Wednesday, July 18, 2012

Đời tư lãnh tụ


Đời tư của các nhà lãnh đạo nước Mỹ thường xuyên bị bơi móc nhất là vào mùa bầu cử mỗi bốn năm. Trước đây vài tháng khai sanh của Tổng Thống Obama bị mang ra xoi bói để tìm xem ông có giấu giếm lý lịch (câu chuyện cho đến nay tạm êm vì không có dấu hiệu gian dối), còn bây giờ báo chí đòi ứng cử viên Cộng Hoà Mitch Romney phải phô bày hồ sơ tài sản suốt hàng chục năm để cho thấy liệu ông có lợi dụng kẻ hở luật pháp trốn thuế hay không.

Tất nhiên những việc làm này đều có dụng ý chính trị, và nếu cần thì ném bùn dơ nhằm hạ thấp uy tín đối phương. Nhưng đây là trò chơi dân chủ, diễn tiến cho dù không trong sạch nhưng kết quả vẫn là kiểm soát ngăn ngừa không cho các lãnh tụ tuỳ tiện làm bậy.

Một cách nào đó người ta nhận xét rằng nền dân chủ mang cái nhìn không mấy lạc quan về bản chất con người nhất là nơi giai cấp cầm quyền. Lúc nào cũng sẽ có cá nhân dùng mọi thủ đoạn để tranh dành chức tước, và khi chiếm quyền bính trong tay mà không bị giám sát ắt sẽ lạm dụng. Do đó mới cần luật pháp để bảo vệ công luận được quyền xoi bói lãnh tụ mà không bị giam cầm bắt bớ. Phía đối lập cho dù vì lợi ích chung vô tư hay mang ý đồ tham vọng cá nhân, nhưng kết quả sau cùng vẫn là ngăn chận phe nhóm cầm quyền không làm bậy.

Bị xoi bói liên tục như vậy mà quyền lực vẫn che mờ lương tri, nên Tổng Thống Richard Nixon mới  gian lận bầu cử trong sì-căng-đan Watergate, hay Bill Clinton cố ém nhẹm vụ gian díu với Monica Lewinsky. Nhưng đến khi bị phanh phui với đầy đủ tang chứng thì lãnh tụ vẫn bị xét xử theo luật pháp như mọi công dân bình thường. Dĩ nhiên họ sẽ cố gắng dùng quyền lực để tự bao che nhưng rồi không phải lúc nào cũng thoát khỏi công lý và búa riù dư luận.   
Điều đáng nói nơi đây là chỉ có những nhà lãnh đạo mới bị đem ra toà án hay Quốc Hội để xét xử, còn bên chỉ trích không hề bị giam cầm bắt bớ.

Có quan điểm cho rằng công kích lãnh tụ tức là làm hạ giá trị của nhà nước và phá rối tình đoàn kết trong quốc gia. Lại có nhận xét rằng tâm lý quần chúng thích theo dõi các trò mạ lỵ đời tư hơn là tìm hiểu những lập trường chính sách của từng ứng cử viên để chọn lá phiếu bầu.

Nhưng bù lại, quyền lực mà không bị giám sát soi mói sẽ dễ bị lạm dụng. Khi đó cá nhân lãnh tụ được tung hô trong lúc đa số dân chúng chiụ đựng nổi bất công. Trước hai chọn lựa đó, dân chủ tuy là một cơ chế mang nhiều khuyết điểm nhưng cho đến giờ này người ta chưa tìm ra một mô hình nào khá hơn.

No comments:

Post a Comment