Sunday, December 2, 2012

Liệu kinh tế Việt Nam có sẽ tăng trưởng trên 5% trong 10 năm tới?


Nhiều người tin rằng Việt Nam sẽ tếp tục phát triển nhanh chóng trở lại sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế chấm dứt. Cách nhìn này dựa trên nhiều điều kiện thuận lợi khi Việt Nam còn là một quốc gia  đang mở mang với tài nguyên dồi dào và giá nhân công rẻ. Tuy nhiên nếu theo kinh nghiệm của khối các nước chậm tiến với những ưu điểm tương tự thì Việt Nam đã phát triển khoảng 7% trong 20 năm qua, và sác xuất để đà tăng trưởng tiếp tục trên 5% sang thập niên thứ ba chỉ là dưới 10%. 

Vào những năm 1960 Miến Điện, Phi Luật Tân và Sri Lanka từng được xem là những con rồng tương lai; rồI đến phiên Pakistan và Iraq vào thập niên 70 – nhưng giờ này lợi tức đầu người tại các nước này khựng lại trong khoảng từ 800–3500 USD tức là dưới mức bình quân của thu nhập trung bình (so với Việt Nam hiện là 1400 USD vào năm 2011).

Từ 1950 chỉ 1/3 trong số các quốc gia chậm tiến giữ được mức phát triển trên 5% trong vòng 10 năm, 1/4 trong 20 năm và 1/10 trong 30 năm. Một số đông bị rơi vào điều mà các chuyên gia gọi là “bẩy sập của mức thu nhập trung bình – middle income trap”[1],  tức là sau khi tăng trưởng ngoạn mục vào những năm đầu lại rơi vào các mâu thuẩn nội tại và đứng khựng lại trong nhiều thập niên liên tiếp.  Chỉ vài nước rất ít vươn lên được vào khối các quốc gia phát triển như Singapore, Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông (cùng vài nước vùng vịnh Ba Tư vốn may mắn giàu tài nguyên dầu hoả),  đa số còn lại bị trì trệ trong suốt một thời gian dài mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên và giá nhân công rẻ giống như Việt Nam.

Ổn định xả hội và mở cửa giao thương với nước ngoài là hai yếu tố không thể thiếu - xem trường hợp Miến Điện và Iraq bị khủng hoảng chính trị và phong toả kinh tế trong nhiều thập niên. Nhưng bên cạnh đó đầu tư phải được kiểm soát hữu hiệu, vì nếu vay mượn quá nhiều hay chi tiêu cẩu thả vào các khu vực công-tư đến khi tín dụng bị siết chặt cũng mất thời gian rất lâu mới phục hồi.

Đầu tư nước ngoài và xuất cảng nhờ giá nhân công rẻ chỉ là lợi thế ban đầu để đẩy thu nhập bình quân tiến vào ngưỡng đầu tiên của mức thu nhập trung bình (1000 USD). Nhưng nếu trong thời gian này không xây dựng kịp nền giáo dục đào tạo tầng lớp chuyên viên giỏi thì mức tiến sẽ khựng lại. Đây là một trong các nan đề chính yếu và lâu dài của Việt Nam.

Môi trường đầu tư và kinh doanh lẻ ra phải ngày càng được tổ chức thuận lợi để không bị cản trở bởi nạn tham nhũng và thủ tục hành chánh rườm rà, thì trái lại trong nhiều quốc gia các tệ trạng này lại gia tăng theo đà phát triển ban đầu tạo ra một cái thắng hãm lại đà phát triển.

Thành quả tăng trưởng hiện không khả quan ngay trong các nước nổi bật nhất thuộc khối BRIC (Brazil-Russia-India-China): kể từ năm 2008 Ba Tây rơi xuống từ 4.5% còn 2%, Nga 7% xuống 3.5%, Ấn Độ 9% còn 6%, Trung Quốc 10% còn 7.5%

Bên cạnh các yếu tố phổ quát nói trên Việt Nam còn phải chiụ nhiều áp lực đặc thù của thời đại. Lần đầu tiên kể từ sau thế chiến thứ hai cả hai nền kinh tế của Âu và Mỹ đều chậm lại kéo theo sức đầu tư và mức tiêu thụ giảm sút. Trong khi đó các tiến bộ kỷ thuật mở ra phương tiện liên lạc và giao thông thuận lợi đồng đều trên toàn thế giới. Vì thế khối các nước đang mở mang đều phải cạnh tranh ráo riết lẫn nhau để thu hút nguồn vốn và bán sản phẩm cho hai thị trường ngày càng thu hẹp này. Riêng Việt Nam phải nằm cạnh Trung Quốc vốn là vựa sản xuất khổng lồ trên thế giới, nên hàng hoá và mức thặng dư mậu dịch dễ dàng đè bẹp nền kinh tế và các công nghiệp đang trổi dậy của đất nước.

Mức độ tăng trưởng cho dù bị khựng lại nhưng sẽ tác động nhiều vào đa số quần chúng hơn là đến thiểu số ưu tú cùng các nhóm đặc quyền đặc lợi. Những nguyên nhân khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng cũng chính là các tệ đoan ngăn trở phát triển – cho đến khi có đột biến xảy ra để giải quyết các bế tắc trong xã hội.

***

[1] Lợi tức đầu người tại các quốc gia phát triển là từ 12000 USD trở lên, so với các nước chưa mở mang nằm dưới mức 1000 USD. Khoảng giữa từ 1000-12000 USD được gọi là mức thu nhập trung bình. Một nước sập bẩy của mức thu nhập trung bình (middle income trap) khi đạt đến mức này rồi sau đó vì những lý do cấu trúc không thể tiến xa hơn nửa/ 

No comments:

Post a Comment