Nền kinh tế Việt Nam dễ bị tấn công vì nhiều lý do: dân chúng không tin tưởng nhà cầm quyền; nợ công tăng nhanh; trữ lượng ngoại tệ ít; thiếu chuyên gia quản lý kinh tế và kỷ thuật.
Thị trường nội địa đã nhiều lần bị lủng đoạn qua các cơn “sốt” giá gạo, xăng, khan hiếm vàng và đô-la do tin đồn đổi tiền, phá giá đồng bạc (vì dân chúng không mấy tin tưởng nhà cầm quyền). Về tâm lý, quần chúng vẫn còn bị ám ảnh bởi các lần đổi tiền “đánh tư sản” trong quá khứ 30 năm về trước đã khiến cả nước bị sạt nghiệp. Gần đây hơn người ta vẫn còn nhớ khi Thứ Trưởng Kinh Tế vừa bão đảm sẽ không tăng giá xăng dầu thì chỉ hai tuần sau đó giá lại được điều chỉnh nhảy vọt. Cho nên dân chúng chẳng những không tin và còn diễn giải ngược lại các lời tuyên bố công khai.
Dư luận cũng nghi ngờ khả năng lèo lái kinh tế của giới cầm quyền vì hầu hết cán bộ không có đào tạo chuyên môn về kinh tế, luật pháp và quản trị. Hố sâu đến nổi ngay khi Việt Nam tăng trưởng 5% trong hoàn cảnh kinh tế thế giới suy thoái - một thành tích đáng kể - dân chúng vẫn đánh giá thấp tài lãnh đạo, một phần vì thực tế đời sống ngày càng khó khăn. Hơn thế một số không ít quan chức lại trở nên quá giàu có nhờ tham nhũng, hối lộ; các tin tức sì-căng-đanh nổi lên đều đều khiến đa số không thể tin là giới chức quan tâm đến an sinh xã hội hơn là cho bản thân và gia đình. Vì vậy thị trường nội địa trở nên mãnh đất mầu mỡ cho các tin đồn thiệt hay giả do các gian thương tung ra nhằm lủng đoạn giá cả.
Về vĩ mô, số nợ của Việt Nam , nếu được chuẩn chi theo các đề nghị của nhà cầm quyền, sẽ tiến nhanh đến con số khổng lồ. Theo vài con số mà người viết thu thập được: hệ thống cảng biển 5 tỷ USD, điện hạt nhân 10 tỷ USD, sân bay Long Thành 12 tỷ USD, đường sắt cao tốc 56 tỷ USD (kế hoạch này vừa mới bị Quốc Hội bác bỏ nhưng chưa rỏ trong tương lai có sẽ đệ nộp trở lại hay không), xây dựng thủ đô Hà Nội 60 tỷ; tầu ngầm và máy bay Nga sô gần 3 tỷ USD. Ngoài ra còn những khoảng nợ lớn không biết có được nhà nước bảo lãnh hay không, như mua máy bay chở hành khách (một chiếc Boeing 787 giá 2 tỷ USD, Airbus 380 2 tỷ USD).
Nếu tinh sơ thì số nợ lớn này lên đến 150 tỷ USD. GDP của Việt Nam năm 2009 là 60 tỷ và sẽ ở khoảng 75 tỷ năm 2013, nếu tăng trưởng đều 6% mỗi năm. Giả sử mất 3 năm bàn bạc nghiên cứu rồi chuẩn chi các ngân khoảng nói trên, đến năm 2013 nợ quốc gia vẫn bằng 200% GDP – chưa kể các công trình mới chưa được đề ra.
Trử lượng ngoại tệ của Việt Nam năm 2008 vào khoảng 25 tỷ, theo đà nợ và thâm thủng ngoại thương (nhất là với Trung Quốc), trong 3 năm nay dù có tăng thì con số vẫn không đáng kể.
Kết luận, dù chỉ lạm chi phân nửa con số được đề nghị, Việt Nam vẫn sẽ nợ rất nhiều và có thể trở thành mục tiêu để giới tài phiệt tấn công trong vài năm tới.
Trường hợp của Việt Nam gần giống Thái Lan năm 1997 hơn là Hy Lạp năm 2010. Vì cùng là hai nền kinh tế đang phát triễn nên nhà nước, quan chức và tư nhân hồ hỡi dẫn đến tình trạng bong bong trong khi nợ nần tăng nhanh. Đến khi bong bong căng phồng thì giới đầu tư quốc tế sẽ e ngại rút ngân khoản hoặc tăng lãi suất cho vay. Việt Nam giống như Thái Lan, một mặt kềm trị giá hối đối để hổ trợ xuất khẩu, nhưng mặt khác phải vay mượn theo đồng đô-la. Khi ngoại tệ bị thâm hụt đến mức nhà nước bắt buộc phải thả nổi hối đoái thì giá trị tiền Đồng sẽ sụp, cả chính phủ lẫn tư nhân không còn khả năng trả nợ (bằng đô-la) dẫn đến khủng hoảng nghặt nghèo.
Những chuyên gia tài chánh đã đánh giá cao khả năng trả nợ của Việt Nam có thể sẽ thay đổi ý kiến trong khoảng khắc, như họ đã từng làm khiến Thái Lan, Nam Hàn, Indonesia, Phi Luật Tân điêu đứng năm 1997, và Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi chao đão năm 2010.
Năm 1997 khối Đông-Á được Hoa Kỳ và IMF trợ giúp kèm theo các điều kiện ngặt nghèo – nhưng trong cái rủi có điều hên. Nam Hàn từ bài học đó đã quyết tâm thúc đẩy kinh tế trở thành cường quốc. Dân chúng Indonesia biểu tình chống nhà nước lại lật đổ được chế độ độc tài Suharto bắt đầu cho một thể chế dân chủ.
Năm 2010 các nước Nam Âu được IMF và Tây-Âu trợ giúp, dù vậy đến giờ này tình hình vẫn còn ngặt nghèo chưa biết sẽ đi về đâu. Những điều kiện cắt giảm chi tiêu của Đức-Pháp khiến dân Hy Lạp và Tây Ban Nha phẩn uất nhưng không có sự chọn lựa nào khác.
Nếu Việt Nam rơi vào khủng hoảng, tài phiệt quốc tế rút tiền ào ạt, Trung Quốc gần kề trong khu vực lại dư tiền mặt nên có điều kiện giúp đỡ, dĩ nhiên với các điều khoản thuận lợi cho họ về đất đai, an ninh, chính trị, kinh doanh và khai thác khoáng sản. Bắc Kinh đang muốn tạo một khu vực tiền tệ độc lập khỏi đồng đô-la. Cho nên trong hoàn cảnh nói trên, họ có thể áp đặt các điều kiện tài chánh như trử lượng ngoại tệ của Việt Nam phải bằng Nhân Dân Tệ nhằm buộc chặt nền kinh tế hai nước.
No comments:
Post a Comment