Wednesday, August 1, 2012

Việt Nam có nên cho tàu chiến Hoa Kỳ sử dụng Cam Ranh?


Ý chính: Việt Nam không cho quân đội nước ngoài dùng căn cứ trên lãnh thổ. Nhưng nay Trung Quốc đã ngang nhiên thành hình khu vực hành chính và quân sự nơi biển đảo của mình, liệu Việt Nam có nên xét lại lập trường nói trên hay không?

***

Một bài viết mang tựa đề “Quốc phòng Việt - Mỹ: Đầu tư liên kết chiến lược” được đăng trên mạng của viện nghiên cứu chiến lược The Heritage Foundation [1], và do đài RFA giới thiệu vào ngày 7/27/2012 [2], trong đó các tác giả liên kết hai sự kiện: Việt Nam không cho phép tàu chiến Hoa Kỳ xử dụng quân cảng Cam Ranh thì Hoa Kỳ cũng không cần thiết bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong lúc này [3].

Vì hai nước không giải quyết được hai vấn đề nói trên các tác giả đánh giá rằng quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt vẫn chưa vượt qua những khác biệt cơ bản. Hợp tác quốc phòng song phương cho dù sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp và không bị cản trở do những bất đồng này, tuy nhiên phía Hoa Kỳ sẽ chậm bớt tiến trình đến khi giai đoạn chính mùi cho một hướng chiến lược mới thích hợp với cả hai bên.

Hai tiêu đề nói trên dù quan trọng nhưng vẫn mang tính cách biểu tượng: phía Hoa Kỳ chắc hẳn sẽ không thiết lập một căn cứ quân sự đồ sộ tại Cam Ranh như trong thời Chiến Tranh Lạnh; về phần Việt Nam nếu không mua vũ khí của Mỹ thì vẫn buôn bán được với Nga, Ấn Độ, Do Thái… Quyết định của Việt Nam phát sinh từ chủ trương không đi theo bên này hay bên kia giữa hai thế lực Mỹ-Hoa – dùng theo danh từ của bài viết tức là Việt Nam không theo chính sách ngoại giao “zero-sum” (bên được bên thua) trong mối quan hệ với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.

Phía Mỹ thông hiểu lập trường này vì cả hai nước đều có quyền lợi riêng đối với Trung Quốc cùng các nước Đông Nam Á.  Hoa Kỳ không có lợi ích để lôi kéo Việt Nam về một  bên vì điều này sẽ chỉ làm căng thẳng thêm tình hình khu vực. Tuy nhiên các tác giả nêu lên câu hỏi rằng nếu đã cân bằng giữa Mỹ-Hoa thì Việt Nam không thể để Trung Quốc chi phối lên chính sách ngoại giao của mình đối với Hoa Kỳ. Khi Bắc Kinh đã ngang nhiên mời gọi khai thác dầu hoả ngay trong lãnh hải Việt Nam, nâng cấp cơ chế hành chánh và quân sự tại hai quần đão Hoàng Sa & Trường Sa thì tại sao Việt Nam lại không dám hợp tác với nước ngoài để giải toả phần nào các thách thức này. Còn nếu nêu lý do vì quá khứ chiến tranh để trì trệ tiến trình nói trên thì giữa hai nước còn nghi kỵ gì nhau sau 12 năm làm việc chung? Từ những câu hỏi này các tác giả đã đề nghị Mỹ chậm lại tiến trình hợp tác quân sự cho đến khi hoàn cảnh chính mùi hơn nửa.

Theo ý kiến của người viết thái độ của Việt Nam có thể thích hợp trong quan hệ phát triển bình thường giữa hai quốc gia, nhưng hoàn cảnh của đất nước hiện trong đang trong giai đoạn rất khẩn trương do ý đồ bành trướng nay đã lộ rỏ từ phương Bắc. Tình hình đòi hỏi có những quyết định nhanh chóng và dứt khoát nhằm xây dựng các bước đột phá để làm chậm lại đà tiến của đối phương.

Úc, Singapore và Phi-Luật-Tân đều đồng ý cho quân đội Mỹ tuy không đóng quân thường trực nhưng được phép luân chuyển qua đất nước của họ, thì Việt Nam cũng nên xem đó để xét lại lập trường của mình và cho tàu chiến Mỹ xử dụng quân cảng Cam Ranh. Hoa Kỳ đã nói rỏ quan điểm không ủng hộ nước nào trong việc tranh chấp chủ quyền biển đảo, nhưng sự hiện diện của hải quân Mỹ sẽ khiến các bên (hay nói rõ ra là Trung Quốc) ngần ngừ trước khi xử dụng vũ lực tại biển Đông vì súng đạn vô tình, lở khi sai trật mục tiêu tạo ra sự cố thì sẽ mang lại những hệ lụy vô cùng sâu đậm giữa các cường quốc. Đồng thời việc đi lại của tàu chiến Mỹ cũng thể hiện quan điểm chung của Hoa Kỳ và ASEAN về quyền tự do hàng hải trong khu vực.       

 Ba tác giả của bài viết nhận xét rằng quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ dù có nhiều triển vọng sẽ mang đến lợi ích lâu dài cho hai bên, nhưng hiện đang ở mức độ kém xa so với giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân (rồi đến Thái Lan và Indonesia). Người viết đặt thêm câu hỏi là trong tình huống phải đối đầu với Trung Quốc giống như tại Scarborough thì liệu Việt Nam đã có thế lực cường quốc nào hậu thuẩn hay chưa?

Câu trả lời là Việt Nam cần ngay những quyết định nhanh chóng và đột phá để làm chậm lại các bước lấn lướt từ phương Bắc nên chúng ta không có 20-30 năm xây dựng tiến trình quan hệ theo nhịp độ bình thường với một cường quốc đối trọng trong vùng.

***

[1] U.S.–Vietnam Defense Relations: Investing in Strategic Alignment - by Colonel William Jordan , Lewis Stern and Walter Lohman July 18, 2012.

[2] Quốc phòng Việt - Mỹ: Đầu tư liên kết chiến lược - Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012-07-27

[3] Nguyên văn: “The U.S. and Vietnam are far from a meeting of the minds on the big priorities of American access to bases and lifting of the arms embargo on Vietnam”

No comments:

Post a Comment