Monday, September 2, 2019

Bầu cử 2020: chọn ai?


Nhiều người Mỹ gốc Việt bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa vì cho rằng đảng này chống Cộng; bỏ phiếu cho Trump vì Trump chống Tàu. Thiết nghĩ đây là cách nhìn khiếm diện.

Người Việt đi tỵ nạn để tìm kiếm tự do. Nếu chúng ta thành thật, và tự do gắn liền với dân chủ, thì sự soi mòn của nền dân chủ tại Hoa Kỳ phải là điều mà chúng ta cần quan tâm trên hết.

Nước Mỹ hiện đang phải đối phó với 2 vấn nạn lớn: sự trổi dậy của Trung Quốc thách thức vị trí siêu cường của Hoa Kỳ, trong khi nền dân chủ của Mỹ bị lung lay từ trong nội bộ. Bên cạnh đó còn thêm những vấn đề phức tạp khác gồm khủng bố, môi trường, di dân v.v… Quá nhiều tranh luận cải cọ khiến cử tri phân vân không biết chọn ứng cử viên nào trong mùa bầu cử 2020.  

Nhưng giống như chiếc tàu trong bão táp quay cuồng chính là lúc mà chúng ta cần đến kim chỉ nam hướng về một phương duy nhất, tức là nhu cầu cũng cố nền dân chủ.

Nền dân chủ tại Hoa Kỳ đang bị lung lay không những vì những lời công kích trực tiếp vào các định chế dân chủ, nhưng chủ yếu vì sự sói mòn của giai cấp trung lưu trong khi đây chính là nền tảng của xã hội dân chủ.

Giới trung lưu tại Mỹ gánh một cổ hai tròng: tròng trên là Corporate Welfare tức là những ưu đãi dành cho nhà giàu và các tập đoàn tư bản; phía dưới là Social Welfare hay là phúc lợi xã hội cho người nghèo. Nói đơn giản thì nhà giàu và các đại công ty không đóng thuế vì biết lợi dụng vào kẻ hở luật pháp (loopholes) trong khi người nghèo không có tiền đóng thuế mà lại được cung phụng chổ ở, tiền chi tiêu hàng tháng và bảo hiểm sức khỏe. Cho nên chỉ còn lại thành phần trung lưu phải gồng mình đóng thuế gánh chịu hai đầu. Đảng Cộng Hòa bảo vệ nhà giàu, Dân Chủ bênh vực dân nghèo, nhưng cả hai đều không đại diện cho giới trung lưu. Giới trung lưu nơi đây gồm cả tiểu thương và những người đi làm cho hãng xưởng.

Lạm phát tuy không tăng nhưng ba thứ mà giới trung lưu quan tâm nhất là tiền nhà, bảo hiểm sức khỏe và giáo dục con cái ở mẫu giáo và đại học lại nhảy vọt. Trong khi đó mậu dịch toàn cầu mang lại 3 tỷ nhân lực ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mễ Tây Cơ, Đông Âu và Đông Nam Á đến cạnh tranh về công ăn việc làm và lương bổng khiến tầng lớp trung lưu tại Hoa Kỳ (và Âu Châu) ngày càng thưa mỏng dần. Thợ thuyền bị mất việc nên không hy vọng tiến lên mức sống trung lưu như ông cha họ trước đây, trong khi chính những người trong giới trung lưu cũng cảm thấy phập phòng lo sợ cho tương lai khi công ăn việc ngày càng bấp bênh.

Mậu dịch toàn cầu có lợi cho các tập đoàn tư bản và tầng lớp ưu tú (elites) mà lại bỏ rơi một số đông dân chúng Hoa Kỳ. Dân Mỹ không chống mậu dịch toàn cầu nhưng đòi hỏi chính phủ phải có biện pháp bảo hộ tạo công ăn việc làm trong nước, đồng thời ngăn cản các cạnh tranh bất chính từ bên ngoài. Cả cánh hữu của Donald Trump và cánh tả gồm ông Bernie Sander và bà Elizabeth Warren đều đồng ý về vấn đề này, duy chỉ có cựu Phó Tổng Thống Joe Biden thuộc cánh trung tả lại ngây ngô tuyên bố ngay trong ngày đầu tranh cử rằng Trung Quốc không phải là kình địch của Hoa Kỳ (1).

GDP tăng trưởng trong khi công ăn việc làm mất và lương bổng không tăng chính nhờ vào chính sách tín dụng dễ dãi. Nói cách khác, Hoa Kỳ in tiền và mượn tiền để khuyến khích dân chúng tiêu xài nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Tiền lời thấp khiến giá nhà đất tăng vọt dọc theo hai bờ biển miền Tây và Đông Bắc tạo ra khoảng cách giàu nghèo với đa số còn lại, trong khi tiêu thụ nhảy vọt chiếm đến 74% GDP ru ngủ dân chúng cho dù tương lai bất ổn. Cả nhà nước và dân chúng Mỹ đều ôm khối nợ khổng lồ, một phần không ít tiền nợ đến từ Trung Quốc, Trung Đông và Đông Á. Vay mượn dễ dàng khiến cả nhà nước và dân chúng đâm ra tiêu xài bừa bãi. Trong vấn đề này Trump chủ trương tiếp tục lãi xuất thấp và nới rộng giám sát (regulations) ngân hàng để thúc đẩy kinh tế; Bernie Sanders chủ trương in tiền ồ ạt (Modern Money Theory) đầu tư vào hạ tầng (infrastructure) và công nghệ xanh (Green New Deal) nhằm tạo công ăn việc làm và nâng cao tính cạnh tranh của Hoa Kỳ; bà Elizabeth Warren muốn kiểm soát tín dụng để giúp đỡ thành phần trung lưu không bị phá sản và không tiêu thụ quá mức; ông Joseph Biden thì biện pháp nào cũng được miễn là thắng Trump. Đây là vấn đề phức tạp mà người viết cần thêm thời gian để tìm hiểu và chia xẻ, nhưng chỉ riêng bà Elizabeth Warren có vẽ chú trọng nhiều nhất đến thành phần trung lưu.

Ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ nhiều hơn của 5 nước kế hạng gộp chung. Mỹ liên tục tham gia chiến tranh suốt 19 năm nay (từ 2001) với phí tổn lên đến 4500 tỷ USD. Đã đến lúc Hoa Kỳ ngưng làm sen đầm quốc tế. Trật tự quốc tế ở Âu Châu phải do Anh-Đức-Pháp đảm nhiệm; ở Đông và Nam Á do Nhật-Úc-Ấn tuyến đầu và Việt Nam tiên phong vì đây là nước chịu nhiều thiệt thòi nhưng cũng hưỡng nhiều lợi ích nhất. Tài nguyên nhân vật lực của Hoa Kỳ không thể phung phí vào những cuộc phiêu lưu chính trị và quân sự mà phải dành vào cũng cố sức mạnh kinh tế trong nước. Cả ba ứng cử viên Trump, Bernie Sander và Elizabeth Warren đều đồng ý trong vấn đề này, còn ông Joseph Biden thì chính sách nào cũng được miễn là thắng Trump.

Nhiều người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính sách di dân cởi mở vì chúng ta là những di dân. Đây là cách nhìn thiển cận vì chúng ta đều biết rỏ trong cộng đồng đã lạm dụng an sinh xã hội như thế nào. Người viết ủng hộ chủ trương siết chặc di dân, ưu tiên cho thành phần có tay nghề cao mà giảm đoàn tụ gia đình và hôn phối cũng như bắt buộc những người di dân phải không phạm luật và phải tự túc về kinh tế. Ông Bernie Sander trước đây bảo vệ giới thợ thuyền (blue collar), bà Elizabeth Warren bảo vệ tầng lớp trung lưu nhưng giờ này cả hai đều nghiêng về cánh cực tả không xem di dân bất hợp pháp là phạm tội đồng thời Medicare-for-all (bảo hiểm sức khỏe) cho mọi người kể cả di dân bất hợp pháp. Có thể việc chuyển hướng chỉ là chiến thuật giai đoạn trong mùa tranh cử sơ bộ nhưng cũng đã làm hao mòn sự ủng hộ của tầng lớp thợ thuyền và trung lưu đối với đảng Dân Chủ.

Cuối cùng là vấn đề thuế khóa. Trump chủ trương cắt giảm thuế cho mọi người để thúc đẩy kinh tế, nhưng dĩ nhiên là nhà giàu được giảm thuế nhiều nhất. Ông Bernie Sander và bà Elizabeth Warren chủ trương đánh thuế nhà giàu và các tập đoàn tư bản để dùng vào các chương trình như Medicare for All (bảo hiểm sức khoẻ cho mọi người), Basic Housing for All (nhà ở cho mọi người), Basic Income for All (lương tối thiểu cho mọi người) Education for All (giáo dục miễn phí cho mọi sinh viên), Child Care for All (giữ trẻ cho mọi gia đình). Cái gì cũng for All (cho mọi người) tức là xã hội chủ nghĩa: ông Sander đã tự nhận mình thuộc cánh dân chủ xã hội (social democrat), bà Warren trước đây đòi cải tổ chủ nghĩa tư bản nhưng nay lại nghiêng về cánh cực tả cũng là một sự thất vọng.

Như vậy cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2020 sẽ chọn lựa giữa độc tài cánh hữu và xã hội chủ nghĩa cánh tả (trong trường hợp Joe Biden bị…ra rìa.) Ủng hộ Trump ngay bây giờ chỉ vì Trump chống Tàu chẳng khác gì dân Ba Lan bỏ phiếu cho Hitler vì Hitler đánh Stalin.


Người viết vẫn không biết sẽ bỏ phiếu cho ai nhưng 2020 sẽ là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sữ Hoa Kỳ. Ngay lúc này người viết muốn lắng nghe một cuộc tranh luận giữa Donald Trump và bà Elizabeth Warren cho nên có thể trong mùa bầu cử sơ bộ sẽ tham gia bỏ phiếu cho bà Warren cho dù không thuộc đảng Dân Chủ (Texas là tiểu bang open primary.)

Không ít dân Mỹ từng bầu cho Bush vì không thích chủ trương xã hội cánh tả của Clinton; rồi bỏ phiếu cho Obama vì Bush dại dột phiêu lưu vào cuộc chiến Iraq quá tốn kém; lại thất vọng bầu cho Trump khi Obama mềm yếu với Trung Quốc; cho đến giờ này chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai. Cho dù quan điểm của mình ngày mai có thể thay 180 độ nhưng người viết sẽ tiếp tục chia xẻ tiến trình suy nghĩ cá nhân trong mùa bầu cử 2020.



No comments:

Post a Comment