Sunday, April 28, 2013

Tổng thống Putin nghĩ gì?


Không ít các nhà nghiên cứu Tây Phương kể từ thế kỷ 17 đã tiên liệu sẽ có ngày nước Nga hoà nhập vào đại gia đình Âu Châu để đối phó với hiểm hoạ da vàng - tức là lúc mà Trung Quốc trổi dậy và  đe doạ nước Nga nói riêng và Âu Châu nói chung. Nhưng hiện tổng thống Putin đang đi một hướng trái ngược lại khi ông hợp tác với Bắc Kinh nhằm kềm chế ảnh hưởng của Tây Phương, cho dù hơn ai hết ông hiểu rất rõ thế địa chính trị trong khu vực và đâu là lợi ích lâu dài của nước Nga. Chính sách của Putin dường như chỉ nhằm thoả mãn tự ái dân tộc ngắn hạn và tâm lý nghi ngờ Âu-Mỹ của chính cá nhân ông, điều này đã được nhiều nhà phân tích tìm hiểu vì bắt nguồn từ những nguyên nhân văn hoá và lịch sử xâu xa.

 Có người cho rằng tổng thống Putin muốn dành lại vị thế siêu cường giống như thời Liên Xô cũ. Nhưng tham vọng là một chuyện, một người nhiều kiến thức như ông Putin không thể không biết rằng nước Nga gánh chịu những giới hạn về kinh tế và dân số nên chỉ có thể là một cường quốc hạng nhì hay ba trong thế kỷ 21. Hợp tác với Tây Phương vẫn tốt cho lợi ích lâu dài hơn là bắt tay với Trung Quốc. bởi vì Âu-Mỹ không có tham vọng lãnh thổ, trong khi Hoa Lục ấp ủ giấc mơ chiếm lại tài nguyên giàu có trên hàng triệu cây số vuông vùng biên giới mà họ cho là bị Sa Hoàng cướp đoạt trước đây.

Putin có thể chọn thế đu dây, khai thác tình trạng tranh chấp giữa Mỹ-Trung để xác định vai trò của một cường quốc không thể bị lãng quên. Về quân sự Mạc Tư Khoa bán vũ khí vừa cho Hoa-Ấn rồi cả những nước trong ASEAN vốn đang tranh chấp. Về chính trị bênh vực cho chế độ độc tài bị thế giới lên án ở Iran và Syria. Trên bình diện kinh tế xây ống dẫn bán dầu khí cho Trung-Hàn-Nhật để vừa có lời và cũng cho thấy vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực. Cung cách hành xử của Nga trong nhiều trường hợp lại mang tính cách trục lợi thay vì tạo cho mình một thế đứng cân bằng giữa các xung đột, nên ông Putin dù là một chiến lược gia kinh nghiệm lại bỏ mất thời cơ quan trọng để xây dựng nền tảng vững chắc cho những quyền lợi lâu dài trong tương lai. Nga chỉ hành xử theo cơ hội chủ nghĩa mà không tạo sức thuyết phục và chỗ đứng lâu dài của một cường quốc.

Trong số ba nước đối thủ dưới thời chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ và Trung Quốc có tầm nhìn rất xa trong lúc Nga lạc lỏng không xác định được vị trí của mình vào thế kỷ 21 – cho dù chính khuyết điểm này đôi khi lại trở thành ưu thế khi Mạc Tư Khoa theo đuổi chính sách trục lợi làm nghiêng ngã bàn cờ quốc tế. Mỹ dẫn đầu về tính năng động và sáng tạo trong một xã hội mở rộng của mô hình dân chủ tự do, trong trào lưu toàn cầu hoá và nền trật thế giới vốn được hình thành từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Hoa Lục ôm ấp giấc đại mộng Phục Hưng Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản, và đòi hỏi quan hệ quốc tế phải được thay đổi cho phù hợp với vai trò ngày càng lớn mạnh của mình. Nga ở vào tư thế có thể chọn lựa được vị trí thăng bằng giữa hai siêu cường trong thế kỷ 21 , thì trong nước lại không có những cuộc tranh luận về hướng tiến lịch sử của đất nước khi giới lãnh đạo chỉ lo nịnh bợ thi hành các quyết định của tổng thống Putin trong lúc thành phần trí thức bị chia rẻ và vất vã tranh đấu cho quyền tự do bài tỏ ý kiến.

Những bài viết của Putin cho thấy ông không phải là một nhà độc tài ngu muội mà rất thấu hiểu về những nhu cầu của nước Nga: tăng cao dân số; phát triễn công nghệ hiện đại bên cạnh lãnh vực quốc phòng; ổn định xã hội để tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời mở cánh cửa dân chủ và pháp trị vì đây là con đường duy nhất giải quyết tình trạng tham nhũng hối mại nhằm phát huy năng lực sáng tạo và cạnh tranh của xã hội. Nhưng khi hành xử ông dường như chỉ chủ trọng vào ổn định - nhất là cho vai trò Tổng Thống mà ông đang nắm giữ đến nhiệm kỳ thứ ba – mà xao lảng các mục tiêu còn lại dù đây chính là nền tảng lâu dài cho đất nước.

Các biện pháp của ông chỉ nhằm vào thoả mãn tinh thần quốc gia hời hợt của quần chúng, đồng thời tô bóng hình ảnh cá nhân và cũng cố vây cánh thế lực trong các hệ thống kinh tế, an ninh và nhà nước. Putin thực hiện được những điều này không phải với bản lãnh tầm cỡ như các nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu hoặc Đặng Tiểu Bình, trái lại một mặt ông áp dụng bàn tay sắt đối với thành phần đối lập, đồng thời lợi dụng vào hoa lợi thu nhập từ nguồn tài nguyên dồi dào phong phú để thúc đẩy nền kinh tế và xoa dịu quần chúng.

Về ngoại giao, việc Putin nâng tầm quan trọng của khối BRIC (gồm Ba Tây - Nga - Ấn Độ - Trung Quốc, cộng thêm Nam Phi) rất hợp lý khi mà tỷ trọng kinh tế của các nước này tăng vọt trong lúc Âu-Mỹ-Nhật không hẳn là đầu máy tăng trưởng và cũng chưa chắc sẽ còn giữ thứ hạng hiện thời trong vài thập niên tới đây. Nhưng bù lại, Putin không hề cố gắng tạo dựng một khuông mẫu để khối BRIC tín nhiệm và hợp tác, vì các nước đều biết ông muốn lợi dụng họ để làm suy yếu Tây Phương và nâng tầm quan trọng của riêng nước Nga; giống vậy, Bắc Kinh muốn dùng làm bàn đạp tạo ảnh hưởng khắp thế giới nhằm phục vụ cho giấc mơ Phục Hưng Trung Hoa; trong khi Ba Tây - Ấn Độ và Nam Phi không có tham vọng toàn cầu nên cảm thấy an toàn hơn khi nền trật tự thế giới hiện thời được duy trì, cho dù họ muốn có tiếng nói mạnh hơn trong các vấn đề kinh tế.

***

Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, nước Nga cảm thấy bị tổn thương cả về uy tín lẫn quyền lợi mỗi dịp hợp tác với Tây Phương. Lần thứ nhất khi bỏ phiếu đồng thuận ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án Iraq xâm lăng Kuwait năm 1990, rồi sau đó dẫn đến hai cuộc chiến vùng vịnh năm làm sụp đổ một chế độ vốn là thế lực và thân chủ lâu đời từ sau Thế Chiến Thứ Hai. Lần thứ hai khi đồng minh truyền thống của Nga là sắc dân Serbia phải thua cuộc trong cuộc chiến tại Kosovo thuộc Nam Tư cũ năm 1998-99. Cạnh đó nhiều người Nga nghĩ rằng Âu-Mỹ đã âm mưu phá hoại nền kinh tế để nước Nga vĩnh viễn không còn là một đối thủ của Tây Phương. Khi NATO thu nhận các nước Đông Âu cùng nhiều quốc gia trước đây nằm trong Liên Bang Xô Viết làm thành viên, Mạc Tư Khoa xem đây là bước xâm phạm vào vùng trái độn và đe doạ nền an ninh của Nga, dẫn đến ba lần tranh chấp (1) chiến tranh với Georgia năm 2008 (2) cắt không bán khí đốt cho Ukraine năm 2009 (3) phản đối hệ thống tên lửa phòng thủ của Hoa Kỳ không được đặt tại Ba Lan năm 2009.

Hố sâu giữa Nga và Âu Châu bắt đầu từ khởi nguồn xa xôi trong lịch sử khi một bên theo Chính Thống Giáo còn phía kia là Cơ Đốc Giáo. Nước Nga bị Tây Phương xem như lạc hậu và thô kệch cho dù nơi đây đã sinh sản các đại văn hào như Tolstoi và Doestoyevsky, những toán học gia lừng lẫy như Markov và Euler, và hoàn thiện điệu vũ ballet vốn được thế giới ngưỡng mộ. Nga là một quốc gia nông nghiệp truyền thống từ thời Sa Hoàng (đất đai thuộc về quý tộc) sang Xô-Viết (đất đai thuộc tập thể) nên quan niệm về sỡ hửu tư nhận và quyền tự do cá nhân chỉ mới manh nha bộc phát sau này. Những nhà lãnh đạo mà dân Nga cảm thấy gần gũi như Yeltsin (tài giỏi, nhưng thô lổ và thích say rượu) và Putin (nghị lực và quyết đoán) thay vì Gorbachev vốn quá nhiều dáng dấp của giới trí thức Tây Phương.

Như trên đã đề cập đến, tổng thống Putin nhiều lần viết bài cho thấy ông hiểu rất rỏ nhu cầu ổn định của dân Nga - hay nói đúng hơn đây là tâm lý thụ động chờ đợi nhà nước lo liệu về an ninh và đời sống. Nhưng chính ông đã nhận xét rằng cánh cửa dân chủ và pháp luật phải được mở để bài trừ tham nhũng và tạo cơ hội cho sức cạnh tranh sáng tạo bùng phát thì mới xây dựng được tương lai lâu dài. Dù vậy phản ứng của Putin đối với những chỉ trích vi phạm nhân quyền hình như bị thúc đẩy bởi tâm lý cá nhân không thể chấp nhận bị Tây Phương và thành phần trí thức trịch thượng, thay vì ông chọn con đường lợi ích cho quốc gia. Hoạ chăng điểm khác biệt của Putin tuy dung túng bè đảng nhưng ông xem thường họ như những con cờ để xử dụng, chớ ông không chiụ đơn thuần làm lãnh tụ của đám cướp theo kiểu như nhiều chính trị gia độc tài nước khác.

Putin cũng không phân biệt được giữa khát vọng dân chủ - độc lập - an ninh của các quốc gia Đông Âu và thuộc Liên Bang Xô Viết trước đây mà xem việc NATO mở rộng như mối đe doạ cho Nga. Các nước này trước đây đã nhiều lần bị bán đứng, xâm lăng rồi chà đạp bởi cả Tây Âu, Đức Quốc Xã rồi Xô Viết; đến nay là cơ hội đầu tiên họ có hy vọng vào tương lai. Khó mà hình dung NATO dù bành trướng lại có ngày tấn công nước Nga; trái lại khi Đông và Tây Âu cùng thịnh vượng và dân chủ chính là cơ hội để nước Nga cung cấp nhiên liệu đồng thời tiếp nhận đầu tư, kỷ thuật, cùng tính kỷ luật và tổ chức để phát triển lâu dài. Đây lại còn là thế lực giúp Nga cân bằng lực lượng với tham vọng của Trung Quốc từ phương Nam.  Tóm lại, cả Nga cùng Âu Châu cùng hợp tác có lợi (win-win) thay vì đối nghịch để kẻ thắng người thua (zero sum game).

Trái lại, con gấu Nga đã chọn bắt tay – không phải với con rồng mà là con rắn độc Trung Quốc vì thể nào cũng có ngày nó quay lại cắn người bạn đồng hành. Tuy đây có thể là bước tính giai đoạn nhưng những quyết định bán kỷ thuật quân sự cho Hoa Lục (cho dù biết trước rằng sẽ bị sao chép) cũng như khai thác để làm mất thế cân bằng giữa Tây Phương và Hoa Lục sẽ còn để lại hậu hoạn lâu dài về sau.

Lịch sử sẽ đánh giá Putin như một nhà lãnh đạo có nhiều tư duy nhưng lại bỏ lở cơ hội đưa nước Nga vào con đường phát triển bền vững và vai trò cường quốc trách nhiệm trên quốc tế. Nước Nga trong thời hậu Putin sẽ bắt đầu đi lại từ đầu để tìm ra vị trí của mình trong thế kỷ 21.

No comments:

Post a Comment