Bài 4 trình bày nhận định của kinh tế gia Thomas Piketty rằng
khoảng cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng ở Tây Phương chính là nằm trong tiến
trình sơ cứng của xã hội tư sản khi mà của cải và tài sản ngày càng thêm tích lũy
vào tay thiểu số. Điều này sẽ tạo ra đẳng cấp xã hội (kẻ thù của dân chủ) và bóp nghẹt cạnh
tranh (kẻ thù của tư bản). Tình trạng nói trên chẳng khác gì cây cổ thụ trong cánh
rừng già mỗi ngày bám sâu thêm cội rễ để giết chết không cho các mầm non mới mọc
lên xung quanh. Cho nên nhà nước phải có chính sách tái phân phối tài sản trong
xã hội, thay vì đợi đến lúc hố sâu giàu nghèo quá xa sẽ dẫn đến bất mãn rồi bạo
động cách mạng.
Bài 5 trình bày quan điểm của kinh tế gia Richard Koo rằng
khoảng cách giàu nghèo ở Âu-Mỹ hiện là kết quả của cuộc chạy đua toàn cầu hóa
khi cơ xưởng sản xuất từ Âu-Mỹ di dời sang Đông Á nhằm khai thác nguồn nhân lực
rẻ. Vào thập niên 1950-1970 chính những hảng xưởng này đã là nhịp cầu giúp cho
giới công nhân Tây Phương dù không có bằng đại học nhưng vẫn tiến lên đời sống
trung lưu với công ăn việc làm ổn định và đồng lương cao, thì nay các nước Âu-Mỹ
đánh mất đi cổ máy đào tạo thành phần trung lưu-công nhân nên phải rơi vào khủng
hoảng chính trị và kinh tế. Thành quả kinh tế từ toàn cầu hóa chỉ tập trung vào
thiểu số tinh hoa với trình độ học vấn cao mà bỏ xa đa số quần chúng còn lại.
Tiến trình này dẫn đến hố sâu giàu nghèo và nổi bất mãn trong xã hội. Cho nên
nhà nước phải có chính sách để khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề mới nhằm
tạo công ăn việc làm tốt cho những người bị mất việc do toàn cầu hóa.
Mỗi vấn đề phức tạp thường có nhiều lý do khác nhau. Người
viết nghĩ rằng hai cách nhìn nói trên có thể được tổng hợp như nguyên nhân chủ
quan (Thomas Piketty) rằng hố sâu giàu nghèo là tiến trình già nua của xã hội tư
sản, và lý do khách quan (Richard Koo) khi hảng xưởng sản xuất di dời ra khỏi Âu-Mỹ
khiến giới trung lưu–công nhân mất việc nên bị thành phần trung lưu-trí thức và
thượng lưu (elites) bỏ rơi trong tiến trình toàn cầu hóa. Nhưng ngược lại hai
phương thức giải quyết lại trái ngược nhau nên không thể dung hòa: cánh tả viện
dẫn Piketty đòi tăng thuế trong lúc Richard Koo đồng ý với cánh hữu cần nên giảm
thuế (Ông Richard Koo không nổi tiếng bằng Thomas Piketty nên ít được nhắc đến
cho dù theo người viết cả hai người đều có đóng góp đáng kể.)
Cánh tả (Bernie Sander, Elizabeth Warren) đòi đánh thuế lũy
tiến (progressive tax) lên tài sản và thu nhập của nhà giàu để nhà nước dùng tiền
đó đầu tư vào giáo dục, y tế và hạ tầng nhằm tạo cơ hội cho đa số dân chúng chạy
theo thành phần ưu tú. Ngược lại cánh hữu như Trump (và ngay cả Macron mà người
viết không biết ở Pháp có xếp vào trung tả hay không) giảm thuế để khuyến khích
tư nhân đầu tư đẩy nền kinh tế chạy nước rút khi bị các nước Đông-Á rượt đuổi,
qua đó tạo công ăn việc làm mới cho thành phần công nhân mất việc. Cánh tả đòi
tăng đầu tư công trong khi cánh hữu khuyến khích đầu tư tư nhân. Nhà nước không
đầu tư đầy đủ thì hạ tầng, y tế, giáo dục và an sinh không có để bắt nhịp cầu
cho những người thua sút vương lên, nhưng đầu tư tư nhân thường là hữu hiệu hơn
do tiền rút từ khúc ruột của chính mình so với nhà nước xài tiền chùa móc túi của
người dân.
Chẳng những hai chính sách tăng hay giảm thuế trái ngược với
nhau mà một vấn đề mấu chốt vẫn chưa được giải quyết, tức là đầu tư dù công hay
tư nhưng như thế nào để tạo ra công ăn việc làm mới tương xứng với đồng lương và
mức sống của giới trung lưu-công nhân vào những năm 1950-1970. Giảm thuế để
khuyến khích tư nhân đầu tư vào công nghiệp hiện đại thì giới ưu tú (elites) sẽ
hưởng phần lợi lớn trong khi thành phần lao động tuy có việc làm nhưng vẫn chật
vật với đồng lương thấp. Tăng thuế để nhà nước đầu tư vào an sinh xã hội và giáo
dục thì nhiều người lao động lớn tuổi khó đi học lại, hoặc các gia đình lao động
không khuyến khích con cái học lên đại học trong khi chế độ an sinh sanh ra tính
lười biếng và ỷ lại.
Còn thêm hai vấn đề khác nửa mà cả hai tác giả không nhắc đến
gồm (1) Trung Quốc sẽ không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất (manufacturing) mà đang
đầu tư ồ ạt nhằm tiến lên trình độ sáng tạo (innovation) và bản vẽ (design),
(2) trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence) và bản in 3-chiều (3D printer) sẽ
thay thế con người trong nhiều lãnh vực từ lao động trí óc đến chân tay. Liệu tự
động hóa có sẽ mang đến hàng triệu triệu công ăn việc với đồng lương cao nhưng chỉ
cần trình độ học vấn trung bình và thấp như cơ khí hóa từng làm trong các nhà máy
và xí nghiệp hay không? Nếu không thì trong tương lai ngay cả thành phần trung
lưu-trí thức ở Tây Phương cũng sẽ sợ mất việc, rồi đến cả dân chúng ở các nước đang
mở mang cũng thiếu công ăn việc làm do tự động hóa. Thành quả kinh tế rốt cuộc
ngày càng tích lũy vào giới ưu tú toàn cầu (global elites) có vốn tư bản
(capital) và trình độ chuyên môn rất cao để đầu tư và xử dụng máy móc thay thế
con người. Thuế tài sản (wealth tax) tuy có thể làm giảm phần nào chênh lệch giàu nghèo nhưng chỉ có cần lao
mang đến giá trị và sự tự tin cho mỗi người (nhàn cư vi bất thiện). Cho nên tạo
đâu ra hàng chục hay trăm triệu công ăn việc làm vốn sẽ bị tự động hóa thay thế
là câu hỏi không ai mường tượng được giải pháp.
Trên đây là những nét sơ lược giải thích hai quan điểm của
Thomas Piketty và Richard Koo cho dù bổ túc lẫn nhau nhưng lại dẫn đến khác biệt
sâu sắc trong chính sách kinh tế của cánh tả và hữu ở Tây Phương, tựu trung nhằm
tăng thuế (để lấp hố sâu giàu nghèo) hay giảm thuế (nhằm khuyến khích đầu tư). Tuy
có thể tổng hợp giữa hai cách nhìn của hai tác giả thì ngược lại không có một biện
pháp dung hòa giữa tăng hay giảm thuế, và cũng chưa có một phương thức hữu hiệu
để tạo ra việc làm với đồng lương và mức sống tương xứng so với công việc trong
các hảng xưởng sản xuất ở Âu-Mỹ vào thập niên 1950-1970.
Nhiều người sẽ hỏi tại sao thuế má quan trọng như vậy? Lý do
ngoại trừ chế độ cộng sản nơi đó nhà cầm quyền chiếm đoạt mọi tài sản, còn trong
mô hình tư bản thuế má là biện pháp để nhà nước thay đổi bộ mặt xã hội. Chính
quyền giảm thuế khi khuyến khích đầu tư, tiêu thụ, hay sinh con tăng dân số,
v.v…; nhà cầm quyền tăng thuế để trừng phạt (sin tax) nhà giàu, hũy hoại môi trường
(environment tax), hạn chế hút thuốc và uống rượu, v.v… Thuế nhiều hay ít thì sự
kiểm soát của chính quyền cũng theo đó tăng hay giảm làm tăng trưởng hay bóp chết
nền kinh tế.
Thuế má, tài chánh, tiền tệ, luật lệ (luật lao động, môi trường,
v.v…) và các quy định (regulations) của nhà nước nhằm chi phối nền kinh tế sẽ là
đề tài trong nhiều dịp khác. Riêng bài 7 tới đây sẽ tìm hiểu về hố sâu giàu nghèo
và cuộc chạy đua xuống đáy vực (race to the bottom) ở các nước đang phát triển
như Việt Nam .
No comments:
Post a Comment