Thursday, January 30, 2020

Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: khoảng cách giàu nghèo và cơ hội ở Mỹ (Bài 8)


Hoa Kỳ là một quốc gia tư bản. Giải quyết hố sâu giàu nghèo không phải bằng cách san bằng quyền sở hữu tài sản theo kiểu cộng sản mà phải tạo ra cơ hội (opportunity) để mọi người có điều kiện thăng tiến như nhau không phân biệt gốc gác gia đình, giới tính, màu da hay tôn giáo. Người ta ghanh tỵ nhau vì giàu nghèo nhưng lại bất mãn và buông thả nếu không thấy con đường tiến thân dù là cho chính mình hay cho con cái.

Steve Jobs (Apple) và Jeff Bezos (Amazon) là hai người con không cha. Elon Musk (Tesla) là người Nam Phi. Nước Mỹ không thiếu trường hợp những người lập ra sự nghiệp vĩ đại từ hai bàn tay trắng. Những người này đều đồng ý rằng Hoa Kỳ phải tiếp tục đón nhận di dân và tạo cơ hội cho mọi tầng lớp xã hội vươn lên thì mới tận dụng được những tài năng tiềm tàng trong đất nước.

Nhưng ngược lại nền tư bản Mỹ cũng tiến vào giai đoạn sơ cứng nên vô hình chung tạo ra đẳng cấp. Khi phân tích giàu nghèo thì đa số chĩa mũi dùi vào giới 0.01% các tỷ phú nhưng sự thật gần gũi hơn nhiều. Giới trung lưu trí thức – trong đó có rất nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt - sống tập trung vào các khu vực có công ăn việc làm và trường học tốt để chuẩn bị cho con cái được nhận vào những đại học danh tiếng. Trong khi đó thì người nghèo da đen lại tụ họp sâu trong các khu đô thị cũ kỹ (inner city), còn giới lao động nghèo da trắng lại rãi rác ở nhiều tiểu bang nằm sâu trong nội địa (rust belt). Cả hai khu inner city và rust belt đều là những địa phương bị ma túy và tội phạm hoành hành. Thanh thiếu niên sinh ra ở đây có hơn 95% cơ hội vướng mắc vào tội phạm, cần sa hay sinh con dưới tuổi vị thành niên (teenage pregnancy). Khoảng cách giàu nghèo đáng sợ ở chổ 85% dân chúng trong các khu vực này không thấy cơ hội để tiến lên 15% thành phần trung lưu trí thức. Tình trạng con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa sẽ tạo thành đẳng cấp nên là kẻ thù của dân chủ và giết chết tính sinh động của tư bản, và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều xáo trộn chính trị hiện giờ.

Ở Hoa Kỳ mọi thanh niên nhà nghèo hay da đen nhưng có chí tiến thân đều được ưu đãi dễ dàng xin học bổng toàn phần của nhà nước và tư nhân để vào các trường đại học danh tiếng. Nhưng thực tế ngược lại, lớn lên trong hai môi trường của inner cities và rust belt nên thanh thiếu niên dễ dàng sa ngã hư hỏng cả cuộc đời từ khi còn trẻ, hoặc nhẹ thì không chịu học để tiến thân. Nghịch lý ở chổ nước Mỹ không thiếu cơ hội thăng tiến (người Việt tỵ nạn là thí dụ điển hình) nhưng dân nghèo bản xứ lại không nắm lấy các cơ hội đó.

Một trong các lý do người nghèo không tranh đấu tìm cơ hội thăng tiến là do trợ cấp xã hội (welfare). Khi đói đầu gối cũng bò nhưng ở Mỹ không có người đói - tệ nhất cũng đến Salvation Army được dọn mâm đồ ăn bổ dưỡng. Trong khi đó trợ cấp xã hội cùng các quyền lợi đi đôi như bảo hiểm sức khỏe (Medicaid), phiếu thức ăn (food stamp), tiền thuê nhà, giữ trẻ v.v… cộng lại còn nhiều hơn đi làm với đồng lương tối thiểu. Không đói, không đi làm nên nhàn cư vi bất thiện dẫn đến nhiều thói hư tật xấu. Trợ cấp xã hội trên lý thuyết là mạng lưới an sinh (safety net) giúp những gia đình bị vấp ngã có thời gian và cơ hội vươn lên, nhưng trong thực tế dẫn đến tính ỷ lại, lười biếng và lạm dụng nên vô hình chung kéo dài (perpetualize) hố sâu giàu nghèo trong xã hội.

Trước đây người dân Mỹ rất lưu động (mobility): Cali có vàng thì mang gia đình con cái sang Cali, Texas có dầu thì dọn nhà về Texas. Nhưng một phần vì trợ cấp xã hội, đầu gối không phải bò nên người nghèo và giới lao động ngày nay tụ tập sống gần nhau trong những khu nhà cũ kỷ mà không di cư hăng hái tìm việc làm như trước (lý do thứ nhì là khi hảng xưởng dọn sang Trung Quốc hay Việt Nam thì không thể nào công nhân Mỹ dọn nhà đi theo!) Trái lại tính lưu động chạy sang Trung Quốc và Đông Nam Á với hàng trăm triệu thanh niên rời bỏ ruộng vườn ra thành phố làm việc trong công xưởng với đồng lương dù bị bóc lột nhưng vẫn khá hơn ở nông thôn để tìm cơ hội tiến thân.

Nhưng đó là nói về hạ tầng khi mạng lưới an sinh xã hội tốt lại dẫn đến tính ỹ lại, lười biếng và lạm dụng. Ngược lại thượng tầng cũng trở nên sơ cứng nên bị cả cánh hữu Donald Trump và cánh tả Bernie Sander & Elizabeth Warren cùng tố cáo “the system is rigged” (xã hội bị dàn dựng.) Trump tấn công vào giới tinh hoa (elites) trong khi Sander & Warren chĩa mũi dùi vào các tỷ phú và những tập đoàn công nghiệp đa quốc gia. Dù là giới tinh hoa hay các đại tập đoàn cũng đều nắm quyền bính trong truyền thông dòng chính, kinh tế, chính trị và các trường đại học. Từ 30 năm nay giới tinh hoa và các đại tập đoàn đã hứa hẹn rằng toàn cầu hóa sẽ tạo cơ hội cho mọi người thăng tiến nhưng rồi sau đó phần lợi lớn lại chỉ rơi vào 15% tầng trên mà bỏ rơi 85% dân chúng còn lại.   

Một vấn nạn khác là nhà nước khi tạo cơ hội cho người này tức sẽ đánh mất cơ hội cho người khác. Giả sử một đại học danh tiếng có 500 chổ trống, ưu tiên cho 100 thiếu niên nghèo tức là 100 thanh niên thuộc các gia đình khá giả bị ép uổng thiệt thòi. Nhà nước cách đánh thuế để chi tiêu vào trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, học bổng cho người nghèo; cánh tả gọi đây là đầu tư (investment) tạo cơ hội cho thế hệ tương lai; ngược lại cánh hữu cho là nhà nước tiêu xài hoang phí tiền chùa (tax and spend) khiến dân nghèo sinh ra tính ỷ lại, lười biếng và lạm dụng của công.

Điều này dẫn đến tranh luận về vai trò của chính quyền: liệu nhà nước có phải thu nhỏ lại để chỉ đảm trách các nhu cầu tối thiểu gồm an ninh trật tự và quốc phòng, hay phải phình to ra để ôm đồm thêm nhiều công việc kể cả đầu tư và tái phân phối tài sản trong xã hội. Đây sẽ là đề tài phân tích trong những dịp tới.


No comments:

Post a Comment