Saturday, June 22, 2013

Khủng hoảng kinh tế và chính sách nhà nước

Nhiều người theo dõi tình hình kinh tế Âu-Mỹ không khỏi ngạc nhiên về những hiện tượng nghịch lý: Hoa Kỳ tuy đã mang nợ nhiều nhất thế giới nhưng các chuyên viên còn đòi chính quyền tăng chi thêm để vực dậy nền kinh tế, trong khi các nước Nam Âu thắt lưng buộc bụng đã từ 3 năm nay mà tình trạng thất nghiệp và tỷ lệ nợ công so với GDP vẫn mỗi ngày tăng vọt đến mức đáng sợ!
Theo cách nhìn thông thường thì một người thiếu nợ phải cần kiệm nhịn ăn xài để trả nợ, nhưng lập luận này không hoàn toàn đúng khi áp dụng vào kinh tế vĩ mô.
Một quan điểm khác ví nền kinh tế yếu kém như người đã mắc bệnh lại thêm nợ nần. Anh ta chẳng những không thể cắt giảm chi tiêu mà còn phải vay thêm tiền đi mua thuốc tẩm bổ để phục hồi sức khoẻ đi làm rồi mới mong trả được nợ; còn cứ nằm trong nhà để cắt giảm ăn xài thì thêm ốm yếu, chẳng có hy vọng gì thanh toán nợ nần vốn ngày thêm chồng chất.
Trên thị trường phải có kẻ bán người mua. Nếu bất ngờ xảy đến khủng hoảng khiến mọi người lo lắng bớt chi tiêu sẽ sanh ra tình trạng nhiều kẻ bán thiếu người mua, doanh nghiệp đâm ra thua lổ phải cắt giảm công nhân viên. Dân chúng càng sợ mất việc nên thêm tiết kiệm, nền kinh tế cứ thế rơi vào vòng xoáy suy sụp không thể tìm ra động cơ kích thích tăng trưởng.
Trong nước có hai khu vực công và tư. Khi tư nhân và doanh nghiệp cắt xén lại chính là lúc mà nhà nước phải tăng chi để bù đắp cho khoảng trống tiêu thụ bằng cách đầu tư vào nhiều lãnh vực như giáo dục, lưu thông, năng lượng v.v… qua đó tạo công ăn việc làm và tái ổn định thị trường; nhờ vậy niềm tin được phục hồi, dân chúng lạc quan mua sắm giúp doanh nghiệp tăng sản xuất. Khi đầu máy kinh tế phát triển thì thuế má được tăng thu, nhà nước nhờ vào đó để trang trải các khoảng lạm chi trước đây và tái cân bằng ngân sách.
Đó là phần trình bày rất sơ lược về lý thuyết của nhà kinh tế học Keynes đối với vai trò của nhà nước trong khủng hoảng kinh tế. Theo ông thì ngân sách của nhà nước chỉ cắt xén khi kinh tế tăng trưởng - tức là lúc mà khu vực tư nhân mạnh; ngược lại trong khủng hoảng chính quyền phải lạm chi ngân sách để bù đắp cho những yếu kém của lãnh vực tư.
Nhưng như nhiều lý thuyết xã hội khác khi đem ra áp dụng mới thấy có những trở ngại không tiên liệu được.
Nhà nước nắm trong tay rất nhiều quyền hạn, và một khi đã có thói lạm chi thì họ cứ tiếp tục   phung phí cho dù trong khủng hoảng hay phát triễn. Tại một nước độc tài tất nhiên ý kiến của người dân ít được tôn trọng, còn trong một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ các chi tiêu công cộng lại chính là phương thức hữu hiệu để mua lá phiếu của dân chúng -  cho nên những đảng phái chính trị chỉ nói mà ít dám cắt giảm ngân sách. Cho nên nhiều nước thâm thủng ngân sách triền miên trong đó có cả Hoa Kỳ.
Thực tế thứ nhì là ngân sách nhà nước dù rất lớn nhưng lại do một nhóm nhỏ quyết định nên khó lòng đáp ứng quy luật thị trường tự do. Cụ thể là các khoảng chi tiêu thường có lợi cho những tập đoàn lớn và khối lợi ích trước rồi mới ảnh hưởng dần xuống dân chúng nên tạo ra tình trạng mất thăng bằng trong kinh tế. Riêng tại Việt Nam và Trung Quốc thì các khối kích cầu năm 2008 lại chính là nguyên nhân dẫn đến bong bóng địa ốc sau này. Ngay cả ở Mỹ hệ quả của các khoảng tài trợ đã giúp cho các ngân hành và công ty lớn trước rồi mới rơi rớt đến dân chúng.
Trở lại thí dụ ban đầu của một anh nghiện nghập nên sanh ra nợ nần và bệnh hoạn: thực tế là rất nhiều người lâm vào cảnh này lại đi vay tiền để mua thêm thuốc phiện làm an thần, thay vì dùng tẩm bổ phục hồi sức khoẻ để đi làm trả nợ. Hoàn cảnh nói trên rất giống các quốc gia bị lạm chi ngân sách.
Hoa Kỳ độc nhất nắm một vị thế ưu đãi mà không quốc gia nào khác có được: họ mượn nợ bằng đô-la thì họ có thể in đô-la để trả nợ! Dĩ nhiên khi đô-la mất giá thì đời sống của dân chúng nhất là những người sống bằng tiết kiệm và đồng lương cố định trở nên khó khăn hơn, nhưng bù lại giá trị của nợ công cũng theo đó sụt giảm (cho dù vay mượn từ dân chúng hay nước ngoài) nên lại là cách thức thanh toán nợ nần nhanh chóng. Các nước khác dù rất ấm ức nhưng không còn chổ nào khác gởi tiền nên cứ phải cho Hoa Kỳ vay mượn dù mức lãi thật sự đã xuống mức âm.
Cho nên bài toán kinh tế đã phức tạp nhưng các thủ đoạn kinh tế còn tinh vi hơn nhiều!


No comments:

Post a Comment