Việc công ty địa ốc Evergrande lớn nhất ở Trung Quốc – và cũng là công ty với con số nợ khổng lồ lên đến 350 tỷ USD – có cơ nguy vỡ nợ khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có sẽ là bước ngoặc báo nguy giống như khi đại ngân hàng Lehman Brothers phá sản khởi đầu cho cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2008 ở Mỹ? Kinh Tế Dễ Hiểu cho là chưa phải lúc, và bài này sẽ phân tích bằng cách nào Bắc Kinh trong suốt 40 năm nay đã lèo lái nhiều thách thức gay go không để lan tràn làm suy sụp nền kinh tế.
Trước hết nói về thị trường địa ốc ở Trung Quốc hiện chiến 25-30% GDP – so với 9% GDP ở Mỹ năm 2006 tức là vào lúc cao điểm trước cuộc khủng hoảng địa ốc 2007-08. Nhà đất chiếm 80% tài sản của dân Tàu (so với 40% ở Mỹ). Người Hoa không có nhiều cơ hội đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu như ở Hoa Kỳ nên để dành tiền mua nhà nhất là khi giá nhà tăng liên tục từ 30 năm nay (trừ những lúc giá cả khựng lại trong ngắn hạn như vào năm 2014.)
Ngành địa ốc ở Trung Quốc nếu suy sụp trong một khoảng thời gian dài sẽ ãnh hưởng đến GDP, và trực tiếp tác động lên dân chúng vốn dựa vào giá nhà như khoảng đầu tư lớn nhất trong đời chuẩn bị cho cưới hỏi, hưu trí hay gia tài để lại con cháu[1]. Cho nên Bắc Kinh vô cùng thận trọng quản lý khủng hoảng địa ốc để không nổ bùng trở thành bất mãn xã hội như trường ở Mỹ năm 2007 vốn dẫn đến Donald Trump và Bernie Sander năm 2016 và 2020.
Khủng hoảng kinh tế nguy hiểm ở chổ từ một đốm lửa nhỏ trong chớp mắt lây lan thành trận cháy rừng, lý do nơi tâm lý hốt hoảng của quần chúng và giới đầu tư mạnh ai nấy ôm đầu máu tháo chạy! Kinh nghiệm Bắc Kinh chận đứng dịch bệnh từ thành phố Vũ-Hán năm 2020, cùng với bài học ngăn chận khủng hoảng tài chánh ở Trung Quốc năm 2016, cho thấy không một nhà cầm quyền nào trên thế giới có đủ uy quyền, hà khắc nhưng hữu hiệu tột cùng như đảng Cộng Sản Trung Hoa nhằm giết chết từ trong trứng nước một cuộc khủng hoảng trước khi lây lan – cho dù là khủng hoảng y tế, kinh tế hay là chính trị[2].
Năm 2016 Bắc Kinh chận đứng thất thoát ngoại tệ bằng cách giới hạn con số USD mang ra nước ngoài. Trung Quốc áp dụng những biện pháp chưa từng thấy như đóng cửa sàn chứng khoáng trong 3 ngày (thay vì vài giờ như ở Mỹ) để ngăn chận giá cả không sụp đổ. Tất cả mọi thông tin xấu đều bị kiểm duyệt, bưng bít và nghiêm trị. Tin dữ không thể lan tràn, tâm lý quần chúng tuy hoang mang đồn đoán xôn xao nhưng không hổn loạn. Bắc Kinh nhờ vậy có thêm vài ngày để chuyển nợ xấu về Trung Ương (dưới dạng các công ty xử lý nợ xấu) nhằm trấn an dân chúng không sợ bị mất tiền và ổn địn thị trường.
Tất nhiên nợ xấu không biến mất, nhưng khi chuyển về Trung Ương thì nhà nước có thể in tiền để trả nợ trong nước (bằng NDT hay Nhân Dân Tệ), hay dùng quỹ dự trử ngoại tệ để trả nợ nước ngoài (bằng USD). Đa số nợ trong nước tập trung vào các tập đoàn địa ốc và công ty quốc doanh ở địa phương (so với khủng hoảng ở Mỹ từ nợ tư nhân) nên việc chuyển nợ xấu tương đối nhanh chóng và dễ dàng. Nợ xấu nhờ đó bị cô lập mà không lây lan.
Bắc Kinh dùng nhiều biện pháp để thanh toán nợ xấu trong nước nhưng đơn giản nhất vẫn là in thêm một ít NDT để trả tiền lời (interest) hàng năm, còn nợ gốc (principal) tự nhiên thu nhỏ dần khi GDP tăng trưởng. In tiền tức lạm phát khiến người dân mất sức mua, nhưng khoảng tiền lời trả hàng năm trả cho nợ xấu được chia ra đồng đều theo đầu người nên không còn là gánh nặng. Riêng nhà cầm quyền và các tập đoàn lợi ích gây ra nợ xấu chỉ bị khiển trách nội bộ.
Bắc Kinh lợi dụng vụ Evergrande đang nổ bùng để làm lộ rõ nhiều manh mối tiền bạc và thế lực ở các địa phương mà chính Trung Ương cũng không biết. Nhưng nếu khủng hoảng trở thành nghiêm trọng và lây lan thì Bắc Kinh sẽ mạnh tay cô lập như vào dịp khủng hoảng tài chánh 2016 hay khủng hoảng dịch bệnh Vũ Hán 2020.
***
Tóm lại Bắc Kinh ngăn chận khủng hoảng bằng các biện pháp sau đây:
- Cấp Thời:
- ngăn chận chuyển tiền ra nước ngoài
- đóng cửa sàn giao dịch (nếu cần Bắc Kinh có thể cấm mua bán nhà trong 3 tháng để ổn định thị trường!)
- bưng bít thông tin
- Trung Hạn:
- chuyển nợ xấu về Trung Ương[3]
- trừng phạt riêng lẻ từng ngân hàng địa phương. Thí dụ trên sổ sách của một ngân hàng địa phương có nhiều nợ xấu thì riêng ngân hàng này phải chịu phân lời cao khi mượn tiền ngân hàng trung ương.
Bản hàng năm đánh giá thành tích cán bộ giờ đây có thêm hạng mục nợ xấu nhiều hay ít trong địa phương, cho dù là nợ từ các ngân hàng địa phương hay nợ không qua hệ thống ngân hàng (shadow banking[4].)
***
Câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc chỉ thanh toán nợ xấu trong Cấp Thời và Trung Hạn mà không thể giải quyết tận gốc ở Dài Hạn?
Cách nhìn dễ hiểu nhất là dùng thí dụ Trung Quốc đặt ra chi tiêu tăng trưởng 7% GDP[5]. Giả sử tăng trưởng thật (năng suất và tiêu dùng của quần chúng) chỉ 4% thì 3% GDP còn lại lấy đâu ra?
1. Thứ nhất là báo cáo láo 1.5% GDP.
2. Thứ hai là địa phương dùng hệ thống ngân hàng địa phương bơm tín dụng cho tăng trưởng giả 1.5% GDP (tức là đầu tư không sinh lời hay nợ xấu.) Bơm tiền vào địa ốc ăn vừa nhanh lại ngon nhất là khi các địa phương có quyền xử dụng đất đai “của toàn dân” cung cấp cho những công ty quốc doanh và tập đoàn thế lực cầm cố cho ngân hàng đẻ thành tín dụng.
3. Nhưng câu chuyện chưa kết thúc vì phải trừ thêm vào đó 1.5% GDP tín dụng đầu tư cho các công ty quốc doanh vay mượn không sinh lời như than đá, thép và xi măng.
4. Như vậy tổng số tín dụng (từ bong bóng địa ốc và các công ty quốc doanh không sinh lời) tăng lên 3% tức là gần bằng với tăng trưởng thật 4%!
Trong khoảng 1980-2000 khi Trung Quốc còn lạc hậu nên cần sắt thép, xi măng, than điện để xây cất nhà đất, hạ tầng và xí nghiệp nên khoảng đầu tư không sinh lời rất ít và bị che khuất bởi tăng trưởng thật 7-10% GDP mỗi năm. Nhưng đến nay khi GDP tăng trưởng chậm lại, nhu cầu hạ tầng và xây cất nhà đất giảm bớt thì nợ xấu mới lòi ra!
Như vậy tại sao Bắc Kinh không thúc đẩy tiêu thụ nội địa trong dân chúng tăng 3% thay vì nợ xấu đầu tư vào bong bóng đất đai và các công ty quốc doanh không sinh lời?
Thứ nhất, giá nhà tăng liên tục trong 30 năm đến nay chiếm 25-30% GDP và 80% tài sản các hộ gia đình Trung Quốc. Địa ốc tăng nhờ đầu tư tăng, nay cắt nguồn vốn khiến giá nhà sụp đổ tức là dân chúng nghèo đi và bất mãn. Bắc Kinh trong thế cỡi cọp không dám xuống.
Thứ nhì, cắt nguồn vốn từ đất đai tức là siết mạch máu các địa phương trước nay biến đất đai thành nguồn thu nhập để tăng trưởng.
Thứ ba, muốn tư nhân tăng tiêu thụ thì phải lên lương và nâng cao chi phí an sinh xã hội (để dân bớt để dành tiền lo bệnh hoạn, nuôi con và lúc về già) bằng cách bớt tín dụng và đánh thuế vào doanh nghiệp và các tập đoàn thế lực – chính sách lấy của nhà giàu phân phát cho nhà nghèo này đi ngược với mô hình tăng trưởng theo xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa từ thời Đặng Tiểu Bình.
***
Bắc Kinh có đủ uy lực, sắt thép và hữu hiệu để ngăn chận các khủng hoảng nhưng chỉ là các biện pháp vá víu ngắn và trung hạn. Nếu nợ xấu còn tăng dài hạn sẽ ra sao?
Tiếp tục đầu tư thì giá nhà còn tăng cho đến lúc bớt người mua, tập đoàn đầu tư thu vào không đủ để trả nợ thì sẽ vỡ nợ. Tâm lý thị trường ở Trung Quốc là ỷ lại (moral hazard) nhiều lần được nhà nước nhảy vào can thiệp không cho vỡ nợ nên sau đó giá nhà lại tăng. Nhiều người chờ giá nhà xuống để mua (good time to buy) nên giá nhà không thể tụt hạ.
Nhưng sẽ bớt người mua vì: (1) Trung Quốc đang tiến vào giai đoạn lão hóa (2) GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cho nên lương và tiết kiệm tăng chậm so với giá nhà tăng nhanh và quá cao
Nợ xấu tăng mải thì đến một lúc nào đó nhà nước sẽ gãy xương sống không gánh vác nổi. Liệu nhà cầm quyền có đủ uy lực và hà khắc để tiếp tục đè nén không cho khủng hoảng bùng nổ lây lan hay không chẳng ai biết. Ở Mỹ kinh tế trì trệ sau khủng hoảng; bên Nhật tuy không khủng hoảng nhưng kinh tế vẫn trì trệ; ở Liên Xô trước đây chưa bao giờ có khủng hoảng nhưng kinh tế cứ lụn bại. Cho nên ai cũng muốn thấy khủng hoảng bùng nổ như đi coi pháo bông nhưng đây không phải là dấu hiệu duy nhất cho kinh tế suy thoái.
Liệu suy thoái sẽ xảy đến nhanh hay chậm trong vòng 5 hay 10 năm nửa chẳng ai biết. Mỹ hiện cũng đang mang một núi nợ khổng lồ. Giữa Mỹ và Tàu hai gánh nợ gánh nào gảy trước nước kia sẽ là cường quốc số một vào thế kỷ 2021. Tàu có ưu thế sản xuất hàng hóa, Mỹ có ưu thế in tiền đô-la. Kinh Tế Dễ Hiểu tiên liệu trong khoảng 5-10 năm nửa sẽ có câu trả lời (nếu không sớm hơn trước cuối nhiệm kỳ Biden.)
[1] Dùng thí dụ Việt Nam: một gia đình ở Saigon thu nhập 30 ngàn USD nhưng căn nhà 500 ngàn USD so với một gia đình ở Mỹ thu nhập 100 ngàn USD nhưng căn nhà 300 ngàn USD, tức là dân Saigon tuy lương thấp nhưng giàu tài sản hơn dân Mỹ! Bù lại gặp khủng hoảng địa ốc thì thiệt hại nặng hơn ở Mỹ. Câu chuyện này đi sâu hơn nửa không còn dễ hiểu vì ở Mỹ mượn tiền mua nhà nên lúc khủng hoảng nhiều người bỏ nhà trong khi ở Việt Nam và Trung Quốc ít có chuyện bỏ nhà, cho nên thị trường địa ốc không thể sụp nhanh như ở Mỹ - Kinh Tế Dễ Hiểu xin dừng nơi đây.
[2] Với mức độ kiểm soát hiện thời Bắc Kinh có thể chận đứng một phong trào quần chúng trong nước không cho lây lan thành cách mạng chính trị như trường hợp Liên Xô và Đông Âu thập niên 1990 hay Cách Mạng Hoa Hồng và Hoa Nhài thập niên 2000.
[3] Nói cho cùng ở Mỹ cũng dùng các biện pháp tương tự nhưng màu mè hơn như vào năm 2007 Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ “bảo trợ” cho ngân hàng mạnh J.P. Morgan mua Bear Stearns; hay công hữu hóa hai đại tập đoàn địa ốc Fannie Mae và Freddie Mac năm 2008.
[4] Shadow banking tức là nợ không qua hệ thống ngân hàng nên không báo cáo về Ngân Hàng Trung Ương, gồm nợ tư nhân (A cho B mượn tiền), nợ từ các tập đoàn đầu tư (trust), v.v…
[5] Việt
No comments:
Post a Comment