Thursday, July 4, 2019

Khoảng cách giàu nghèo trong nước Mỹ


Tư tưởng xã hội tưởng chừng đã phá sản cùng với sự xụp đổ của khối Xô-Viết nhưng bất ngờ bùng phát mạnh mẽ tại Hoa Kỳ và nhiều nước Âu Châu. Hai nhân vật cánh tả nổi tiếng nhất hiện nay là ông Bernie Sander, người tự nhận thuộc thành phần dân chủ xã hội (social democrat) và bà Elizabeth Warren vốn đưa ra nhiều chương trình cải tổ khuyết điểm của nền kinh tế tư bản. Bên cánh hữu Tổng Thống Donald Trump cũng khích động cao trào dân túy với câu nói “the system is rigged” tức là hệ thống xã hội đang bị giàn dựng chỉ có lợi cho thiểu số tinh hoa ưu tú (the elites) mà thiệt hại cho đa số dân Mỹ.

Cả ba nhân vật nói trên đều phản ảnh một thực tế rằng nền tư bản Hoa Kỳ trong giai đoạn toàn cầu hóa đã tạo ra một xã hội thiếu cân bằng trong đó khoảng cách giàu nghèo chênh lệch quá mức. Tiền của đem lại quyền lực cho nên nền dân chủ bị bóp méo để bảo vệ quyền lợi của tầng lớp tinh hoa ưu tú (elites) thay vì nâng đỡ cho đa số dân chúng trong nước. Vì nhiều người có dị ứng khi nhắc đến chênh lệch giàu nghèo vì e sợ cộng sản hay đấu tranh giai cấp theo kiểu Mác-Xít nên thiết tưởng chúng ta cần nhận diện thế nào là giàu hay nghèo trong nước Mỹ. Có năm góc cạnh trong vấn đề này:

  1. Điểm thứ nhất cho thấy trong vòng 30 năm nay lợi ích kinh tế đổ dồn vào thiểu số 1% những người giàu nhất ở Hoa Kỳ (có từ 10 triệu USD trở lên [1]). Tài sản của họ tăng lên 21 ngàn tỷ USD trong khi người nghèo chiếm 50% đa số lại thua thiệt mất 900 tỷ USD [2][3].

  1. Góc cạnh thứ nhì cho thấy thành quả kinh tế tập trung nơi các đô thị lớn nằm dọc theo ven biển miền Tây, miền Nam và phía Đông Bắc mà bỏ rơi những tiểu bang còn lại. Kết quả là 20% dân chúng sống quanh những trung tâm kinh tế như Seattle, San Francisco, Los Angles, New York, Washington DC, Houston trở nên sung túc và ngày càng bỏ xa 80% dân chúng sống rãi rác trên những vùng đất mênh mông của Hoa Kỳ [4]

  1. Giàu nghèo một phần do lương bổng cao thấp khác nhau, nhưng chủ yếu nhờ vào đầu tư đất đai, địa ốc và chứng khoáng [3][5]. Điều này dễ nhận ra khi chúng ta quan sát dân cư sống ở các thành phố lớn lương tuy cao nhưng đời sống đắt đỏ, nhưng họ trở nên giàu có nhờ đầu tư vào nhà đất hay cổ phiếu. Chỉ 20% người Mỹ thường là ở các thành phố lớn mới mua chứng khoáng ở con số đáng kể so với tài sản. Trong khi đó giá nhà đất ở CaliNew York tăng vọt so với tất cả những tiểu bang khác. Kết quả là dân chúng sống tập trung ở hai dải đất hẹp nằm dọc theo bờ biển Tây và Đông Bắc nước Mỹ qua mặt rất xa số còn lại sống rãi rác ở những vùng đất mênh mông còn lại.

  1. Trái với tài năng và sức lao động vốn tùy thuộc vào mỗi người trong khi đất đai, địa ốc và chứng khoáng có thể được thừa hưởng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì tích lũy tư bản (nhà đất và cổ phiếu) làm giàu nhanh nhất nên nẩy sinh thành tình trạng phân chia đẳng cấp theo kiểu “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa.” Người Mỹ gọi đây là generational wealth rất nguy hại cho nền dân chủ.

  1. Các trường đại học danh tiếng (Harvard, Standford, Berkeley v.v…) và trụ sở chính của những đại công ty (Google, Bank of America, Exxon v.v…) chỉ hiện diện ở miền Tây, Nam và Đông Bắc Hoa Kỳ. Hậu quả là những gia đình ở Cali, Washington DC, New York, v.v… có nhiều cơ hội cho con cái đi học trường giỏi để sau này trở thành người lãnh đạo trong guồng máy chính trị và kinh tế, trong khi tuổi trẻ ở các tiểu bang còn lại không có con đường thăng tiến. Ít có gia đình nào đủ phương tiện tài chánh để dọn nhà sang ở các khu vực nói trên vì giá sinh hoạt quá cao (trừ khi đã có sẵn trình độ chuyên môn cao). Việc này cản trở tính cơ động trong xã hội (social mobility) vốn là điều mà nước Mỹ thường tự hào rằng một người bình thường cũng có thể trở nên giàu có nếu đủ tài năng và chịu khó làm việc.


Những điểm nói trên giải thích tại sao GDP của Hoa Kỳ tăng trưởng mà người Mỹ bất mãn. Lý do vì thành quả kinh tế tập trung vào 1% thành phần giàu nhất hay nơi 20% dân chúng sống ở ven biển miền Tây, vùng Đông Bắc và miền Nam nước Mỹ - tùy theo hai cách nhìn khác nhau. Trong khi đó 50% các gia đình nghèo và trung bình vừa lo sợ mất việc do tự động hóa và toàn cầu hóa, lương giảm vì khó tìm việc làm tốt trong khi nhà cửa tụt giá ở những vùng không phát triễn. Khoảng cách này ngày thêm sâu rộng khiến đa số người Mỹ bi quan cho rằng đời sống con cái họ sẽ không được cải thiện mà chỉ trở nên khó khăn hơn. Trận suy thoái kinh tế năm 2008 là ngòi lửa làm nổ bùng tâm lý phẩn nộ, nay được cả cánh hữu của Donald Trump khích động thành trào lưu dân túy và cánh tả của Bernie Sanders thu hút giới trẻ đòi hỏi những biến đổi sâu rộng theo chiều hướng xã hội.


Người Mỹ gốc Việt sống tập trung ở CaliWashington DC khi mới qua được nhiều ưu đãi, chịu khó cần cù làm việc lại khuyến khích con cái học ở trường tốt nên lương cao, thường hay đầu tư vào nhà đất vào chứng khoáng. Kết quả là không ít gia đình người Mỹ gốc Việt nay thuộc tầng lớp tinh hoa ưu tú nằm trong lớp 10-15% giàu nhất Hoa Kỳ. Nay cuộc tranh luận về giàu nghèo trong nước Mỹ, những thách thức cho nền dân chủ và cuộc bầu cử năm 2020 không còn là các vấn đề xa xôi trừu tượng mà sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và an sinh của người Mỹ gốc Việt, cũng như đặt vấn đề cho người Mỹ gốc Việt cần góp trả (payback) cho đất nước này như thế nào sau khi đã thành công.


***

 

[1] United States Net Worth Brackets, Percentiles, and Top One Percent – DQYDJ


[2] Compare Wealth Components across Groups – Federal Reserve

[3] A message from the Billionaire’s Club – New York Times 06/24/2019.

[4] Dems, Please Don’t Drive Me Away – New York Times 06/28/2019

[5] Capital in the 21st Century – Thomas Piketty

No comments:

Post a Comment