Monday, July 23, 2012

Quan hệ Việt-Mỹ: từ Lợi Ích sang Giá Trị


Hai người mới quen biết xã giao, nếu tâm đầu ý hợp có thể trở thành bạn tốt sống chết cùng nhau.

Quan hệ giữa các quốc gia cũng thế, tuy dựa trên quyền lợi nhưng nếu muốn bền vững hai bên phải cùng chia xẻ và xây dựng trên các giá trị phổ thông. Điều này đã được nhiều tác giả phân tích trong thời gian gần đây [1][2][3]

Bang giao Việt-Mỹ trong thời gian qua đã tiến những bước dài, một phần vì lợi ích kinh tế mặt khác nhằm ngăn chận chính sách bành trướng của Trung Quốc. Tuy vậy giữa hai nước không khỏi còn mối ngờ vực cơ bản để không bị lợi dụng lẫn nhau: Việt Nam (và khối ASEAN) lúc nào cũng thắc mắc là nếu Mỹ trở lại Đông Nam Á chỉ vì quyền lợi chiến lược, đến khi tương quan lực lượng thay đổi hoặc tìm đưọc thỏa hiệp với Bắc Kinh liệu Hoa Thịnh Đốn có lại sẽ bỏ rơi khu vực này hay không? Còn về phần Hoa Kỳ có thể xem chính sách ngoại của Việt Nam là bất nhất, một mặt nhờ vào thế lực của Mỹ để cân bằng áp lực từ Hoa Lục trong lúc vẫn lấy Trung Quốc làm chổ dựa vững chắc về chính trị.

Vì thiếu tin tưởng như vậy nên bang giao Mỹ-Việt cho dù có khắn khít trong giai đoạn nhưng chưa thể bền vững lâu dài, và Hoa Kỳ đã từng chứng tỏ rằng họ sẳn sàng quay mặt đi khi lợi ích chiến lược thay đổi (thí dụ đối với Đông Dương năm 1975 và A Phú Hãn năm 1988). Trái lại đối với những đồng minh then chốt gồm Tây Âu, Nhật, Nam Hàn, Úc, Do Thái - vốn là các quốc gia có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh đồng thời cùng chia xẻ với Hoa Kỳ những giá trị nhân bản và xã hội, thì Mỹ không hề bỏ rơi cho dù trong cơn thử thách. Nói một cách khác, những nước này là đầu óc, chân tay gắn liền vào cơ thể tức hệ thống dân chủ tư bản nên không thể tách rời được.

Do đó các bước kế tiếp để cải thiện mối quan hệ Việt-Mỹ phải là xây dựng sự tin tưởng lẩn nhau (confidence building). Chúng ta có thể học bài này từ nước láng giềng Miến Điện.

Việc đầu tiên của Tổng Thống Thein Sein để tái lập quan hệ ngoại giao với Âu-Mỹ là trả tự do cho bà Aun Sang Su Kyi  cùng nhiều tù nhân chính trị khác. Ông chấp nhận đối thoại với thành phần đối lập, sau đó mở cánh cửa để họ tham gia vào sinh hoạt chính trị của quốc gia. Đến nay dù đảng cầm quyền và quân đội vẫn nắm quyền lực nhưng Miến Điện đã tạo được niềm tin với Tây Phương rằng thiện chí đổi mới là thành thật. Âu Châu huỷ bỏ cấm vận trong lúc Hoa Kỳ đề nghị giúp Miến Điện cải tố pháp luật và quản lý kinh tế minh bạch để chuẩn bị cho các bước hợp tác chặc chẻ sau này.

Trở lại với bang giao Mỹ-Việt, khúc mắt lớn nhất  hiện là tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Không giải quyết được trở ngại này thì tầm quan hệ Việt-Mỹ sẽ mãi ở thế đồng sàng dị mộng. Hoa Kỳ đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc khi cả ba nhà lãnh đạo cao cấp nhất của hai đảng và trong Hành Pháp - Lập Pháp gồm Tổng Thống Obama, Ngoại Trưởng Clinton và Thượng Nghị Sĩ Mc Cain đều lên tiếng kêu gọi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến để họ tham gia vào sinh hoạt chính trị trong nước.

Nghịch lý của Việt Nam là một mặt kêu gọi quốc tế giúo đỡ ngăn chận chính sách bành trướng của Trung Quốc nhưng trong nước lại ngăn cấm các cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước; một bên ra chính sách chống tham nhũng trong khi bắt bớ những người dân oan bị mất ruộng đất và kế sinh nhai. Chính dân chúng còn phải hoang mang thì nước bạn ắt phải nghi vấn về ý đồ thực sự. Không tháo gỡ khúc mắt này thì không thể tạo sự tin tưởng và xây dựng quan hệ lâu dài với các quốc gia tiên tiến.

Nếu Việt Nam có và thi hành luật biểu tình, đồng thời tôn trong quyền bày tỏ chính kiến (vốn được quy định trong Hiến Pháp) tất Hành Pháp và Lập Pháp Hoa Kỳ sẽ đáp trả bằng cách cho phép bán các vũ khí sát thương.

Kế tiếp, Việt Nam hợp tác chống tham nhũng; cải tổ hệ thống ngân hàng cùng các công ty quốc doanh; hợp thức hoá công đoàn độc lập. Khi đó Hoa Kỳ cần mở rộng cánh cửa TPP và giúp Việt Nam bớt chiụ áp lực kinh tế từ Trung Quốc.

Sau cùng Việt Nam cho phép có những cơ quan truyền thông độc lập, chấp nhận Tam Quyền Phân Lập và hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp -  tức các bước dài trong tiến trình hội nhập vào trào lưu tiến bộ toàn cầu. Quan hệ giữa Việt Nam và những nước văn minh sẽ không còn chỉ đặt trên quyền lợi mà dựa vào các giá trị nhân bản và phổ thông.

Trên đây là những bước cụ thể để nâng tầm quan hệ Việt-Mỹ từ lợi ích lên giá trị.

[1] Lê Nguyên: Giá trị Mỹ’ và ‘lợi ích Mỹ’ trong ván bài ‘cách mạng hoa Nhà
[2] Lê Nguyên: Đối diện với TQ, nước cờ nào cho VN trên bàn cờ thế giới hiện nay?
[3] TS Đinh Xuân Quân: Việt Nam "có thể làm gì" và "cần làm gì" tại Biển Đông?

No comments:

Post a Comment