Bài này viết về Trung Quốc vốn là đối tác hàng đầu của Mỹ với cán cân mua bán chênh lệch 279 tỷ USD. Trump đe dọa đánh thuế 60% lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ-Trung lệ thuộc và buộc chặt vào nhau (người Mỹ gọi là joined at the hips) nên chiến tranh thương mại xảy ra giữa hai nước này đang làm thay đổi mậu dịch toàn cầu.
Bên phía Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện có hai luồng dư luận trái chiều: người Tàu cho rằng Tập Cận Bình đã quá vội vã thách thức Hoa Kỳ trong khi Trung Quốc chưa đủ mạnh; dân Mỹ lại đánh giá Hoa Kỳ chậm trễ nên đánh mất cơ hội chận đứng đà tiến lên của Trung Quốc.
Riêng trong chiến tranh mậu dịch phía Mỹ lại còn thêm 2 ý kiến: một bên cho rằng chính sách ngoại thương dù là “vườn hẹp, rào cao” thời Biden hay hàng rào thuế quan của Trump cũng đều không chận đứng được các công ty Tàu luồn lách cửa sau nên kết quả chỉ có dân Mỹ chịu thiệt thòi do giá cả hàng tiêu dùng tăng, chênh lệch mậu dịch không giảm mà ngành sản xuất trong nước cũng không lên; phe còn lại đánh giá chiến tranh mậu dịch xảy ra trong lúc này là thời cơ thuận tiện vì nền kinh tế Trung Quốc đang èo uột nhất kể từ thập niên 1990 cho đến nay.
Trung Quốc hiện đang rơi vào suy thoái do khủng hoảng địa ốc cùng các khoảng nợ khổng lồ và mờ ám ở những địa phương. Giá nhà tụt dốc trong khi tài sản của dân Tàu đầu tư 80% vào địa ốc nên dân chúng không dám tiêu xài. Dân số giảm khiến mãi lực kém. Tập Cận Bình chủ trương kích cung thay vì kích cầu để phục hồi nền kinh tế. Tiêu thụ nội địa sụt giảm nên kinh tế Trung Quốc càng lệ thuộc vào xuất khẩu. Nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra ước tính GDP Trung Quốc sẽ rơi thêm 1.5-2% so với tăng trưởng hiện thời là 5% (nhiều người cho rằng tăng trưởng thực chỉ 2-3% hay ngay cả số âm.)
Hàng hóa ứ đọng không bán sang Mỹ thì phải đổ dồn sang EU và khối các nước phương Nam (Global South). Kinh tế EU lại đang èo uột, EU và các nước đang phát triển lo sợ hàng Trung Quốc phá giá giết chết doanh nghiệp nội địa nên sẽ phải dựng hàng rào thương mại hay thuế quan ngăn chận - trường hợp gần đây khi hàng Temu không được thông quan vào Việt Nam là thí dụ điển hình. Nhiều nước không những lo trả đũa Trump mà còn phải chận đứng hàng Trung Quốc tạo căng thẳng với cả Tàu lẫn Mỹ khiến nền mậu dịch toàn cầu chịu nhiều áp lực. Nước nào đi hai hàng đều loạng choạng vì cứ phải chàng hãng ngày càng xa.
Nền kinh tế Trung Quốc yếu kém không có nghĩa là Trung Quốc kém nguy hiểm. Bắc Kinh bắn loạt đạn đầu tiên trả đũa bằng cách phong tỏa xuất cảng đất hiếm sang Hoa Kỳ, theo dõi Nvidia và đặt 10 công ty Mỹ liên hệ đến quốc phòng vào danh sách đối tác không đáng tin cậy (unreliable entity list) gồm Boeing, Raytheon, Lockheed Martin…)
Dân Tàu không tiêu xài mà gửi tiền vào ngân hàng giúp cho thị trường tài chính Trung Quốc không thiếu vốn cho dù gánh nhiều nợ xấu. Nhờ vậy mà khủng hoảng nhà đất Trung Quốc không lây lan kiểu Mỹ 2007-08. Tiết kiệm của dân Tàu lên đến 43% GDP (trong lúc tiết kiệm ở Mỹ là 19% GDP) cho nên thị trường tài chính bên Tàu mỗi năm thu vào 8000 tỷ USD - một con số không thể tưởng tượng nổi. Trước đây các địa phương đầu tư vào ngành nhà đất nên địa ốc chiếm đến 30% GDP Trung Quốc (so với 20% bên Mỹ); nay không xây cất nhà và đô thị thì Bắc Kinh chuyển hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21 - tức là chính sách của Tập Cận Bình chú trọng kích cung thay vì kích cầu.
Bắc Kinh huy động đầu tư vào đất hiếm, năng lượng xanh, xe hơi điện, sản xuất chip điện toán và trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc hiện chiếm ưu thế áp đảo về sản xuất đất hiếm, pin điện, điện gió và mặt trời đủ sức phong tỏa hay bán phá giá giết chết cạnh tranh từ Tây Phương. Xe hơi điện và 5G (Huawei) bị ngăn chận không cho vào Âu-Mỹ thì bán sang Nga, Đông Nam Á, Trung Đông, Phi Châu và Nam Mỹ. Các nước đang phát triển lại đang cần những sản phẩm loại này với giá rẻ và phẩm chất thích hợp cho túi tiền dân chúng (thí dụ xe điện chỉ cần chạy 150km thay vì 600km bên Mỹ nên bình điện nhỏ và rẻ) nên Trung Quốc là nhà cung cấp lý tưởng - chỉ một điều là các nước phương Nam sau đó không đủ khả năng phát triển công ty nội địa cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Trung Quốc ăn cắp công nghệ và đào tạo kỹ sư đuổi theo ráo riết Hoa Kỳ và TSMC Đài Loan trong ngành sản xuất chip điện toán đời mới (7nm-2nm) dùng trong trí tuệ nhân tạo và điện thoại cầm tay. Bắc Kinh lại đầu tư thêm 300 tỷ USD để sản xuất chip điện toán đời cũ nhưng cần thiết và thông dụng trong xe hơi, tivi, tủ lạnh, microwave, laptop…Dự trù trong 2-3 năm nửa chip từ Trung Quốc sẽ tràn ngập và bán phá giá thị trường so với Âu-Mỹ-Nhật. Xe hơi, tivi, tủ lạnh, microware, laptop… lại sản xuất từ Trung Quốc tạo ra thế mạnh liên kết trong dây chuyền sản xuất. Trung Quốc đang trở thành nền kinh tế “trọn gói” sản xuất đủ loại mặt hàng mà ít lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ nước ngoài bởi vì chuỗi cung ứng trong nước cung cấp gần đủ các bộ phận từ rẻ tiền như dây điện cho đến tinh vi như chip điện toán và các nhà máy sản xuất tối tân.
Cựu tổng giám đốc tập đoàn Google ông Eric Schmidt vào tháng 11/2024 đã phát biểu chấn động là Trung Quốc đang đuổi kịp Hoa Kỳ trong ngành trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo của Mỹ ứng dụng trong mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model hay LLM) theo kiểu ChatGPT, còn ở Trung Quốc ứng dụng vào sản xuất và nhận dạng an ninh. Nhờ vậy mà các nhà máy sản xuất xe hơi điện của Trung Quốc giờ này đe dọa công ty Âu-Mỹ-Nhật. Tổng giám đốc Tesla ông Elon Musk 13 năm trước chế nhạo xe hơi BYD, nay nhìn nhận xe hơi điện Trung Quốc đủ sức cạnh tranh ra thế giới và sẽ giết chết các công ty Tây Phương nếu không bị ngăn chận bởi hàng rào mậu dịch.
Hàng hóa của Tàu bị Trump chận đánh thuế nên luồn lách sang các nước phương Nam để trốn thuế bán sang Mỹ. Cho nên chính sách giảm thiểu rủi ro (derisking) của Biden bằng cách đa phương hóa chuỗi cung ứng sang các nước như Mexico hay Việt Nam chưa chắc đã có hiệu quả vì gốc ngọn vẫn từ Trung Quốc. Nhờ 300-500 triệu người gốc Tàu có mặt trên khắp thế giới nên Bắc Kinh lúc nào cũng tìm ra ngõ ngách chống phong tỏa hay trốn thuế, nhu cầu đa phương hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ lại tạo cơ hội cho Trung Quốc nới rộng vòng tay bạch tuộc siết chặt nhiều nước phương Nam như Mexico và Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế của Bắc Kinh.
Biden ve vãn đồng minh và các nước phương Nam nên không ngăn chận những ngỏ luồn lách này. Trái lại Trump dọa tăng thuế 60% đối với Trung Quốc và 20% đối với các nước còn lại, riêng hai nước Mexico và Việt Nam là hai trạm trung chuyển hàng đầu có thể bị thuế cao hơn.
Cho nên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mỗi bên đều có thế mạnh hay yếu. Trung Quốc cho rằng điều đình với Trump dễ hơn so với Biden vì Trump gốc thương mại nên biết đổi chác linh hoạt (transactional) thay vì ngoan cố giáo điều (dogmatic). Chiến tranh mậu dịch thắng thua không những nhờ vào đòn phép, nội lực mà còn giữa ý chí của Trump và Tập bên nào lì lợm chịu đòn nhiều hơn. Trump và Tập lại cứng đầu và đầy tự tin không ai kém ai.
Bài tới sẽ bàn về 3 đối tác còn lại mà Hoa Kỳ đang thâm thủng mậu dịch nhiều nhất chỉ sau Trung Quốc: EU (208 tỷ USD) , Mexico (152) và Việt Nam (104).
No comments:
Post a Comment