Friday, July 26, 2019

Khoảng cách giàu nghèo trong nước Mỹ - Phần 3


Phần 1 và 2 của loạt bài này phát họa các nguyên nhân xã hội khiến khoảng cách giàu nghèo tăng vọt nhanh chóng tại Mỹ. Phần 3 sẽ phân tích tại sao hố sâu giàu nghèo lại khiến kinh tế mất thăng bằng sinh ra khủng hoảng.

Người viết xin bắt đầu với một thí dụ cho dễ hiểu: giả sử 1 tỷ USD tập trung vào một tỷ phú thì họ có thể mua 20 chiếc Lamborghini vô cùng đắt giá. Nhưng nếu chia đều ra cho 10 ngàn gia đình thì hy vọng bán được 10 ngàn chiếc Toyota cho mỗi hộ, tức là tạo ra công ăn việc làm và thêm hãng xưởng trong xã hội.

Nói cách khác, tiền của nếu tập trung vào thiểu số giàu dù xài sang đi chăng nửa nhưng mức tiêu thụ tổng hợp trong một quốc gia (total consumption) vẫn không thể bằng khi chia đều ra cho nhiều người. Cho nên tiền của tập trung chỉ có cách xử dùng vào hai chổ còn lại: đầu tư hay tiết kiệm (để so sánh thì nhà nghèo có đồng nào xài đồng nấy thì lấy đâu mà đầu tư hay tiết kiệm.)

Như đã viết phần trên, tiền của tập trung khiến nhu cầu tiêu thụ của toàn xã hội giảm nên cơ hội đầu tư trực tiếp vào hảng xưởng cũng theo đó trở nên khan hiếm, cho nên khoảng còn lại phải dành để tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm không sanh lời nên mức thặng dư này lại được dùng vào các phương tiện đầu tư gián tiếp như chứng khoán, và đầu tư phi sản xuất như địa ốc tạo thành bong bóng. Bong bóng phình to khi giá trị của đồ vật được bơm lên một cách giả tạo trong khi lương bổng và nhu cầu tiêu thụ không tăng theo kịp để làm nền tảng.

Riêng ở Mỹ tiền của thặng dư được dùng một phần để đầu tư trong nước vào các công ty điện toán (Amazon, Apple, Facebook, Google) ở Hoa Kỳ, phần còn lại mang ra ngoại quốc đầu tư vào hảng xưởng ở Trung Quốc, Mexico  v.v… Lý do vì công nghệ điện toán lời nhiều nhưng chỉ dùng ít nhân công với trình độ giáo dục thật cao nên thích hợp với các nước tiên tiến; trong khi hàng hóa sản xuất hàng loạt cho tiêu thụ như quần áo, xe hơi v.v… thì đem ra ngoại quốc để xử dụng nguồn nhân công rẻ đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng vọt tại các nước đang mở mang. Cho nên các tập đoàn tư bản đa quốc gia lời nhiều, GDP tăng trưởng cho dù nhu cầu thuê mướn người lao động giảm và mức lương của giới thợ thuyền bị trì trệ.

Nhưng thặng dư vẫn còn sau khi đã đầu tư trực tiếp vào các công ty điện toán tại Hoa Kỳ và cơ xưởng sản xuất ở ngoại quốc, nên khoảng còn lại được bơm vào địa ốc và chứng khoáng. Ở Mỹ có thêm một ngoại lệ khi tiền tiết kiệm của nước ngoài (Trung Quốc, Nhật, Saudi Arabia, Việt Nam v.v…) lại gởi sang Hoa Kỳ vì xem đây là chốn tích trữ an toàn khi chọn mặt gởi vàng (!) Kết quả là số tiền tiết kiệm khổng lồ từ cả trong và ngoài nước tồn động lại không đủ chổ thoát nên bơm thành bong bóng tín dụng cho địa ốc năm 2004-2008, rồi lại đẩy giá nhà và chứng khoáng tăng nhanh từ năm 2012 đến nay.

Xin nhấn mạnh một điểm rằng trong loạt bài này khái niệm “tiết kiệm” (savings), hay nói đúng hơn là tập trung tư bản (capital accumulation), được mở rộng dần dần: bắt đầu từ ý nghĩa hẹp với khoảng cách giàu nghèo giữa 1% và 99% còn lại; mở rộng ra tiết kiệm bao gồm các quỹ đầu tư (brokerage accounts, mutual funds, etfs, money markets), hưu trí (pension, 401K, IRA) và bảo hiểm; sau cùng là tiết kiệm ở cấp độ quốc gia (sovereign funds, US debt to foreign countries, v.v…) Vì mở rộng như vậy nên rất khó phân biệt giữa chủ đề khoảng cách giàu nghèo và đầu tư của giới trung lưu hay nước ngoài, nhưng tựu trung vẫn là điều mà nhiều chuyên gia kinh tế gọi là savings glut - tức là tiết kiệm dư thừa quá đáng trên toàn cầu dẫn đến tình trạng phân phối tư bản mất hiệu quả (capital misappropriation). Đây là một vấn đề phức tạp mà người viết sẽ tìm cách trình bày cho dễ hiểu trong một bài sau.

Vì gọi là “savings glut” nên có hiểu lầm cho rằng tiết kiệm là xấu trong khi tiêu thụ mới tốt. Để tránh sự lệch lạc này có lẻ nên dùng cụm từ “excessive accumulation of capital” tức là tình trạng tập trung tư bản quá đáng vào sẽ dẫn đến mất quân bình trong cả xã hội và kinh tế. Thiểu số đó ở Mỹ là giới 0.1% và 15%, còn tại Trung Quốc là 300 triệu người sống ở vùng duyên hải và nhà nước cộng sản (nhà nước dư tiền trong khi 700 triệu người dân còn nghèo khổ.)

Một sai lầm khác khi kết luận rằng tài sản cần được chia đều thì tiêu thụ mới tăng, theo đó sản xuất tăng để phát triển kinh tế. Nhưng nếu tài sản chia đều như trong chế độ cộng sản thì không còn động lực làm việc để làm giàu. Vốn cần phải được tập trung thì giới tư bản mới có phương tiện đầu tư vào hảng xưởng, qua đó tạo thêm công ăn việc làm và thuê mướn thêm công nhân. Thêm công ăn việc làm thì nhu cầu tiêu thụ tăng giúp cho xã hội tư bản khuyếch trương. Điểm khó là không tập trung tư bản một cách quá đáng để không tạo ra mất quân bình trong xã hội.

Bài kế trong loạt này sẽ mở rộng phân tích khoảng cách giàu nghèo trên thế giới thay vì chỉ giới hạn ở Mỹ; và mở rộng khái niệm “nhà giàu” không chỉ gồm tư bản tư nhân (capitalists) mà cả tư bản nhà nước (state capitalist), khi mà những nhà cầm quyền như tại Trung Quốc tích trữ quá nhiều tiền của trong khi một số đông dân chúng vẫn còn nghèo đói.


No comments:

Post a Comment