Tuesday, June 8, 2010

Khủng hoảng kinh tế: liên đới giữa Hoa Kỳ - Âu Châu – Trung Quốc

Việc đơn vị tiền tệ Euro bị chao đảo cho thấy hệ thống tài chánh thế giới còn lệ thuộc vào đồng đô-la và sức kéo của nền kinh tế Mỹ trong tương lai lâu dài.

Nói như vậy không có nghĩa là Hoa Kỳ không có nhiều khuyết điểm: nạn lạm chi trong ngân sách liên bang và ngân quỹ gia đình lên quá cao; tổ chức kiểm soát hệ thống tài chánh và ngân hàng mang nhiều sơ hở và bị lạm dụng.

Nhưng khi Âu Châu rơi vào khủng hoảng và sa lầy trong cách thức giải quyết thì thế giới không còn nơi nào khác để nương tựa ngoại trừ đồng đô-la. Nếu nền kinh tế Hoa Kỳ chưa đủ hồi phục và bị kéo vào suy thoái bởi Âu Châu thì thế giới có cơ nguy rơi vào Đại Khủng Hoảng.

Cho đến nay điểm tựa cuối cùng của hệ thống thương mại và tài chánh thế giới vẫn là đồng đô-la, bên sau đó là sự bảo đảm của chính quyền Hoa Kỳ và công khố phiếu do Mỹ ấn hành. Cho dù thịnh hay suy lúc nào cũng có người cho vay tiền vì đây là chốn tin cậy duy nhất sẽ không bị xoá nợ - nhưng bao giờ nợ được trả lại là việc khác!

Hai khối làm tiền hàng đầu là Trung Quốc và Trung Đông tin Hoa Kỳ hơn là vào chính họ, nên thặng dư thì đầu tư và mua công phiếu của Mỹ chớ không giữ hết tiền trong nước, dù biết rằng cho vay càng nhiều càng khó rút lại!

Riêng Trung Quốc thặng dư thương mại khoảng 2400 tỷ lại không dùng để nâng cao đời sống của 800 triệu người dân dưới ngưỡng nghèo khó. Ngược lại Bắc Kinh cho Hoa Kỳ vay 900 tỷ, ít nhất đây là tài khoảng mà nhà nước còn kiểm soát được. Theo vài tín toán thì trên dưới 1000 tỷ nằm trong tay các xí nghiệp hay giới tài phiệt hiện đang bơm các quả bóng địa ốc và đầu cơ cổ phiếu, số còn lại vài trăm triệu để Bắc Kinh xoay sở khi có khủng hoảng. Trong khi đó hàng trăm triệu công nhân bị trả lương giá rẻ mạt và không có bảo hiểm tai nạn hay thất nghiệp, người già phụ nử không có phụ trợ sức khoẻ xả hội.

Vì Trung Quốc không mở cửa thị trường tiêu thụ và nâng cao đời sống dân chúng nên hàng hoá sản xuất chủ yếu bán sang Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản. Nhưng giờ đây nền kinh tế của Nhật Bản dậm chân một chổ; Âu Châu bị khủng hoảng, Hoa Kỳ chập chững ra khỏi suy thoái, xuất cảng từ Trung Quốc không khỏi bị ảnh hưỡng.

Tiền Euro sụt giá khiến hàng Trung Quốc và Hoa Kỳ trở nên mắc mỏ so với Âu Châu. Mỹ lại cần tăng sản xuất để tạo công ăn việc làm cho 10% dân chúng bị thất nghiệp, nếu không áp lực được Bắc Kinh lên giá đồng Nhân Dân Tệ thì sẽ phải tăng thuế nhập cảng. Nhưng nếu Bắc Kinh tăng giá tiền 20% cũng bằng xoá sổ 480 tỷ trong khoảng thặng dư 20 năm nay (vì tiền dư tính bằng đô-la), đồng thời hàng hoá lại càng khó xuất cảng ra Hoa Kỳ - Âu Châu - Nhật Bản. Quả bóng địa ốc tại Trung Quốc hiện căng phòng, dân chúng đang bất mãn nên dễ châm ngòi cho khủng hoảng.

Không ai biết liệu các khu vực kinh tế chủ động có nhân nhượng và hợp tác để giả quyết bài toán cực kỳ khó khăn này hay không? Nhiều biện pháp phải xảy ra đồng loạt:

  1. Âu Châu, mà chủ yếu là Đức vừa phải bỏ ngân quỷ hổ trợ cho các xứ phía Nam (cứu vãn đồng Euro) vừa phải chịu lạm chi để duy trì sức tiêu thụ (tạo công ăn việc làm)
  2. Mỹ phải gánh con số thất nghiệp cao trong nhiều năm nửa, bằng không khu vực xuất cảng toàn cầu sẽ bị sức ép cạnh tranh quá mạnh từ cả ba khối Âu Châu – Trung Quốc – Hoa Kỳ
  3. Trung Quốc cần mở rộng thị trường nội địa và nâng cao đời sống dân chúng, mặc khác Bắc Kinh phải thận trọng cho gói kích cầu không rơi vào thiểu số đầu cơ bơm vào bóng địa ốc và cổ phiếu vốn đã căng phòng.

Mỗi giải đáp cho bài toán kinh tế đều có những hệ luỵ xã hội: liệu dân Đức có phản đối điều mà họ cho là bất công khi phải giúp đỡ các nước Nam Âu tiêu xài phung phí? Liệu người Hy Lạp Tây Ban Nha v.v… có chấp nhận được các biện pháp khắc khổ ngặt nghèo? Liệu dân Mỹ có đòi thay đổi khi phải thất nghiệp quá lâu? Liệu Bắc Kinh và giới tài phiệt Trung Quốc có chấp nhận chia xẻ phúc lợi xã hội với dân chúng thay vì phục vụ thiểu số?

Trong những ngày gần đây công nhân Trung Quốc đình công, sau đó được các hãng Honda, Foxconn cho tăng lương; Bắc Kinh nâng mức lương tối thiếu lên 20%; đây là những bước nhỏ để hổ trợ tiêu thụ. Trong khi đó Đức sẽ giảm chi 80 tỷ euro trong ba năm. Hai cường quốc kinh tế Âu-Á chọn các bước trái ngược dưới áp lực của quần chúng trong nước. Bài toán kinh tế và xã hội dính liền và rất khó giải quyết.

No comments:

Post a Comment