Ai cũng biết đến sự
kiện nổi bật của Bức Màn Sắt sụp đổ vào cuối thế kỷ 20, nhưng quan trọng không
kém khi một Bức Màn Tre được vén lên trong cùng khoảng thời gian này. Bức Màn
Tre, tức là trào lưu hội nhập quốc tế của Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Âu, Mễ Tây Cơ
và vùng Đông Nam Á đã làm thay đổi bộ mặt thế giới trong thế kỷ thứ 21. Nhiều người
từng linh cảm như một trận đại hồng thủy (titanic shift) 500 năm mới có một lần
khi trọng tầm kinh tế chuyển dịch từ Đông sang Tây nhưng chỉ gần đây mới bắt
đầu hiểu được hệ lụy của nó: khi hơn 3 tỷ nhân lực từ các nước đang mở mang
tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu góp phần mang đến sự thịnh vượng chưa từng
thấy trong lịch sử nhân loại, nhưng đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều
chấn động chính trị do khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu sắc tại cả các quốc
gia công nghiệp lẫn những nước đang phát triễn. Bài viết này phân tích về tác
động của Bức Màn Tre đến khối Tây Phương, trong khi ảnh hưởng đến những nước
đang mở mang xin dành vào khi khác.
Trọng lượng kinh tế
của toàn khối các quốc gia chậm tiến trong Chiến Tranh Lạnh chỉ là 21% GDP toàn
cầu, nhưng đến năm 2010 đã nhảy vọt lên 49% và sẽ còn tăng đến 60% vào năm 2030
[1]. Bức Màn Tre được vén ra khi cánh cửa kinh tế tại Đông Âu, Trung và Nam Mỹ,
Đông và Nam Á mở rộng để thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các tiến bộ
vượt bực về khoa học kỷ thuật thu hẹp thế giới khiến việc liên lạc và giao thương
giữa các nước trở nên nhanh chóng và thuận tiện. Kết quả là những đại tập đoàn
đa quốc gia Âu-Mỹ-Nhật đã đầu tư ồ ạt sang các nước đang phát triễn để xử dụng
nguồn nhân lực giá rẻ, đồng thời khai phá thị trường tiêu thụ mới, trong khi các
nước đang phát triễn cãi tổ sâu rộng hệ thống kinh tế và tài chánh nhằm hổ trợ
xuất cảng, thu hút công ty nước
ngoài và phát triễn tư doanh.
Cơn lốc nói trên mang
theo 3 tỷ nhân lực từ các nước đang mở mang đến cạnh tranh trực tiếp với gần 1
tỷ công nhân và thợ thuyền ở Tây Phương, cuốn trôi đi hàng trăm triệu công ăn
việc làm và tạo áp lực lương bổng khiến mức sống của giới trung lưu tại Âu-Mỹ không
hề tăng trưởng trong suốt 30 năm kể từ ngày toàn cầu hóa. Không dừng tại đó, Trung
Quốc, Ấn Độ, Đông Âu và Đông Nam Á còn đào tạo đội ngũ chuyên viên có trình độ
đại học và chuyên môn ngày càng cao bắt kịp với tầng lớp trí thức ở những nước
công nghiệp. Mặt khác dân chúng ở các nước chậm tiến ồ ạt tìm cơ hội sinh sống
ở Tây Phương để được hưởng trợ cấp xã hội, y tế và giáo dục nhưng đồng thời với
việc qua lại dễ dàng khiến nhiều người di dân không cố gắng hội nhập vào đất
nước mới (thí dụ như về Việt Nam cưới vợ; đàn bà đạo Hồi che mặt). Hậu quả
khiến thành phần trung lưu Âu-Mỹ cảm thấy nếp sống của họ bị đe dọa, kinh tế
của họ bị thiệt hại. Dù vậy chỉ một số ít trong đó muốn tự cô lập chống toàn
cầu hóa, đa số còn lại hiểu rằng đây là một trào lưu không thể cưỡng lại nhưng
đòi hỏi nhà nước phải có những biện pháp bảo hộ (protectionism) thích đáng cho
công ăn việc làm và trước làn sóng di dân.
Xã hội Tây Phương chia
thành hai phe thắng và thua cuộc trong cuộc chạy đua toàn cầu hóa. Những ai bắt
kịp đà phát triễn thu về hầu hết các lợi lộc kinh tế từ toàn cầu hóa (winners
take most) trong khi số còn lại mang tâm trạng bất mãn bị bỏ rơi. Phe chiến
thắng gồm các đại tập đoàn xuyên quốc gia, thành phần trí thức ưu tú (elites)
có trình độ đại học và chuyên môn cao và những gia đình sống tập trung tại các
trung tâm công nghệ và thương mại như New York, San Francisco, London, Sydney,
Silicon Valley v.v… Bên thua cuộc là tất cả những người còn lại.
Một tầng lớp được
ưu đãi (meritocracy) ra đời cổ võ cho nhịp độ gấp rút của toàn cầu hóa trong
khi số đông dân chúng nhận thấy chẳng những họ không dự phần mà còn bị thiệt
hại trong đó. Giới trung lưu và thợ thuyền đánh mất niềm tin vào truyền thông,
báo chí, các định chế nhà nước, những tập đoàn tư bản và thành phần ưu tú
(elites) thao túng hệ thống chính trị (rigged system) để phục vụ quyền lợi của
riêng họ thay vì cho đa số. Đây chính là
nguyên nhân dẫn đến Brexit và giúp Donald Trump thắng cử cùng với sự trổi dậy
của phong trào dân tộc ở Pháp, Đức, Bắc Âu và Đông Âu.
Khuynh hướng bảo hộ
xuất hiện ở cả cánh tả của ông Bernie Sander và bà Elizabeth Warren lẫn cánh
hữu của Donald Trump để đáp ứng với nhu cầu của dân chúng. Nhưng cánh hữu của
Donald Trump đặt nặng về vấn đề di dân còn cánh tả của ông Sander và bà Warren lại thiên về các
biện pháp xã hội để giám sát các tập đoàn tư bản và san bằng khoảng cách giàu
nghèo. Quả lắc đồng hồ đã chuyển sang chống lại nhịp độ toàn cầu hóa ồ ạt cho
dù Tổng Thống nào sẽ đắc cữ vào năm 2020.
***
No comments:
Post a Comment