Saturday, June 29, 2013

Kinh tế Hoa Kỳ: tiến trình khủng hoảng từ năm 2008

Những chuyên viên kinh tế quan sát cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ từ năm 2008 như một quyển sách nhiều tập với các biến chuyển không thể tiên liệu được – một sự kiện lớn vốn sẽ còn được phân tích trong nhiều thế hệ tương lai. Bài viết này xin tóm tắt các khúc quanh chính để người đọc phần nào cảm nhận tính cách đa dạng và phức tạp của vấn đề: bắt đầu từ địa ốc lây lan sang tài chánh ngân hàng, đến chính sách tiền tệ rồi ngân sách nhà nước và nay đang trở lại tiền tệ. Điều đáng nói là khi giải quyết một vấn đề trước mắt lại dẫn đến các hệ lụy nan giải khác trong tương lai.

  1. Nền móng sâu xa nhất khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt cùng một lúc với sự phát triển ồ ạt của Internet vào đầu thập niên 1990. Đây là hai yếu tố căn bản của trào lưu toàn cầu hoá khi đại đa số các quốc gia mở rộng cánh cửa giao thương mà không còn bị ngăn cản bởi hàng rào chính trị và thông tin. Nhờ đó các công ty Âu-Mỹ-Nhật đầu tư ồ ạt vào những quốc gia chậm tiến để tận dụng nguồn nhân công rẻ và sự kiểm soát lỏng lẻo của chính quyền, dẫn đến tâm lý lạc quan quá trớn trong khu vực các nước đang mở mang tại Á Đông.

  1. Bong bóng tài chánh bùng nổ vào năm 1997, bắt đầu từ Thái Lan, rồi nhanh chóng lây lan sang Indonesia – Nam Hàn – Đài Loan – Hồng Kông – Trung Quốc đến cả Nga và Nam Mỹ rồi mới chấm dứt vào năm 2002. Các thế lực kinh tài quốc tế đã rút vốn khỏi vài nước trong số này do các khoảng đầu tư hoang tưởng và lổ lã, khiến ảnh hưởng lan nhanh đến toàn khối. Chính từ cuộc khủng hoảng này đã khiến nhiều nhà độc tài bị lật đổ và các nền dân chủ đặt nền móng tại Nam Hàn, Đài Loan, Indonesia, Argentina và Brazil.

  1. Các nước đang mở mang tại Đông Á (đáng kể nhất là Trung Quốc, Nam Hàn và Đài Loan) rút tỉa một bài học khác từ khủng hoảng rằng cần thiết phải tích lũy những khoảng ngoại tệ khổng lồ để đề phòng không cho giới kinh tài quốc tế khuynh đão như trong quá khứ. Cạnh đó cán cân mậu dịch giữa Đông và Tây ngày càng chênh lệch dẫn đến một nghịch lý bất cân đối là các nước đang phát triển cho quốc gia công nghệ hang đầu là Hoa Kỳ vay tiền qua hai hình thức (a) mua công phiếu của Mỹ (b) cung cấp tín dụng để dân Mỹ mượn tiền nhập cảng hàng hoá tiêu xài.

  1. Năm 2001 tại Mỹ bùng nổ khủng hoảng trong ngành tin học (hi-tech bubble) do tâm lý hồ hởi quá đáng của giới đầu tư; tiếp theo đó là vụ tấn công khủng bố vào New York và Washington D.C. dẫn đến chiến tranh kéo dài và vô cùng tốn kém tại Afghanistan và Iraq. Để vực dậy nền kinh tế trong hoàn cảnh khó khăn nên chính quyền Bush đã vừa tăng chi lại giảm thuế, trong khi Quỹ Tiền Tệ Trung Ương giữ tiền lời ở mức cực thấp với mục tiêu tăng tín dụng. Dù đạt được cả hai mục tiêu tăng trưởng và chống lạm phát nhưng nợ nhà nước lẫn các hộ tư gia đều nhảy vọt. Hiếm có nước nào thực hiện được cả ba biện pháp nói trên cùng một lúc chỉ trừ Hoa Kỳ vì được thế giới tín nhiệm là siêu cường kinh tế(!) nên các nước đang phát triển cứ bơm tiền cho vay qua cả hai ngả công và tư.

  1. Khối tín dụng tại Hoa Kỳ quá dồi dào nên đổ vào ngành địa ốc. Tiền lời rẻ, ngân hàng cho vay dễ dãi khiến giá nhà tăng vọt tạo ra công ăn việc làm trong hai lãnh vực xây dựng và tín dụng. Suốt khoảng thời gian từ năm 2004-07 nước Mỹ vừa thâm thủng ngân sách lại mang gánh nặng của chiến trường Iraq và Afghanistan, thế mà dân chúng vẫn phấn khởi tiêu xài nhờ vào giá nhà tăng nhanh.

  1. Bong bóng địa ốc căng phòng do giá nhà nhảy vọt nhanh hơn lợi tức thực sự của dân chúng. Ngân hàng cẩu thả cho vay gấp rút với các điều kiện vô cùng lỏng lẽo để kiếM lời. Nhiều người dù không đủ vốn cũng mượn được tiền mua nhà rồi xoay qua bán lại theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”. Nhưng tình trạng này không thể kéo dài, đến lúc các món nợ xấu lòi ra dẫn đến sự xụp đổ của hai ngân hàng đầu tư Bear Stearn (3/2008), và sau đó đến Lehman Brothers (9/2008) tức là khúc quanh bắt đầu của cuộc đại khủng hoảng.

=> Bắt đầu từ khủng hoảng địa ốc

  1. Lẽ ra nợ xấu địa ốc chỉ giới hạn trong khu vực nhà đất mà không ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế – giống như cuộc khủng hoảng tin học năm 2001 (hi-tech bubble) chỉ quanh quẩn trong lãnh vực công nghệ. Nhưng một nguyên nhân khác là do việc nới lỏng thị trường tài chánh nên các ngân hàng cho vay địa ốc được ấn hành bán biến phiếu (derivatives) nhằm gây vốn mới để có tiền cho vay thêm. Việc này khá phức tạp nên xin được giải thích theo cung cách bình dân là bán chả lụa trộn thịt chuột:

Giả sử ngân hàng A cho mượn tiền mua nhà trong đó có 30 nợ xấu và 70 nợ tốt, và A cần bán nợ để gây vốn mới. Nhưng thay vì bán từng khoảng nợ thì họ gom chung vào rồi ấn hành 1000 biến phiếu bán cho hai nhà đầu tư B (400 phiếu) và C (600 phiếu) – sẽ có nhiều nhà đầu tư mua biến phiếu thay vì mua trực tiếp vì không phải trực tiếp quản lý nợ. B lại cọng thêm 200 phiếu của ngân hàng D rồi bán cho nhà đầu tư E. Cung cách này giống nhu bán chả luạ trộn thịt chuột, chuyền tay đổi nhản hiệu hai ba lần thì không ai còn kiểm tra được là đòn chả lụa nào tốt hay xấu!

8.     Dù vàng son lẫn lộn như vậy nhưng các biến phiếu vẫn được xếp hạng tín dụng tối ưu AAA+ bởi nền tảng từ thế chấp địa ốc khi đó chỉ tăng mà không hề giảm giá – nên bảo hiểm đã rẻ mạt mà lại được các quỹ hưu trí khổng lồ ưa chuộng (các quỹ hưu trí bị luật pháp bắt buộc chỉ được mua những khoảng đầu tư an toàn nhất).

9.     Đến khi nợ xấu nổ bùng thì các ngân hàng đều hốt hoảng vì không còn biết đang giữ trong tay bao nhiêu % nợ xấu. Ngân hàng thường vay mượn lẫn nhau hàng ngày để giải ngân cho công ty trả lương thợ thuyền, thanh toán hợp đồng v.v... nay đồng loạt siết chặt tín dụng vì không còn tin cậy lẫn nhau. Toàn bộ nền kinh tế bị đóng băng một cách bất ngờ giống như người bị nghẽn mạch máu. Các đại công ty bảo hiểm (AIG), địa ốc (Fannie Mae, Freddie Mac), ngân hàng (Citigroup, Countrywide, Wachovia) và đầu tư (Merryl Lynch, Lehman Brothers) bị đe doạ khánh tận nếu không được nhà nước cứu giúp.  

=> lan sang tài chánh và ngân hàng, và toàn bộ nền kinh tế

  1. Hai chính quyền Bush và Obama tung ra 1500 tỷ USD để cứu vớt các ngành tài chánh, bảo hiểm, địa ốc và ngân hàng. Thị trường tài chánh khỏi bị sụp đổ, nhưng nợ công nhảy vọt từ 5000 tỷ (năm 2000) lên 9000 tỷ (2007) đến 16000 tỷ (2012) vừa do chiến tranh, tăng chi, giảm mức thuế và lại giảm thu khi kinh tế co cụm vì khủng hoảng.

=> trong lúc nợ công tăng vọt

  1. Tình trạng thâm thủng ngân sách là mối hiểm hoạ lâu dài cho nước Mỹ bởi chính sách ngoại giao và quốc phòng sẽ bị chủ nợ nước ngoài chi phối; trong nước lại không đủ tiền trang trải cho an sinh xã hội đồng thời khu vực tư nhân không tìm ra nguồn vốn đầu tư. Nhà nước có phương cách giải quyết là vừa cắt chi tiêu đồng thời tăng thuế để thanh toán nợ. Nhưng do hai Đảng Cộng Hoà và Dân Chủ vốn chiếm tỷ số chênh lệch tròm trèm 50/50 trong Quốc Hội không chiụ nhường nhịn lẫn nhau vì sợ mất lá phiếu của dân chúng, hậu quả là chính quyền Hoa Kỳ bị tê liệt không tìm ra đồng thuận về ngân sách và thuế má.

=> thì Hành Pháp và Quốc Hội Mỹ bất lực

  1. Mỗi cuộc khủng hoảng lớn cần được nhìn trên hai khía cạnh: cấu trúc (giải quyết bằng thuế khoá & ngân sách cùng chính sách tăng trưởng của quốc gia) và chu kỳ (giải quyết qua các biện pháp tài chánh để thúc đẩy đầu tư và tiêu thụ).

Trong lúc Hành Pháp và Quốc Hội tê liệt không tìm ra đồng thuận trên hai vấn đề ngân sách và thuế khoá thì Hoa Kỳ có cơ quan thứ ba là Quỹ Dự Trữ Liên Bang gọi tắt là The Fed (Federal Reserves - tương tự như Ngân Hàng Nhà Nước, nhưng độc lập và không dưới sự lãnh đạo của chính quyền).

The Fed có uy quyền rất lớn lại quyết định nhanh chóng do điều hành bởi các chuyên viên kinh tế không bị chi phối về chính trị, nên ngắn gọn đã in đô-la mua lại các khoảng nợ công (Treasury Notes) và nợ địa ốc (Mortgage Backed Securities). Nhờ tiền đổ ra nên các ngân hàng chịu nới lỏng tín dụng với mức lời thấp, nhờ đó doanh nghiệp và ngành địa ốc đang dần phục hồi.

=> Quỹ Dự Trử Liên Bang đang bơm một quả bóng tài chánh khổng lồ


Nhìn vào tương lai thật tình không ai đoán trước chuyện gì sẽ xảy đến kể cả các chuyên viên kinh tế hàng đầu, do những chính sách chưa từng áp dụng trong quá khứ sẽ dẫn theo nhiều hệ lụy không lường được sau này.

Không những Mỹ mà Nhật, Trung Quốc, … đều đã bơm vào tổng cọng 6000 tỷ USD trong vòng 6 năm nay để vực dậy kinh tế. Nếu so sánh con số này với 1500 tỷ USD vốn gây ra khủng hoảng địa ốc năm 2008 thì thật khó biết bong bóng lần này lớn thế nào!

Hành Pháp và Quốc Hội Hoa Kỳ phải đạt được đồng thuận về ngân sách và thuế khoá để giải quyết khối nợ công khổng lồ nay đã lên đến 17000 tỷ USD – bằng không sẽ đến ngày nước Mỹ chỉ có thể vay mượn thêm với mức lời cực cao (chớ không còn 1% như hiện thời) giống như Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi và Hy Lạp. Dù vậy nhà nước Mỹ vẫn đang tê liệt vì tranh cãi đảng phái.

Nhưng người viết không bi quan: Hoa Kỳ và Á Châu là hai khu vực đầy tiềm năng và vô cùng năng động nên có thể giải quyết các thử thách to lớn này. Nếu dựa trên “giá trị thực” (cụ thể là bảng vị bằng vàng) thì khối tiền tệ hiện thời đúng là bong bóng khổng lồ; nhưng nhân loại đã tạo ra của cải trên “giá trị ảo” (thí dụ tiền cổ phiếu khổng lồ trên không gian mạng) thì khả năng sáng tạo bất ngờ trở thành nền tảng “thực” cho tăng trưởng, nên chúng ta khó lòng đoán trước tương lai sẽ ra sao.


Một khía cạnh khác là Hoa Kỳ đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ hai về năng lượng nhờ vào kỷ thuật khai thác đá phiến, và sẽ trở thành nước sản xuất hơi đốt và dầu hoả hạng nhất nhì trên thế giới. Còn quá sớm để thấy các kết quả thực, nhưng đây là một hy vọng mới cho tương lai. 

No comments:

Post a Comment