Nền kinh tế toàn cầu có những liên hệ chằng chịt mà hậu quả không ai tính trước được. Chỉ mới hồi đầu năm Euro còn được xem là đơn vị tiền tệ hàng đầu khả dĩ cạnh tranh với thế độc quyền của Mỹ Kim; nhưng chỉ trong bất ngờ từ một nước tương đối nhỏ lại đe doạ làm sụp cả Khối Tiền Tệ Chung Âu Châu.
Năm 2007-08 khi khủng hoảng địa ốc và ngân hàng lan rộng, thế giới đổ lổi cho Hoa Kỳ không kiểm soát các công ty tài chánh. Đến nay thế giới lại chê trách Âu Châu không có cơ chế trung ương giám sát nội bộ các quốc gia thành viên lúc bình thường, và quyết định chậm lụt khi khẩn cấp.
Hy Lạp thiếu công nợ khoảng 150% GDP, con số tuy lớn nhưng không phải là chưa từng có. Trong những năm tăng trưởng chính phủ tiêu pha quá rộng rãi vào các chương trình xã hội cho dân chúng. Khi nền kinh tế thế giới còn chưa ổn định, Hy Lạp gánh nặng ngày thêm chồng chất chớ không có hy vọng cải thiện, nên các chủ nợ hoảng hốt tăng lải xuất - một số lại đặt ra nghi vấn rằng nước này là nạn nhân của các tập đoàn tài phiệt thừa nước đục thả câu, thao túng trục lợi.
Ngân sách chi tiêu của Hy Lạp bị soi bói lại lộ ra là các nước lân cận Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng lâm vào tình trạng lạm chi.
Thông thường thì một nước như Hy Lạp sẽ phá giá đồng bạc để vừa giảm chi, bớt nhập cảng và tăng xuất cảng nhằm cứu vãn nền kinh tế. Nhưng nước này lại nằm trong hệ thống tiền tệ Âu Châu nên không thể phá giá đồng Euro. Chỉ còn hai biện pháp: một là rời khối Euro, hoặc nhờ các quốc gia Âu Châu trợ giúp cho dù có kèm theo nhiều điều kiện cắt giảm ngân sách ngặt nghèo.
Nếu Hy Lạp rút ra khỏi khối Tiền Tệ Chung có nguy cơ dẫn theo Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha khiến khối Euro tan rã. Vì thế các nước lớn, đứng đầu là Đức, phải bỏ ra 1 ngàn tỷ Mỹ kim cứu vớt cho khu vực miền Nam . Dân Đức nổi giận vì lúc thịnh vượng dân Hy Lạp hưởng, đến khi suy vi thì người Đức gánh (!)
Về lâu dài dân chúng Đức, Hy Lạp v.v… đều bất mãn vì không có lợi lộc gì nằm trong Khối Tiền Tệ Chung nên đồng Euro vẫn có thể tan rả.
Năm 2009-10 Hoa Kỳ và Trung Quốc xích mích vì đồng Nhân Dân Tệ bị kềm giá khiến xuất cảng Mỹ bị thiệt hại, Bắc Kinh trả đủa bằng cách đầu tư sang khu vực Âu Châu. Đến nay tiền Euro xuống giá nên Trung Quốc bị lổ!
Bắc Kinh vừa đồng ý sẽ tăng giá đồng Nhân Dân Tệ thì Mỹ Kim lại lên giá so với Euro. Âu châu đang chao đảo nên giảm sức mua, tiền Trung Quốc lúc này tăng sẽ khiến giá hàng xuất cảng nhảy vọt tạo nguy cơ khủng hoảng trong nước. Nhưng kềm giá cũng không được vì Hoa Kỳ còn đang khó khăn và cần sản xuất để thúc đẩy kinh tế. Kết quả là cả ba trung tâm kinh tế chủ động Hoa Kỳ - Trung Quốc – Tây Âu đều lâm vào thế liên đới tam nan!
Dân chúng thường trong đợi các chính trị gia và các nhà kinh tế có chính sách tốt, nhưng đây là một trong các trường hợp ngoại lệ khiến lãnh đạo cũng bối rối.
Năm 2007-08 Hoa Kỳ khốn đốn vì các khoảng nợ xấu cho tư nhân; năm 2010 các nước Nam-Âu chao đảo vì công nợ chồng chất. Chỉ có Trung Quốc hiện sáng sủa nhất vì thặng dư 2400 tỷ Mỹ kim. Nhưng theo vài ước tính 1500 tỷ trong đó lại là nợ xấu cho các công ty quốc doanh vay mượn, thất thoát không thể nào đòi được. 700 tỷ ký thác vào Hoa Kỳ cũng không thể rút ra liền mà không phá giá đồng Mỹ kim. Nếu gần đúng vậy Bắc Kinh chỉ còn khoảng vài trăm tỷ xoay sở trong trường hợp xuất cảng giảm và bóng địa ốc vỡ - một con số không không nhiều.
Bài học khủng hoảng lần này có ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào:
1. Nền kinh tế Việt Nam nhỏ nên không có tác động lên thế giới (nhưng xin nhớ Hy Lạp cũng là nền kinh tế nhỏ !). Nếu Việt Nam phá giá đồng bạc trong lúc này có lẽ cũng ít bị để ý - ngoại trừ Thái Lan vốn trì trệ trong nhiều tháng theo các biến động chính trị, và trong tương lai du lịch từ Âu Châu lại giảm. Thêm vào đó Thái Lan lại cạnh tranh với Việt Nam để xuất cảng gạo. Việt Nam lúc này phá giá đồng bạc cũng kém hiệu quả vì Euro còn xuống nhanh hơn.
2. Bài học thứ nhì là một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam rất dễ bị giới tài phiệt quốc tế và của lân bang thao túng. Việt Nam trữ lượng ngoại tệ quá ít, cọng thêm một số “nợ xấu” vào các công ty quốc doanh. Số nợ công lên đến 45% GDP đã bắt đầu bị nhiều nhà quan sát lưu ý.
No comments:
Post a Comment