Nhiều
người thắc mắc tại sao các nước Nam-Âu đã cắt giảm chi tiêu từ hơn 1 năm nay mà
nợ nần cứ chồng chất và không thoát ra khủng hoảng.
Chúng
ta so sánh cho dễ hiểu với trường hợp của một người bệnh nhưng mang nhiều nợ.
Muốn giải quyết phải cắt bớt các khoảng chi tiêu không cần thiết, nhưng đồng thời
vẫn cần tiền mua thuốc tẩm bổ để đi làm trả nợ. Những chủ cho vay cũng phải thông
cảm để giúp đỡ vì nếu anh ta không có sức đi làm thì nợ sẽ bị mất trắng! Cũng
thế các nước Nam-Âu tuy khắc khổ nhưng cần được giúp đỡ tăng trưởng thì mới thoát
ra khỏi tình trạng nợ nần.
Cách
thức thông thường là phá giá đồng bạc. Lạm phát tăng nên cả nước tự động mất sức
mua và bớt tiêu thụ; nhưng cũng nhờ vào đó lương bổng và hàng hoá sản xuất nội địa
trở nên rẻ so với nước ngoài, xuất cảng và đầu tư ngoại quốc tăng nên kinh tế có
hy vọng hồi phục. Giải pháp này không đơn giản vì sinh hoạt của giới lao động và
trung lưu bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bảo giá, các doanh nghiệp điêu đứng do lãi
suất tăng cao trong lúc nhà giàu giữ ngoại tệ, vàng bạc và địa ốc thì ít bị ảnh
hưởng hoặc có khi còn lời to!
Nhưng
trường hợp của Nam-Âu lại rắc rối hơn thế vì nằm trong Liên Hiệp Châu Âu nên không
thể tuỳ tiện phá giá đồng Euro. ECB (Eurpean Central Bank tức Ngân Hàng Trung Ương
Âu Châu), Đức cùng các nước Bắc Âu vốn có nền kinh tế mạnh lại muốn kềm giữ chống
lạm phát trong khu vực. Vì thế các nước Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và
Pháp chỉ còn cách giảm chi tiêu để trả nợ. Nhưng cắt ngân sách thì lại sanh ra
vấn nạn như giảm nơi nào trước: an sinh xã hội hay quốc phòng, hưu bổng hoặc giáo
dục, y tế hay giao thông?
Chọn
lựa thế nào cũng bị chống đối nhưng kết quả vẫn là thất nghiệp lên cao, dân
chúng không dám tiêu xài khiến doanh nghiệp khốn đốn; GDP sút, thuế thu vào giảm
nên nợ ngày càng khó trả. Các nhà đầu tư thấy quá nhiều rủi ro đành phải tăng lãi
xuất cho vay để phòng hờ thua lổ khiến những nước Nam-Âu thêm kiệt quệ vì không
có khả năng mượn tiền tăng trưởng kinh tế. Cái vòng lẩn quẩn này thật đáng lo sợ
vì không có cách thoát ra!
Khoảng
hai tháng trước ECB thoả thuận với những nhà đầu tư hai biện pháp. Một là các
chủ nợ chiụ lổ cho mượn 1 đồng nay chỉ thu về 30 xu - dân trong nghề gọi là bị
xởn tóc hay là haircut – lý do vì cho vay bừa bải nay phải gánh phần thua lổ. Nhưng
nếu ngân hàng bị thiệt hại nặng quá đâm phá sản thì khủng hoảng sẽ lan rộng nên
ECB nhận bảo đảm để nợ sẽ không bị xoá trắng. Các nhà đầu tư hơi an tâm nên công
phiếu của Hy Lạp bán được với lãi xuất tương
đối thấp. Nhưng trải qua hai tháng những chủ nợ lại nhận thấy tăng trưởng không
có mà xã hội ngày càng động loạn, thất nghiệp vẫn cao trong khi dân chúng và công
đoàn biểu tình chống các biện pháp khắc khổ - giống như một người bệnh đã không
đủ sức khoẻ đi làm trả nợ mà trong gia đình vợ chồng con cái lại còn cải nhau.
Dân
Hy Lạp bị mất việc, cắt lương, mất quyền lợi xã hội suốt hai năm trời nên thất
vọng bỏ phiếu bầu một chính quyền mới đòi nới lỏng chính sách cần kiệm. Hàng trăm
ngàn người Tây Ban Nha biểu tình rầm rộ chống đối thắc lưng buộc bụng. Giả sử hai
nền kinh tế hạng ba và tư của Âu Châu là Ý và Tây Ban Nha sụp đổ nếu muốn cấp cứu
cần đến 40 ngàn tỷ USD - tức là hết phương cứu chữa!
Dân
Pháp cũng phản đối các biện pháp cần kiệm bằng cách bầu cho Tân Tổng Thống
Hollande khiến liên minh Pháp-Đức bị rạn nứt. ECB và Đức đòi hỏi Nam Âu phải tôn
trọng các thoả ước giảm chi trước đây thì mới tiếp tục tài trợ. Pháp và các nước
Nam Âu yêu cầu nới lỏng các biện pháp khắc khổ để thúc đẩy tăng trưởng. Âu Châu
lại chao đão như một con tàu thiếu chỉ huy.
Nhưng
đòi gì thì đòi, đầu tiên vẫn là tiền đâu: dân Nam Âu hết chiụ nổi khắc khổ nhưng
ngân sách đã cạn, tiền vay với lãi xuất đắt đỏ thì có muốn tăng chi cũng không được.
Chủ trương của Hollande như tăng thuế nhà giàu lên 75% để trang trải cho chi phí
xã hội, và giảm tuổi hưu trí xuống còn 60 tuổi chỉ là hứa để đắc cử nhưng nếu
thực hiện chính là giết tăng trưởng. Dù vậy dân chúng ngày càng phẩn nộ, chính
quyền nào không thoả mãn nhu cầu tức thời thì họ biểu tình động loạn hay bỏ phiếu
cho thất cử trong lúc cả khu vực không tìm ra lối giải thoát. Trường hợp này giống
như cho một người nghiện nghập lo mua thuốc phiện cho bớt cơn ghiền, hoặc đập
phá để thoả cơn tức giận chớ không chiụ tẩm bổ phục hồi sức khoẻ và đi làm trả
nợ!
Giả
thuyết tệ hại nhất là Hy Lạp, rồi Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha tách rời ra khỏi khối
Euro để có được chính sách tiền tệ độc lập và phá giá đồng bạc, trong khi lần đầu
tiên từ sau thế chiến thứ hai có rạn nứt giữa Đức và Pháp. Âu Châu vốn được xem như kiểu mẫu của mô hình
dân chủ xã hội (social democrat), hình ảnh tiêu biểu của khối thịnh vượng và ổn
định lớn nhất hành tinh, thì một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại lục địa
này sẽ làm suy sụp niềm tin vào cơ chế dân chủ trên toàn thế giới.
No comments:
Post a Comment