Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn
cầu từ năm 2007 kéo dài đến nay cho thấy nhà nước nắm vai trò chủ động giúp nền
kinh tế phục hồi sớm hay chậm. Tuy nhiên áp dụng các biện pháp nào, cho những mục
tiêu gì, và mức độ can thiệp sâu hay cạn vẫn là những đề tài tranh luận sôi nổi
của giới hoạch định chính sách và chuyên viên kinh tế.
Trọng tâm vẫn là làm thế nào
để vai trò của nhà nước không cản trở sinh hoạt lành mạnh của nền kinh tế trong
đó luật đào thải các doanh nghiệp yếu kém là một trong các nền tảng căn bản nhất
của thị trường tự do.
Gần đây có hai cụm từ rất chính
xác và dễ hiểu được áp dụng vào kinh tế là “ỷ thế làm liều” (chuyên gia kinh tế
Nguyễn Xuân Nghĩa) và “con dại cái mang” (tác giả Nguyễn Văn Thạnh), mỗi cách nói
nhắm vào một góc cạnh trong việc tìm hiểu đâu là vai trò và giới hạn của nhà nước
trong thị trường tự do.
Trước hết chúng ta cần minh định
rỏ sư khác biệt giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân: mục tiêu của doanh nghiệp
là gây lợi nhuận, trong lúc chức năng chính của nhà nước nhằm bảo đảm an sinh của
mọi tầng lớp dân chúng.
Một thí dụ dễ hiểu là doanh
nghiệp có quyền sa thải các nhân viên kém cỏi để tăng tính cạnh tranh. Còn
trong một quốc gia có người già, người khuyết tật là những thành phần phi sản
xuất nhưng không vì vậy mà chính quyền có thể lơ là không chăm sóc.
Khi nền kinh tế sinh hoạt bình
thường thì nhà nước làm trọng tài thực thi các quy định bảo vệ người lao động,
môi trường và tính cạnh tranh (không gian lận, hợp đồng phải tôn trọng, v.v…).
Trong hầu hết quốc gia chính quyền còn đóng thêm vai trò tích cực khi đặt ra mục
tiêu chiến lược để phát triển nền kinh tế, bằng những cách như kiểm soát giá hối
đoái, khuyến khích đầu tư nước ngoài, nâng đỡ phát triển các công nghiệp mũi nhọn
v.v…Chức năng của nhà nước trong hoàn cảnh này được đồng ý rộng rãi mà không có
nhiều tranh luận (cho dù vẫn có ngoại lệ như trường hợp không ít các chuyên gia
phân tách về vai trò của nhà nước tại Hoa Lục)
Nhưng khi nền kinh tế rơi vào
khủng hoảng trầm trọng như trong những năm 2007-12 khiến nhà nước trực tiếp nhảy
vào can thiệp – khi đó không còn là trọng tài hay người điều khiển cuộc chơi nhưng
đã trở thành một tác nhân chủ động trong nền kinh tế, thì các tranh cải lại rất
sôi nổi về mục tiêu, biện pháp và giới hạn của nhà nước.
Trước hết là ngành ngân hàng,
nếu cho vay cẩu thả để thua lổ thì nhà nước có nên cứu giúp hay không, do bởi được
nâng đỡ lần này lại sẽ “ỷ thế làm liều” tái phạm trong tương lai?
Bài học thực tế khi chính phủ
Mỹ để mặt cho Lehman Brothers phá sản vào tháng 9/2008 nhằm cảnh cáo giới ngân
hàng đầu tư, nhưng sau đó lại khiến thị trường tài chánh sụp đổ dây chuyền là ít
có nhà nước nào còn dám không can thiệp. Tiền tệ là huyết quản của thị trường,
khi hệ thống ngân hàng bị bế tắc cũng giống như nghẽn mạch máu thì cần ngay luồn
điện bên ngoài giúp bắp thịt tim co giãn mạnh nếu không sẽ chết ngay tức khắc.
Bộ Tài Chánh sau đó tung hàng
ngàn tỷ USD để mua lại nợ xấu và trái phiếu của các ngân hàng cùng hai cơ quan đầu
tư địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac (các cơ quan này trước đây mua lại nợ địa ốc
của ngân hàng). Nhưng sau đó thị trường tín dụng vẫn bị siết chặt bởi các ngân
hàng giống như chim sợ ná không dám cho vay khi sổ sách vẫn chưa rõ rệt là nợ xấu
bao nhiêu. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ không vay được tiền nên không thể
phát triễn làm ăn, dẫn đến thất nghiệp cao, tiêu thụ giảm. Cho nên Quỹ Dự Trữ
Trung Ương mỗi tháng phải bơm vào kinh tế hàng chục tỷ USD, nhờ đó mà thị trường
dần dần khôi phục.
Câu hỏi đặt ra là tiền đổ ra
ào ạt như vậy nhưng sau nước Mỹ vẫn vay mượn được với giá cực rẽ (tiền lời khoảng
1%) và không bị lạm phát? Lý do nhờ Hoa Kỳ có hai lợi thế độc đáo: (1) họ vay bằng
đô-la, thì họ có thể in đô-la trả nợ (2) tình hình thêm bắp bênh thì các nước càng
gởi tiền cho Mỹ vì đây vẫn là nơi an toàn nhất. Nhưng do Hoa Kỳ đang lạm dụng
hai ưu thế này nên cũng sẽ có ngày trả giá rất đắt.
Trở lại việc “ỷ thế làm liều”,
để tránh việc cho vay cẩu thả trong tương lai nên Quốc Hội chuẩn bị nhiều dự luật
giám sát khắc khe nhằm giới hạn môi trường đầu tư của ngân hàng để giảm bớt rủi
rọ. Cuộc tranh luận trở nên vô cùng phức tạp và chuyên môn vì đụng chạm đến quyền
lợi của các đại gia tư bản; đồng thời kiểm soát quá chặc chẻ sẽ triệt tiêu năng
lực sáng tạo của thị trường tài chánh khi đi đầu tư gieo mầm trong các sinh hoạt
kinh tế nhiều triển vọng nhưng cũng lắm bất trắc.
Một nhận xét ngắn về lịch sử:
nền kinh tế giống như quả lúc lắc giữa hai chu kỳ mỗi 30-40 năm: sau một cuộc
khủng hoảng thị trường bị giám sát chặc chẻ, ổn định rồi thành trì trệ; để thúc
đẩy phát triễn nhà nước phải nới lỏng quy định, kinh tế tăng trưởng dần dần dần
đến khủng hoảng. Trạng thái cân bằng không thể có ngày nào mà còn các sáng tạo
về khoa học, kỷ thuật hay trong môi trường buôn bán (chẳng hạn như toàn cầu hoá)
là những tác động kích thích con lắc phải lung chạy.
Sang đến thị trường địa ốc,
trong nhiều năm chính quyền Hoa Kỳ cũng có các biện pháp giúp đỡ mua nhà nhưng
không mấy hiệu quả. Nhưng giá nhà hiện tăng vọt kể từ năm 2012, có lẽ vì nền
kinh tế dần ổn định nên đây là cơ hội để mua khi tiền lời còn cực thấp.
Nhưng nước Mỹ đã bỏ rất nhiều
tiền cứu vớt đại công ty bảo hiểm AIG, cùng những hảng xe hơi Ford và GM, vốn bị
liên lụi trực tiếp hay gián tiếp bởi ngành ngân hàng. Lý do là các doanh nghiệp
này sụp đổ sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu hoặc hàng chục triệu dân chúng trong hoàn
cảnh nền kinh tế đang suy sụp càng khiến tình hình thêm phần nghiêm trọng.
Điều may mắn là những công ty này đều phục hồi
vào trả lại gần hết số nợ của nhà nước. Đây là thí dụ điển hình về “con dại cái
mạng”
***
Những biện pháp nói trên áp
dụng ở Mỹ và các nền kinh tế thị trường. Những vấn đề tại một nền kinh tế phi
thị trường lại khác rất nhiều, cho dù bề ngoài có nhiều biện pháp giống nhau nhưng
mục tiêu nhằm cứu vãn thị trường hay để duy trì lợi ích và quyền lực bè phái.
Hai yếu tố chính để kiểm soát
sự can thiệp của nhà nước, là tự do báo chí và tự do bầu cử. Phải có báo chí và
những chuyên gia phân tích từ cả cánh tả lẫn cánh hữu mới thấy điều hơn lẽ thiệt
của mỗi chính sách. Nhưng cho dù khuyên can thế nào mà một chính quyền không sợ
bị thay đổi thì họ vẫn có thể bỏ mặt ngoài tai.
No comments:
Post a Comment