Tựa đề bài này không khỏi gây thắc mắc vì giữa Do Thái và Biển Đông có liên hệ gì với nhau? Câu trả lời là chẳng có dính dáng nào cả, nhưng đây mới chính là điều để chúng ta quan tâm.
Khi nền an ninh của Do Thái bị đe doạ thì họ không muốn Hoa Kỳ bị chi phối vào một mặt trận mới. Một nghịch lý trong ngành ngoại giao là Trung Quốc và Do Thái cùng muốn Mỹ chuyên chú vào Trung Đông, Do Thái vì quyền lợi quốc gia còn Hoa Lục thì muốn rảnh tay để bành trướng thế lực.
Dân gốc Do Thái nắm giữ một nguồn tài chánh lớn của Tây Phương[i], trong lúc người Hoa giàu nhất Á Châu. Cả hai bên đều muốn ổn định Mỹ-Trung để buôn bán xuôi chiều thuận gió.
***
Lịch sử những năm gần đây cho thấy Mỹ không thể cáng đáng nổi cùng một lúc hai mặt trận Trung Đông và Đông Nam Á. Khi Hoa Kỳ hoà hoản với Trung Quốc là họ rút lui ra khỏi Việt-Miên-Lào[ii], lúc đó Do Thái nằm trong hoàn cảnh rất ngặc nghèo vì suýt thua trận năm 1973 nếu không được Mỹ ồ ạt không vận vũ khí vào giờ chót. Cũng thế khi chính quyền George W. Bush chuyên chú về Al-Qeada và Iraq là lúc mà ngành ngoại giao Hoa Kỳ bỏ rơi Đông Nam Á trong suốt 10 năm.
Mối quan tâm của Hoa Kỳ về Trung Đông là chính đáng vì đây là vùng dầu hoả trọng yếu cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên giới vận động hành lang Do Thái có khả năng điều hướng chính sách ngoại giao của Mỹ trở nên thiên lệch, gây nhiều tổn hại đến quyền lợi lâu dài của Hoa Kỳ và các nước bạn[iii].
Trái với chính quyền Cộng Hoà dưới thời George W. Bush, Tổng Thống Obama và Ngoại Trưởng Clinton đã nhiều lần nhấn mạnh biển Đông có tầm quan trọng chiến lược cho Hoa Kỳ. Chính quyền Obama rút quân khỏi Iraq năm 2011 và Afghanistan năm 2014 để không phung phí tài nguyên sinh mạng vào cuộc mạo hiểm quân sự do vị tiền nhiệm gây ra và nhằm cứu vãn uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Cho dù chính sách của Mỹ sẽ thất bại nếu hai nước này rơi vào độc tài hay nội loạn nhưng Hoa Kỳ không thể tiếp tục sa lầy vào cuộc chiến không lối thoát, và cần phải chia xẻ quan tâm đến các mối đe doạ mới đến từ Đông Á.
Iran mang đến một cơ hội mới để Trung Quốc kềm chân Hoa Kỳ tại Trung Đông.Trong lúc chính quyền Obama vận động quốc tế phong toả kinh tế và chính trị đối với Iran thì Trung Quốc dùng thương mại để trợ giúp, và quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc để không cô lập đồng minh thân thiết của Iran là Syria. Thủ Tướng Do Thái Netanyahu lại đến Hoa Thịnh Đốn trong mùa bầu cử nhằm mục đích áp lực Mỹ hậu thuẩn tấn công quân sự Iran. Chiến tranh lúc này sẽ thổi phồng tâm lý chống Tây Phương, ảnh hưởng đến các cuộc cách mạng tại Ai Cập, Syria, Lybia và tình hình an ninh tại Iraq, Afghanistan và Pakistan – và tạo ra cơn cuồng phong siết Mỹ vào Trung Đông trong vòng 3-5 năm tới tức là đúng với ý đồ của Bác Kinh.
Chính sách hiện thời của Obama là chính đáng: phong toả về thương mại, và chuẩn bị dư luận thế giới trong trường hợp Iran phản ứng trước; đồng thời yểm trợ phong trào quần chúng tại Syria. Điểm yếu nhất của Tehran ở chính nơi nước đồng minh duy nhất này, vì một khi nhà độc tài Assad bị dân chúng lật đổ thì làn sóng dân chủ rất có cơ hội tràn đến Iran.
***
Hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đều bị áp lực bởi nhóm vận động hành lang Do Thái. Nhưng Tổng Thống Obama đã đặt biển Đông vào trọng tâm chiến lược, trong lúc những cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên Cộng Hoà không hề nhắc đến khu vực này mà trái lại đua nhau để làm hài lòng Do Thái. Trong cùng ngày đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Việt được toà Bạch Ốc tiếp đón về vấn đề Việt Nam thì Thủ Tướng Netanyahu đã đến Hoa Thịnh Đốn để gặp tổ chức vận động hành lang AIPAC nhằm tạo áp lực lên chính sách của Mỹ tại Trung Đông.
Đây là khía cần được so sánh khi cử tri người Mỹ gốc Việt chọn lựa bỏ phiếu vào tháng 11 tới đây
[i] Ben Bernanke và Alan Greenspan (đương kim và cựu Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ), Dominique Strauss-Kahn (cựu Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế) Paul Wolfowitz (cựu Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Thế Giới) đều là người gốc Do Thái
[ii] Xem bài viết “Bí Ẩn 30-04-1975”của Phạm Trần Hoàng Việt
No comments:
Post a Comment