Sunday, September 29, 2013

Khủng Hoảng Kinh Tế tại Hoa Kỳ: xem phim Too Big To Fail

Nhân nghe cuộc phỏng vấn Cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Paul Hansen 5 năm sau cuộc Đại Khủng Hoảng nên tôi tìm xem phim "Too Big To Fail": đây là một cuốn phim ghi lại các sự kiện trước và sau khi ngân hàng Lehman Brothers lớn hàng thứ 4 trên nước Mỹ khai phá sản vào ngày 15 tháng 09 năm 2008. Dù nhiều chi tiết và hào hứng nhưng người xem vẫn không thể nào hình dung trọn vẹn áp lực đè nặng lên vai của các nhà kinh tế tài chánh vốn phải gánh chịu trách nhiệm trước đất nước bên bờ vực thẳm.

Khán giả cũng khó lòng nhớ rằng tầm ảnh hưởng lên đời sống hàng ngày suýt nửa sẽ còn trầm trọng hơn quá khứ rất nhiều: đành rằng hàng vạn gia đình đã mất nhà mất việc nhưng ít ai biết chỉ trong làn ranh mong manh hàng chục triệu người có thể mất tiền trong các quỹ hưu trí và bảo hiểm, còn hảng xưởng sẽ không có tiền trả lương công nhân. Lời điều trần của cựu  Bộ Trưởng Tài Chánh Paul Hansen cho thấy nổi ám ảnh kinh hoàng đó, khi ông cho Quốc Hội biết vào cuối tuần rằng nếu chậm trể đến thứ Hai thì nền kinh tế của Hoa Kỳ sẽ bị hoàn toàn đổ vở (“If we don't do this now, we won't have an economy on Monday").

Nội dung cuốn phim xoay quần một quyết định vô cùng hệ trọng, là liệu nhà nước có phải cứu vớt các doanh nghiệp lớn nhưng làm ăn cẩu thả và đang đứng bên bờ vực thẳm, hay bỏ mặt theo quy luật đào thải của thị trường tự do cho dù các hệ lụy dây chuyền sẽ lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế và xả hội?

Câu chuyện bắt đầu hàng chục năm trước đó khi nước Mỹ khuyến khích dân chúng mua nhà để thực hiện giấc mơ Hoa Kỳ (American dream) đồng thời mở cánh cửa thị trường tài chánh cho phép các ngân hàng rộng tay đầu tư vào nhiều lãnh vực có lời lẩn rủi ro. Khi kinh tế tăng trưởng và tín dụng dồi dào thì các ngân hàng cho vay bừa bải vào địa ốc bởi tính toán giá nhà đất chỉ tăng mà không thể giảm; dân chúng cũng hài lòng do dễ mượn tiền đến mức không cần phải khai man trá mức lương (!) còn nhà cửa sau khi mua cứ hưởng giá trị tăng vọt nên khó lòng kềm chế lòng ham muốn.

Đến lúc thị trường địa ốc chậm lại thì các khoảng nợ xấu lòi ra. Ngân hàng lớn đầu tiên bị lâm nạn là Bear Stearns nhưng được chính phủ giúp đỡ bằng cách bảo trợ 30 tỷ USD cho sát nhập vào ngân hàng JP Morgan.

Đến tháng 9 tới phiên Lehman Brothers bị chao đảo. Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ quyết định lần này không cứu giúp để tránh thói "ỷ thế làm liều", nhất là khi ngân hàng Lehman Brothers vốn lớn hàng thứ 4 nước Mỹ đã có gần 6 tháng sau Bear Stearns để chấn chỉnh sổ sách.

Những giây phút sau khi Lehman Brothers khai phá sản thì sàn chứng khoáng tăng nhanh vì ai nấy tin rằng các chủ nợ địa ốc từ nay phải hoảng sợ nên làm ăn đàng hoàng cẩn trọng. Nhưng chỉ ít lâu sau đó tâm lý thị trường lại thay đổi 180 độ do e ngại rằng các ngân hàng còn lại cũng chẳng khá gì hơn Lehman Brothers hay Bear Stearns, và nếu chính phủ Mỹ không can thiệp thì cả khối tài chánh sẽ sụp đổ.

Nhưng nội vụ không dừng tại đó, mà đùng ra một cái hung tin từ trên trời rớt xuống (dùng từ ngữ bình dân cho dể hiểu) là đại công ty bảo hiểm AIG sắp khánh tận. Thoạt nhìn không có liên quan gì đến nhà đất, nhưng bởi các ngân hàng khi cho vay cẩu thả cũng biết sợ rủi ro nên đi mua bảo hiểm. Trong nhiều năm giá nhà tăng vọt nên AIG chỉ ngồi không hưởng lợi hàng trăm triệu USD mà chẳng phải lo chi ra một đồng nào cả, nhưng đến khi các ngân hàng lâm nạn hàng loạt lại kéo AIG ngã theo. AIG nắm giữ hàng ngàn tỷ USD của các quỹ hưu trí (pension và 401K) không thể nào đem ra trang trải cho nợ xấu địa ốc nên chính phủ Mỹ không còn cách nào khác hơn là tung ra 85 tỷ USD cứu vớt cấp thời.

Chưa hết, đến phiên đại công ty GE báo động không vay được tiền thanh toán hoá đơn và trả lương nhân viên cho dù chuyên về buôn bán máy móc kỷ thuật mà chẳng liên quan gì đến địa ốc. Nguyên do bởi các ngân hàng pha trộn các khoảng cho vay xấu lẫn tốt thành từng khối trái phiếu (theo kiểu làm chả lụa trộn thịt chuột trong thịt heo) rồi bán chuyền tay cho nhau nhằm san sẻ rủi ro, nhưng hậu quả là chẳng ai biết mình giữ bao nhiêu nợ xấu. Các ngân hàng không còn tin lẫn nhau và không tin ngay cả chính mình nên đồng loạt ngừng cho vay ngắn hạn để tăng vốn, khiến toàn bộ hệ thống doanh nghiệp bên ngoài vốn thường xuyên cần tiền thanh toán hoá đơn và trả lương bổng đành ngưng hoạt động. Trước tình thế ngoặc nghèo như vậy nên Bộ Tài Chánh phải khẩn cấp nài xin Quốc Hội 700 tỷ USD tái cấp vốn cho các ngân hàng để cung cấp tín dụng cho thị trường sinh hoạt trở lại.

Phim Too Big To Fail dừng lại tại đó; nền kinh tế Mỹ dù đã thoát khỏi khủng hoảng nhưng vẫn phục hồi yếu ớt cho đến ngày hôm nay. Có lẻ bài học lớn nhất là các liên hệ vô cùng phức tạp của một nền kinh tế tiên tiến trong khung cảnh toàn cầu hoá khiến những nhà hoạch định chính sách hàng đầu cũng không thể nào tiên liệu hết đến các hệ lụy không lường của mỗi quyết định.   



No comments:

Post a Comment