Wednesday, March 6, 2024

Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc Chương 5: thời đại Tập Cận Bình

 Năm 2022 Bắc Kinh phong tỏa nghiêm nhặc nhiều thành phố lớn (gồm cả Thượng Hải) khi đại dịch Vũ Hán bùng phát trở lại ở Trung Quốc[1], sang đến đầu năm 2023 lại đột ngột hủy bỏ mọi lệnh cấm. Thế giới cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển nhảy vọt sau một thời gian dài bị kềm hãm nhưng trong thực tế tăng trưởng trì trệ khác với mong đợi. Sau 30 năm tương đối dễ thở dân Tàu chợt nhớ mình vẫn sống ngột ngạt dưới chế độ toàn trị. Khoảng không gian tự do cho phép người dân muốn làm ăn sinh hoạt như thế nào cũng được miễn là chấp nhận đảng cộng sản độc quyền cai trị bị thu hẹp lại. Quyền đi lại bị ngăn cấm chỉ cần một quyết định đơn phương và độc đoán từ Bắc Kinh; nhà cầm quyền theo dõi cuộc sống riêng tư của người dân trên mạng xã hội, qua máy điện thoại cầm tay và bằng máy quay phim gắn ngay trên các TiVi trong nhà; quyền tư duy và ngôn luận bị kiểm duyệt gắt gao. Nhà cầm quyền không còn thả lỏng nền kinh tế thị trường, thay vào đó siết chặc khu vực tư nhân và khuếch trương các công ty quốc doanh nhằm phục vụ cho những mục tiêu chiến lược do đảng đề ra.

Sàn chứng khoán Trung Quốc từ 2021 cho đến đầu năm 2024 tuột dốc đánh mất 6 ngàn tỷ USD[2] do giới đầu tư không còn tin tưởng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh chóng, mà cũng không dám bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân. Hiện có khoảng 200 triệu người Tàu sở hữu cổ phiếu nhưng không còn cơ hội “bán chứng khoán mua nhà đất” (sell your stocks and buy real estate) như những năm trước đây[3] do giá nhà ở những thành phố lớn sụt mất 20-30% còn các thành phố nhỏ 30-40%. Thị trường địa ốc khủng hoảng vì nhà cửa xây cất thặng dư còn chổ trống đủ chứa 150 triệu người[4]. Ngân sách của nhiều địa phương trước đây nhờ giá đất tăng nhanh nên nay bị thiếu hụt; tổng số nợ toàn quốc lên đến 270% GDP. Tăng trưởng GDP 8.9% từ 1989-2022 rơi xuống còn 5.2% năm 2023[5], nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng con số thật sự chỉ từ 2.5%-3.5%.  Thị trường chờ đợi nhà cầm quyền trợ giúp nhưng khác với những lần khủng hoảng trước Bắc Kinh cho đến giờ này can thiệp rất hạn chế, mục tiêu nhằm dạy cho các địa phương, doanh nghiệp và giới đầu tư bài học chừa bỏ thói quen ỷ lại (moral hazard) làm ăn cẩu thả rồi trông cậy nhà cầm quyền cấp cứu.

Chính sách kinh tế của Tập Cận Bình thể hiện qua 6 điểm sau đây:

  1. Nhà cầm quyền không bao che dung dưỡng thói ỷ lại của các địa phương, tập đoàn thân hữu và giới đầu tư (Mỹ gọi là corporate welfare). 
  1. Nhà cầm quyền cũng không mở rộng mạng lưới an sinh vì dễ sinh ra tính ỷ lại và lười biếng trong quần chúng (social welfare). 
  1. Trái lại nhà cầm quyền ưu đãi những công ty quốc doanh và tập đoàn tư nhân bán công lập (như SMIC, Huawei, BYD đều có phần hùn của nhà nước) nhằm đẩy mạnh ưu thế về đất hiếm, đồng thời phát triễn các ngành năng lượng xanh và công nghiệp cứng (“hard technologies”, tức là những công ty sản xuất tổng hợp cả phần cứng (hardware) lẫn phần mềm (software) theo kiểu Apple, Tesla, Airbus,…) Mục tiêu nhằm (1) tự đứng vững về công nghệ tiên tiến trong hoàn cảnh đối đầu với Mỹ, (2) phục hưng Trung Quốc (China rejuvenation) (3) vươn mình cạnh tranh quốc tế. 
  1. Nhà cầm quyền thâm nhập vào các doanh nghiệp tư nhân có ứng dụng song hành (dual-use) giữa quốc phòng và dân sự khiến công và tư không thể phân biệt được. 
  1. Nhà cầm quyền siết chặc các doanh nghiệp mạng cho dù nhiều công ty trong số này này được Tây Phương xem là “con ngổng đẻ trứng vàng” như Ant Financial (tài chánh mạng), Alibaba (mạng xã hội), Didi (car sharing), trò chơi mạng (online gaming) và giáo dục mạng (online education.) Các doanh nghiệp mạng bị quan tâm đặc biệt nhằm kiểm soát tầm ảnh hưởng lên dư luận quần chúng phòng ngừa các trường hợp giống như X (trước đây gọi Twitter) và Facebook vốn chi phối bầu không khí chính trị ở Hoa Kỳ. 
  1. Đại kế hoạch Vành Đai Con Đường và thế giới phương Nam (global South). 

Phần dưới đây sẽ đi vào chi tiết của từng mục.  

1.    Nhà cầm quyền không dung dưỡng bao che thói ỷ lại trong thị trường

Riêng trong khoảng này thì Tập Cận Bình gần gủi với lập trường của tư bản cổ điển là nhà cầm quyền hạn chế can thiệp để thị trường tự do đào thải các thói hư tật xấu thì tăng trưởng mới lành mạnh. 

Họ Tập năm 2014 cảnh báo các địa phương ngừng phung phí xây cất những công trình kiến trúc với hình thù quái gở[6] (có lẻ Việt Nam cũng nên theo lời dạy này); năm 2016 cảnh báo giới đầu tư và dân chúng rằng “nhà ở chớ không phải để đầu cơ[7].” Điều này trùng hợp với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” (cho dù họ Tập nhân cơ hội đánh ngã các vây cánh đối thủ để cũng cố quyền lực cá nhân) và chiêu bài “Thịnh vượng chung” (Common prosperity) nhằm xì hơi bong bóng đầu cơ địa ốc. 

Vấn đề là ngân sách các địa phương dựa vào giá nhà đất tăng nhanh, nay ngành địa ốc suy sụp thì địa phương thiếu hụt làm ảnh hưởng đến cơ hội làm giàu và thăng quan tiến chức của giới quan lại. Trường hợp được biết đến nhiều nhất của công ty xây dựng Evergrand nợ nần lên đến 300 tỷ USD bị phá sản. Ít được nhắc đến hơn khi các tập đoàn tài chánh hay ngân hàng ngầm (shadow banking) như Zongzhi vỡ nợ trong lúc còn thiếu 36 tỷ USD của 150 ngàn thân chủ trong nước[8]. Ngành địa ốc chiếm 30% GDP Trung Quốc nay rơi vào khủng hoảng, sàn chứng khoán thủng đáy, công ăn việc làm khó tìm (thanh niên thất nghiệp 21% tháng 06/2023 đến 01/2024 thụt xuống còn 14.9% con số không biết thật hay giả) khiến dân chúng hạn chế chi tiêu kéo nền kinh tế trì trệ. 

Hiện không có dấu hiệu bong bóng địa ốc sẽ lây lan đe dọa nền kinh tế Trung Quốc theo kiểu Khủng Hoảng Tài Chánh Đông-Á 1990 hay Đại Khủng Hoảng Tài Chánh ở Mỹ 2007-08. Khác với Thái Lan, Philippines, Indonesia, Nam Hàn trước đây, Trung Quốc không vay mượn nước ngoài nhiều, quỹ dự trữ ngoại tệ dồi dào và không cho tự do chuyển tiền nên không sợ tình trạng đồng NDT bị tấn công hay tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy. Trung Quốc dù đang bị rỉ máu ngoại tệ do tư bản trong nước mang tiền đi ra ngoại quốc nhưng tình hình vẫn còn kiểm soát được.

Dân Tàu ít nợ, gặp lúc khó khăn lại càng tăng tiết kiệm gởi vào ngân hàng. Nhờ vậy ngân hàng có vốn dồi dào để tiếp tục cho các doanh nghiệp sản xuất vay mượn, khác với ở Mỹ năm 2007-08 khi ngân hàng thiếu vốn nên không dám cho các công ty vay mượn ngắn hạng khiến doanh nghiệp bị phá sản vì không có tiền trả hóa đơn và trả lương nhân viên. Cho nên khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc được cô lập trong một lãnh vực tài chánh mà không lây lan ra nhiều khu vực khác, hay là giống như khủng hoảng dot.com ở Mỹ năm 2001 chỉ giới hạn trong phạm vi các công ty điện toán.

Các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc đang trải qua quá trình thanh toán nợ (de-leveraging) kéo dài khiến nền kinh tế sẽ còn trì trệ trong nhiều năm tới đây giống như Nhật Bản từ đầu thập niên 1990 cho đến nay. Nhiều chuyên gia quốc tế đề nghị giải pháp thoát ra khỏi khủng hoảng là nhà cầm quyền kích cầu bằng cách hổ trợ công ty xây dựng hoàn tất những công trình dang dỡ. Người mua sẽ có nhà để dọn vào, bên vay sẽ trả được tiền thiếu nợ. Tâm lý thị trường trở nên lạc quan thúc đẩy tiêu thụ và nền kinh tế thoát ra khỏi lỗ trũng hiện thời.

Tuy nhiên gói kích cầu của nhà cầm quyền lại dung dưỡng thói ỷ lại của các địa phương, doanh nghiệp và giới đầu tư rằng Bắc Kinh trước sau gì cũng sẽ phải nâng đỡ ngành nhà đất do thị trường địa ốc chiếm đến 30% GDP nên không thể bị sụp. Giá nhà sẽ tăng trở lại kéo theo nạn đầu tư cẩu thả bơm lên bong bóng mới. Bắc Kinh hiện còn chần chờ khiến thị trường chứng khoán sụt giá vì triển vọng phục hồi không rỏ ràng.  

Tập Cận Bình có vẻ chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm trong một thời gian dài để diệt trừ thói ỷ lại, miễn là khủng hoảng địa ốc không lây lan và không dẫn đến bất ổn xã hội. Dân chúng trả tiền mà không được giao nhà; mất vốn vì các công ty tài chánh phá sản; nhà mua lổ nặng nhưng bán không được; doanh nghiệp nhỏ (nhà hàng, chợ búa, tiệm bàn ghế…) điêu đứng; dân chúng không tìm ra việc làm là những điều mà Bắc Kinh cần theo dõi để quyết định gói kích cầu lớn hay nhỏ.

2.    Nhà cầm quyền không mở rộng mạng lưới an sinh 

Tuy thất nghiệp tăng và cửa hàng ế ẩm nhưng Bắc Kinh không đầu tư mở rộng mạng lưới an sinh. Trái lại Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc dù giàu có vẫn không theo mô hình xã hội tế bần (welfarism) vì mang lại tính lười biếng[9] và đồi trụy[10]. Họ Tập nhấn mạnh giá trị cá nhân được xây dựng trên công sức làm việc để công kích giới trẻ ở Trung Quốc thất nghiệp “nằm phè” (lying flat) thay vì xông xáo tìm việc làm dù lương thấp trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Mạng lưới an sinh kém nên dân Tàu lo để dành tiền phòng khi thất nghiệp, bệnh hoạn, già yếu hay nuôi dạy con cái khiến sức tiêu thụ giảm. Trong kinh tế có 2 lực cung (đẩy) và cầu (kéo). Cung tăng đẩy sản xuất tăng nâng kinh tế phát triển. Cầu tăng kéo doanh nghiệp đầu tư khiến kinh tế tăng trưởng. Tập Cận Bình chọn mô hình kinh tế trọng cung (supply-side economic) thay vì trọng cầu (demand-side economic). 

Quan điểm chống xã hội tế bần nhưng bên cạnh còn thêm nguyên nhân chính trị. Tăng chi vào an sinh xã hội tất phải giảm chi cho doanh nghiệp nhà nước, hay là đụng chạm đến quyền lợi chính trị và kinh tế của phe nhóm cầm quyền trong nước. Cho nên Bắc Kinh dù hiểu rỏ nhu cầu nâng sức tiêu thụ của quần chúng từ 15 năm nay nhưng vẫn không thi hành bởi vì thay đổi mô hình từ trọng cung sang trọng cầu hàm ý nghĩa tái phân phối của cải trong xã hội giữa nhà cầm quyền và dân chúng nên đi ngược với chủ trương nhà nước quản lý và đảng lãnh đạo.

3.    Nhà cầm quyền ưu đãi công ty quốc doanh và đầu tư vào các công nghệ chiến lược (strategic industries) 

Trọng cung bên Mỹ dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan nhằm thu hẹp vai trò của nhà nước bằng cách cắt thuế và giảm chi công để nâng đỡ khu vực tư nhân tăng vốn đầu tư. 

Trọng cung bên Tàu trái hẳn với Mỹ bởi vì vài trò của nhà nước được mở rộng. Nhà cầm quyền khuyếch trương công ty quốc doanh và thúc đẩy chính sách công nghiệp hóa quốc gia (national industrial policy) nhằm phục vụ cho các ngành công nghệ chiến lược. 

Trước khi vào WTO năm 2001 Bắc Kinh cổ phần hóa hay tư nhân hóa gần 100 ngàn doanh nghiệp nhà nước[11] trên tổng số 300 ngàn toàn quốc[12] - trong đó gồm nhiều công ty quan trọng như CNPC & Sinopec (dầu hỏa), China Mobile & China Telecom (điện thoại). Có 2 nguyên do (a) Trung Quốc còn nghèo nên cần vốn đầu tư từ Tây Phương (China Telecom niêm yết con số khổng lồ 4.2 tỷ USD lên 2 sàn chứng khoáng Hồng Kồng và New York năm 1997), và (b) công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ do thiếu khả năng điều hành và cạnh tranh trong kinh tế thị trường. 

Từ sau năm 2000 Trung Quốc đưa hàng trăm ngàn sinh viên ra nước ngoài học hỏi về quản lý và kỹ thuật ở các trường danh tiếng của Tây Phương. Đến thời Tập Cận Bình những doanh nghiệp quốc doanh xem như đủ lông cánh sát nhập lại thành các đại tập đoàn cạnh tranh ra quốc tế. Cụ thể vào năm 2021 sáu doanh nghiệp nhà nước sản xuất đất hiếm gộp lại vào nhau trở thành đại tập đoàn quốc doanh China Rare Earth Group. Vài công ty Trung Quốc (kể cả China Telecom) rút ra khỏi sàn chứng khoán Hoa Kỳ một mặt do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, mặt khác vì Bắc Kinh không cho phép công khai hóa sổ sách và các “bí mật quốc gia” theo đòi hỏi giám sát của SEC Hoa Kỳ. 

Năm 2015 Bắc Kinh đưa ra chính sách công nghiệp hóa quốc gia mang tên Made in China 2025. Tuy sách lược này giờ đây được che dấu để tránh gây lo ngại cho Tây Phương, nhưng mục tiêu vẫn không thay đổi là Trung Quốc muốn đủ năng lực tự túc trong nhiều ngành công nghệ chiến lược mà không lệ thuộc vào Tây Phương: xe hơi điện và năng lượng tái tạo; tin học; truyền thông; người máy tự động; trí tuệ nhân tạo; hàng không; sinh học; vật liệu tiên tiến (advanced materials). 

Bắc Kinh bỏ vốn 1400 tỷ USD vào công nghệ sản xuất chip điện toán trong 2020-2025[13] từ khi bị Mỹ phong tỏa kỹ thuật. Hãy so sánh con số này với đầu tư của Mỹ gồm 88 tỷ USD tiền nhà nước cọng thêm 166 tỷ vốn tư nhân. Hiện giám đốc Sam Altman thuộc công ty OpenAI đang huy động vốn khủng 7000 tỷ USD để sản xuất loại chip tối tân không riêng gì ở Mỹ mà trên toàn thế giới nhắm vào trí tuệ nhân tạo – con số cuối cùng cho dù thấp hơn rất nhiều nhưng cũng không phải là bánh vẽ.  

Nhờ đầu tư dồi dào nên tập đoàn SMIC của Trung Quốc đã sản xuất được loại chip 7nm tức theo đuổi sát nút với TSMC của Đài Loan, Samsung của Nam Hàn và Intel của Mỹ ngay trong hoàn cảnh bị Hoa Kỳ phong tỏa kỹ thuật. Trung Quốc không chỉ chú trọng đến các chip tối tân nhất mà có kế hoạch tràn ngập thị trường thế giới với loại chip rẻ tiền nhưng dùng khắp mọi nơi như trong xe hơi, Tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại rẻ tiền thông dụng ở những nước đang phát triển v.v… 

Trung Quốc bắt đầu từ bước sản xuất pin nhỏ dùng trong điện thoại, laptop, v.v…nhảy vọt lên chiếm ưu thế áp đão trên thế giới về bình điện xe hơi (78%)[14], công nghệ sản xuất đất hiếm (89%), điện gió và điện mặt trời. 

Âu-Mỹ vẫn còn ngỡ ngàng khi Trung Quốc bất ngờ nhảy vọt qua mặt Nhật Bản để trở thành nước xuất cảng xe hơi nhiều nhất thế giới vào năm 2023[15]. Các nước EU như Đức và Pháp hoảng hốt bàn tăng thuế nhập khẩu nhằm bảo vệ các hãng VW, BMW, Mercedes, Renault, Citroen.... Xe hơi Tàu hiện chưa vào Mỹ do bị Trump đánh thuế 25% nhưng công ty lớn hàng đầu ở Trung Quốc BYD đang xây nhiều hãng sản xuất ở Brazil, Thái Lan, Hungary, Uzbekistan và trong tương lai Indonesia và Mexico để né tránh hàng rào thuế quan[16]. Biden đang tính viện lý do an ninh quốc gia[17] để cấm nhập cảng xe từ Trung Quốc, nhưng thật tình là các công ty Mỹ GM và Ford không cạnh tranh nổi với BYD. 

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có thể lên đến 700 triệu USD thay vì 290 triệu USD như Tây Phương từng ước tính, tức là gần bằng với ngân sách 800 triệu USD của Mỹ[18] trong khi lương bổng và dịch vụ cho quân nhân thấp hơn rất nhiều. Thí dụ Trung Quốc có thể chế tạo 3 tàu chiến nhưng cùng giá với 2 tàu chiến bên Mỹ, trong khi hiệu quả không chênh lệch quá xa. Thật tình thì kết luận này cũng khó biết vì Tập Cận Bình vừa cách chức nhiều tướng lãnh cao cấp với tin đồn tham nhũng đổ nước lạnh (thay vì nhiên liệu) trong các dàn hỏa tiễn[19].   

Các nước cộng sản có truyền thống khuyến khích những ngành công nghiệp nặng gồm hãng xưởng, máy móc, kim loại, nguyên liệu và vật liệu xây cất. Bắc Kinh tiếp tục chính sách này nên chú trọng phát triển công nghệ “cứng” (hard technologies, tức sản xuất tổng hợp cả phần cứng (hardware) lẫn phần mềm (software) giống như các hãng Apple, Tesla, Airbus, Boeing…) hơn là công nghệ “mềm” (thí dụ như mạng xã hội, tài chánh mạng, giáo dục mạng,…).  Kỹ sư mới ra trường được khuyến khích làm việc tại những tập đoàn sản xuất như BYD, Huawei, SMIC... thay vì trong các công ty mạng xã hội. 

Dù vậy Trung Quốc không hoàn toàn là một nền kinh tế chỉ huy vì Bắc Kinh vẫn khuyến khích cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp dù công hay tư để gạn lọc những “quả đấm thép”. Thí dụ ở Trung Quốc trong mỗi ngành thường có 3-5 công ty lớn cạnh tranh ráo riết lẫn nhau như trường hợp 3 hãng điện thoại China Telecom, China Unicom và China Mobile; nhiều hãng sản xuất điện thoại như Huawei, ZTE, Xiaomi; hai mạng xã hội Alibaba và Tencent. Khi Bắc Kinh khuyến khích ngành sản xuất xe hơi điện đã có hàng trăm công ty ở nhiều địa phương nhảy vào thị trường béo bở này để được hưởng các ưu đãi như quyền xử dụng đất đai và lãi suất ngân hàng. Cho đến nay hơn 100 doanh nghiệp trong số này đang thoi thóp thở, dù vậy nhờ cạnh tranh nên gạn lọc ra được một con ngỗng đẻ trứng vàng BYD hiện xếp ngang hàng với hãng Tesla của Mỹ. So với các công ty Tây Phương thì Huawei bỏ xa Ericsson, Nokia và Motorola trong việc thiết kế hệ thống 5G, đồng thời chạy đua sát nút theo Apple và Samsung với các điện thoại cầm tay hiện đại. Hãng SMIC khiến Tây Phương kinh ngạc vì sản xuất được loại chip điện toán 7nm cực kỳ tinh vi cho dù bị Mỹ phong tỏa kỹ thuật. Trong năm 2023 chất lượng yếu kém của hãng Boeing Hoa Kỳ mở cơ hội cho Comac Trung Quốc tập tễnh bước ra quốc tế cạnh tranh với Airbus của Âu Châu về sản xuất máy bay hàng không dân sự.

4.    Nhà cầm quyền thâm nhập vào doanh nghiệp tư nhân. 

Trung Quốc đầu tư vào nhiều công ty tư nhân nhất là trong các ngành nghề mang ứng dụng song hành cả quốc phòng lẫn dân sự (dual-use technologies) như sản xuất chip điện toán (SMIC), xe hơi điện (BYD) và năng lượng xanh. Bắc Kinh mua cổ phần và cử đại diện vào ban giám đốc điều hành của các công ty; thành hình các tổ sinh hoạt đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Mối liên hệ giữa nhà cầm quyền và tư nhân ngày được siết chặt đến mức nay không còn phân biệt giữa doanh nghiệp công hay tư. 

5.    Nhà cầm quyền siết chặt doanh nghiệp mạng 

Trong kinh tế cổ điển có 4 yếu tố cấu thành sản xuất gồm Đất Đai, Lao Động, Vốn và Kinh Doanh (Land, Labor, Capital and Entrepreneur). Nay Bắc Kinh cộng thêm vào yếu tố thứ 5 là Dữ Liệu Điện Toán (Data).  

Nhà cầm quyền phải làm chủ các phương tiện sản xuất cho nên Bắc Kinh nay sở hữu mọi dữ liệu xã hội dù đến từ nhà nước hay tư nhân. Bắc Kinh kiểm soát hai tập đoàn mạng Alibaba và Tencent nhằm đặt thông tin trong tầm quản lý của đảng, đồng thời diệt trừ các mầm mống của mạng xã hội tư nhân trở thành một thế lực chính trị khích động quần chúng giống như Facebook, YouTube và X (Twitter) bên Mỹ. Từ năm 2013 những công ty mạng như Alibaba và Tencent cho ấn hành một loại cổ phiếu vàng (golden shares) dành riêng cho nhà nước. Loại chứng khoán này dù chỉ chiếm 1% trên tổng số nhưng nhờ quy định mù mịt nên ai cũng hiểu nhà cầm quyền nay tham dự vào mọi quyết định các quyết định quan trọng của công ty. 

Về kinh tế nhà cầm quyền thu thập dữ liệu xã hội để quản lý việc phân phối vốn, ngân sách, và phát huy công nghệ chiến lược về trí tuệ nhân tạo.   

Về chính trị nhà cầm quyền theo dõi dữ liệu xã hội nhằm kiểm soát thông tin và giám sát mầm mống bất mãn trong quần chúng. Nhà cầm quyền dùng mạng xã hội để tuyên truyền cho chính sách của đảng. Một thí dụ là đảng viên cộng sản cùng các ban giám đốc công ty dù công hay tư mỗi ngày phải đọc và trả lời 5 câu hỏi về Tư Tưởng Tập Cận Bình trên điện thoại cầm tay. 

Bắc Kinh chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội như kiểm duyệt sân khấu và phim ảnh các thể hiện “bóng” (sissy man); kiểm soát nội dung và thời giờ của các trò chơi mạng (online gaming); giám sát giáo dục mạng (online education) và cấm đoán các lớp trên mạng từ nước ngoài. Không ít dân Tàu tán đồng những chính sách này vì đi làm không đủ thời giờ dạy con nên để nhà nước dạy!

6.    Vành đai con đường và thế giới phương Nam (global South)

Khi xuất khẩu sang Âu-Mỹ chậm lại từ sau Đại Khủng Hoảng Tài 2007-08 thì Tập Cận Bình đã tuyên bố thặng dư sản xuất ở Trung Quốc mở cơ hội đầu tư sang các nước đang mở mang. Bắc Kinh đặt hy vọng sẽ dẫn đầu thế giới phương Nam (global South) bằng khối BRICS và kế hoạch Vành Đai Con Đường độc lập với Tây Phương.  

Khác biệt giữa thế giới phương Nam và phương Bắc (tức là Tây Phương) thể hiện rõ rệt qua chiến tranh Ukraine vì ngoại trừ G7 thì phần còn lại của thế giới không đồng ý phong tỏa và cô lập nước Nga. Mặc dù Âu-Mỹ khẳng định chiến tranh Ukraine tạo thách thức cho nền trật tự an ninh toàn cầu nhưng các nước đang mở mang cho rằng đây chỉ là một cuộc tranh chấp trong nội bộ Âu Châu vì đôi bên cùng có lỗi. Nhiều nước gồm Ấn Độ và Trung Quốc còn lợi dụng cơ hội Tây Phương cấm vận để mua dầu giá rẻ và bán hàng cho Nga. Tầm ảnh hưởng của Tây Phương giảm dần khi cán cân kinh tế thay đổi với GDP của khối NATO nay chỉ chiếm 31% GDP toàn cầu[20], trong khi Tàu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. 

Bắc Kinh so sánh đi với Trung Quốc được ổn định và tăng trưởng, còn theo Mỹ lại rơi vào chiến tranh, hỗn loạn xã hội và thảm họa nhân loại như tại Ukraine, Bắc Phi và Trung Đông. Cho dù chính sách gây hấn của Bắc Kinh ở vùng Đông Á, các bẫy nợ trên thế giới và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc khiến lý luận trở nên kém hấp dẫn nhưng các nước đang mở mang đều đi hàng hai để giữ Trung Quốc như đối tác thương mại hàng đầu nhằm phát triển kinh tế. 

Khối BRICS được thành hình năm 2009 (tức là ngay sau Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 ở Mỹ) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc.  Sang năm 2024 thu hút thêm 5 nước gôm Ai Cập, Iran, Saudi Arabia, United Arab Emirates và Ethiopia thuộc vùng Trung Đông và Bắc Phi. GDP của khối BRICS chiếm 32% gần bằng G7  với 30% GDP toàn cầu vào năm 2023[21]. Ấn Độ được xem như cái thắng kìm hãm khả năng Trung Quốc áp đảo khối BRICS.   

Trung Quốc tài trợ cho dự án Vành Đai Con Đường qua 4 ngân hàng nhà nước (China Construction Bank, Bank of China, Industrial and Commercial Bank, Agricultural Bank) và 2 quỹ đầu tư quốc gia (Silk Road Fund và Belt and Road Fund). Sau dịch Vũ Hán nhiều nước vay nợ không trả nổi nên bị rơi vào bẫy nợ, cọng với kinh tế Trung Quốc trì trệ nên đà phát triển của kế hoạch Vòng Đai Con Đường cũng chậm theo. Tập Cận Bình tuyên đầu tư vào Vòng Đai Con Đường nay chú trọng đến chất lượng (high quality) thay vì số lượng[22]

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất hành tinh với tổng số tiền cho các nước đang mở mang vay mượn lên đến 1100 tỷ USD; 57 nước trong số này hiện không đủ khả năng trả nợ[23]. Những điều kiện Bắc Kinh cho vay mập mờ thiếu công khai nên việc điều đình để hoãn nợ hay xóa nợ gập rất nhiều khó khăn vì các chủ nợ còn lại như IMF và G7 đều không muốn bị thiệt thòi khi nước đi vay ưu tiên trả nợ cho Trung Quốc trước nhất. 

 Chương 6 sẽ tìm hiểu về nghịch lý giữa tăng trưởng và tham nhũng ở Trung Quốc.



[1] Nhiều nhà quan sát Tây Phương nghi ngờ thành phố Thượng Hải bị phong tỏa chính là một cuộc tập trận trá hình chống cấm vận.

[2] https://www.cnn.com/2024/01/23/investing/china-stock-market-losses-explained/index.html#:~:text=Chinese%20shares%20haven't%20just,Chinese%20and%20Hong%20Kong%20stocks.

[3] https://www.economist.com/finance-and-economics/2024/02/07/chinas-stockmarket-nightmare-is-nowhere-near-over

[4] https://asia.nikkei.com/Spotlight/Datawatch/Housing-glut-leaves-China-with-excess-homes-for-150m-people#:~:text=Assuming%20each%20home%20has%20a,to%20about%2050%20million%20homes.

[5] https://tradingeconomics.com/china/gdp-growth-annual

[7] https://www.reuters.com/world/china/china-should-stick-houses-are-living-not-speculation-state-media-2023-08-23/

[8] https://www.cnbc.com/2024/01/08/zhongzhi-latest-casualty-of-chinas-deepening-debt-and-property-crisis-.html

[9]Even if we become more developed and financially stronger in the future, we should not set excessively high goals and provide excessive guarantees, in order not to fall into the trap of “welfarism” that encourages laziness.”

https://www.caixinglobal.com/2021-10-19/full-text-xi-jinpings-speech-on-boosting-common-prosperity-101788302.html sa

[10] Báo chí Trung Quốc chế nhạo dàn ông bóng là sissy man

[11] https://english.ckgsb.edu.cn/sites/default/files/privatization_in_china.pdf

[12] https://www.sjsu.edu/faculty/watkins/chinasoes.htm

[13] https://www.thewirechina.com/2020/10/04/chinas-trillion-dollar-investment-and-semiconductor-future/

[14] https://www.economist.com/the-world-ahead/2023/11/13/evs-are-poised-to-make-china-the-worlds-biggest-car-exporter

[15] https://www.bbc.com/news/business-65643064

[16] https://www.nytimes.com/2024/02/27/opinion/gm-ford-electric-vehicles.html

[17] https://www.nytimes.com/2024/02/29/us/politics/biden-chinese-electric-vehicles.html

[18] https://foreignpolicy.com/2023/09/19/china-defense-budget-military-weapons-purchasing-power/#:~:text=U.S.%20Sen.,U.S.%20Sen.

[19] https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-01-06/us-intelligence-shows-flawed-china-missiles-led-xi-jinping-to-purge-military

[20] https://www.worldeconomics.com/Regions/G7/#:~:text=Data%20is%20combined%20for%20the,a%20global%20average%20of%2030.

[21] https://www.statista.com/statistics/1412425/gdp-ppp-share-world-gdp-g7-brics/#:~:text=The%20BRICS%20countries%20overtook%20the,held%20by%20the%20G7%20countries.

[22] https://english.www.gov.cn/news/202310/18/content_WS652f65e6c6d0868f4e8e05bd.html

[23] https://www.cnn.com/2023/11/07/business/china-bri-developing-countries-overdue-debt-intl-hnk/index.html#:~:text=Developing%20countries%20owe%20Chinese%20lenders,as%20many%20borrowers%20struggle%20financially.

No comments:

Post a Comment