Bài viết trước nhận xét Việt Nam đã né được phát súng đầu tiên khi tổng thống đắc cử Donald Trump chĩa mùi dùi thuế quan vào Trung Quốc, Mexico và Canada. Nhưng chỉ một tuần lễ sau đó Việt Nam lại rơi vào tầm đạn khi Eric Trump – con trai và cận thần của ông Trump - tuyên bố Việt Nam đã “móc túi” (ripped off) nước Mỹ [1].
Tưởng cũng nên nhắc lại tập đoàn Trump Organization ký kết nhiều dự án xây cất khách sạn và sân golf ở Âu Châu, Ấn Độ và Việt Nam (ngay trong tỉnh Hưng Yên của tổng Tô Lâm). Để tránh tai tiếng lợi dụng quyền thế chính trị cho lợi lộc dòng họ nên Eric Trump tuyên bố các nước đừng hòng mua chuộc ông ta để được ưu đãi với chính quyền Trump [2] - tuy nói dậy mà không biết có như dậy hay không phải dậy thật là khó hiểu.
Dù sau thì Việt Nam có cán cân mậu dịch chênh lệch 104 tỷ USD với Mỹ đứng hàng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Mexico (hoặc hàng thứ 4 nếu tính luôn khối EU) nên khó lòng tránh khỏi bị áp thuế. Ông Peter Navarro được chọn làm cố vấn cao cấp về mậu dịch vốn có lập trường diều hâu đã viết trong Project 2025 rằng Hoa Kỳ chỉ cần chỉnh sửa thuế nhập khẩu với 13 quốc gia đầu sổ thì cũng đủ để phục hồi cán cân mậu dịch.
Trong số 13 nước này riêng ở vùng Đông Nam Á có Việt Nam nổi trội nhất (99.8 tỷ USD năm 2022) bỏ xa Thái Lan (36.6 tỷ USD) Mã Lai (30.9 tỷ USD) và Indo (21.1 tỷ USD). Báo Mỹ cho rằng Việt Nam có triển vọng bị áp thuế vì Việt Nam có ít khả năng trả đũa so với Tàu hay Mexico. Vì mũi dùi chĩa vào Việt Nam nên nhiều công ty nước ngoài đang rục rịch dọn sang Cambodia, Ấn Độ và Mã Lai [3].
Thời Biden muốn ve vãn Việt Nam nghiêng về phía Mỹ cho nên chính quyền Biden không nhắc nhở gì đến thâm thủng mậu dịch đang trên đà tăng vọt với Việt Nam. Bộ Tài Chính Hoa Kỳ kết luận Việt Nam không thao túng mậu dịch (11/2023). Bộ trưởng Tài Chính bà Yellen muốn Mỹ đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu (06/2024). Bộ trưởng Thương Mại bà Raimondo ủng hộ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách của các nền kinh tế phi thị trường (08/2024). Ngược lại Hà Nội hù dọa việc Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đã tổn hại đến bang giao hai nước [4]. Cho nên Biden đích thân đến Hà Nội dưới ngọn cờ đỏ sao vàng ký nâng quan hệ giữa hai nước lên hàng đối tác chiến lược toàn diện với Nguyễn Phú Trọng thì an ninh biển Đông rơi vào hạng mục cuối cùng của hiệp ước. Trước đó thì Việt Nam cũng đã loan báo nâng cấp quan hệ ngoại giao với Úc và Singapore nhằm trấn an Tập Cận Bình rằng câu chuyện đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ chẳng có gì là ầm ĩ.
Ngược lại Trump là thương gia trước khi thành chính trị gia nên muốn làm bạn tốt không được chơi xấu. Trump chẳng cần lịch sự ngoại giao mà thẳng thừng lên án Âu Châu ăn quịt, Đài Loan ăn cắp công nghệ, Nam Hàn hà tiện còn Việt Nam ăn gian hơn cả Tàu, vậy mà được dân Mỹ ủng hộ. Con trai Eric Trump nay cho rằng Việt Nam móc túi nước Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu chính quyền Trump hỗn loạn vì gặp nhiều chống đối của nhà nước ma (deep state) gồm các thành phần ưu tú (elites) và thư lại hành chánh (bureaucracy), nay trải qua 4 năm chuẩn bị nên hứa hẹn sẽ đánh đẹp ngay trong tuần lễ đầu tiên sau ngày nhậm chức.
Năm 2018 chênh lệch mậu dịch Việt-Mỹ lên đến 39 tỷ USD nên sau đó vào 2019 Nguyễn Phú Trọng hứa với Trump đặt hàng 20 tỷ USD [5] mua máy bay Boeing, than đá, đậu nành, v.v… Hứa nhiều mà mua ít nhờ độc trùng Vũ Hán rồi Trump bị thất cử năm 2020.
Năm 2023
chênh lệch mậu dịch Việt-Mỹ tăng vọt là 105 tỷ USD. Nếu giữ theo tỷ số 50% thì
Tô Lâm sẽ phải hứa mua 50-70 tỷ USD hàng Mỹ. Khác biệt lần này là ông Trump sẽ
ở Tòa Nhà Trắng trong 4 năm sắp tới nên không dám hứa lèo, mà Việt Nam cũng
không đủ tiền hay đủ sức tiêu thụ lượng hàng hóa khổng lồ như vậy. Chỉ còn cách
Việt Nam phải nỗ lực chận hàng dán nhãn từ Trung Quốc nếu không muốn bị áp thuế
ở mức 60%. Thị trường tiêu thụ bên Tàu đang giảm do kinh tế suy thoái, thị
trường xuất khẩu từ Tàu lại bị Trump đe dọa áp thuế thì công ty Trung Quốc chỉ
còn cách tiếp tục bơm hàng sang Việt Nam, Đông Nam Á, Mexico…tạo thêm căng
thẳng giữa các nước này với cả Tàu lẫn Mỹ.
Bài tới sẽ tìm hiểu sâu hơn về khác biệt giữa hai chính sách thương mại thời Biden và Trump.
***
No comments:
Post a Comment