Sunday, January 12, 2025

Trump 2.0 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: EU, Mexico và Việt Nam (Bài 5)

EU, Mexico và Việt Nam tuy không là đối thủ địa chính trị của Hoa Kỳ nhưng vẫn được phe Trump liệt kê vào bản phong thần vì đứng sau Trung Quốc với thặng dư mậu dịch hạng thứ 2, 3 và 4 đối với Mỹ.

Khối EU

Trong 3 nền kinh tế lớn thì lục địa già Âu Châu rất lúng túng nếu chiến tranh thương mại xảy ra. Kinh tế khu vực èo uột, nền an ninh bị đe dọa, chính trị lung lay trong nội bộ nhiều nước lớn và chia rẽ giữa các nước trong khối. Âu Châu bị tấn công tới tấp từ nhiều phía mà không tìm ra được tiếng nói chung đoàn kết để đáp trả áp lực từ Nga, Tàu, Trump và Elon Musk.

Trước hết về chính trị. Trong hai nước quan trọng nhất của EU thì thủ tướng Đức Olag Sholz và tổng thống Pháp Macron đều bị bất tín nhiệm trong nội bộ nên không đủ tư thế đại diện cho Âu Châu đối thoại với Trump và Tập. Nhiều chính quyền tả và trung tả của Âu Châu lung lay trước sự trổi dậy của trào lưu dân tộc cánh hữu khởi đầu tư chính sách di dân bừa bãi, đạo đức suy đồi (LGBTQIA) và kinh tế èo uột. Âu Châu mệt mỏi với chiến tranh Ukraine nên chia thành 3 khu vực: các nước cận Nga (vùng Baltic, Bắc và Đông Âu) lo sợ ý đồ bành trướng của Putin; vùng Trung Âu (Hungary, Slovakia) thân thiện với Nga; Tây Âu chuyên đánh võ mồm nên miễn cưỡng tăng ngân sách quốc phòng lên gần 2% theo như cam kết với NATO.

Đối với Trump thì mậu dịch là một góc cạnh trong địa chính trị toàn cầu nên dùng hàng rào thuế quan áp lực Âu Châu nay tăng quốc phòng lên 3-5% GDP; cắt giảm thâm thủng mậu dịch bằng cách mua vũ khí và khí đốt của Mỹ; chấm dứt nạn quấy nhiễu (harassment) công ty Hoa Kỳ như Apple, Google, Tesla và X (cho dù ông chủ X và nhà tỷ phú Elon Musk dùng X để tấn công tới tấp các chính quyền cánh tả và trung tả để ủng hộ cánh hữu dân tộc); gần đây nhất là Trump đe dọa đánh thuế Đan Mạch 100% nếu không chịu bán đảo Greenland do vị thế an ninh cốt lõi đối với Hoa Kỳ. 

Lục địa già Âu Châu chạy đua không kịp với Mỹ và Tàu về trí tuệ nhân tạo, công nghệ sản xuất chip điện tử đời mới (cho dù có AMSL ở Hòa Lan và ARM bên Anh), công nghệ xanh (điện gió, điện mặt trời, bình điện, xe hơi điện), thương mại điện tử (Amazon, Alibaba, Tencent,…), mạng xã hội (Google, Facebook, Tiktok, X) và công nghệ 5G (Apple, Huawei). GDP nước Đức không tăng trưởng trong suốt 2 năm do giá năng lượng cao và đầu tư trong nước thấp nên các công ty sản xuất xe hơi khổng lồ như Volkswagen và Bosch rụt rịt sa thải nhân viên trong nước. Kinh tế nước Pháp tăng trưởng chậm dưới 1% trong khi nợ công nhảy vọt lên 112% GDP tức là cao hơn các nước Nam Âu trong lần khủng hoảng đồng Euro năm 2009-10, nhưng nếu Pháp cắt ngân sách để giảm nợ công sẽ khiến nền kinh tế thêm trì trệ.

Nhìn chung, lục địa già Âu Châu nếu không thúc đẩy đầu tư, cắt giảm an sinh xã hội và giảm nhẹ giám sát nhà nước để đầu tư trẻ trung hóa thì mỗi ngày càng bị Mỹ-Tàu bỏ xa, còn tăng ngân sách thì đụng đến mức trần nợ công do khu vực đồng Euro quy định.

Các công ty Âu Châu buôn bán lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cho nên EU không dám dựng hàng rào thuế quan ngăn chận hàng Tàu xâm nhập do sợ bị Bắc Kinh trả đũa. Âu châu lo sợ Trung Quốc gián tiếp yểm trợ cho Nga trong chiến tranh Ukraine nhưng không dám lớn tiếng phản đối. Nhiều công ty Âu Châu lại muốn dọn sang Mỹ do (1) giá nhiên liệu rẻ, (2) Trump sẽ giảm thuế doanh nghiệp và cắt nạn hành chính quấy nhiễu, (3) tránh hàng rào thuế quan của Trump khiến khối EU lo ngại tình trạng phi công nghiệp hóa (de-industrialization) của lục địa già.

Gương mặt sáng đẹp hiện thời ở Âu Châu là bà thủ tướng Ý Giorgia Melanie vốn được cả Trump và Elon Musk khen ngợi do lập trường dân tộc cánh hữu (chống di dân bất hợp pháp và đổi giống) nên EU hy vọng bà sẽ làm nhịp cầu đến tòa Bạch Ốc nhằm tránh chiến tranh thương mại và thuyết phục Mỹ không bỏ rơi Ukraine.

Mexico

Hai nền kinh tế của Mỹ và Mexico buộc chặt vào nhau, nhưng hiện có 4 vấn đề Trump cần giải quyết trong lúc tái thương thuyết thỏa ước thương mại NAFTA năm 2026:

  1. Mexico là cửa ngõ của di dân lậu vào Hoa Kỳ nên Trump đe dọa tăng thuế 25% nếu Mexico không kiểm soát vùng biên giới. Mexico đang cấp bách đáp ứng điều này trước khi Trump nhậm chức để tránh khủng hoảng không xảy ra. 
  1. Trung Quốc đầu tư xây cất hãng xưởng vào Mexico để bán hàng hóa vào Hoa Kỳ, Trung và Nam Mỹ. Trump có thể giới hạn Mexico trở thành trạm đầu tư của Trung Quốc bằng đánh thuế theo % hàng hóa lắp ráp ở Mexico nhưng chứa đầy cơ phận từ Hoa Lục. 
  1. Công nhân Mỹ lo sợ mất việc vì Mexico nên Trump dùng hàng rào thuế quan thúc giục các công ty Âu-Mỹ-Nhật-Hàn đầu tư vào Hoa Kỳ. Trump cắt giảm thuế doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính rườm rà và tăng sản xuất nhiên liệu để giá điện hạ thấp nhằm thu hút tư bản xây cất hãng xưởng ở Hoa Kỳ. 
  1. Giá nông phẩm sản xuất từ Mexico trực tiếp ảnh hưởng lên túi tiền của dân Mỹ. Nếu Trump khó lòng tăng thuế nông phẩm do bài học từ đảng Dân Chủ thua năm 2024 bởi lạm phát tăng nhanh dưới thời Biden. Trái lại Trump sẽ đòi Mexico mua thêm đậu nành, thịt bò…từ Hoa Kỳ để đáp các tiểu bang nông nghiệp vốn bỏ phiếu cho Trump.    

Việt Nam 

Việt Nam chưa bị Trump trực tiếp chĩa mũi dùi như trường hợp EU và Mexico. Tuy nhiên con trai và cố vấn thân cận Eric Trump đã gọi Việt Nam “lừa đảo” nước Mỹ; cố vấn cao cấp về thương mại Peter Navarro liệt kê Việt Nam vào danh sách các nước cần bị đánh thuế để cải sửa thâm thủng mậu dịch.

Việt Nam dùng vị trí chiến lược trong vùng Đông Nam Á để làm mồi nhử Hoa Kỳ đầu tư và mở cửa thị trường tiêu thụ cho dù Việt Nam nhận làm nước trung chuyển hàng hóa Trung Quốc trốn thuế của Trump. Biden ve vãn Hà Nội nên ký kết quan hệ chiến lược toàn diện mặc dù biển Đông được liệt kê vào cuối bản cho thấy Hà Nội lo sợ phật lòng Bắc Kinh hơn hài lòng Hoa Kỳ.

Trump mang dòng máu thương gia đổi chác (transactional) nên có thể sẽ thương lượng đòi những nhân nhượng cụ thể từ phía Việt Nam liên quan đến an ninh biển Đông nếu muốn tiếp tục cán cân mậu dịch, thí dụ sử dụng Cam Ranh, hay tăng chi phí quốc phòng mua vũ khí Hoa Kỳ. Bù lại Trump có thể chấp nhận phần nào Việt Nam làm trạm trung chuyển cho Trung Quốc vì Hoa Kỳ cần mua hàng giá rẻ để vật giá ở Mỹ không tăng vọt. Trump có thể tăng thuế trên các mặt hàng dán nhãn Việt Nam nhưng nguồn gốc từ Trung Quốc, hay ngược lại Trump cũng có thể đánh thuế diện rộng đối với Việt Nam 65% ngang hàng với Trung Quốc do báo chí Mỹ nhận xét Việt Nam ít khả năng trả đủa Hoa Kỳ. Việt Nam dù hứa hẹn mua máy bay dân sự Boeing, máy bay quân sự Lockheed, đậu nành, thịt gà, than đá từ Mỹ thì lượng hàng mua vào không bù đắp được với thâm thủng mậu dịch từ phía Hoa Kỳ nay lên đến 102 tỷ USD. Hà Nội cũng không dám hứa lèo vì nhiệm kỳ lần này của Trump sẽ kéo dài cho đến năm 2029.

Bài 6 sẽ bàn về chiến tranh thương mại từ phía Mỹ.

 

  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

No comments:

Post a Comment