Tuesday, September 4, 2012

Một chọn lựa khó khăn


“Nhà nước là công bộc của nhân dân. Nếu làm không được việc thì dân chúng phải thẳng tay đuổi mà không nên luyến tiếc chần chờ.” Tài tử điện ảnh Clint Eastwood đã nói như vậy trên truyền hình với hàng triệu dân Mỹ trong kỳ Đại Hội Đảng Cộng Hoà vào tuần qua.
Riêng với người viết việc chọn lựa bỏ lá phiếu cho ứng cử viên tổng thống trong năm 2012 không đơn giản. Trong hai vấn đề lớn, ưu tiên phải là kinh tế vì đây chính là nền tảng cho sức mạnh của Hoa Kỳ; sau đó mới đến quốc phòng và ngoại giao nhất là đối với Trung Quốc. 
Tổng thống Obama đã ngăn chận cuộc khủng hoảng tài chánh và địa ốc năm 2007 không để lan tràn và làm sụp đổ nền kinh tế. Nhưng đến gần cuối nhiệm kỳ đầu tiên ông vẫn không giải quyết được hai mối nguy gồm nạn thất nghiệp tiếp tục ở mức rất cao trong lúc ngân sách thâm thủng với con số khổng lồ lên đến 15 ngàn tỷ USD. Sai lầm của Obama là thúc đẩy quá sớm các cải cách y tế thay vì tập trung vào hai mối quan tâm hàng đầu của dân Mỹ từ đó tạo ra làn sóng công phẩn và chống đối trong không ít quần chúng.
Không rỏ Đảng Cộng Hoà có biện pháp gì để nhanh chóng làm giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp ngoài những lời hứa, nhưng riêng về ngân sách sự hiện diện của ứng cử viên Phó Tổng Thống Paul Ryan đã hun nóng không khí bầu cử. Người ta có thể phê bình rằng lập trường cắt chi tiêu của ông quá khích trong lúc chính sách giảm thuế khoá chỉ làm lợi cho 1% nhà giàu. Bù lại, Paul Ryan là một người trẻ, nhiệt tình và đầy thuyết phục nên sự xuất hiện của ông trên diễn đàn buộc các chính trị gia không thể tránh né một vấn đề vô cùng quan trọng cho tương lai lâu dài của nước Mỹ .
Nền tảng của cuộc tranh hùng Mỹ-Trung là nơi sức mạnh kinh tế, và người viết tin rằng kết quả nước nào sẽ dẫn đầu trong thế kỷ 21 có thể tiên liệu được trong vòng 3 năm nửa. Như hai lực sĩ chạy đua không chờ phải vượt qua mức đến mà thắng thua vẫn có thể đoán trước được nếu người dẫn đầu lại bị hụt hơi, hay kẻ đang vọt lên bị vấp té. Riêng đối với cử tri gốc Việt dù ứng cử viên nào vào toà Bạch Ốc cũng không thể trông mong quá nhiều việc cùng một lúc: bảo hiểm xã hội tốt, công ăn việc làm bảo đảm trong lúc phải tăng cường quốc phòng để kềm chế cả Trung Quốc lẫn Hồi Giáo quá khích – lý do vì nước Mỹ không đủ năng lực để cán đáng mọi công chuyện ngang nhau.
Nhiều báo Việt đã đăng hàng tít lớn rằng đảng Cộng Hoà sẽ có chủ trương cứng rắn đối với Hoa Lục, nhưng các phát biểu của ứng cử viên Mitt Romney cho đến giờ này chỉ nhắm về mậu dịch và tỷ giá đồng  Nhân Dân Tệ thay vì chiến lược quốc phòng. Trong thực tế ngoại giao đang là đề tài vắng bóng khỏi cuộc tranh cử tổng thống năm 2012 do hai nguyên nhân: trước hết các đối thủ chính trị không muốn bị xao lãng ra khỏi chủ đề kinh tế; thứ nhì có lẽ chính sách ngoại giao của hai đảng sẽ không khác biệt gì nhau sau mùa tranh cử.
Tiến trình rút quân khỏi A-Phú-Hãn sẽ tiếp tục trong khi Hoa Kỳ chuyển trọng tâm từ Trung Á sang Đông Á. Áp lực lên Iran và Bắc Hàn có thể nặng hay nhẹ hơn đôi chút cho đến lúc các nước này hoặc sẽ phải thay đổi chính sách hay đến lúc một giải pháp quân sự không còn tránh được. Di sản ngoại giao lớn nhất của chính quyền Obama – và trên hết là của ngoại trưởng Hillary Clinton – là chuyển hướng không còn sao lảng vùng Đông Á như vị tiền nhiệm. Trong khi đó chuyến thăm viếng đầu tiên ra nước ngoài của ứng cử viên Cộng Hoà nhằm sang Âu Châu và Do Thái  nhưng không có đến Thái Bình Dương, phần nào cho thấy mối quan tâm chính của ông Mitt Romney. Người viết nghĩ rằng một nhiệm kỳ thứ hai của Obama sẽ tiếp tục con đường do ngoại trưởng Hillary Clinton vạch ra để đặt trọng tâm nhiều về Á Châu khi cần quyết định cân nhắc nặng nhẹ giữa Đông và Tây.
Tám năm đầu của thế kỷ 21 dưới thời tổng thống Bush khiến nước Mỹ bị sa lầy tại Iraq và A Phú Hãn đồng thời rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng nghiêm trọng. Đến nhiệm kỳ Obama tình hình tạm bình ổn nhưng không giải quyết được tình trạng thất nghiệp và ngân sách nợ nần chồng chất. Việc chọn lựa hay thay đổi lãnh đạo sắp đến sẽ vô cùng quan trọng vì 4 năm tới sẽ đến lúc quyết định liệu Hoa Kỳ có tiếp tục là cường quốc hạng nhất trong tương lai hay không.    

No comments:

Post a Comment