Wednesday, August 15, 2012

Paul Ryan: một ứng cử viên trẻ và đáng nể


Liên tiếp trong hai cuộc bầu cử tổng thống đảng Cộng Hoà đã bất ngờ chọn các ứng cử viên phụ vô cùng năng động - có lẻ để bù đắp phần nào cho sự tẻ nhạt của hai nhân vật chính(!) Nhưng trái với bà Sarah Palin năm 2008 tuy hấp dẫn nhưng bị xem là nhẹ ký, ứng cử viên phó tổng thống Paul Ryan năm nay tuy còn rất trẻ (42 tuổi) nhưng đã là ngôi sao sáng của cánh hữu trên đấu trường chính trị của Hoa Kỳ.   

Nhiều người dù không đồng quan điểm với ông Paul Ryan nhưng đa số đều nhìn nhận đây là một người nhiệt tình, tự tin và có khiếu ăn nói thu hút quần chúng. Ông ra làm ứng cử viên phó tổng thống với một tiêu đề chính là nhằm giải quyết tình trạng ngân sách thâm thủng khổng lồ của nước Mỹ. Sự hiện diện của ông sẽ nâng cuộc tranh luận lên tầm vóc thích đáng với những thử thách về tài chánh mà Hoa Kỳ phải đối diện trong thập niên tới đây.

Các nhiệm kỳ tổng thống trước đều không thành thật với quần chúng: đảng Cộng Hoà vừa giảm thuế vừa tăng chi, đảng Dân chủ đòi tăng thuế để tăng chi - cả hai phía đều tránh né những biện pháp cứng rắn để giải quyết nhu cầu tăng vọt của các quỹ hưu bổng, y tế và quốc phòng. Với Paul Ryan người ta có thể công kích những đề xuất cắt giảm chi tiêu quá mức của cánh hữu nhưng không ai chê trách ông là uống cong xương sống chỉ để mua phiếu trong mùa bầu cử.

Bộ máy tuyên truyền của hai đảng Cộng Hoà - Dân Chủ đang nổ hết hơi ga để vận động hay công kích nhân vật này, và trong những tuần lể tới đây dư luận sẽ bị đánh hỏa mù bởi các số liệu kinh tế - chính xác cũng có nhưng tô điểm hay bóp méo thì nhiều. Tuy nhiên ai đã theo dõi ứng cử viên Paul Ryan trên truyền hình đều thấy năng khiếu trời sanh của ông là tài giải thích các vấn đề ngân sách khô khan một cách dễ hiểu và thu hút.

Khác với tổng thống Obama có sức hùng biện của một giáo sư đại học xuất sắc trên bục giảng thì khả năng ăn nói của Paul Ryan mang đầy xác tín, tranh cải gay gắt nhưng lại không xúc phạm đến người đối thoại mặc dù hai quan điểm có thể trái ngược. Hoàn cảnh cá nhân của ông lại sớm trưởng thành và tự lập khi cả cha mẹ đều mất sớm nên cũng là một điểm son để dân chúng Mỹ cảm thấy gần gủi.

Theo người viết thì trong ba tháng tới đây cuộc tranh luận gay gắt về ngân sách sẽ diễn ra không những giữa các ứng cử viên mà còn nơi hai người không hề đối diện: Paul Ryan ứng cử viên phó tổng thống thuộc cánh cực hữu, và giáo sư kiêm giải Nobel kinh tế Paul Krugman thuộc cánh cực tả.

Paul Krugman được xem là kinh tế gia có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ với những bài bình luận sát phạt trên nhật báo New York Times - kẻ thích đã nhiều mà người ghét cũng không it! Ông còn là nhà chuyên gia không-bao-giờ-sai-trật vì lúc nào cũng kêu gọi tăng chi để giải quyết các vấn đề kinh tế, và nếu ứ động còn tồn tại thì ông sẽ giải thích nhà nước thất bại do ngân sách tăng chưa đủ theo những tính toán của ông(!) Lần này bên tám lạng người nửa cân, Paul Krugman sẽ gặp một đối thủ hùng biện với khuynh hướng hoàn toàn đối nghịch nhưng có khả năng thuyết phục quần chúng không kém các bài viết sắc bén của ông.

Nền tảng của nước Mỹ là tự do và dân chủ từ đó mới mang đến sức mạnh kinh tế rồi tới chính trị và quân sư. Nếu kinh tế Hoa Kỳ rơi vào khủng hoảng mà không thoát ra được do giới cầm quyền và dân chúng bị phân hoá theo quyền lợi phe phái, thì các nước đang chọn con đường phát triển có quyền đặt câu hỏi là liệu cơ chế xã hội đó có còn đủ tính cạnh tranh so với mô hình tư bản nhà nước của một nước Trung Quốc đang tăng trưởng nhảy vọt hay không?

Dù bỏ phiếu cho đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ thì sự hiện diện của ứng cử viên phó tổng thống Paul Ryan cũng đã nâng cuộc tranh luận lên đúng tầm quan trọng của nó: tăng hay giảm thuế và ngân sách chi tiêu chính là quy định vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.  

No comments:

Post a Comment