Monday, October 25, 2021

Kinh Tế Dễ Hiểu: Mô Hình Kinh Tế Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình (Chương 20)

Nhiều người Hoa cho biết trước năm 2008 một số đông cán bộ, đảng viên và dân chúng Trung Hoa có cùng chung nhận xét là tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ hóa – điểm khác biệt nơi người dân muốn thấy tiến trình này xảy đến nhanh còn đảng Cộng Sản cố tình trì hoãn. Cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2008 tại Hoa Kỳ khởi đầu cho bước chuyển biến tư duy lớn khi Bắc Kinh kết luận rằng đồng thuận Washington (Washington consensus) và trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo không hẳn là con đường duy nhất cho phát triển và ổn định, nhất là khi so sánh với mô hình xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa vừa mang 300-500 triệu người từ nghèo đói lên sung túc lại đẩy nền kinh tế nhảy vọt lên hàng thứ nhì trên thế giới vỏn vẹn chỉ trong vòng 30 năm dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng Cộng Sản.

Bước ngoặc tư tưởng kế tiếp là sự lung lay của nền dân chủ Mỹ trải qua hai kỳ bầu cử 2016 và 2020. Chuyển biến tư duy cuối cùng khi Bắc Kinh tự hào đối phó hữu hiệu với dịch cúm Tàu năm 2020 so với xã hội Tây Phương bất lực và hổn loạn. Ba sự kiện liên tục khiến Tập Cận Bình kết luận Hoa Lục không cần phải dân chủ hóa. Thay vào đó mô hình kinh tế chỉ đạo ở Trung Quốc đã được chứng minh cho thấy có đủ năng lực cạnh tranh với nền kinh tế thị trường của Mỹ. Bài này sẽ tìm hiểu chính sách của Tập Cận Bình thắt chặt sự kiểm soát của đảng lên nền kinh tế như thế nào bắt đầu từ ý thức hệ đó.

***

Mô hình xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa hiện đang đổi màu từ vàng (xanh nhiều hơn đỏ) thời Đặng sang hồng (đỏ nhiều hơn xanh) thời Tập. Tập Cận Bình đang đối diện với 3 thử thách mà cũng là cơ hội:

  1. GDP Trung Quốc có thể qua mặt Hoa Kỳ sớm là đầu thập niên 2030, trễ là 2040-50.
  1. Dù thành quả kinh tế rực rỡ nhưng khoảng cách giàu nghèo và bất mãn xã hội đe dọa ổn định xã hội và tính chính danh của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
  2. Hoa Kỳ nay xem Trung Quốc là một đối thủ chiến lược và cố tình ngăn chận đà tiến của Hoa Lục.

Trước các thử thách đó, Tập kết luận Hoa Lục không cần phải dân chủ hóa mà cũng chẳng phải khép mình vào trật tự thế giới tự do theo Mỹ. Trái lại con đường đi tới là tái khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản nhằm mang lại bình đẳng xã hội và phục hồi Giấc Mộng Trung Hoa. Ba nét lớn trong chính sách kinh tế của Tập gồm:

  1. Khẩu hiệu “Thịnh Vượng Chung” (Common Prosperity) thời Tập đi ngược với lập trường “Không thể mọi người cùng giàu một lúc” (tức là chấp nhận giàu nghèo sai biệt) của Đặng, đồng thời đượm màu sắc xã hội chủ nghĩa thời Mao nhằm giải toả phần nào hố sâu giàu nghèo và mối bất bình trong quần chúng. 
  1. Trong kinh tế cổ điển có 4 phương tiện cấu thành sản xuất gồm Đất Đai, Lao Động, Vốn và Kinh Doanh (Land, Labor, Capital and Entrepreneur). Nay Bắc Kinh cọng thêm vào một yếu tố thứ 5 là Dữ Kiện (Data). 

Do nhà nước Cộng Sản phải làm chủ các phương tiện sản xuất cho nên nhà cầm quyền phải sở hữu mọi Dữ Kiện xã hội. Tập Cận Bình kềm chế hai tập đoàn mạng Alibaba và Tencent để thu thập những dữ kiện xã hội dưới tầm quản lý của đảng, đồng thời ngăn chận mầm móng công ty tư nhân trở thành một thế lực chính trị tác động lên quần chúng và nhà nước như trường hợp Facebook, YouTube và Twitter ở Mỹ.

Về kinh tế nhà nước thu thập các Dữ Kiện xã hội nhằm quản lý việc phân phối vốn và ngân sách, và để phát huy công nghệ chiến lược về trí tuệ nhân tạo.[1]

Về chính trị nhà nước theo dõi các Dữ Kiện xã hội nhằm kiểm soát thông tin và giám sát các mầm móng bất mãn trước khi bùn phát. 

  1. Truyền thống của nhà nưóc Cộng Sản chú trọng vào các ngành kỷ nghệ nặng như sản xuất động cơ, sắt thép, dầu hỏa, than đá v.v… Công nghiệp nặng (hay công nghiệp chiến lược) trong thế kỷ thứ 21 lại gồm Trí Tuệ Nhân Tạo, Chip Điện Tử, Năng Lượng Tái Tạo, Hàng Không và Không Gian, v.v… 

Bắc Kinh đề ra kế hoạch Made In China 2025 để Trung Quốc trước tự túc rồi sau đó dẫn đầu thế giới trong các ngành kỷ thuật chiến lược của thế kỷ thứ 21. Nhu cầu này càng trở nên cấp thiết trong hoàn cảnh tranh chấp Mỹ-Trung khi Hoa Kỳ có ý định phong tỏa Trung Quốc về công nghệ tiên tiến. 

Các mạng xã hội lại không thuộc diện “sản xuất”. Việc Bắc Kinh thất sủng hai đại tập đoàn Alibaba và Tencent là tín hiệu để khuyến khích các tài năng tinh hoa trẻ ưu tiên chọn công ăn việc làm trong những ngành công nghệ chiến lược thay vì mạng xã hội (khác với giới trẻ ở Mỹ ưa chuộng làm việc cho Google, Facebook hay liên quan đến BitCoin v.v…với mức lương và bổng lộc cao.) 

  1. Giống như Amazon ở Mỹ, hai công ty Alibaba và Tencent nắm vai trò huyết mạch trong kinh tế Trung Quốc vào thời gian phong tỏa dịch bệnh Vũ Hán do mọi mua bán đều xảy ra trên mạng. Cho nên không lấy làm lạ khi Bắc Kinh siết chặc quản lý hai công ty này vì không thể để một quyền lực rộng lớn như vậy nằm trong tay tư nhân. 
  1. Ant Financial (Alibaba) và WeChat (Tencent) là công ty và ứng dụng tài chánh mạng thành công nhất thế giới, bỏ xa Apple Pay hay Google Pay. Dân Tàu ngày nay không xài tiền mặt, thay vào đó mua bán qua điện thoại cầm tay. Dựa vào thế mạnh này nên Ant Financial và WeChat thu thập các dữ kiện mạng chuẩn bị cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn thay vì mượn tiền ngân hàng. Ant Financial còn có thêm chương trình cộng tác với đại công ty tài chánh Vanguard ở Mỹ nhằm cung cấp các dịch vụ đầu tư cá nhân cho dân chúng (thay vì dân Tàu chỉ gởi tiết kiệm vào ngân hàng với lãi xuất thấp.) 

Qua hai dịch vụ nói trên nhằm (1) thu hút nguồn vốn từ dân chúng, rồi (2) phân bổ nguồn vốn cho doanh nghiệp nên Ant Financial và TenCent trở thành đối thủ cạnh tranh với ngân hàng nhà nước, ngân hàng địa phương và các lãnh chúa địa phương trước nay độc quyền thu góp tiết kiệm giá rẻ từ quần chúng để cho các công ty quốc doanh và tập đoàn lợi ích vay mượn với phân lời thấp. Do vốn là một trong 5 yếu tố cấu thành sản xuất (xem phần trên) nên đảng Cộng Sản phải kiểm soát dòng vốn. Bắc Kinh siết chặc Ant Financial và Tencent chính là để nhà nước – thay vì thị trường - độc quyền quản lý vốn. 

  1. Cũng liên quan đến tài chánh Bắc Kinh cấm đoán mọi dịch vụ liên quan đến Bitcoin, một phần nhằm ngăn chận chảy máu ngoại tệ nhưng chính yếu vì Bitcoin không nằm dưới sự quản lý của nhà nước. Trái lại Bắc Kinh muốn đẩy mạnh loại Tiền Điện Toán do Ngân Hàng Nhà Nước (CBDC hay Central Bank Digital Currency) nên loại bỏ Bitcoin để triệt hạ một đối thủ cạnh tranh. 
  1. CBDC-TQ sẽ giúp Bắc Kinh kiểm soát dòng vốn, giảm thiểu nạn tham nhũng[2] và không bị che mắt bởi các đầu tư kém hiệu quả. CBDC-TQ có mục tiêu dài hạn là phá vỡ vòng phong tỏa của USD Hoa Kỳ một khi các đối tác thương mại nước ngoài dùng CBDC nên không phải thanh toán mua bán qua hệ thống SWIFT chuyển tiền liên quốc gia bị Mỹ chi phối. 
  1. Một lý do khiến Bắc Kinh chận đứng việc niêm yết ra nước ngoài của Ant Financial và Didi nhằm tránh việc công ty Trung Quốc phải minh bạch hoá trên sàn chứng khoán Mỹ các con số về doanh thu và dịch vụ trong nước, tức là những tin tức mà Bắc Kinh xem như thuộc lãnh vự an ninh quốc gia. 
  1. Giáo dục con cái hiện là một gánh nặng tài chánh cho các gia đình Trung Quốc. Bắc Kinh tăng cường kiểm soát ngành giáo dục mạng và giới hạn giáo viên kềm trẻ em tại tư gia nhằm xoa dịu nổi bất bình trong quần chúng. 
  1.  Bắc Kinh kiểm soát thanh thiếu niên chơi các trò chơi trên mạng không quá 3 giờ đồng hồ mỗi tuần. Cho dù quyền hạn của nhà nước lấn lướt vào gia đình nhưng nhiều cha mẹ Trung Quốc đồng ý với chính sách này do con trẻ ngày nay quá khó dạy dỗ. 
  1. Ở Tây Phương khoảng cách giàu nghèo được giảm bớt bằng cách tăng thuế nhà giàu. Trung Quốc không tăng thuế, trái lại chỉ “khuyến khích” các đại gia “đóng góp” vào các quỹ xã hội.

Ở Mỹ có Kỷ Nguyên Vàng Mạ (Gilded Age) vào cuối thế kỷ thứ 19 khi nền kinh tế được đánh bóng bởi tăng trưởng hào nhoáng bề ngoài, nhưng bên trong là hố sâu giàu nghèo và bất công xã hội. Tiếp theo là Thời Đại Cấp Tiến (Progressive Era) khi báo chí phanh phui các tệ đoan xã hội dẫn đến những cải cách về kinh tế, chính trị và luật lao động.

Nhiều tác giả nhận xét rằng Trung Quốc đang trải qua Kỷ Nguyên Vàng Mạ của chính họ. Nhưng thay vì tự do báo chí và dân chủ hóa để giải trừ các bất cập xã hội thì Bắc Kinh chọn siết chặt sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản với mục tiêu mang lại tiến bộ, thịnh vượng và công bình xã hội. Liệu sự kiểm soát của nhà nước có sẽ bóp nghẹt sức sáng tạo của thị trường, hay Bắc Kinh có thể huy động hữu hiệu nhân vật lực nhằm qua mặt Mỹ trong chặng cuối của cuộc đua? Kết quả không quá 10 năm nửa sẽ biết.


[1] Các dữ kiện trên mạng xã hội không những được dùng để theo dõi thị hiếu quần chúng, kiểm soát và lèo lái dư luận mà còn ứng dụng vào trí tuệ nhân tạo. Đảng Cộng Sản Trung Quốc xem trí tuệ nhân tạo như công nghệ chiến lược chủ lực mà Trung Hoa phải dẫn đầu trong thế kỷ 21.

[2] Thống kê cho thấy nơi nào xử dụng tiền điện toán sẽ giảm bớt tham nhũng vì sợ quả tang, nhưng còn những lối tham nhũng khác thì…chưa biết.

1 comment:

  1. Hello worldwide,    We are a Financail Firm established in Europe. We fund Start up / Established business. We offer  Commercial Loans to different industries ranging from Housing, Construction and Production.

    We also render Mortgage services for home Buyers. Our Application is swift and reliable. Loans Applications are closed in a maximum of 14 working days at a minimum interest of 5% Annually. 

    We are also Partnering with Brokers so as to extend our reach, our broker fee is 5% of Approved funding. Kindly reply to the email. We are looking forward to working with you. 

    Noah Rowley
    Marketing officer
    official email quickloan9888@GMAIL.COM

    ReplyDelete