàng đầu và chiếm 40% GDP toàn thế giới vào năm 1960. Tổng Thống Lyndon B. Johnson (đảng Dân Chủ) nhậm chức phát động Cuộc Chiến Chống Nghèo Đói (War Against Poverty, 1964) cùng lúc với nước Mỹ sa lầy vào chiến tranh Việt Nam.

Johnson mở rộng mạng lưới xã hội (safety net, cho thất nghiệp và hưu trí) thời Roosevelt trở thành chế độ nhà nước phúc lợi (welfare state, bao gồm trợ cấp nhà nghèo (welfare), trợ cấp nhà ở (housing), trợ cấp thực phẩm (food stamp), trợ cấp y tế (medicare).) Safety Net là trợ cấp lúc hoạn nạn; Welfare State là nhà nước bao cấp tạo ra sự ỷ lại, lười biếng và lạm dụng. Chế độ nhà nước bao cấp bị tố cáo là nhà nước lạm quyền dùng chiêu bài bình đẳng xã hội để thò tay can thiệp bóp nghẹt thị trường tự do và tiến lên xã hội chủ nghĩa.

MỸ (1980-2007) VÀ MILTON FRIEDMAN

Chiến tranh Việt Nam và Cuộc Chiến Chống Nghèo Đói vô cùng tốn kém khiến ngân sách nước Mỹ thâm thủng nặng nề. Đồng đô-la lúc đó đổi 35 USD ra 1 lượng vàng, các nước Âu Châu sợ Mỹ hết vàng đòi rút vàng về nước. Năm 1971 Tổng Thống Richard M. Nixon tuyên bố Mỹ “tạm” ngưng neo giá trị USD vào vàng (từ bỏ kim bảng vị). Nhà nước Hoa Kỳ từ đó được rộng tay in USD tiêu xài. Lượng tiền tăng nhanh, đến năm 1973 lại thêm gặp khủng hoảng dầu hỏa khiến giá cả nhảy vọt. Lạm phát lên đến 15% năm 1980 (so với 1.25% năm 2021.)

Năm 1979 Thống Đốc Ngân Hàng Paul Vocker thắt chặt lượng tiền lưu hành bằng cách tăng lãi suất chỉ đạo lên 20% (so với 0.25% năm 2021) để kềm chế lạm phát. Tuy khuất phục được lạm phát nhưng giá đắt phải trả là nạn thất nghiệp 10% và kinh tế suy thoái 1980-1982.

Năm 1981 Tổng Thống Ronald Reagan nhậm chức với chủ trương cắt giảm vai trò của nhà nước để giải phóng sức mạnh hung hãn (animal spirit) của tư nhân và thị trường tự do không còn bị bóng dáng nhà nước che phủ. Reagan tuyên bố câu bất hủ “Government is not the solution to our problem, government is the problem” (Nhà nước không phải là lời giải đáp bởi vì nhà nước chính là gánh nặng.)

Chủ trương của John M. Keynes về bàn tay hữu hình của nhà nước can thiệp vào kinh tế mờ nhạt và bị thay thế bởi Milton Friedman. Friedman thuộc phe tự do cá nhân (libertarian) chống đối quyền lực của nhà nước đặt trên tự do cá nhân và chủ trương nhà nước không can thiệp vào thị trường tự do. Friedman lại khai triển lý thuyết tiền tệ (monetarism) cho rằng Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) phải hổ trợ nền kinh tế bằng cách giám sát lãi xuất và lượng tiền lưu hành, kiểu như khi cổ xe kinh tế chạy chậm thì tài xế (NHTƯ) nhấn ga bơm xăng (bơm tiền và hạ lãi xuất) đến khi xe vọt ngon trớn lại buông ga bớt xăng (để tránh lạm phát.)

Tưởng cũng nên phân biệt giữa John M. Keynes và Milton Friedman:

·         Keynes: nhà nước tăng giảm chi tiêu nghịch chu kỳ (counter-cyclical spending) bằng biện pháp tài chánh (fiscal policy, gồm ngân sách và thuế khóa);

·         Friedman: NHTƯ tăng giảm lãi xuất và lượng tiền lưu hành nghịch chu kỳ bằng chính sách tiền tệ (monetary policy).

Nhưng NHTƯ chẳng qua chỉ là nhà nước? Khác nhau ở chổ:

1.      NHTƯ là một cơ quan chuyên môn không có quyền lực chính trị như nhà nước. Chính sách tiền tệ của NHTƯ có thể quá trớn nhưng không thể quá đà như nhà nước lạm dụng quyền lực chính trị vi phạm đến tự do cá nhân và của cải của dân chúng.

2.      NHTƯ thuần túy lo về kinh tế (lạm phát và công ăn việc làm), trong khi các vấn đề xã hội như bình đẳng màu da, giàu nghèo phải do các đại diện dân bầu quyết định.

3.      NHTƯ là một cơ quan độc lập để không bị nhà nước biến trở thành một công cụ chính trị (thí dụ nhà nước không thể thúc NHTƯ hạ lãi suất nhằm mua chuộc lá phiếu trong mùa bầu cử.)[4]

Như vậy nguyên tắc độc lập của NHTƯ không chỉ trong phạm vi kinh tế mà còn hàm ý nghĩa chính trị.

Tóm lại từ năm 1980 (Reagan) cho đến 2007 (Đại Khủng Hoảng Tài Chánh):

  • John M. Keynes (fiscal policy) rời sân khấu
  • Milton Friedman (monetary policy) thành kép chính.

Nhạc công (maestro) nổi tiếng nhất trong giai đoạn này là Thống Đốc NHTƯ Alan Greenspan điều chỉnh lãi xuất chỉ đạo. Thị trường theo dõi canh me cặp-táp ông xách đi họp, dày cộm thì hạ giá chứng khoáng (ông có nhiều chuyện bàn) còn mỏng thì tăng giá (chẳng có gì để nói.)

MỸ (2007 cho đến nay)

Từ năm 2007-2020 nước Mỹ bị 2 cú sốc gần chết nên đem cả John M. Keynes và Milton Friedman cùng lên sân khấu.

Cú sốc thứ nhất khi đầu cơ địa ốc dẫn đến Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-2008.

  • Nhà nước dùng biện pháp tài chánh (fiscal policy) tung ra gói cứu nguy (TARP 2008, 700 tỷ USD) và gói kích cầu (ARRA 2009, 831 tỷ USD);
  • NHTƯ dùng chính sách tiền tệ (monetary policy) bơm tiền (Quantitative Easing) và giữ lãi suất thấp

Cú sốc thứ nhì với Đại Dịch Vũ Hán năm 2020:

  • Nhà nước dùng chính sách tài chánh tung ra 2 gói cứu trợ (Trump 2020, 2200 tỷ USD; Biden 2021, 1900 tỷ USD);
  • Biden đang vận động đầu tư hạ tầng (Infrastructure Plan, 1200 tỷ USD) và an sinh xã hội (Build Back Better, 1750 tỷ USD);
  • NHTƯ tiếp tục bơm tiền và giữ lãi suất thấp (NHTƯ cho biết sẽ bớt bơm tiền vì lạm phát đang lên.)

Cho nên nợ công nước Mỹ tăng vọt. Năng suất không tăng mà GDP tăng (do nhà nước bơm tiền). Dân chúng không cần đi làm mà vẫn tiền dư rủng rỉnh.

Vai trò trên sân khấu của Milton Friedman không thay đổi (NHTƯ tiếp tục bơm tiền và hạ lãi suất) nhưng của John M. Keynes ngày càng lấn áp với bàn tay can thiệp của nhà nước không những để cứu vớt nền kinh tế mà còn lạm quyền dùng ngân sách và thuế khóa thò dọc cải tạo xã hội (bình đẳng màu da, giàu nghèo, đánh thuế nhà giàu…) theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Chính ngay NHTƯ hiện giờ cũng bị áp lực chính trị để dùng biện pháp tiền tệ tạo công bằng xã hội và hổ trợ đầu tư công nghệ xanh, tức là tính độc lập của NHTƯ đang bị đe dọa.

Những kinh tế gia cánh tả như Paul Krugman thúc giục Biden đánh thuế cao và tiêu xài nhiều hơn nửa để bảo vệ môi trường và tạo bình đẳng giàu nghèo. Mỹ nợ ngập đầu nên đẻ ra một lý thuyết mới thịnh hành trong phe cấp tiến là Thuyết Tân Tiền Tệ (MMT, hay Modern Monetary Theory) lập luận nhà nước đừng lo nợ tăng, vì Mỹ mượn nợ bằng USD nên Mỹ in USD trả nợ.

Mỹ chê Tàu dởm. Tàu cười Mỹ khùng.

 



[1] Tên gọi Gilded Age khởi nguồn từ sách The Gilded Age: The Tale of Today năm 1873 của đại văn hào Mark Twain mô tả lòng tham và băng hoại trong nền chính trị Mỹ vào giai đoạn Tái Thiết (Reconstruction) sau cuộc Nội Chiến.

[2] Xem phim Reds (1981) của đạo diễn và tài tử Warren Beatty

[3] Thí dụ nhà nước đánh thuế quá cao tài sản cá nhân trên danh nghĩa công bằng xã hội, tức là nhà nước tước đoạt của cải và quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân.

[4] Nguyên tắc độc lập của NHTƯ (Independence of Central Bank) chỉ áp dụng ở Âu-Mỹ, còn tại Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… thì NHTƯ dưới sự điều động của nhà nước. Ngay ở Mỹ NHTƯ cũng chịu nhiều áp lực chính trị hầu vi phạm tính độc lập của mình.

No comments:

Post a Comment