Đối với người Việt thì nghèo mới mang nợ. Người Mỹ lại có cái nhìn khác, rằng chỉ người có của cải, có công ăn việc làm vững chắc mới dễ vay mượn vì được chủ nợ tin tưởng. Vì thế trong nền kinh tế năng động và phức tạp của Hoa Kỳ thì tín dụng - khả năng vay mượn nợ - là một động cơ chính yếu thúc đẩy kinh tế cá nhân và quốc gia. Nhưng tín dụng đã bị lạm dụng đến mức dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chánh 2007-09.
Phần 1: Sức mạnh của tín dụng
Lấy một thí dụ đơn giản: một cặp vợ chồng trẻ sẽ phải dành dụm 10, 15 năm để có thể mua được một căn nhà đầu tiên trong đời sống gia đình. Tuy nhiên nếu có công ăn việc làm tốt và bảo đảm trả tiền nhà trong vòng 15 hay 30 năm, họ có thể chọn phương án mượn tiền ngân hàng. Đời sống gia đình họ sớm thăng tiến khi dọn vào căn nhà đầu tiên, nền kinh tế cũng theo đó phát triễn thêm vì sức mua tăng trưởng nhờ tín dụng.
Sau vài năm dành dụm, cặp vợ chồng này có dư 100 ngàn. Họ có thể trả hết vào căn nhà đang ở - giá cũng là 100 ngàn. Nhưng nếu họ có tín dụng tốt, họ có thể đầu tư mua thêm tổng cộng 5 căn nhà bằng cách bỏ ra 20 ngàn tiền vốn và 80 ngàn vay ngân hàng cho mỗi căn nhà mua thêm.
Nếu trong vòng 3 năm giá nhà tăng 15 ngàn/ mỗi căn thì tài sản đầu tư của cặp vợ chồng sẽ nhảy vọt lên 60 ngàn (5cănx15 ngàn), điều này không thể xảy nếu không mượn nợ!
Như vậy mới thấy tín dụng nếu dùng một cách có trách nhiệm là một động cơ hết sức hiệu quả nhằm khuếch trương tài sản cá nhân và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Tiền bạc phải lưu hành thì thương mại mới năng động. Nhưng trước đây nhà cửa giống như vốn chết, nghĩa là chủ nhà không dùng được giá trị căn nhà để tăng doanh thu hay vốn đầu tư.
Vì thế các nhà tài chánh mới nghĩ ra cách thế chấp bất động sản, nói đơn giản giống như cầm đồ để lấy tiền mặt. Nhưng có hai điểm khác biệt quan trọng: (1) người đi cầm phải là sở hữu của món đồ, còn người thế chấp nhà chỉ đứng tên nhưng ngân hàng vẫn là sở hữu của căn nhà cho đến khi trả hết nợ, và (2) người cầm đồ thường là túng thiếu, còn người thế chấp lấy tiền có thể đề tiêu xài hay đầu tư thêm.
Trở lại thí dụ cặp vợ chồng, khi mỗi căn nhà tăng giá 15 ngàn thì tiền lời trên giấy tờ là 60 ngàn, nhưng họ chỉ hưởng được số tiền này khi bán nhà. Tuy nhiên nếu họ tái thế chấp, mượn nợ mới với mức vay 115 ngàn cho mỗi căn: dùng 100 ngàn trong số đó để trả nợ củ, còn dư ra 15 ngàn mỗi căn (hay 60 ngàn cho 5 căn) tiền mặt để mua sắm hay tiếp tục đầu tư. Người Mỹ gọi đây là re-finance (tái thế chấp) - một phương tiện hết sức hiệu quả để bất động sản trở thành công cụ tài chánh (financial instruments) nhằm tăng mãi lực tư nhân và thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triễn.
Tinh vi hơn nửa, các chuyên viên tài chánh nhận thấy các món nợ địa ốc nếu do ngân hàng nắm giữ vẫn còn là vốn chết. Vì thế họ tổ chức ra các CDO – Collateralized Debt Obligation, tạm dịch là Khoảng Đầu Tư Dựa Trên Nợ Địa Ốc. Các ngân hàng gói nhiều nơ nhà đất thành từng bó bán cho các nhà đầu tư quốc tế. Nhờ đó thân chủ từ Á Châu, Âu Châu không cần trực tiếp mua bất động sản tại Hoa Kỳ mà vẫn hưởng thụ thu hoạch về địa ốc. Vì có bất động sản bảo đảm nên ai cũng tin rằng đây là các khoảng đầu tư đáng tin cậy.
Cũng như mọi việc khác trên đời, cái gì sinh lợi đều bị lạm dụng đầu cơ. Vai trò của Ngân Hàng Trung Ương nhằm kềm chế tình trạng đầu cơ bằng hai cách (a) điều chỉnh lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường (thu tiền vào ngân hàng để tiền trở nên khan hiếm, duy trì lãi xuất cho vay cao làm cho vay mượn tiêu xài hay đầu tư giảm) và (b) một cách gián tiếp, quy định tỷ lệ tối thiểu phần vốn của các món nợ mới (nếu vốn phải bỏ tăng lên 25 ngàn/căn nhà thì cặp vợ chồng này chỉ có thể đầu tư vào 4 thay vì 5 căn nhà) – qua đó kiểm soát thị trường địa ốc không trở nên quá “nóng”.
Phần 2: Tín dụng bị lạm dụng
Khi tiền bạc dồi dào, việc vay mượn dễ dàng hơn nên các ngân hàng phải tranh nhau để tìm thân chủ. Vấn đề kiểm soát tín dụng bắt đầu trở nên lỏng lẻo. Ví dụ trước đây đồng lương tối thiểu 50 ngàn một năm mới mượn được 100 ngàn mua nhà thì nay các ngân hàng chỉ đòi hỏi mức lương 30 ngàn. Số người mượn nợ mua nhà tăng, giá địa ốc cũng theo đó nhảy vọt.
Cách thứ nhì là giảm vốn đầu tư. Trước đây cần bỏ vốn 20% nay giảm còn 10% hay 15%. Cặp vợ chồng nói trên bằng ngần tiền đó có thể mua 5 căn nhà, nay có thể đầu tư 7 hay 8! Tuy thị trường địa ốc “nóng bỏng” nhưng chỉ số kinh tế tăng vì mãi lực tăng, thất nghiệp giảm vì cần nhiều thợ xây cất cùng công nhân cho các xí nghiệp sơn, gạch, bàn ghế, tivi, tủ lạnh v.v… trang bị cho những căn nhà mới.
Con người ta trở nên bất cẩn khi tham lợi. Dùng tín dụng một cách thận trọng phải có quỹ dự phòng tiền mặt. Thí dụ cặp vợ chông có 100 ngàn, họ chỉ nên bỏ vốn 80 ngàn mua bốn căn nhà và giữ lại 20 ngàn cho các chuyện bất ngờ như không có người thuê trong vài tháng. Tuy vậy thực tế là nhiều người bỏ hết vốn ra đầu tư như chơi cờ bạc. Mặt trái của tín dụng là khi giá nhà giảm, tiền thuê xuống - giả sử hạ 10 ngàn thì cặp vợ chồng sẽ lỗ tổng cộng 50 ngàn với 5 căn; họ cần có vốn và tiền lương dư dã để cầm cự cho đến khi giá tăng trở lại.
Bên cạnh đó còn phải nói đến cung cách làm ăn cẩu thả hay bất lương. Ngân hàng có thể cho vay mượn mà không cần xét mức lương, vì nếu khách hàng không trả nổi tiền hàng tháng và nhà bị tịch thu thì ngân hàng vẫn lời theo giá trị địa ốc tăng vọt. Hoặc khi tái thế chấp, chủ nhà và chuyên viên thẩm định thông đồng thổi phồng giá nhà. Dùng thí dụ bên trên, thay vì định giá 115 ngàn theo thị trường thì nay bơm lên 120 ngàn khi tái thế chấp, 100 ngàn trả nợ củ còn 20 ngàn bỏ túi(!).
Câu hỏi đặt ra là tài chánh từ đâu ra mà dễ dàng vay mượn như vậy? Trước cơn khủng hoảng 2007-09 thì tiền bạc đổ vào Mỹ từ các nước xuất khẩu vật liệu tiêu dùng (Đông-Á và Trung Quốc) và sản xuất dầu hoả. Các quốc gia này làm ra quá nhiều tiền nên phải tìm chổ cho vay an toàn và chọn đầu tư vào Hoa Kỳ - tâm lý y hệt những đại gia Việt Nam giờ đây đua nhau mua nhà ở nước ngoài
Sau cuộc khủng hoảng 2007-09 thế giới thấy không thể để Hoa Kỳ chế ngự thị trường tài chánh, nên tìm cách dùng Euro làm đối trọng. Đến nay khu vực Âu Châu lâm vào khủng hoảng thì người ta mới thấy vẫn không chổ nào an toàn hơn đô-la(!)
Câu hỏi thứ nhì là tại sao nhà nước, và nhất là Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ, không can thiệp trước khi vỡ bong bóng bằng hai biện pháp nâng lãi xuất và tăng mức vốn đầu tư nói trên? Câu trả lời gồm nhiều khía cạnh.
Cách lý giải dễ nhất là quy trách nhiệm cho ông Tổng Giám Đốc Alan Greenspan.
Thứ nhì, hiện tượng toàn cầu hoá dẫn đến một mô hình kinh tế hết sức phức tạp - đến mức các chuyên viên kinh tế thượng thặng cũng không tiên liệu được hậu quả. Dân Mỹ từ 2004 đã thấy giá nhà tăng quá nhanh suốt 3 năm trước đó nên bắt đầu lo, nhưng rồi giá cả cứ lên vùn vụt cho đến 2007 khiến ai nấy tối mắt quên cẩn trọng. Các ông Greenspan, Bernanske đều nói đến hiện tượng “money glut” khi tín dụng quá dồi dào vì tiền bạc nước ngoài đổ vào Hoa Kỳ, nhưng các ông không dự trù khi bong bóng địa ốc nổ lại lan rộng ra toàn bộ hệ thống tài chánh. Vì các công cụ tài chánh (financial instruments) đã biến bất động sản trở nên phương tiện đầu tư - theo vài ước tính thì 1 ngàn tỷ địa ốc được tin cậy làm vốn tái thế chấp cho 25 ngàn tỷ các sinh hoạt đầu tư khác - nên khi nợ xấu địa ốc bị khui ra thì cả khối thượng tầng tài chính lung lay nếu không có chính phủ nhảy vào can thiệp (xem phụ chú 1 và 2).
Thứ ba là các CDO nói phần trên quá tinh vi đến nổi cả người bán & người mua cũng không lường được mức độ rủi ro - mặc dù các tác nhân có thể bao gồm ngân hàng, hảng bảo hiểm và những tập đoàn đầu tư quốc tế. Ví dụ một công ty tài chánh A mua 100 nợ địa ốc “tốt” từ ngân hàng B, và 50 nợ “xấu” từ ngân hàng C, buộc lại thành một gói bán phân nửa qua Trung Đông phân nửa qua Đông Á. Chỉ cần chuyền tay hai hay ba lần như vậy thì không ai còn biết tính toán rủi ro như thế nào! (xem phụ chú 3)
Lý do thứ tư Ngân Hàng Trung Ương cũng có một trách nhiệm khác: tạo điều kiện bảo đảm công ăn việc làm của dân chúng. Sau vụ khủng bố 09-2001, kinh tế lại lên đều suốt 6 năm, thất nghiệp ở mức tối ưu dưới 4% thì khó ai có can đảm thay đổi chính sách nâng cao lải xuất để nên kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Thứ năm là nguyên do chính trị: chính phủ Bush phải duy trì sự phồn thịnh trong hoàn cảnh đã lạm chi và bị chống đối nặng nề vì chiến tranh Iraq . Dân biểu nghị sĩ muốn mua lòng cử tri qua giấc mộng Hoa Kỳ - American dream - “một căn nhà cho mỗi gia đình”, mà không cần biết nhiều gia đình thiếu khả năng trả nợ. Vài chính trị gia đã tiên đoán vần mây đen ở chân trời, nhưng rồi vẫn đánh cuộc là khủng hoảng sẽ xảy ra sau nhìệm kỳ của mình, lúc đó kẻ kế vị phải gánh vì mình đã rời chức vụ.
(Bốn nguyên do kế tiếp có tầm vóc vỹ mô toàn cầu.)
Lý do thứ sáu là nền kinh tế Hoa Kỳ bị suy thoái trong thập niên 70 & 80 bắt đầu với cuộc khủng hoảng dầu hoả, sau đó doanh nghiệp thiếu vốn liếng để phục hồi sinh khí. Tổng thống Ronald Reagan thi hành chính sách tài chính mới nới lỏng các quy định (de-regulation) trong cả hai khu vực công và tư. Ngân hàng được phép dùng tiền ký thác để đầu tư vào các thương vụ nhiều lời (và rủi ro) bị cấm đoán trước đây; tư nhân dễ vay mượn vốn làm ăn, nền kinh tế tăng trưởng trong vòng 30 năm liên tục. Nhưng rồi khi việc kiểm soát bị nới lỏng thái hoá, lòng tham ngày càng tăng theo lợi nhuận lại dẫn đến khủng hoảng.
Lý do thứ bảy là kỷ thuật điện toán và trào lưu toàn cầu hoá. Hiện nay chúng ta chỉ cần vài cái bấm chuột là có thể chuyển khoản hàng triệu, tỷ Mỹ kim từ nước này sang nước khác.Nhưng ngược lại kiến thức và mức độ hợp tác của nhân loại về một nền kinh tế toàn cầu không theo kịp với các phương tiện kỷ thuật. Cuộc khủng hoảng 2007-09 sẽ còn làm tốn rất nhiều bút mực và trí tuệ để thông hiểu mọi điều.
Lý do thứ tám lại bắt đầu từ cuộc khủng hoảng năm 1997 ởThái Lan, Nam Hàn , Indonesia , Phi Luật Tân, v.v… Trước đó các nước này phát triễn mạnh nên tự tin vay mượn đầu tư, dần dà ngân sách lạm chi và trữ lượng ngoại tệ xuống thấp. Hệ thống tài chánh quốc tế tái lượng giá mức nợ lên quá nhanh mang theo rủi ro, nên tăng lải xuất. Tiền bạc chảy vào khu vực bị cạn kiệt dẫn đến một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Từ bài học đó các nước Đông Á và nhất là Trung Quốc quyết định kìm giữ tỷ giá hối đoái, tăng xuất cảng để có nguồn dự trử ngoại tệ dồi dào nhằm đối phó trường hợp giới đầu tư rút tiền ra khỏi khu vực như đã từng làm năm 1997. Hệ lụy bất ngờ là tiền bạc thặng dư đó (money glut) phải gởi vào nơi an toàn là Hoa Kỳ, dẫn đến tình trạng bong bóng tài chính trong thị trường Mỹ.
Lý do thứ chín cũng tương tư, khi giá dầu tăng vọt trong thập niên 2000, các nước sản xuất dầu hỏa thu nhập nhiều lại không có chỗ gởi nào khác hơn là Hoa Kỳ.
Phần 3: Nhìn phía trước
Chắc hẳn các chi tiết kể trên không đầy đủ và cần đến nhiều nghiên cứu lâu dài để tìm ra những biện pháp ngăn ngừa. Thế nhưng, chúng ta lại thấy xuất hện những vấn đề nan giải mới.
Sau cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ 2007-09 và Âu Châu 2010 thì nguồn dự trử ngoại tệ khổng lồ của các nước Đông Á và những quốc gia sản xuất dầu hoả (riêng Trung Quốc có 2400 tỷ Mỹ Kim) hết chổ đầu tư. Giờ này không còn ai dám bỏ tiền thêm vào Âu Châu. Trung Quốc và Trung Đông không thể gởi tiền cho nhau vì không tin nhau. Đầu tư trong nội địa thì bóng Dubai vùng Trung Đông vừa mới nổ vào tháng 04/2010, còn thị trường địa ốc Trung Quốc đã lên quá nóng. Chẳng lẻ lại tiếp tục cho Mỹ mượn tiền theo lải xuất rẻ mạt? Mặt khác dân Mỹ cũng đã ngán ngẫm vì nợ quá nhiều (chia ra khoảng 30 ngàn đầu người già trẻ lớn bé) nên có cho vay cũng chưa chắc đã muốn lấy, mặc dù thuần trên phương diện kinh tế đây chưa chắc là điều xấu.
Ít nhất là người viết không hình dung được tiền dư sẽ chạy đi về đâu.
Riêng tại Việt Nam nền kinh tế tăng trưởng trong nhiều năm, nhà nước hăm hở gia tăng lạm chi, mượn tiền đầu tư vào các công trình đồ sộ hoành tráng. Tình trạng này giống như Thái Lan năm 1997 hơn là Hy Lạp năm 2010 vì Việt Nam và Thái Lan đều là hai nền kinh tế phát triễn, trái với Hy Lạp là nước tiêu thụ. Lập luận của giới cầm quyền là phải đầu tư hạ tầng để tăng sản xuất. Nhưng bài học quá khứ cho thấy khi nợ tăng nhanh thì bất ngờ các cơ quan thẩm định có thể hạ giá tín dụng khiến nguồn tiền cạn kiệt trong khi dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn rất thấp. Nếu khủng hoảng xảy ra ở Việt Nam thì có một bàn tay ở gần và đủ điều kiện để cứu giúp là Bắc Kinh (còn nhớ Quỹ Tiền Tệ Đông-Á 100 triệu Mỹ Kim trong đó Trung Quốc góp phần quan trọng). Nhưng sự trợ giúp này sẽ kèm theo các đòi hỏi ngặt nghèo về chính trị, kinh doanh, tài nguyên và cả biên giới lãnh hải.
Điều khó cho các nước là đà tăng trưởng có thể kéo dài 4, 5 năm nên ít ai nhận chân được ngay cái giá phải trả trong tương lai.
PHỤ CHÚ
(1) Một thí dụ khác về sự phức tạp nền kinh tế toàn cầu mang ngạc nhiên đến các chuyên viên kinh tế, là cuộc khủng hoảng bắt đầu từ các nước Nam Âu đang làm chao đảo cả khu vực Euro. Chỉ mới năm 2007 nhà bình luận kinh tế hàng đầu Martin Wolf trong quyễn sách xuất sắc tựa đề “Global Finance” còn đánh giá Âu Châu là khu vực ổn định, với thặng dư của các nước Bắc Âu được cân bằng bởi thâm thủng của các nước Nam Âu. Và thật tình mãi đến cuối năm 2009 gần như không ai tiên liệu mức độ trầm trọng của cơn khủng hoảng tại Âu Châu
(2) Một nhà kinh tế lổi lạc khác cũng bị lầm là Cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Robert Rubin (dưới thời tổng thống Clinton ) người từng được ngưỡng mộ vì chận đứng không cho cơn khủng hoảng Đông-Á 1997 lan tràn ra toàn thế giới. Sau khi mãn nhiệm ông làm trong Ban Cố Vấn của Citigroup, nhưng rồi danh tiếng của ông bị xuống thấp khi đại tập đoàn tài chánh này suýt khánh tận do các đầu tư rủi ro liên hệ đến thị trường địa ốc.
No comments:
Post a Comment