Friday, August 17, 2018

Vay vốn Trung Quốc khi vỡ nợ có nhờ IMF giúp được không?




Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo cảnh cáo rằng IMF sẽ không giúp trả nợ vay từ Trung Quốc [1]. Đây là vấn đề phải đặt ra khi viễn tượng của nhiều nước lệ thuộc vào nguồn tiền từ Trung Quốc nhưng đã hay sắp vỡ nợ rất gần:

1.       Lạm phát tại Venezuala có thể đến 1.000.000% trong năm 2018 [1a]. Nước này thiếu Trung Quốc 19 tỷ USD nợ hết hạn vào 04/2018 [2] chưa rỏ dàn xếp ra sao, nhưng khi nhà độc tài Madurao còn hô hào chống Tây Phương thì triễn vọng nhờ IMF giúp là con số không.

2.       Tổng số nợ của Pakistan lên đến 91 tỷ USD trong đó 60 tỷ vay vốn Trung Quốc vào đầu tư hậu cần, nhưng cũng lại sắp vỡ nợ [3].  Nước này nhờ IMF cứu 12 lần từ thập nên 1980, lần cuối là 6.6 tỷ USD năm 2016. Ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan đang xuống dốc vì Mỹ cáo buộc Pakistan nhận tiền mà không hết lòng trong chống khủng bố. Tân Tổng Thống Imram Khan lại ca tụng mô hình Trung Quốc nên triễn vọng được IMF giúp để trả nợ (2/3 trong đó nợ từ Bắc Kinh) rất thấp.

ĐIỂM ĐÁNG GHI NHẬN trong số các nước Á Châu nhiều nợ nhất thì Việt Nam đứng hàng thứ tư ngay sau Pakistan [3]

3.       Shri Lanka là nước Á Châu nhiều nợ nhất [3] nên đành nhượng tô cảng chiến lược Hambatota cho Trung Quốc kiểm soát trong vòng 99 năm.

4.       Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan sanh sự với cả Đức lẫn Mỹ nhưng lại nâng tầm quan hệ ngoại giao với Trung Quốc lên hàng Đối Tác Chiến Lược [4] cho nên khó lòng nhờ được IMF giúp khi kinh tế đang khủng hoảng trầm trọng [5]. Erdogan chỉ có cách trong chờ vào Trung Quốc nếu không chịu nhượng bộ Tây Phương.

5.       Iran bị Hoa Kỳ phong tỏa về kinh tế. Nguồn thu nhập chính của Iran là bán dầu sang Hoa Lục, cho nên dù Tehran đe dọa phong tỏa đường chuyên chở dầu qua ngã Địa Trung Hải nhưng sẽ không dám làm vì như vậy là tự cắt mạch máu của chính mình. Iran chỉ trông cậy vào buôn bán và đầu tư (nhỏ giọt) từ Trung Quốc để cầm cự.


6.       Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte “chê” 61 triệu Euro viện trợ của Âu Châu vì những yêu cầu cải thiện nhân quyền [6]. Tổng Thống Hun Sen của Kampuchea thách Hoa Kỳ cắt bỏ mọi viện trợ vì những đòi hỏi cải thiện nền dân chủ [7] Hai ông Tổng Thống này ve vãn nhận tiền đầu tư và viện trợ của Trung Quốc, nền kinh tế tuy đang phát triển nhưng sau này gặp khủng hoảng đừng hòng nhờ cậy vào Tây Phương.

Tuy Trung Quốc là thành viên của cả IMF và World Bank nhưng hai cơ quan quốc tế này do lá phiếu của Hoa Kỳ và Âu Châu quyết định. Bà Tổng Giám Đốc IMF Christine Lagarde đã chính thức cảnh báo về tính thiếu minh bạch và độc hại khi vay vốn từ Trung Quốc [8].

IMF hoặc cho nước khủng hoảng mượn tiền hay đứng ra làm trung gian điều đình với các chủ cho vay cắt hay gia hạn nợ. Khó lòng các ngân hàng Trung Quốc chấp nhận cho IMF làm trung gian.

Hơn thế, IMF nếu giúp các nước trả nợ cho Trung Quốc chẳng khác gì IMF tài trợ cho dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Bắc Kinh! Nhưng không được Tây Phương giúp đỡ các nước thiếu nợ chỉ còn cách nhượng địa hay bán tài nguyên với giá rẻ mạt cho Bắc Kinh.

Ngược lạiTrung Quốc có thể bắt nạt các nước nhỏ như Shri Lanka, còn nước lớn và có vũ khí nguyên tử như Pakistan thì không thể! Hơn nửa, túi tiền của Bắc Kinh có giới hạn nhất là khi họ đang phải gánh một núi nợ khổng lồ trong nước và chuẩn bị cho Chiến Tranh Thương Mại Mỹ-Trung. Thế giới lo các nước bị Trung Quốc siết nợ, ngược lại Bắc Kinh đang sợ mất trắng số nợ cho vay khi con nợ không nằm trong khu vực tiếp cận với Trung Quốc.

Lần này khi kinh tế Trung Quốc suy sụp các bạn hàng lớn của Trung Quốc như Brazil, Pakistan, Venezuala, Việt Nam, v.v… sẽ bị vạ lây. Nếu không mượn được tiền Tây Phương trả nợ cho Trung Quốc thì tương lai sẽ ra sao?

Năm 2008 khi kinh tế thế giới khủng hoảng Bắc Kinh đã tung ra gói kích cầu khổng lồ. Trung Quốc nhờ đó đã làm đầu tàu kéo theo nhiều nước đang mở mang trong giai đoạn nguy kịch, nhưng bù lại gói kích cầu này dẫn đến một núi nợ xấu mà Bắc Kinh chưa giải quyết được. Cho nên nếu kinh tế thế giới lại rơi vào khủng hoảng Trung Quốc không thể nào tung ra một gói kích cầu như trước đây. Ngay cả Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ và Âu Châu cũng đã xài hết đạn (out of ammunition) vào năm 2008-2012 nên khó lòng cứu viện ồ ạt như trước đây.

Tổng số nợ Trung Quốc của Việt Nam là bao nhiêu? Nếu kinh tế suy thoái – việc này sẽ có ngày xảy ra - ai sẽ giúp Việt Nam trả nợ cho Bắc Kinh? Dù Việt Nam khôn khéo giữ hòa thuận với Âu-Mỹ nhưng Tây Phương sẽ giúp trả nợ của họ cho vay chớ không dại gì giúp trả nợ cho Trung Quốc (mà không đưa ra điều kiện ngặt nghèo khi Việt Nam chiếm vị trí chiến lược quan trọng ở Biển Đông).

--------

[1] U.S.' Pompeo warns against IMF bailout for Pakistan that aids China - Reuters 07/30/2018
[1a] Venezuela Inflation Could Reach One Million Percent by Year’s End – NY Times 07/23/2108
[2] Venezuela faces heavy bill as grace period lapses on China loans - sources. Business News 04/2018

[3] IMF Bailout Looms For Pakistan as Debt Surge Raises Alarm – Bloomberg 05/30/2018

[4] Turkey-China Relations: From “Strategic Cooperation” to “Strategic Partnership”? USAK Center for Asia-Pacific Studies - Ankara | Mar 20, 2018

[5] Plunge in Lira, Turkey’s Currency, Fuels Fears of Financial Contagion. NY Times 08/13/2018

[6] PH rejects €6.1 million in EU aid. CNN 01/24/2018

[7] Defiant Hun Sen tells U.S. to cut all aid to Cambodia | Reuters. 11/18/2017


[8] IMF's Lagarde warns China on Belt and Road debt | Financial Times. 04/11/2018



1 comment: