Wednesday, July 9, 2025

Trump 2.0 và chiến tranh thương mại: thuế quan Việt-Mỹ (Bài 7)

Ngày 2/7/2025 Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo ngắn gọn trên mạng xã hội Truth Social rằng Việt-Mỹ thỏa thuận để Hoa Kỳ áp thuế 20% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam và 40% trên hàng hóa trung chuyển qua Việt Nam; ngược lại Việt Nam đánh thuế 0% vào hàng hóa mua của Mỹ.  

Trước hết ước tính vài con số sơ bộ cho dễ hình dung. Năm 2024 Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam $136 tỷ USD, trong số đó cố vấn thương mại Peter Navarro ước tính 30% là hàng hóa trung chuyển bắt nguồn từ Trung Quốc. Giả sử năm 2025 Mỹ cũng mua $136 tỷ USD từ Việt Nam thì 70% sẽ bị đánh thuế 20% tức 19 tỷ USD và 30% chịu thuế 40% hay 16 tỷ USD. Tổng cộng Hoa Kỳ sẽ thu 35 tỷ USD vào ngân sách.

Hiện Mỹ thu nhập thuế quan 20 tỷ USD mỗi tháng 4 và 5 năm 2025 với mức áp thuế 10% đánh đồng đều lên mọi đối tác thương mại. Bộ Thương Mại Hoa Kỳ dự trù con số này sẽ tăng lên đến 40 tỷ USD mỗi tháng tức là trùng hợp với mức thuế quan 20% nếu áp dụng cho cả Việt Nam và những nước còn lại. Tính gọn mỗi năm Mỹ sẽ thu vào khoảng 400 tỷ USD, 10 năm là 4000 tỷ USD. Tổng thống Trump lại vừa ký ngân sách hôm 7/4/2025 giảm thuế 4000 tỷ USD trong 10 năm – bù qua sớt lại chắc là ông Trump dự tính dùng hàng rào thuế quan bù đắp cho thiếu hụt ngân sách do giảm thuế.

Một điều đáng ghi nhận là thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ do doanh nghiệp Mỹ (như Amazon, Costco, Walmart,…) trả khi nhập cảnh hàng hóa chớ không phải do nhà sản xuất Việt Nam trả lúc xuất cảng sản phẩm. Thuế nhập khẩu tăng khiến phí tổn tăng nên công ty Mỹ sẽ tăng giá hàng hóa. Lạm phát tăng khiến sức mua của dân chúng Hoa Kỳ  giảm. Hàng sản xuất từ Việt Nam bán không chạy đành chịu xuống giá để bán qua Mỹ, nhờ vậy Hoa Kỳ không bị lạm phát. Đây là “đòn độc” của Trump vì ông cho rằng Hoa Kỳ là nước tiêu thụ lớn nhất nên có ưu thế ép giá hàng hóa lên các đối tác thương mại một cách gián tiếp nhờ thuế quan.

Cho đến giờ này lạm phát (tức là giá cả hàng hóa) ở Hoa Kỳ không tăng cho nên không biết các nhà sản xuất Việt Nam và quốc tế có đã hạ giá hay không? Giá cả hàng hóa lại tùy thuộc vào chi phí vận chuyển; tiền chi xăng dầu giảm từ khi Trump lên làm tổng thống nên áp lực lạm phát cũng xuống thấp. Trump còn tính ngay nếu hàng hóa có lên giá nhưng thu nhập dân chúng tăng nhờ giảm thuế thu nhập thì sức mua của dân Mỹ cũng không bị thiệt hại.

Thế kẹt của Việt Nam là 30% GDP lệ thuộc vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ - không bán cho Mỹ chẳng biết bán cho ai lượng hàng khổng lồ này! Cho nên Việt Nam chấp nhận thua thiệt trong khi cố vấn kinh tế Stephen Miran hoan nghênh kết quả thương lượng vô cùng thuận lợi một chiều cho Mỹ (extremely one-sided). Nhưng Việt Nam nhanh nhẹn thức thời nên sớm chấp nhận mức thuế 20% để giữ hòa khí với Trump trong lúc Trump dọa áp thuế Lào và Miến Điện 40%, Thái Lan và Kampuchea 36%, Indonesia 32%, Mã Lai 25% - cho nên Việt Nam hiện khôn khéo nổi bật nhất so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực Đông Nam Á.

Doanh nghiệp Trung Quốc thở phào nhẹ nhõm vì mức thuế cho Việt Nam chỉ là 20% thay vì 40% như Trump hù dọa trước đây. Doanh nhân Trung Quốc hoặc chuẩn bị đầu tư sản xuất ở Việt Nam (và mang theo công nhân Tàu vào Việt Nam) hoặc sẽ cùng Việt Nam tìm cách luồn lách trung chuyển hàng hóa mà không bị đánh thuế 40%, cho dù Trump từng cảnh giác Việt-Tàu hợp bàn tìm cách chơi xỏ nước Mỹ.

Thỏa thuận mậu dịch sơ bộ không có nhiều chi tiết nên không rõ Mỹ sẽ phân biệt thế nào là hàng hóa trung chuyển vào Việt Nam: hàng dán nhãn, hàng lắp ráp, hay hàng chứa phần lớn bộ phận từ Trung Quốc. Một điều Việt Nam có thể trông cậy là chính Trump cũng cần nhập cảng hàng hóa giá rẻ để tránh lạm phát trong nước nên có thể dễ dãi lơ là đối với Việt Nam về nội dung hàng hóa trung chuyển. Cho nên Việt Nam nhường cho Trump mạnh dạn la to chiến thắng (one-side win) trong chính trường Hoa Kỳ mà nhẹ tay đánh khẻ lên mậu dịch song phương giúp đôi bên Việt-Mỹ cùng có lợi (win-win)! Có thể vì vậy mà Trung Quốc không phản ứng mạnh cho dù thỏa ước Việt-Mỹ đụng chạm đến quyền lợi Trung Quốc.

Còn nhiều ẩn số khó biết.

Mỹ áp thuế Việt Nam 20% có gồm 10% thuế quan hiện thời hay chưa, bằng không thì tổng thuế quan sẽ lên đến 30%.

Thỏa thuận thương mại Trump-Tô Lâm không nhắc đến Việt mua thêm hàng hóa Hoa Kỳ để bù đắp chênh lệch cán cân thương mại. Mỹ cần hỗ trợ Boeing nên Việt Nam mua Boeing để chiều lòng Hoa Kỳ - nhưng chắc lần này không dám hứa lèo như vào cuối nhiệm kỳ Trump 1.0 vì Trump 2.0 còn kéo dài gần 4 năm sắp tới. Mỹ cần bán nông phẩm do mặt hàng này bị Trung Quốc ngăn chận thuế quan, nhưng không biết nông phẩm bán sang Việt Nam được bao nhiêu vì giá lương thực tại Việt Nam rất rẻ so với quốc tế. Mỹ còn muốn bán thêm than đá, khí đốt, lò điện nguyên tử và vũ khí quốc phòng. Phía Việt Nam muốn mua chip điện toán đời mới dùng trong AI nhưng Hoa Kỳ còn lo Việt Nam trung chuyển công nghệ ngược chiều bán lại cho Tàu.

Thỏa thuận thương mại Trump-Tô Lâm không nhắc đến Việt Nam thao túng ngoại tệ. VND nhờ cột vào USD trong lúc USD mất giá 10% giúp Việt Nam tăng lợi thế xuất cảng sang Âu Châu, Nhật Bản, v.v…

Hàng hóa Việt Nam nhập cảng từ Mỹ sẽ bị đánh thuế 0%. Như vậy các hãng hàng không Việt Nam mua máy bay Boeing sẽ rẻ hơn Airbus làm thiệt hại cho Âu Châu? Xe Toyota sản xuất ở Mỹ bán về Việt Nam sẽ rẻ hơn xe Toyota làm bên Nhật?

Liệu công ty sản xuất Việt Nam chịu hạ giá bán hàng hóa cho Mỹ mà lại giữ nguyên giá bán hàng cao hơn cho Âu Châu, Nhật Bản? 

Cho nên kết quả của thuế quan phải chờ đến cuối năm để thấy con số thống kê thì mới bớt mù mờ!

 

No comments:

Post a Comment