Nhà nước và doanh nghiệp tuy cùng sinh hoạt trong thị trường
tự do nhưng chức năng rất khác nhau: mục
tiêu của doanh nghiệp là để sinh lợi nhuận, trong lúc vai trò của nhà nước nhằm
bảo đảm mức an sinh cơ bản cho dân chúng đồng thời lo đầu tư vào tương lai như
giáo dục, cầu đường v.v.... Một thí dụ dễ hiểu khi công xưởng có quyền sa thải
công nhân viên làm việc kém cõi để tăng hiệu năng; ngược lại đối với người già
hay khuyết tật dù là thành phần phi sản xuất nhưng không vì thế mà nhà nước có
quyền lơ là không chăm sóc.
Tuy vậy cách nhìn này có thể dẫn đến thắc mắc rằng liệu việc
bảo đảm mức an sinh của dân chúng có đồng nghĩa với nhà nước được quyền tái
phân phối lợi tức trong quốc gia hay không? Nói cách khác là nền kinh tế chỉ
huy có đáp ứng nhu cầu xã hội nói trên hơn so với thị trường tự do hay không?
Câu trả lời thoạt tiên có vẽ nghịch lý nhưng đã được chứng
nghiệm qua lịch sử 100 năm: thị trường tự do hoạt động hữu hiệu hơn nền kinh tế
chỉ huy rất nhiều trong việc tạo ra phúc lợi cho xã hội. Vai trò thích hợp của
nhà nước là giám sát bảo đảm thị trường được vận hành tự do theo quy luật cung
cầu, và càng ít sự can thiệp của chính quyền càng tốt. Khi kinh tế tăng trưởng
thì đời sống của dân chúng mới được cải thiện theo đó.
Xin lấy một thí dụ dễ hiểu vào một năm thiếu lúa mì khiến
giá tăng vọt so với gạo. Trong kinh tế chỉ huy nhà nước có thể huy động mọi địa
phương phải trồng lúa mì dẫn đến thặng dự khiến giá cả bị rớt trong lúc gạo lại
thành khan hiếm.
Trái lại trong thị trường tự do một vài nông dân nhanh trí
và lẹ tay đổi qua trồng lúa mì sớm nên họ thu lời cao hơn đa số còn lại. Nhiều
người khác bắt chước chạy theo, cho đến lúc mức cung lên cao hơn cầu thì những
ai chậm trễ sẽ bị lổ trong lúc người đi trước hưởng lợi. Nhưng nhìn chung thì
thị trường vận hành rất hữu hiệu để tiến đến mức độ cân bằng trong sản xuất giữa
lúa mì và gạo, nhờ đó đa số người tiêu dùng đều có lợi.
Vai trò của nhà nước trong trường hợp nói trên không phải để
đặt ra chỉ tiêu sản xuất gạo và lúa mì, trái lại con số này sẽ do thị trường định
đoạt. Chính quyền có nhiệm vụ trọng tài không cho cạnh tranh bất chính như bơm
giá ảo hay ép giá v.v…
Trên cách nhìn khác thị trường tự do thưởng người nhanh và
phạt kẻ chậm. Dù vậy chính quyền vẫn không có trách nhiệm tái phân phối lợi tức
cho đồng đều bằng cách nâng đỡ các anh thua lổ bởi ba nguyên do: (1) tạo sự ỷ lại
(2) bất công đối với người giỏi vốn là thành phần năng động tạo ra của cải
trong xã hội (3) thoái thường tình khi nhà nước được trao quá nhiều quyền hạn ắt
sanh ra lạm dụng. Hiệu năng của thị trường tự do đến từ việc đào thải các doanh
nghiệp kém sức cạnh tranh mà lại ban thưởng cho những xí nghiệp giỏi – nhà nước
không thể can thiệp vào tiến trình này nếu muốn nền kinh tế tăng trưởng để đem
lại phúc lợi cho xã hội nói chung.
Chúng ta hãy phân tích sâu thêm vào thí dụ nói trên: nông
dân giỏi ngày thêm giàu, còn anh thất bại cùng quẩn khiến con cái không đủ tiền
ăn học. Hố giàu nghèo ngày càng sâu dẫn đến bất mãn trong xã hội.
Nhà nước không thể san bằng giàu nghèo nhưng ngược lại được
quyền đánh thuế để trang trải cho mạng lưới an sinh bao gồm giáo dục cho trẻ
em, quy định mức lương tối thiểu và môi trường lao động của thợ thuyền, trợ cấp
thất nghiệp và người già. Thuế khoá không nhằm tái phân phối lợi tức xã hội
nhưng để chi phí vào các mục tiêu an
ninh, ổn định và đầu tư cho tương lai.
Khái niệm về lưới an sinh xã hội rất quan trọng trong xã hội
Âu-Mỹ vì nhờ đó mà xã hội thăng tiến từ môi trường mạnh được yếu thua của thị
trường tự do (hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản hoang dã) sang mô hình tư bản,
dân chủ và tự do.
Trở lại với một xã hội chậm tiến thì mức cung và cầu có thể
thay đổi rất chậm: trong thí dụ nói trên một khi lượng sản xuất lúa mì và gạo
đã đều hoà thì ít có lý do thay đổi trừ trường hợp mùa màng hạn hán hay dịch bệnh.
Nhưng đối một quốc gia năng động tình trạng thăng bằng lại không kéo dài được
lâu do các phát minh sáng kiến mới, chẳng
hạn chiếc máy cày được chế ra để năng suất trồng gạo lẩn lúa mì khiến cung nhiều
hơn cầu.
Con số nông dân sẽ giảm đi bởi có người nhảy ra bán máy cày
thay vì làm ruộng. Nhờ vậy nền kinh tế thêm đa dạng, tổng sản lượng quốc gia
tăng, và một lớp nhà giàu mới được hình thành. Vai trò của nhà nước khi đó (a)
không tài trợ các doanh nghiệp đã đánh mất tính cạnh tranh; (b) bảo đảm các thế
lực củ không bóp nghẹt tính sáng tạo, chẳng hạn ngăn cản một vài ông điền chủ bất
lương không cho bán máy cày để khỏi bị cạnh tranh. Xã hội và thị trường khi đó mới giữ được tính
năng động để “không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”.
No comments:
Post a Comment