Friday, September 7, 2012

Trung Quốc phạm sai lầm khi chia rẽ khối ASEAN


Một bài báo rất đáng chú ý trên tờ New York Times [1] đã trích dẫn nhận xét của viên chức ngoại giao dấu tên ở vùng Đông Nam Á: “Âm mưu chia rẽ ASEAN của Bắc Kinh cuối cùng sẽ bị phản tác dụng vì càng thúc giục các nước nhỏ tại Á Châu xích lại gần hơn với Mỹ”.  

Nội dung chính của bài viết nhằm tường thuật các lời lẽ mạt sát của báo chí Hoa Lục đối với Ngoại Trưởng Hillary Clinton trước ngày bà đến Bắc Kinh vào tuần này (sau khi đã viếng thăm Indonesia cùng các đảo quốc Thái Bình Dương), đồng thời cảnh cáo Hoa Kỳ không nên lợi dụng tranh chấp Biển Đông để kéo bè phái bao vây Trung Quốc.

Chỉ hai ngày trước đây Thủ Tướng Ôn Giao Bảo đã ngỏ lời cảm ơn Cam Bốt ủng hộ Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông và hứa hẹn sẽ hỗ trợ hào phóng về kinh tế. Cung cách lộ liễu này chỉ nhằm mục đích xách động tình trạng chia rẻ trong ASEAN kể từ khi Phnom Penh - với vai trò Chủ Tịch Hiệp Hội - đã ngăn cản một bản Thông Cáo Chung với nội dung đề cập đến các tranh chấp biển đảo.

Trung Quốc hiện áp dụng lại kế Liên Hoành trong thời Chiến Quốc nhằm chia rẻ và bắt các nước láng giềng khuất phục, nhưng vì quá chủ quan nên Bắc Kinh đã học sai kinh nghiệm của lịch sử. Lề lối hống hách, đe doạ các lân bang y như thói của nước Tần lang sói 2000 năm trước nhưng lại hoàn toàn đi ngược với trào lưu của thế kỷ thứ 21 trong đó thông tin đã nâng cao ý thức và sự liên kết của các dân tộc chống lại mọi chủ nghĩa độc tôn và ý đồ thống trị.

Nhân vật bị Hoa Lục chỉ trích tức Ngoại Trưởng Hillary Clinton lại chủ trương dùng quyền lực khôn ngoan (“smart power”) nhằm cũng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ [4]. Một cách tổng quát, quyền lực khôn ngoan được xây dựng trên căn bản hợp tác giữa các quốc gia cùng những cơ quan phi chính phủ để luật pháp và các quy tắc quốc tế được tôn trọng và áp dụng khi cần giải quyết những vấn đề trên thế giới; nhưng đồng thời vẫn duy trì sức mạnh quân sự để hổ trợ khi cần thiết.

Kết quả thấy rỏ là Trung Quốc càng hung hăng thì càng bị cô lập. Những quốc gia như Iran, Bắc Hàn hợp tác với Hoa Lục thuần tuý vì tham vọng riêng tư để bảo vệ ngôi vị của giai cấp cầm quyền chớ không hề chia xẻ một giá trị tinh thần hay phản ảnh một ước muốn nào trong quần chúng.

Trái lại Hoa Kỳ hiện bỏ vốn rất ít tại Đông Á nhưng thu lợi lại rất nhiều: một mặt nhờ vào tinh thần chống chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc; mặt khác dựa trên sức mạnh đang lên về kinh tế và quân sự của khu vực khiến nhiều quốc gia tìm sự hổ trợ nhưng vẫn muốn giữ tính độc lập để không bị lôi kéo về một phía. Điều này phù hợp với các giới hạn tài chánh khiến Mỹ không thể lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới vô cùng tốn kém ở Thái Bình Dương [5].

Một liên minh chính thức dù chưa thành hình nhưng đã có trên thực tế. Mọi động thái quân sự nhỏ nào tại Đông Á cũng sẽ gây nên cơn địa chấn khắp vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khi đó Bắc Kinh sẽ phải đối phó với việc tăng cường quân sự từ nhiều phía gồm Ấn Độ, Singapore, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ.

Quyền lực mềm của Trung Quốc là sức mạnh kinh tế và mậu dịch. Các nước đều ý thức điều này có thể là cơ hội hay hiểm hoạ tuỳ theo cung cách ứng xử của Bắc Kinh, nhưng cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào đối phó hữu hiệu. TPP (Trans Pacific Partnership, hay Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương) là một sáng kiến của Hoa Kỳ nhưng việc thực hiện sẽ vô cùng khó khăn vì trình độ và quyền lợi chênh lệch rất nhiều giữa ngay chính các quốc gia trong khu vực.

Trào lưu mà Trung Quốc lo sợ nhất và tìm mọi cách ngăn cản trong nước và ngay cả ở vài quốc gia lân bang là làn sóng dân chủ và nhân quyền vốn đi đôi với đà phát triển của công nghệ thông tin. Ngược lại chính lập trường này càng khiến Bắc Kinh bị cô lập với quốc tế và chính dân chúng trong nước vì làm lộ rỏ chủ nghĩa duy lợi (mercantilism), bám viú quyền lực  mà không đề cao được một giá trị tinh thần nào cho nhân loại.

Như nước Tần lang sói 2000 năm trước, Trung Quốc hiện là một con hổ cô độc – nhưng không phải là kém phần hung dữ.

***

[1] A Harsh Reception for Clinton in China’s State Media – The New York Times 04/09/2012

[2] Nguyên văn trong bài báo:” China’s evident pressure on the Association of South East Asian Nations has undermined 20 years of Chinese ‘charm diplomacy,’ said an Asian diplomat, who spoke on condition of anonymity per diplomatic practice.
“If Asean is divided, this will ultimately rebound against China’s interests because it could well catalyze the very thing China fears most: containment by the United States as anxious smaller countries will naturally cluster around the United States for balance,” the diplomat said.


[4] Xem bài “Leading Through Civilian Power” – tác giả Hillary R. Clinton đăng trên trang mạng của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ http://www.state.gov/documents/organization/153108.pdf

[5] Theo một vài ước tính lạc quan thì Trung Quốc sẽ chi tiêu quốc phòng nhiều hơn Hoa Kỳ kể từ năm 2026. 

No comments:

Post a Comment