Friday, June 28, 2019

K-Pop: một hiện tượng văn hóa toàn cầu


Nếu có một cuộc “xâm lược” văn hóa vào đầu thế kỷ thứ 21 phải kể đến K-Drama (phim bộ Hàn Quốc) hiện chinh phục Đông-Á, Trung-Đông và Nam-Mỹ, rồi tiếp theo đó là K-Pop nay lan tràn sang đến Âu-Châu và Hoa Kỳ.

Nhưng nội dung phim bộ Hàn Quốc còn chứa đựng mô thức cổ điển đầy nước mắt và hỉ nộ ái ố dục lạc của điện ảnh Hồng Kông và Đài Loan. Còn K-Pop mới thật sự là một cuộc cách mạng làm thay đổi cách nhìn của thế giới rằng đất nước Hàn Quốc ngày nay rất “cool”. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một quốc gia không phải Âu-Mỹ được giới trẻ tán thưởng là “cool”.

Chử “cool” khó dịch vì bao hàm nhiều dáng vẻ như xịnh, trẻ trung, chịu chơi, tức là khác xa với hình ảnh về người dân Hàn Quốc trước đây: đàn ông Hàn thô bạo thiếu lịch sự với phụ nữ, phụ nữ Hàn thì…không đẹp bằng đàn bà Việt Nam (hình như phụ nữ nước nào cũng thường tự xem mình đẹp nhất!)

Làn sóng K-Pop đã thay đổi thương hiệu của nước Hàn để trở thành “cool” - người Mỹ gọi là rebranding. K-Pop nâng cao giá trị của các sản phẩm từ Hàn Quốc như điện thoại Samsung hay xe hơi Huyndai để trở nên hấp dẫn đối với giới trẻ toàn cầu. Tương tự như K-Drama hay phim bộ Hàn Quốc vốn quảng cáo cho ngành mỹ phẩm và kỷ nghệ sửa sắc đẹp, sử dụng sản phẩm Hàn Quốc nay là “cool”. Cũng giống như mặc quần Jean, uống cà-phê Starbuck hay du học Mỹ là “cool”; uống rượu vang và du lịch Pháp là “cool”; lái xe BMW hay Mercedes của Đức là “cool”.

Đây chính là bài học về quyền lực mềm của Hoa Kỳ mà thế giới đang theo học. Thành quả không chỉ giới hạn về chính trị hay ngoại giao mà còn vô cùng lợi ích cho thương mại. Quyền lực mềm chính là thương hiệu của một quốc gia.

Khác với Mỹ nơi mà phim ảnh và âm nhạc xuất phát từ lãnh vực tư nhân rồi xuất cảng ra khắp thế giới, sự thành công của K-Pop và phim bộ Hàn Quốc là kết quả của việc phối hợp giữa nhà nước và các doanh nghiệp. Hàn Quốc có Bộ Văn Hóa với ngân sách trên 1 tỷ USD cộng thêm tiền đóng góp nhiều lần lớn hơn từ các đại tập đoàn Chaebol nhằm đặt ra kế hoạch 5 năm gồm: tuyển lựa và huấn luyện tài năng; nghiên cứu thị trường nước ngoài ở Nhật, Đông Nam Á, Trung Đông; phối hợp quảng cáo qua các toà Đại Sứ và văn phòng Thương Mại Hàn Quốc ở nước ngoài; chuẩn bị loại phim bộ cực ngắn (10-15 phút mỗi tập) cho thích hợp với các điện thoại cầm tay của Samsung và LG; nghiên cứu các dự án tương lai gồm K-Movie, K-Video Game, sân khấu 3 chiều (3-D stage) để các danh tài Hàn Quốc có thể cùng một lúc trình diễn khắp thế giới trong tương lai.

Điều này không khác với các kế hoạch quốc gia phối hợp công-tư nhằm tuyển chọn, huấn luyện và sau đó khai dụng những nhân tài thể thao như trường hợp cô Yuna Kim huy chương vàng Thế Vận Hội vốn đã tạo thương hiệu cho các dụng cụ trượt tuyết tại Nam Hàm từ năm 2010. Hàn Quốc hiện có kế hoạch quốc gia để khai thác sức mạnh tổng hợp (synergy) giữa các ngành công nghệ điện tử (Samsung, Huyndai, LG), mỹ phẩm và sửa sắc đẹp, giải trí (K-Drama, K-Pop, K-Movie, K-Video Game), thực phẩm (bánh ngọt, gà chiên), thể thao và dụng cụ thể thao.

Xét cho cùng thì K-Pop và phim bộ không phải là những sản phẩm văn hóa vì không nhằm giới thiệu văn chương, triết học hay tôn giáo của một dân tộc. Trái lại mục tiêu chỉ để quảng bá thương hiệu Hàn Quốc. Quyền lực mềm của Hoa Kỳ rộng lớn hơn vì không chỉ giới hạn vào Hollywood, McDonald, Google mà bao gồm cả những tư tưởng về dân chủ, tự do, nhân quyền, hợp tác quốc tế v.v…

Trung Quốc hiện đang quảng bá nền văn hóa Hán với các Viện Khổng Tử được xây dựng nhiều nơi trên thế giới (theo mô hình của Viện Goethe của Đức) nhưng không thành công. Các dân tộc Á Đông thường học lẫn nhau, người Hoa lại rất thực tế nên họ cũng đang nghiên cứu và đầu tư để thay đổi mô hình quảng cáo cho thương hiệu thay vì văn hóa Trung Quốc. Biết đâu một ngày nào đó ở Việt Nam nói đệm tiếng Tàu, nhảy múa điệu Tàu, lấy chồng Tàu mới lại là “cool”.


No comments:

Post a Comment