Sunday, May 16, 2010

Đối lực với Trung Quốc tại biển Đông

Người viết nhận thấy có hai tài liệu đáng lưu ý trong tuần này về các đối lực của Trung Quốc vùng biển Đông:

1. Bài thứ nhất đăng trên trang mạng đài BBC ngày 08 tháng 05, 2010 (*) trong đó trích lời nhận định của Giáo sư Vương Hàn Linh thuộc Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc - giọng điệu cao ngạo nhưng có nhiều nhận xét đáng suy nghĩ
"…. từ những năm 1970 …đã có ý tưởng là các nước Đông Nam Á nên liên kết lại để đối đầu với Trung Quốc và trong một thời gian, Bắc Kinh đã tỏ ra quan ngại về điều này."
Thế nhưng sau 30 năm không thấy động tĩnh gì (từ phía các nước Đông Nam Á), Trung Quốc nay cũng không còn lo lắng.
"Chúng tôi thấy rằng các nước láng giềng bản thân cũng còn tranh chấp với nhau, lại còn nhiều quyền lợi quốc gia cần bảo vệ nên khó có thể đoàn kết để chống Trung Quốc….và ngay cả khi họ liên hiệp lại thì cũng không đủ mạnh để thắng Trung Quốc."

2. Tài liệu thứ nhì đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 5/2010 (**) qua các câu trả lời của học giả Robert Kaplan (thuộc Viện Nghiên Cứu An Ninh Hoa Kỳ) về tương quan giữa hai lực lượng hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong lúc Hoa Kỳ đang tính giảm số lượng tàu chiến để cắt giảm chi phí thì Trung Quốc xây thêm hạm đội, căn cứ hải quân và hoả tiển chống hàng không mẫu hạm. Chiến lược trung và ngắn hạn của Bắc Kinh không nhằm chiến thắng mà chỉ đủ đe đoạ Mỹ sẽ phải thiệt hại nặng nề nếu can thiệp vào các tranh chấp vùng biển Đông.

Các tài liệu này đáng chú ý vì ảnh hưỡng đến hai chính sách của Việt Nam, một mặt liên hệ tìm một cường quốc như Hoa Kỳ để cân bằng cán cân với Trung Quốc, đồng thời quốc tế hoá tranh chấp biển Đông nhất là với các quốc gia Đông Nam Á.

Người Mỹ có câu “perceived power is actual power” – tạm dịch là nhận thức về quyền hạn chính là sức mạnh thực sự. Như trường hợp Mỹ-Hoa, nếu người ta tin là cán cân lực lượng đang thay đổi thì các tính toán của Bắc Kinh, Nhật Bản, Việt Nam, các quốc gia Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng.

Hiệp hội các nước Đông Nam Á là một tổ chức lỏng lẻo gồm nhiều quốc gia khác biệt nhau về chủng tộc, văn hóa, mức phát triễn kinh tế và tổ chức chính trị. Chính các nước trong hội cũng có nhiều tranh chấp, biên giới trên bộ giữa Thái Lan & Kampuchea & Việt Nam, ngoài biển giữa Việt Nam & Mã Lai & Nam Dương & Phi Luật Tân & Miến Điện. Nhiều chính quyền trong khu vực không qua các cuộc bầu cử tự do (Miến Điện & Việt Nam); một số khác không được dân chúng tín nhiệm (Thái Lan & Kampuchea). Các nước lớn có mầm móng chia rẽ sắc tộc và tôn giáo (Nam Dương & Phi Luật Tân & Mã Lai & Thái Lan). Trong hoàn cảnh như vậy nên giáo sư Vương Hàn Linh mới nhận định rằng tập hợp của những nước này không thể là một đối thủ với Trung Quốc. Chẳng những vậy Bắc Kinh còn thêm cơ hội khống chế cả Hiệp Hội thay vì từng nước nhỏ qua hai biện pháp kinh tế:

(1) mở khu vực thị trường chung trong đó một số các nước như Nam Dương - Việt Nam – Lào - Miến Điện – Kampuchea không thể nào đủ khả năng cạnh tranh với kỷ nghệ Trung Quốc

(2) thành lập Quỹ Tiền Tệ Đông-Á trong đó Trung Quốc nắm phần quyết định, bởi vì Nhật Bản hiện không còn mạnh và Nam Hàn chưa đủ lớn. Trong tương lai khi kinh tế khu vực khủng hoảng thì phải nhận chịu các “toa thuốc” của Bắc Kinh thay vì của IMF và World Bank như trước đây, và bên cạnh đó là các điều kiện thuận lợi lâu dài cho Trung Quốc.

Hoa Kỳ hiện sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố ngày càng lan rộng từ Trung Đông – A Phú Hãn sang Pakistan nên khó lòng mở thêm mặt trận thứ hai vùng biển Đông. Nếu Mỹ củng cố vai trò của mình được tại Nam Hàn - Nhật Bản – Đài Loan là đã thành công, còn chính sách trong vùng Đông Nam Á có lẻ chỉ vớt vát được phần nào hay phần nấy. Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á mong Hoa Kỳ có mặt để cân bằng với thế lực Trung Quốc, nhưng nếu lính Mỹ hiện diện trở lại không khỏi gặp sự chống đối của thành phần đối lập ở Phi Luật Tân – Nam Dương (bây giờ chúng ta mới nhận thấy gốc Nam Dương của Tổng Thống Obama rất quan hệ!).

Tuy tình hình hiện bất lợi như vậy, nhưng khuyết điểm lớn của Bắc Kinh là sự tự tin, phô trương và ngạo mạn - nhất là từ năm 2007 khi phương Tây rơi vào khủng hoảng kinh tế, ngược với lời dặn của Đặng Tiểu Bình là không khoe khang thực lực như “dấu ngọn đèn pin trong đống trấu”. Cả thế giới đều nhận thức và e ngại sự bành trướng của Trung Quốc tại hai khu vực Đông Nam Á và Phi Châu, đến mức ngay cả nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vốn lệ thuộc Bắc Kinh để sinh tồn chính trị cũng phải lên tiếng phản đối.

Đường biển từ Nam Trung Quốc ra Hoàng Sa - Trường Sa bị vây quanh bởi các  nước Việt Nam – Phi Luật Tân – Mã Lai – Nam Dương, nên chiếm trên danh nghĩa thì dễ còn bảo vệ và khai thác khu vực xung quanh rất khó. Các nước chỉ cần một lực lượng đủ để đe doạ ngăn chận tiếp liệu thì hạm đội hay các lực lượng đồng trú của Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Hải quân Mỹ không cần hạm đội hàng không mẫu hạm mà chỉ cần mức hiện diện trung bình ở Cam Ranh hay Subic Bay (Phi Luật Tân) là đủ để chiến lược của Nam Hải Hạm Đội Trung Quốc rơi vào thế kẹt.

Hà Nội bị Bắc Kinh kềm chế về chính trị kinh tế nên rất khó đồng ý cho Mỹ có căn cứ thường trực tại Cam Ranh. Tân tổng thống Aquino tại Phi Luật Tân ngỏ ý mở lại thương thuyết về Subic Bay nhưng sẽ gặp nhiều chống đối từ phe đối lập. Nhưng để kềm chế đà bành trướng của Trung Quốc thì hai việc này có thể sẽ xảy ra trong tương lai trung hạn.

Cuối cùng, một vấn đề mới đặt ra cho các nước vùng Đông Nam Á khi khai thác dầu hoả tại biển Đông dựa trên tai nạn nổ dàn khoang vùng bờ biển Mỹ. Dù có những phương tiện kỷ thuật hiện đại nhất thế giới mà Hoa Kỳ và British Petroleum vẫn chưa bít được miệng khoang, tổn phí về kinh tế và môi trường có thể lên đến hàng chục tỷ đô la. Một tai nạn tương tự ở vùng biển Đông sẽ là một thảm hoạ cho hàng chục triệu dân chúng sống ở vùng duyên hải Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, trong lúc ảnh hưởng trực tiếp sang Trung Quốc rất ít.

Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á nên sớm hợp tác với Liên Hiệp Quốc để có  sự hợp tác và bảo đảm chung của các quốc gia muốn khai thác cho dù là vùng biển thuộc Trung Quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai hay của ai đi chăng nửa.


**
http://www.foreignaffairs.com/discussions/interviews/qa-with-robert-kaplan-on-china

No comments:

Post a Comment