Nền kinh tế Âu-Mỹ ra khỏi khủng hoảng giống như người bệnh nặng, được bơm thuốc cấp cứu, vừa qua khỏi hiểm nghèo. Các bác sĩ chia làm hai nhóm : một bên đòi tiếp thuốc để tránh bệnh trở chứng nguy kịch ; phe còn lại muốn ngưng thuốc vì sợ hệ quả lâu dài trong tương lai.
Khi khu vực tư nhân còn yếu kém thì nhà nước phải dùng các gói kích cầu để tạo công ăn việc làm và tăng mức tiêu thụ. Nhưng cái giá phải trả là nợ công chồng chất, ảnh hưởng đến bước phát triễn tương lai và các thế hệ sau này.
Các quốc gia Âu Châu chủ trương tiết kiệm để bớt nợ công. Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi rơi vào khủng hoảng nên giảm chi đã đành, nhưng các nước lớn cũng cắt giảm ngân sách ở mức độ khổng lồ : Đức bớt 95 tỷ USD từ đây cho đến 2014, con số lớn nhất từ sau thế chiến thứ hai; Anh chẳng những giảm ngân sách 60 tỷ USD mà còn tăng thuế, đây là những biện pháp kỷ lục từ sau cuộc khủng hoảng 1929. Pháp tiến hành những bước như tăng tuổi hưu, nhưng dưới áp lực của thị trường tài chánh trong khu vực có lẽ sẽ giảm mục tiêu thâm thủng từ 8% xuống còn 3%.
Riêng tại Hoa Kỳ gồm cả hai phe. Đảng Cộng Hoà vì lý do chính trị lẩn kinh tế đòi cắt giảm nợ công vốn đã lên 1400 tỷ tức 10% GDP. Đảng Dân Chủ vì đang cầm quyền nên mối quan tâm lớn nhất là tạo công ăn việc làm, họ chủ trương phải tiếp tục kích thích nền kinh tế khi con số thất nghiệp còn ở mức quá cao, gần 10%. Theo tính toán của chính phủ Obama thì nợ công sẽ giảm trong tương lai bằng hai cách : áp lực Bắc Kinh tăng giá đồng Nhân Dân Tệ, và kiểm soát mức gia tăng của bảo hiểm sức khoẻ qua đạo luật thông qua lúc đầu năm. Có lẻ phải tuỳ tình hình kinh tế và kết quả bầu cử vào tháng 11 tới đây Hoa Kỳ mới có những bước cụ thể cho 2 năm tới.
Điểm trớ trêu là dù Âu-Mỹ tăng hay giảm ngân sách, các nước Đông-Á và Trung Đông thặng dư tiền của cũng rơi vào thế khó xử. Một cách tổng quát hai mức độ thăng dư và thiếu hụt toàn cầu khi cộng lại phải bằng không, nhưng bây giờ số tiền dư nhiều hơn chổ gởi nên tạo ra mất cân bằng. Trong hoàn cảnh này Hoa Kỳ vốn được gọi là ‘spender and borrower of the last resort’ (tạm dịch là chốn cuối để đến vay mượn – người cuối còn tiêu xài) có thể thương thuyết trên thế mạnh !
Trong lúc Mỹ lâm vào khủng hoảng và nợ nần chồng chất từ 2007-09 thì Trung Quốc cứng rắn kềm giá đồng Nhân Dân Tệ để hổ trợ xuất cảng. Nếu bị áp lực, Bắc Kinh đe doạ không cho mượn vốn, và tìm một đơn vị tiền tệ dự trữ khác sử dụng song song với đồng đô-la.
Bất ngờ khu vực Euro chao đảo nên thế giới mới nhận ra rằng thay thế đồng đô-la không phải dễ. Sức mạnh kinh tế của Châu Âu không kém gì Hoa Kỳ nhưng chỉ vì thiếu một cơ chế quyết định chung nên lúng túng khi giải quyết thiếu hụt tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi. Rất khó để các nước trong khu vực chấp nhận bỏ quyền tự quyết để sinh hoạt theo cơ cấu Liên Bang.
Vì thế tiền dư không dám đổi ra Euro, và dù muốn gởi thì Tây-Âu đang cắt giảm chi tiêu cũng không chiụ mượn. Đầu tư sang Trung Đông nhiều rủi ro vì bóng Dubai vừa bể hồi tháng 4/2010. Chỉ còn, mua đất đai, khoáng sản và khu vực canh nông ở Phi và Úc Châu – nhưng Bắc Kinh vừa bỏ ra vài tỷ đô-la đã bắt đầu bị dân chúng địa phương nghi ngờ phản đối nên cũng không thể tăng tốc độ gấp rút.
Có lẻ vì những lý do đó nên Trung Quốc mới bắt đầu quay vào nội địa và dùng con số thặng dư giảm bớt chênh lệch giàu nghèo xã hội, và cho thả nổi đồng Nhân Dân Tệ để tăng mức tiêu thụ trong xứ. Điều đáng nói là thay đổi chính sách cũng mang nhiều rủi ro !
Từ nhiều năm Bắc Kinh hổ trợ các công ty quốc doanh và tập đoàn sản xuất lớn bằng cách ép công nhân chiụ đựng thiệt thòi : lương bổng thấp ; môi trường làm việc tồi tệ ; không có bảo hiểm y tế và thất nghiệp ; công nhân dời chổ ở theo việc làm không được hộ khẩu nên không nhận trợ cấp nhà ở và giáo dục con cái. Bây giờ bắt đầu mở nồi vun mới lo không biết còn kiểm soát được nổi bất mãn tiềm tàng của hàng trăm triệu công nhân hay không.
Trung Quốc lại không có hạ tầng giám sát và chi tiêu hợp lý vào an sinh xã hộị. Tự do báo chí cũng không có, chống tham nhũng dễ lẩn lộn với chống nhà nước. Tiền của bỏ ra không khéo lại rơi vào các bóng đầu cơ : giá cả địa ốc tại các thành phố lớn vốn đã căng phồng.
Nếu không còn chổ nào khác phải mua công phiếu của Hoa Kỳ thì tiền lời đã thấp lại nhiều rủi ro : nếu để đồng Nhân Dân Tệ tăng từ 20-40% như yêu cầu nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ , chẳng khác gì xoá phần lớn nợ cho Mỹ. Thí dụ số nợ bề mặt là 1000 tỷ, nhưng sức mua rơi xuống chỉ còn 800-600 tỷ thì giá trị mất đi quá lớn!
Đồng Euro đang tuột so với đô-la, tăng giá Nhân Dân Tệ lúc này chỉ tạo khó khăn cho xuất cảng sang cả Âu lẩn Mỹ - lỡ mang lại thất nghiệp trong nước thì sợ dân Hoa Lục nổi loạn. Không tăng thì bị Quốc Hội Mỹ hăm he dựng hàng rào thuế khoá, vì chính Hoa Kỳ cũng có nhu cầu giải quyết 10% thất nghiệp nhất là trong mùa bầu cử.
Trả đủa không cho Mỹ mượn tiền cũng không được vì có nhiều chổ khác sẳn sàng cho vay (Trung Đông, Bắc Âu, Nhật Bản, Nam Hàn, v.v..) mà đang thiếu người mượn - điển hình là tiền lời công phiếu Mỹ rất thấp mà vẫn bán sạch.
Nhập nhằng thả nổi đồng Nhân Dân Tệ theo biên độ giới hạn lúc lên khi xuống trong những ngày gần đây thì bị thế giới rủa là thiếu thành thật.
Có lẻ chúng ta phải đợi đến 3 tháng đầu năm 2011 mới thấy được kết quả diễn biến ván cờ kinh tế giữa ba khối Âu-Mỹ-Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment